PHẬT THUYẾT 


QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ KINH SỚ 


 

Ðời Lưu-Tống,

 Ngài-Cương Lương Gia-Xá 

 

Liên-Du

Hòa Thượng Thích Thiền-Tâm dịch



PHẦN LƯU THÔNG


 

Khi ấy Tôn giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật và thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Kinh này tên gọi là chi? Chúng con phải thọ trì pháp yếu này như thế nào?

Đức Phật bảo:

- Kinh này tên Quán Cực Lạc Quốc Độ Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát", cũng gọi là "Tịnh Trừ Nghiệp Chướng, Sanh Chư Phật Tiền." Ông nên như thế mà thọ trì, chớ để quên mất. Người tu môn tam muội này, hiện đời sẽ được thấy Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Ðại Sĩ. Nếu thiện nam thiện nữ nào chỉ nghe danh hiệu của đức Phật và hai vị Ðại Sĩ kia, còn trừ được tội trong vô lượng kiếp sanh tử, huống chi là tưởng niệm! Như có người nào niệm Phật, nên biết kẻ ấy chính là hoa phân-đà-lợi trong loài người. Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sẽ là thắng hữu của người ấy. Kẻ ấy sẽ ngồi nơi đạo tràng, sanh vào nhà chư Phật. Này A Nan! Ông nên ghi nhớ lời này, thọ trì lời này chính là thọ trì danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ.

Khi Phật nói lời ấy xong, hai tôn giả Mục Kiền Liên, A Nan, Vi Đề Hy phu nhơn cùng quyến thuộc thảy đều hoan hỷ.




Bấy giờ đức Thế Tôn bước trên hư không, trở lại núi Kỳ Xà Quật. Khi về đến nơi, Tôn giả A Nan lại vì đại chúng trùng tuyên việc ấy. Vô lượng chư thiên, long, dạ-xoa nghe lời của Phật nói, đều rất vui mừng, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi lui bước trở về.




Thọ trì là thế nào? Theo Luận Trí Độ: "Sức tin tưởng gọi là thọ, sức ghi nhớ gọi là trì." Kinh có hai danh đề, danh đề trước "Quán Cực Lạc Quốc Độ Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát", gọi tắt "Quán Vô Lượng Thọ", là muốn nói chánh báo để kiêm y báo, thuật hóa chủ để gồm đồ chúng. Danh đề sau "Tịnh Trừ Nghiệp Chướng, Sanh Chư Phật Tiền" ý nói sự diệt tội được vãng sanh là lực dụng của kinh. Phân-đà-lợi tức là hoa sen trắng. Câu "Thọ trì lời này chính là thọ trì danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ" là đức Thế Tôn vì lòng đại bi, mật ý đem môn Trì Danh Niệm Phật mà phú chúc cho người đời sau.

Kinh này có hai điểm lưu thông là nơi vương cung và núi Kỳ Xà Quật. Ngài A Nan trùng tuyên lại lời đức Phật, nên gọi "nghe lời của Phật nói."

Thiện Đạo đại sư khi xưa lúc sắp sớ giải kinh này, đã quì trước bàn Phật cầu xin gia bị, rồi tụng luôn ba biến kinh Mi Đà, niệm Phật ba muôn câu. Đêm ấy, ngài mộng thấy cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, Phật, Bồ Tát và Thánh chúng hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc thuyết pháp, hoặc đi kinh hành. Từ đó về sau, mỗi đêm trong giấc chiêm bao đều có một vị Tăng đến chỉ bảo về huyền nghĩa kinh Quán Vô Lượng Thọ. Sau khi bản thảo đã viết xong, trong bảy hôm, mỗi ngày đêm đại sư tụng kinh Mi Đà mười biến, niệm Phật ba muôn câu, sám hối quy mạng, cầu xin chứng minh. Đêm đầu thấy có ba cỗ xe tự chạy đi trên đường, bỗng có một người cỡi lạc đà trắng đến khuyên rằng: "Sư nên tinh tấn, đừng thối chuyển, cõi này nhơ ác khổ não, chớ nên tham đắm sự vui điên đảo vô thường." Đêm thứ hai, ngài thấy Phật A Di Đà thân sắc chân kim ngồi trên hoa sen nơi gốc cây báu, xung quanh có mười vị tăng cũng đều ngồi dưới bảo thọ. Trên cây báu chỗ Phật ngồi, có thiên y treo vây phất phơ rất đẹp. Sang đêm thứ ba, đại sư lại thấy hai cây trụ tuyệt cao, có treo tràng phan năm sắc, đường báu rộng rãi thênh thang. Những tướng như thế rất nhiều, đây chỉ là lược thuật.

