LAM
Niệm Phật Thập Yếu
Hòa
Thượng Thích Thiền-Tâm
Lời Phi Lộ
Bản thảo quyển này vừa viết xong, có vài ba đại đức hỏi mượn
luân phiên nhau xem, rồi cật vấn:
- Chúng tôi thấy chư vị hoằng dương về Thiền Tông, dường như có
ý bài xích Tịnh Độ. Chẳng hạn như trong quyển SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT có
câu: “Niệm Phật, tụng kinh đều là vọng tưởng”. Còn trong đây lại bảo: 'Môn Tịnh
Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo, Luật, Mật'. Xem ra
cũng dường như có ý cho Tịnh Độ là độc thắng, sự việc ấy như thế nào?
Đáp: - Không phải thế đâu? Mỗi môn đều có tông chỉ riêng. Các
bậc hoằng dương tùy theo chỗ lập pháp của mình, bao nhiêu phương tiện thuyết giáo
đều đi về những tông chỉ ấy. Như bên Thiền lấy: 'Chỉ thẳng lòng người, thấy
tánh thành Phật' làm tông chỉ. Tịnh Độ môn lấy: 'Một đời vãng sanh, được Bất
Thối chuyển' làm tông. Bên Hoa Nghiêm lấy: 'Lìa thế gian nhập pháp giới' làm
tông’. Thiên Thai giáo lấy: 'Mở, bày, ngộ vào tri kiến Phật' làm tông. Bên Tam
Luận lấy: 'Lìa hai bên, vào Trung Ðạo' làm tông. Pháp Tướng môn lấy: 'Nhiếp
muôn pháp về Chân Duy Thức' làm tông. Mật giáo lấy: 'Tam mật tương ưng, tức
thân thành Phật' làm tông. Và Luật môn lấy: 'Nhiếp thân ngữ ý vào Thi La Tánh'
làm tông.
Cho nên, lời nói bên Thiền ở trên, không phải bác Tịnh Độ, hay
bác niệm Phật tụng kinh, mà chính là phá sự chấp kiến về Phật và Pháp của người
tu. Nếu niệm Phật và tụng kinh là thấp kém sai lầm, tại sao từ Đức Thích Tôn
cho đến chư Bồ Tát, Tổ Sư đều ngợi khen khuyên dạy tụng kinh, niệm Phật? Nên
biết, Vĩnh Minh thiền sư, tương truyền là hóa thân của Phật A Di Đà, mỗi ngày
đều tụng một bộ Pháp Hoa. Lại, Phổ Am đại sư cũng nhân tụng kinh Hoa Nghiêm mà
được ngộ đạo. Sự thuyết giáo bên Tịnh Độ cũng thế, không phải bác phá Thiền
Tông, chỉ nói lên chỗ đặc sắc thiết yếu của bản môn, để cho học giả suy xét tìm
hiểu sâu rộng thêm, mà tùy thích tùy cơ, chọn đường thú nhập.
Lại, mỗi môn tuy tông chỉ không đồng, nhưng đều là phương tiện
dẫn chung về Phật Tánh. Như một đô thành lớn có tám ngõ đi vào, mà nẻo nào cũng
tập trung về đô thị ấy. Các tông đại khái chia ra làm hai, là Không môn và Hữu
môn. Không môn từ phương tiện lý tánh đi vào. Hữu môn từ phương tiện sự tướng
đi vào. Nhưng đi đến chỗ tận cùng thì dung hội tất cả, sự tức lý, lý tức sự,
tánh tức tướng, tướng tức tánh, nói cách khác: “Sắc tức là không, không tức là
sắc, không và sắc chẳng khác nhau”. Cho nên khi xưa có một vị đại sư tham Thiền
ngộ đạo, nhưng lại mật tu về Tịnh Độ. Lúc lâm chung, ngài lưu kệ phó chúc cho
đại chúng, rồi niệm Phật sắp vãng sanh. Một vị thiền giả bỗng lên tiếng hỏi:
“Cực Lạc là cõi hữu vi, sao tôn đức lại cầu về làm chi?” Đại Sư quát bảo: “Ngươi
nói vô vi ngoài hữu vi mà có hay sao?” Thiền giả nghe xong chợt tỉnh ngộ. Thế
nên Thiền và Tịnh đồng về một mục tiêu. Hữu môn cùng Không môn tuy dường tương
hoại mà thật ra tương thành cho nhau vậy.