Thế thì biết: Cõi báu chẳng không, kinh điển lưu truyền vẫn tại. Lòng thành có cảm, thoại trưng ghi chép còn đây. Chỉ thương người chấp lý, trệ không, cho là lời thí dụ. Lại tiếc kẻ theo tình quên tánh, uổng mất phước vãng sanh. Nhưng thôi, non cao nước chảy cũng đành chờ khách tri âm; đá cứng ngọc lành, âu hãy đợi người minh thức. Cõi mầu hằng tịnh, ai kẻ hữu duyên.


 

 

CHUNG



QUÁN CHÍN PHẨM VÃNG SANH CHUNG




VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT


Quang, thọ khó suy lường,

Sáng lặng khắp mười phương.

Thế Tôn Vô Lượng Quang,

Cha lành cõi Liên ban.

Thần lực chẳng tư nghì,

Sống lâu A tăng kỳ.

A-Di-Đà Như Lai,

Tiếp dẫn lên liên đài.

Cực Lạc cõi thuần tịnh,

Công đức lạ trang nghiêm.

Nơi tất cả quần sanh,

Vượt lên ngôi Bất thối.

Mười phương hằng sa Phật.

Đều ngợi khen Vô Lượng.

Cho nên nay chúng con,

Nguyện sanh về An Dưỡng.

 


NAM MÔ LIÊN TRÌ HẢI HỘI PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

 


BẠT NHỨT-THIẾT NGHIỆP-CHƯỚNG CĂN BỔN

ĐẮC SANH TỊNH-ĐỘ ĐÀ-RA-NI


 

NAM-MÔ A DI ĐA BÀ DẠ, ĐA THA DÀ ĐA DẠ, ĐA ĐIỆT DẠ THA.

A DI RỊ ĐÔ BÀ TỲ, A DI RỊ ĐA TẤT ĐAM BÀ TỲ, A DI RỊ ĐA TỲ CA LAN ĐẾ, A DI RỊ ĐA TỲ CA LAN ĐA, DÀ DI NỊ DÀ DÀ NA, CHỈ ĐA CA LỆ TA BÀ HA. 


(3 lần... hoặc 108 lần)

 


VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI CHÂN NGÔN


 

NAM MÔ RÁT NA TRA DẠ DA. 

NAM MÔ A RỊ DA.  A MI TÁ BÀ DA.  TÁT THA GA TÁ DA.  A RA HA TI.  SAM DẮT SAM BUÝT ĐÀ DA.  TÁT DA THA. 

UM !  A MI RỊ TI.  A MI RỊ TÔ NA BÀ VÊ.  A MI RỊ TÁ SAM BÀ VÊ.  A MI RỊ TÁ GA BÊ.  A MI RỊ TÁ SUÝT ĐÊ.  A MI RỊ TÁ SI TÊ.  A MI RỊ TÁ VI CA LĂN TÊ.

A MI RỊ TÁ VI CA LĂN TÁ GA MI NỊ.  A MI RỊ TÁ GÀ GA NA KY TI CA LI.  A MI RỊ TÁ LÔ ĐÔ VI SA PHẠ LI.  SẠT VA RỊ THÁ SA ĐÀ NI.  SẠT VA MA CA LI.  SA KHẤT SÁ DU CA LI.  SÓA HA.

 

UM! BÚT RUM!  HÙM!