Đến như nói: 'Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông
cả Thiền, Giáo, Luật, Mật', chính là lời khai thị của chư cổ đức như: Liên Trì,
Triệt Ngộ, Ngẫu Ích, Kiên Mật. Các đại sư này là những bậc long tượng trong một
thời, sau khi tham thiền ngộ đạo, lại xương minh về lý mầu của Tịnh Độ pháp
môn. Như Triệt Ngộ đại sư, trong tập Ngữ Lục, đã bảo: 'Một câu A Di Đà, tâm yếu
của Phật ta. Dọc quán suốt năm thời, ngang gồm thâu tám giáo'. Và Kiên Mật đại
sư sau khi quán sát thời cơ, trong Tam Đại Yếu, cũng bảo: “Đời nay tham thiền
chẳng nên không kiêm Tịnh Độ, phòng khi chưa chứng đạo bị thối chuyển, há chẳng
kinh sợ lạnh lòng? Một câu A Di Đà, nếu không phải là bậc thượng căn, đại
triệt, đại ngộ, tất không thể hoàn toàn đề khởi. Nhưng với câu này, kẻ hạ căn
tối ngu vẫn chẳng chút chi kém thiếu!” Thế nên, thuốc không quý tiện, lành bệnh
là thuốc hay; pháp chẳng thấp cao, hợp cơ là pháp diệu. Tịnh Độ với Thiền Tông
thật ra chẳng thấp cao hơn kém. Nhưng luận về căn cơ thì Thiền Tông duy bậc
thượng căn mới có thể được lợi ích; còn môn Tịnh Độ thì gồm nhiếp cả ba căn,
hạng nào nếu tu cũng đều dễ thành kết quả. Luận về thời tiết thì thời mạt pháp
này, người trung, hạ căn nhiều, bậc thượng căn rất ít nếu muốn đi đến thành quả
giải thoát một cách chắc chắn, tất phải chú tâm về Tịnh Độ pháp môn. Đây do bởi
lòng đại bi của Phật, Tổ, vì quán thấy rõ thời cơ, muốn cho chúng sanh sớm
thoát nỗi khổ luân hồi, nên trong các kinh luận đã nhiều phen nhắc nhở. Điều
này là một sự kiện rất quan yếu và hết sức xác thật!
Tuy nhiên, như trong kinh nói: chúng sanh sở thích và tánh dục có
muôn ngàn sai biệt không đồng, nên chư Phật phải mở vô lượng pháp môn mới có
thể thâu nhiếp hết được. Vì vậy Tịnh Độ tuy hợp thời cơ, song chỉ thích ứng một
phần, không thể hợp với sở thích của tất cả mọi người, nên cần phải có Thiền
Tông và các môn khác, để cho chúng sanh đều nhờ lợi ích, và Phật Pháp được đầy
đủ sâu rộng. Cho nên dù đã tùy căn cơ, sở thích của mình mà chọn môn Tịnh Độ,
thâm ý bút giả vẫn mong cho Thiền Tông và các môn khác được lan truyền rộng
trên đất nước này. Và các môn khác, nếu đem lại cho chúng sanh dù một điểm lợi
ích nhỏ nhen nào, bút giả cũng xin hết lòng tùy hỷ. Tóm lại, Hữu môn và Không
môn nói chung, Thiền Tông và Tịnh Độ nói riêng, đồng cùng đi về chân tánh, tuy
hai mà một, đều nương tựa để hiển tỏ thành tựu lẫn nhau, và cũng đều rất cần có
mặt trên xứ Việt Nam, cho đến cả thế giới.
Mấy vị đại đức sau khi nghe xong đều tỏ ý tán đồng. Nhân tiện,
bút giả lại trần thuật bài kệ của Tây Trai lão nhơn để kết luận, và chứng tỏ
người xưa cũng đã từng đồng quan điểm ấy:
Tức tâm là độ lý không ngoa
Tịnh khác Thiền đâu, vẫn một nhà!
Sắc hiển trang nghiêm miền Diệu Hữu
Không kiêm vô ngại cõi hằng sa
Trời Tây sáng đẹp màu châu ngọc
Nguyện Phật bao la đức hải hà
Ngoảnh lại đường tu, ai sớm tỉnh?
Nỗi thương ác đạo mãi vào ra!
THÍCH THIỀN TÂM
ĐỆ NHẤT YẾU
NIỆM PHẬT
PHẢI VÌ THOÁT SANH TỬ
Bắc
Phương Phật Giáo Với Nhân Duyên Tịnh Độ
Theo thông lệ ở Thiền môn Việt Nam, vào thời khóa đầu hôm, chư
Tăng Ni các Chùa đều tụng Kinh A Di Đà, tiếp theo niệm hồng danh của Tây Phương
Tam Thánh (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí). Và hàng Phật tử xuất gia hoặc tại gia, khi
gặp người đồng đạo, đều chắp tay chào mừng bằng “A Di Đà Phật”.
Pháp môn Niệm Phật, quả thật đã ứng hợp với thời cơ, với bản
hoài của Phật mà âm thầm đi sâu vào tiềm thức Phật tử Việt Nam. Chẳng những tại
đất nước này, mà ở Trung Hoa, Triều Tiên, nơi nào có Phật Giáo lưu hành, là nơi
đó hầu hết hàng Phật tử đều không quên câu niệm Phật. Phật Giáo đồ ở Nhật Bản
cũng có truyền thoại như sau: “Mật Tông và Thiên Thai Tông để cho hàng quý
phái, Thiền Tông cho võ sĩ đạo, và Tịnh Độ Tông cho hạng bình dân” Mà bình dân
là hạng chiếm đa số.
Xem thế thì biết ở các xứ Bắc Tông Phật Giáo, những người xưng
niệm danh hiệu Phật A Di Đà chiếm phần tối đa.
Nhưng tại sao lại có sự kiện như thế?
Những
Huyền Ký Về Tịnh Độ
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thích Tôn có lời huyền ký: “Đời
tương lai kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh
này (Vô Lượng Thọ Kinh) trong khoảng một trăm năm. Nếu chúng sanh nào gặp kinh
này, tùy ý sở nguyện, đều được đắc độ”(Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận,
ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bá tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư
kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ. - Vô Lượng Thọ Kinh).
Nơi Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn đã bảo: “Trong đời mạt pháp, ức ức
người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát
luân hồi” (Mạt pháp ức ức nhơn tu hành, hãn nhứt đắc đạo, chỉ y Niệm Phật pháp
môn, đắc liễu sanh tử. - Đại Tập Kinh).
Ngài Thiên Như thiền sư, sau khi đắc đạo cũng đã khuyên dạy: “Mạt
pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lưu bốn chữ A Di Đà Phật để cứu độ
chúng sanh. Nếu kẻ nào không tin, tất sẽ bị đọa địa ngục” (Mạt pháp chi hậu,
chư kinh diệt tận, chỉ lưu A Di Đà Phật tứ tự cứu độ chúng sanh. Kỳ bất tín
giả, ưng đọa địa ngục. – Thiên Như ký ngữ). Bởi đời mạt pháp về sau khi các
kinh đều ẩn diệt, chúng sanh căn cơ đã yếu kém, ngoài câu niệm Phật, lại không
biết pháp môn nào khác để tu trì. Nếu không tin câu niệm Phật mà tu hành, tất
phải bị luân hồi. Và trong nẻo luân hồi, việc lành khó tạo, điều ác dễ làm, nên
sớm muộn gì cũng sẽ bị đọa địa ngục.
Ấn Quang pháp sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa, cũng đã
bảo: “Thời mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm
Phật mà tu các pháp khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nơi
phần liễu thoát luân hồi trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức
hiện những kỳ tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ Tát nương theo bản
nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sanh đời mạt pháp, như trong Kinh Lăng
Nghiêm đã nói. Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sanh mà thị
hiện ngộ đạo chớ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ, tuy ít người
tu chứng được Niệm Phật Tam Muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện
lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà, mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây
Phương Cực Lạc. Khi về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không bị thối chuyển,
lần lần tu tập cho đến lúc chứng quả Vô Sanh.
Những lời huyền ký như trên cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật
rất hợp với nhân duyên thời tiết, và trình độ cãn cơ chúng sanh đời nay. Vì thế
đức Như Lai mới dùng nguyện lực bi mẫn lưu trụ Kinh Vô Lượng Thọ để khuyến hóa
về môn Niệm Phật. Lại, chư Bồ Tát, Tổ Sư cũng khởi lòng hoằng nguyện thương
xót, tùy theo thời cơ, chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ để cứu vớt chúng sanh.
Do những sức nguyện ấy, mà môn Tịnh Độ được phổ cập trong phần
đông quần chúng.
Sự
Chuyển Hướng Từ Thiền Sang Tịnh
Từ xưa, môn Thiền Trực Chỉ rất thạnh hành ở Trung Hoa, Triều
Tiên và Nhật Bản. Nước Việt Nam ta dân tánh giàu về trực giác, lại được ảnh
hưởng bởi Phật Giáo Trung Quốc, nên khi xưa Thiền Tông hầu như ở ngôi vị độc
tôn. Nhất là vào đời Lý, Trần, tăng ni có cả nửa thiên hạ và hầu hết đều tu
Thiền. Thời ấy Phật Giáo ở Việt Nam cực thạnh, nhiều cảnh già lam tăng chúng
vân tập rất đông. Bởi thế nên mới có lời truyền ngữ: “Tăng phòng tam thiên ốc,
sái tảo thất thập phu”. Câu này nói lên sự hưng thạnh của Phật Giáo bấy giờ qua
ý nghĩa: “Phòng chư tăng nhiều tới ba ngàn gian, mỗi buổi sáng phải dùng đến
bảy mươi người mới quét dọn kịp”.