(3 lần... hoặc 108 lần)




 HỒI HƯỚNG


Con nguyện lâm chung không chướng ngại,
A Di Đà đến rước từ xa.
Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu
Thế Chí kim đài trao đỡ gót.
Trong một sát na lìa ngũ trược,
Khoảng tay co duỗi đến liên trì.
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.
Nghe xong liền CHỨNG Vô Sanh Nhẫn,
Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự,
Con nguyện như thế Phật chứng tri.
Kết cuộc về sau được thành tựu.




NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT




CHUNG







10 X 108 = 1.080 


1.080 CÂU = 1 CHUỖI 108 MỚI GHI 1 ĐIỄM



Ký số niệm: Hành giả lấy mười câu làm một đơn vị, niệm xong 10 câu lần một hột chuỗi. Người hơi dài có thể niệm suốt. Như hơi ngắn thì chia làm hai đoạn, mỗi đoạn 5 câu. Cần phải niệm rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm lắng nghe, ghi nhớ từ 1 đến 10 câu. Vì còn sự ghi nhớ ấy, nên gọi là ký số.



Có lời khen rằng:


Hạ bối căn non, kém hiểu biết,

Ngũ nghịch, thập ác, gây nhiều nghiệp

Phá giới, phạm trai, trộm của Tăng,

Không tin Ðại Thừa, báng Chánh Pháp.


Lâm chung tướng khổ hội như mây,

Ưng đọa A Tỳ vô lượng kiếp.

Thiện hữu khuyên xưng niệm Phật danh

Di Đà hóa hiện tay vàng tiếp.


Mười niệm khuynh tâm đến bảo trì,

Luân hồi từ ấy thoát trường kỳ.

Mười hai đại kiếp hoa sen nở

Đại nguyện theo với tiếng đại bi.


Có kẻ lại nghi rằng: Cảnh Cực Lạc mầu đẹp trang nghiêm vô lượng, chẳng phải dùng ít nhân duyên căn lành phước đức mà được sanh về. Nhìn gẫm lại mình, căn lành phước đức còn sơ bạc, nghiệp chướng lại nhiều, mong gì đời này được duyên tốt vãng sanh?

 

- Xin kính khuyên quý vị ngàn muôn lần chớ nên nghi như thế. Bởi khi các vị lần chuỗi niệm Phật được, là căn lành phước đức đã sâu dày rồi. Thử nghĩ lại xem, trên thế gian này biết bao nhiêu kẻ không nghe được danh hiệu Phật? Biết bao nhiêu người tuy nghe hồng danh đức A Di Đà, nhưng mãi đoạt lợi tranh danh, đeo đuổi theo các điều trần nhiễm, không chịu niệm Phật? Nay các vị đã được nghe Phật pháp và chí tâm niệm Phật, há không phải là có căn lành phước đức lớn đó ư? Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật bảo Di Lặc Bồ Tát: "Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu đức Phật kia, vui mừng khấp khởi, cho đến một niệm, nên biết kẻ ấy được lợi lớn, đã đầy đủ phước đức vô thượng." Lời này đủ chứng minh: biết niệm Phật tức là đã có nhiều phước đức căn lành rồi. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có dẫn sự tích những người phạm tội cực ác như Trương Thiện Hòa, Hùng Tuấn, Duy Cung và loài súc sanh như chim bát kha, anh võ, chí tâm niệm Phật đều được vãng sanh. Phước đức căn lành của quý vị đã vượt xa hơn những người ác và loại súc sanh kia. Vậy cần chi phải e ngại là ngay trong đời này không được sanh về Cực Lạc!

 


TRƯƠNG THIỆN HÒA


Trương Thiện Hòa, người đời Đường, chuyên nghề giết trâu bò bán thịt. Khi sắp chết, ông thấy loài thú ấy kéo đến đầy nhà, nói tiếng người rằng: “Mi đã giết chúng ta, hôm nay phải đền tội!” Thiện Hòa kinh hãi, vội gọi vợ mau tới chùa gần bên, thỉnh chư tăng hộ trợ.