Nhưng cơ duyên cũng theo thời mà chuyển biến. Ở Trung Hoa từ đời
Tống về sau, chư tôn túc như các ngài: Nhất Nguyên, Thiên Như, Ngẫu Ích, Triệt
Ngộ, Liên Trì... sau khi tham ngộ Thiền Tông, quán xét thời cơ, vì lòng thương
xót lợi sanh, hết sức hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Sự lần lần chuyển hướng từ
Thiền sang Tịnh khởi sanh từ lúc đó. Khi ấy có rất nhiều vị thiền đức khác tuy
bề ngoài truyền bá tông Thiền, nhưng bên trong lại mật tu Tịnh Độ, để bảo đảm
không thối đọa. Đây có thể gọi là thời kỳ Thiền Tịnh song hành. Cho nên trong
một ngôi chùa trước kia chỉ có Thiền Đường, bây giờ lại thêm Niệm Phật Đường để
cung ứng cho chư tăng tu tập. Bắt đầu từ đời Nguyên, Minh, Thanh về sau, thế
lực của Thiền Tông lần suy kém, bởi ít người tu chứng. Trái lại, môn Niệm Phật
lại lần chiếm ưu thế, tăng tục nhiều kẻ tu Tịnh Độ được vãng sanh. Bây giờ tuy
Thiền Tông vẫn lưu hành, nhưng trên thật tế chính là thời kỳ Tịnh Độ đã
nắm quyền hướng dẫn. Bởi ảnh hưởng đó mà ở Việt Nam, môn Niệm Phật hầu
như phổ cập. Sau này do ảnh hưởng của sự chấn hưng Phật Giáo trong nước và sự
hoằng hóa của chư Tăng Ni du học từ Nhật Bản và các xứ Nam Tông Phật Giáo trở
về, Thiền Tông Việt Nam có lẽ sẽ tái phục. Nhưng sự thật phần đông hành giả duy
hợp tu về Giáo như Chỉ Quán Thiền, hoặc Tứ Thiền Bát Định, chớ khó nỗi tham cứu
thoại đầu thật hành môn Thiền Trực Chỉ của bên Tông như thuở xưa.
Có kẻ bảo: Căn tánh của ta vị tất chẳng bằng cổ nhơn, chỉ tại ta
tự khinh nên không cố gắng. - Sự tự lực cố gắng tuy lúc nào cũng đáng khuyến
khích, nhưng lời này thật ra không đúng. Nếu căn tánh phần đông chẳng kém, tại
sao Phật nói có ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp? Và tại sao
trong các kinh khác cũng nói đến năm thời kiên cố, từ Chánh Pháp Kiên Cố cho
đến Đấu Tranh Kiên Cố? Vả lại, tam tạng kinh điển thời nay tăng thêm nhiều và
đầy đủ hơn xưa, tại sao người tu chứng tuyệt ít? Có phải do thời nay căn cơ của
quần chúng phần đông đều yếu kém chăng?
Ấn Quang đại sư bảo: “Như mùa Hạ mặc áo vải, mùa Ðông mặc áo
bông; sự tu hành cũng thế, không thể trái thời tiết cơ duyên được. Dù đức Đạt
Ma tổ sư tái hiện ngay lúc này, nếu muốn hợp thời cơ để cứu độ chúng sanh mau
được giải thoát, cũng không có pháp nào hơn môn Niệm Phật”. Thế nên nếu thuyết
pháp không hợp cơ, tất chúng sanh bị chìm trong biển khổ (Thuyết pháp bất đậu
cơ, chúng sanh một khổ hải). Kính khuyên các bậc đồng nhơn, tuy tu môn khác,
cũng nên lấy Tịnh Độ làm chỗ chỉ quy. Còn như nếu thấy mai trắng chẳng kém cúc
vàng, bút giả cũng xin hết lòng tùy hỷ!
Niệm
Phật Thế Nào Mới Hợp Với Bản Ý Của Phật?
Như trên đã
nói, ở các xứ thuộc Bắc Phương Phật Giáo, người niệm danh hiệu
Phật A Di Đà chiếm phần tối đa. Riêng tại Việt Nam, trong hàng tăng, tín chẳng
những có nhiều người tu theo pháp môn Niệm Phật, mà một vài giáo phái tuy không
phải đạo Phật, nhưng họ cũng niệm hồng danh đức giáo chủ ở Tây
Phương. Song xét ra, số người niệm Phật tuy nhiều mà kẻ không rõ mục
đích của sự trì niệm cũng chẳng ít. Vì vậy sự niệm Phật của
họ không hợp với bản ý của đức Thế Tôn. Thử kiểm điểm lại, ta
sẽ thấy:
Có những vị đi chùa
thấy người niệm Phật cũng bắt chước niệm theo, hoàn toàn không chủ định.
Hành động này tuy cũng gieo căn lành phước đức về sau, nhưng không hợp với
bản ý của Phật.
Có những vị niệm
Phật nguyện cho tiêu tai khỏi nạn, cầu gia đình khỏe mạnh bình yên, việc sinh
hoạt càng ngày thêm thạnh vượng. Nguyện cầu như thế cũng tốt, nhưng
không hợp với bản ý của Phật.
Có những vị đời sống
gặp nhiều cảnh không vừa ý, sanh nỗi u buồn phẫn chí, niệm Phật cầu cho mình
hiện tại và kiếp sau không còn gặp cảnh ấy nữa, sẽ được xinh đẹp vinh
hoa, mọi việc đều thuận lợi như ý. Cầu như thế cố nhiên vẫn
tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.
Có những vị cảm
thấy cuộc sống trần gian không điều chi hứng thú, cho sang giàu quyền
thế cũng còn nhiều lo lắng khổ tâm. Họ hy vọng dùng công đức
niệm Phật để kiếp sau được sanh lên cõi trời, sống lâu nhàn vui
tự tại. Cầu như thế cũng là điều tốt, nhưng không hợp với bản ý
của Phật.
Lại có những vị, nghĩ
mình tội chướng đã nhiều, trong một kiếp này dễ gì giải thoát, nên niệm
Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, xuất gia tu hành, làm bậc cao
tăng ngộ đạo. Cầu như thế có thể gọi là xuất cách, nhưng còn
thiếu trí huệ và đức tin, cũng không hợp với bản ý của Phật.
Vậy niệm Phật
thế nào mới hợp với bản ý của Phật?
Đức Thế Tôn thấy rõ
pháp hữu vi đều vô thường, tất cả chúng sanh vẫn sẵn đủ đức tướng trí
huệ của Như Lai, nhưng do bởi mê bản tâm nên tạo ra nghiệp hoặc, mãi
chịu sống chết luân hồi. Dù cho được sanh lên cõi trời, khi hưởng hết phước
rồi, cũng bị sa đọa. Vì thế, bản ý của đức Thế Tôn muốn cho chúng
sanh do nơi pháp môn Niệm Phật, sớm thoát khỏi khổ sanh tử luân hồi.
Chư Phật trong
nhiều a tăng kỳ kiếp đã từng huân tu phước huệ, nếu kẻ nào xưng niệm hồng
danh của Như Lai, sẽ được vô lượng vô biên công đức. Lại, đức A Di Đà
Thế Tôn đã lập thệ: “Nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài cầu
về Cực Lạc, kẻ ấy khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương,
chứng lên ngôi Bất Thối chuyển”. Đem công đức vô lượng của sự Niệm Phật,
mong cầu những phước lợi nhỏ nhen ở cõi người, cõi trời mà không
cầu vãng sanh giải thoát có khác chi trẻ thơ đem hạt châu ma ni vô
giá đổi lấy viên kẹo để ăn? Như thế thật là phí uổng không xứng
đáng chút nào! Lại nguyện lực của Phật rất lớn, người nào nghiệp chướng dù nặng
mà chí tâm niệm Phật ngay một đời nầy cũng được tiếp dẫn vãng sanh. Cầu đời sau
làm cao tăng ngộ đạo, là thiếu trí huệ và đức tin, làm sao bảo đảm
bằng hiện đời sanh về Tây Phương, thành bậc Bồ Tát ở ngôi
Bất Thối Chuyển? Cho nên bản ý của đức Thế Tôn là muốn cho chúng sanh niệm
Phật để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, và sự giải
thoát ấy lại có thể thật hiện ngay trong một kiếp.
Nhưng tại sao chúng ta
cần phải thoát vòng sống chết luân hồi?