Giây phút, một vị tăng đến, bảo rằng: “Kinh nói: Nếu có chúng sanh nào tạo nghiệp chẳng lành, sắp đọa ác đạo, nên chí tâm niệm A Di Đà Phật mười hơi. Như thế, trong mỗi câu hồng danh sẽ trừ được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sống chết, liền được sanh về thế giới Cực Lạc!” Thiện Hòa nói: “Tướng hỏa xa ở địa ngục đã hiện tới rất gấp! Mau đem hương lại đây?” Rồi không kịp bưng lấy lư hương, sảng sốt tay trái bốc than lửa, tay mặt cầm hương đốt, xây mặt về Tây lớn tiếng niệm Phật. Trương vừa niệm hơn mười câu, bỗng reo lên nói: “Đức Phật A Di Đà hiện đến, đã trao tòa sen báu cho tôi!” Nói xong, liền qua đời.



HÙNG TUẤN


Sư Hùng Tuấn, họ Châu, người Thành Đô, giảng thuyết hay, nhưng không giới hạnh. Sau ông hoàn tục theo quân ngũ, rồi cạo tóc trở lại làm tăng. Xét bổn phận mình, sư cũng biết hổ thẹn ăn năn, nên thường niệm Phật.

Trong niên hiệu Đại Lịch đời Đường, Hùng Tuấn đau bịnh chết ngất, thần hồn xuống âm phủ. Diêm chúa quở trách, sai quỉ áp giải vào địa ngục. Sư kêu to lên rằng: “Trong Quán kinh nói: kẻ tạo tội ngũ nghịch, khi sắp chết niệm Phật mười niệm cũng được vãng sanh. Tôi tuy tạo tội, song không phạm ngũ nghịch, cứ theo công quả niệm Phật, đáng được sanh về Tịnh độ. Nếu chẳng thế, thì chư Phật trong ba đời đều thành vọng ngữ!” Nói xong chắp tay niệm Phật, bỗng thấy bảo đài ánh sáng hiện giữa hư không, Diêm chúa liền tha cho về để tiếp tục tu niệm.

Sau khi sống lại, Hùng Tuấn liền vào Tây Sơn chuyên tâm trì niệm. Được bốn năm, một hôm sư từ biệt đại chúng, ngồi chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.



DUY CUNG


Đời Đường, sư Duy Cung người ờ Kinh Châu, giới hạnh kém, thường uống rượu đánh bạc. Lúc rảnh cũng tụng niệm, hồi hướng cầu về An Dưỡng. Trong chùa có sư Linh Quy thường a dua bắt trước theo. Hàng lân lý thấy thế, đặt lời hát rằng: “Duy Cung tạo nghiệp dữ. Linh Quy là bạn lữ. Địa ngục muôn từng vào. Đừng trách chi quỉ sứ!”

Duy Cung nghe được, nói: “Mỗ tuy tạo tội, song nương nhờ Phật lực mười niệm vãng sanh, há lại đọa ác đạo ư?” Một hôm sư đau bịnh, Linh Quy có việc ra khỏi chùa, thấy hai thiếu niên, một vị tay cầm nhạc khí. Hỏi từ đâu đến, đáp rằng: “Chúng ta từ Tây phương tới đón rước Cung thượng nhơn!” Vị kia lấy trong áo ra một hoa sen, cánh hoa khép mở buông tỏa ánh sáng lạ. Cả hai hướng về chùa rảo bước.

Linh Quy đứng bồi hồi suy nghĩ, rồi vội vã trở lại chùa. Vừa đến cửa đã nghe tin Duy Cung mãn phần. Nhân đó sư cảm ngộ sám hối, chí thiết tu hành, sau thành một bậc danh đức.


CHIM ANH VÕ


Đời Đường, nhà họ Bùi ở Hà Đông có nuôi một con Anh võ. Vì trong kinh A Di Đà có nói đến loại chim nầy, nên Bùi thị thường dạy nó niệm Phật và phép tu Lục trai. Đến ngày trai kỳ, nếu quá ngọ có ai đem thức ăn đến, suốt buổi chim không ngó tới. Có kẻ bảo nó khi niệm Phật, phải từ nơi “có niệm” đến chỗ “không niệm”, thì chim ngước đầu dương cánh dường như nhận thức.