Đó là
vì ở trong nẻo luân hồi chúng ta xác thật đã chịu nhiều nỗi thống
khổ lớn lao. Nếu người học Phật mà không để tâm như thật quán
sát nỗi thống khổ ấy, thì dù học Phật cũng không được kết quả tốt,
bởi không có tâm lo sợ cầu thoát ly. Kinh nói: “Nếu tâm lo sợ khó
sanh, tất lòng thành khó phát”. Đức Thế Tôn khi xưa thuyết pháp
Tứ Diệu Đế cho năm người nhóm ông Kiều Trần Như, trước tiên đã nói
về Khổ Đế, vẫn không ngoài ý này. Vậy chúng ta thử y theo thuyết
Khổ Đế của đức Phật đã chỉ dạy, mà quán sát nỗi thống
khổ của kiếp người. Như thế ta sẽ có được một quan niệm rõ
hơn: “Tại sao mình lại cần phải mau thoát vòng luân hồi sanh tử?”.
Tám
Mối Khổ Lớn
1.- Sanh
2.- Lão
3.- Bịnh
4.- Tử
5.- Ái Biệt Ly
6.- Oán Tắng Hội
7.- Cầu Bất Đắc
8.- Ngũ Ấm Thạnh
Trong Khổ Đế của đức Thế
Tôn thuyết minh, có tám điều. Nỗi khổ của kiếp người vẫn vô cùng, mà tám điều
này giữ phần cương lãnh.
Điều thứ nhất là Sanh
Khổ, tức chỉ cho nỗi khổ trong cái sanh. Loài người khi ở trong thai
đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh
vào, cảm thấy như ở trong giá băng; lúc ăn thức nóng vào, cảm thấy như bị nung
đốt. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp tối tăm nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu
khóc oa oa. Rồi từ đó khi lạnh, nóng, đói, khát, muỗi kiến cắn đốt, chỉ biết
kêu khóc mà thôi. Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy, nên Ngài xác
nhận là khổ. Nếu như Sanh không khổ thì khi lọt lòng trẻ đã chẳng kêu khóc oa
oa. Vì thế, cổ đức đã than:
Vừa khỏi bào thai lại
nhập thai.
Thánh nhơn trông thấy
động bi ai!
Huyễn thân xét rõ toàn
nhơ nhớp.
Thoát phá mau về tánh
bản lai.
Điều thứ hai là Lão
Khổ, tức sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già rồi,
các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn thấy kém ngon,
ngủ không thẳng giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng lần lần
đau nhức, chuyển rụng. Dù cho bực thanh niên tuấn nhã, hay trang thiếu nữ tiên
dung, khi đến tuổi này âu cũng:
Bao vẻ hào hoa đâu thấy
nữa.
Một thân khô kiệt nghĩ
buồn tênh!
Lắm kẻ tuổi già lờ lẫn,
khi ăn mặc, lúc đại tiểu đều nhớp nhơ, con cháu dù thân, cũng sanh nhàm chán.
Kiếp người dường như kiếp hoa, luật vô thường chuyển biến khi đã đem đến cho
hương sắc, nó cũng đem đến cho vẻ phai tàn. Xét ra cái già thật không chi vui,
thân người thật không chi đáng luyến! Vì thế đức Phật mới bảo: già là khổ!
Điều thứ ba là Bịnh
Khổ, tức sự khổ trong cơn đau yếu. Có thân là có bịnh, từ
những thứ bịnh nhẹ thuộc ngoại cảm, đến các chứng bịnh nặng của nội thương. Có
người vướng phải những bịnh nan y như: lao, cùi, ung thư, bại xuội. Trong cảnh
ấy, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém hoặc không có tiền thuốc thang, chính mình
bị khổ lụy, lại gây thêm khổ lụy cho người quyến thuộc. Đó là trên khổ mà gia
thêm khổ! Nỗi khổ về bịnh là sự hiển nhiên, chúng ta rất dễ nhận thức.
Điều thứ tư là Tử
Khổ, tức sự khổ trong lúc chết. Mọi người đều muốn sanh
thuận, tử an, nhưng việc ấy rất khó được, mà khi chết phần nhiều sắc thân lại
bị bịnh khổ hành hạ đau đớn.
Thân đã như thế, tâm thì
hãi hùng lo sợ, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn rầu phải lìa bỏ thân nhơn,
muôn mối dập dồn, quả thật là khổ. Đề cập đến chữ Chết mấy ai đã muốn nghe, nói
chi là ưa thích.
Điều thứ năm là Ái
Biệt Ly Khổ, tức sự khổ khi xa lìa người thân yêu. Điều này trong hoàn
cảnh chiến tranh, ta càng thấy rõ. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người
Nam. Biết bao thanh niên phải dấn thân nơi trận mạc, người ở nhớ thương, kẻ đi
sầu thảm. Đó chỉ là cái khổ sanh ly. Lại biết bao kẻ tuổi hãy còn xuân, tử thần
cướp đi người yêu quý, phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ. Rồi lại những kẻ cha mẹ, anh
em, con cái bị đạn bom tử nạn. Còn biết bao trẻ em quyến thuộc đều chết, thiếu
tình thân mật, sống vất vưởng nơi làng cô nhi! Ðây là nỗi khổ về tử biệt. Cho
nên trong thời buổi này, biển nhớ sông thương đã sâu dài, mà núi hận trời sầu
cũng cao rộng! Cảnh sanh ly tử biệt với người thân yêu, quả thật là khổ!
Điều thứ sáu là Oán
Tắng Hội Khổ, tức sự khổ về oan gia hội ngộ. Bị những kẻ đối nghịch thù
oán ở gần bên gièm pha nói xấu, phá phách mưu hại, làm cho ta phải bực tức khó
nhẫn, lo sợ không yên, là một điều khổ. Lại còn nhiều gia đình, cha mẹ anh em
hoặc vợ chồng không đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi giận ghét buồn phiền
lẫn nhau. Đó khác nào sự gặp gỡ trong oan gia, đâu có chi là hạnh phúc!
Điều thứ bảy là Cầu
Bất Đắc Khổ, tức sự khổ về mong cầu không toại ý. Trong đời sống, con
người có rất nhiều ước vọng mong cầu. Đại khái như nghèo muốn cho giàu, xấu
muốn cho đẹp, không con muốn cho có con, có con muốn cho nó nên người thông
minh hiếu thuận. Ngàn muôn ước vọng như thế, cầu mong mà không toại ý, đó là
nỗi khổ.
Điều thứ tám là Ngũ Ấm
Thạnh Khổ, tức sự khổ về năm ấm hừng thạnh. Năm ấm là: sắc, thọ, tưởng,
hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm. Nói một cách đơn
giản: Đây tức là sự khổ về thân, tâm. Điều thứ tám này bao quát bảy món khổ
trước: thân thì sanh, già, bịnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn;
tâm thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy. Khi xưa thái tử Sĩ Đạt Ta
dạo chơi bốn cửa thành thấy cảnh già - bịnh - chết, Ngài là bậc trí lự sâu xa, cảm
thương đến nỗi khổ của kiếp người, nên bỏ hoàng cung tìm phương giải thoát.
Trái lại, những kẻ trí tánh dung thường, xét nghĩ cạn cợt, không biết suy tư về
cái khổ, nên hằng lấy khổ làm vui.
Có kẻ, nếu nói Sanh là
khổ; họ bảo: “Khi sanh ra tôi không biết chi, nên chẳng thấy khổ!” Nếu nói
Già là khổ; họ bảo: “Hiện tại tôi chưa già!” Nếu nói Bịnh là khổ; họ bảo: “Từ
trước tới giờ tôi thường khoẻ mạnh, rất ít đau yếu, nếu có bịnh cũng chỉ xoàng
thôi, không thấy chi là khổ!” Nếu nói Chết là khổ; họ bảo: “Cái chết chưa đến,
biết đâu đó như là một giấc ngủ yên?” Nếu nói Thương chia lìa là khổ; họ bảo:
“Gia quyến tôi vẫn đoàn tụ vui vẻ, không có sự biệt ly!” Nếu nói Oán gặp gỡ là
khổ; họ bảo: “Tôi đâu có làm gì để ai oán ghét mưu hại?” Nếu nói Cầu không được
là khổ; họ bảo: “Cuộc sống của tôi đầy đủ như ý, không cầu mong cầu chi
khác”.
Thế thì kẻ ấy không có
khổ ư?
- Họ có khổ, tức là là
sự khổ về năm ấm, hay thân tâm đều sung thạnh.
Thân tâm cường kiện sung
thạnh sao lại khổ?
- Chúng ta thử xem trên
xã hội này, những án như: bắn giết, cướp bóc, hiếp dâm, đánh chém nhau. Các án
tích ấy, một phần do hạng người nhàn rỗi, thân tâm quá sung mãn đầy đủ, họ bị
những kích thích về tâm lý, sinh lý, ngồi đứng không yên, vô sự sanh sự, gây
nên những việc hung tàn. Như hiện nay từ Âu Mỹ đến Việt Nam, rất nhiều kẻ sống
theo trào lưu cuồng loạn, say đắm theo rượu mạnh, nhảy nhót, hút cần sa hoặc
chích ma túy, dâm dật, buôn lậu, ưa vũ thoát y hoặc nhạc kích động, ăn
chơi đủ cách, cho đến thích nguy hiểm, bạo hành. Thân và Tâm của họ không yên,
như ngọn lửa phừng cháy gây nên nhiều lỗi lầm tội ác, để rồi phải chịu khổ. Đó
chính là cái khổ “Năm ấm hừng thạnh”.