Đến sau thấy nó thường im lặng, có kẻ nói đùa: Anh võ không còn niệm Phật nữa, chim liền phát thanh xướng: Nam mô A Di Đà Phật. Khi mùa hè gió mát, lúc đêm vắng trăng trong, Anh võ thường cất giọng cao thấp hòa nhã, thanh thao như cung đàn tiếng sáo, niệm Phật liên tục không dứt. Mọi người nghe thấy đều khen ngợi và phát tâm cảm ngộ.

Tháng bảy, niên hiệu Trinh Ngươn, thứ mười chín, chim có vẻ tiều tụy ủ rũ. Bùi thị đã nuôi dưỡng quen, biết nó sắp chết, liền cầm khánh ra và bảo rằng: “phải chăng con sắp muốn về Tây phương? Vậy con hãy giữ chánh niệm, nương theo tiếng khánh mà niệm Phật!” Nói xong, liền đánh khánh niệm Nam mô A Di Đà Phật, Anh võ cũng niệm theo. Được một lát, chim xếp cánh đứng yên, an lành mà vãng sanh. Sau khi thiêu hóa xác nó, Bùi thị bới tro kiểm lại, được hơn mười hột Xá lợi. Quan Tiết đại sứ Vi Cao có viết truyện ký về chim Anh võ này.


 Đời nhà Minh, một thổ dân ở Lãnh Nam cũng có nuôi con chim Anh võ trắng, thường dạy nó tụng đọc. Mỗi buổi sáng sớm, chim đều tụng Bạch y thần chú, rồi kế tiếp niệm Thánh hiệu Quán Thế Âm. Nó cũng đọc thuộc bài Quy Khứ Lai Từ, phú Xích Bích, và nhiều thi hay của Lý Bạch. Nếu thời khóa sớm mai chưa xong, dù có ai đem thi văn ra dạy bảo, chim cứ tiếp tục trì niệm không nghe theo. Sau Anh võ cũng niệm Quán Âm rồi thoát hóa.



CHIM CÙ CÁP

 

Trong niên hiệu Nguyên Hựu đời Tống, một người quận Trường Sa có nuôi con chim Cù cáp (một loại giống như chim Cu, Bồ câu), và đặt tên nó là Bát Bát Nhi. Một hôm ngẫu nhiên nghe vị tăng niệm Phật, chim liền ứng thanh niệm theo. Nhà chủ liền đem nó tặng cho tăng sĩ ấy. Về chùa, chim niệm Phật từ sáng đến tối không dứt. Lâu ngày, Cù cáp chết, vị tăng đem xác nó chôn sau chùa. Vài hôm, nơi chỗ chôn có một cành hoa sen mọc lên. Bới đất tìm, thấy cọng sen phát xuất từ nơi mỏ chim. Một văn nhơn làm bài thi khen ngợi việc ấy rằng:

 

Có một linh cầm Bát Bát Nhi
Biết theo tăng dạy, niệm A Di
Chết chôn nơi đất sen lành mọc
Nghe chuyện người đời cũng nghĩ suy…!

 

Một vị tăng nơi chùa chánh Đẳng tại Hoàng Nham ở núi Thiên Thai, cũng có nuôi một con Cù cáp. Mỗi ngày vào thời khóa tụng, chim đều tùy theo chư tăng niệm Phật. Một hôm nó đứng chết trong lồng, vị tăng đem xác ra đào đất mà chôn. Vài ngày sau, từ nơi mỏ chim mọc lên một cành hoa sen màu tím vượt cao khỏi mặt đất. Đại Trí Luật sư làm bài kệ khen ngợi chuyện đó, trong ấy có hai câu:

 

Lòng son đứng hóa âu thường sự
Sen tím mọc lên mới diệu kỳ!






I. PHẦN TỰ


Comments

Popular posts from this blog