Tám điều trên đây gọi là
Bát khổ. Tám món khổ này chỉ là đại cương, nội dung của nó còn bao gồm nhiều
mối khổ khác. Chúng ta thử quán sát mình và người, phải chăng đã chịu ít nhiều
trong Bát khổ?
Người học Phật nếu biết
suy tư đến tám mối khổ lớn của nhơn sanh, có thể gọi là đã đến gần với đạo vậy.
Quán
Về Sự Khổ Luân Hồi
Chúng sanh hết kiếp này
sang kiếp khác sống chết luân hồi, xuống lên trong sáu cõi. Đó là: cõi trời,
cõi người, cõi A Tu La, cõi bàng sanh, cõi ngạ quỷ, và cõi địa ngục. Bát khổ
tuy các loài khác cũng có ít nhiều, nhưng nó là trọng tâm của nỗi khổ ở cõi người.
Cõi trời tuy vui vẻ hơn nhơn gian, nhưng cũng còn tướng ngũ suy và những điều
bất như ý. Cõi A Tu La bị sự khổ về gây gổ, tranh đua. Cõi bàng sanh như loài
trâu, bò, lừa, ngựa bị sự khổ chở kéo nặng nề. Loài dê, lợn, vịt, gà, thì bị sự
khổ về banh da xẻ thịt. Các loài khác chịu sự khổ về ngu tối; nhơ nhớp ăn nuốt
lẫn nhau. Ở cõi ngạ quỷ chúng sanh thân thể hôi hám xấu xa, bụng lớn như cái
trống, cuống họng nhỏ như cây kim, miệng phực ra lửa chịu đói khát trong ngàn
muôn kiếp. Còn cõi địa ngục thì vạt dầu, cột lửa, hầm băng giá, non gươm đao,
sự thống khổ không thể tả xiết. Bốn cõi rốt sau này, trong kinh gọi là Tứ Ác
Thú. Từ cõi A Tu La, theo chiều xuống, nỗi khổ ở mỗi cõi cứ tuần tự gấp bội hơn
lên. Trong sáu cõi, chúng sanh sống chết xoay vần hết nơi này đến nơi kia, như
bánh xe chuyển lăn không đầu mối. Đại khái sanh lên cõi trời cõi người thì khó
và ít, đọa xuống Tứ Ác Thú rất dễ và nhiều. Người xưa đã than:
Lục đạo xoay vần không
mối hở.
Vô thường xô đến vạn
duyên buông!
Khi còn tại thế, một hôm
đức Phật dùng móng tay vít lên chút đất, rồi hỏi A Nan: “Đất ở móng tay ta sánh
với đất ở miền đại địa, cái nào nhiều hơn?”Ngài A Nan đáp: “Bạch Thế Tôn! Đất
của miền đại địa nhiều hơn đất của móng tay vô lượng phần không thể thí dụ!”
Phật bảo: “Cũng thế, A Nan! Chúng sanh sanh lên cõi trời người, như đất ở móng
tay, đọa xuống ác thú, như đất của miền đại địa!” Thí dụ trên là những tiếng
chuông mai để cho người tu xét suy tỉnh ngộ.
Nhiều kẻ không tin thiên
đường, địa ngục, nhưng các cõi ấy xác thật là có, trong kinh đức Phật đã chỉ
bày rành rẽ, chỉ vì mắt phàm không thấy biết mà thôi. Gần đây nhật báo có đăng
nhiều chuyện thuộc phần siêu linh, chẳng hạn như việc ông Hai Huệ bị bắt xuống
âm ty. Lại cô Ba Cháo Gà ở chợ Vòng Nhỏ tại Định Tường cũng tường trình việc
hình phạt ở âm phủ trong quyển Địa Ngục Ký. Đây có lẽ là chư Thiện Thần vì thấy
người trần thế chìm trong biển tham sân si, nên dùng quyền cơ đưa người xuống
địa ngục, để khi trở về nhơn gian thuật lại cho quần chúng biết đường tội
phước, mà dứt dữ làm lành.
Tóm lại, ba cõi đều vô
thường, các pháp hữu vi không có chi là vui (Tam giới giai vô thường. Chư hữu
vô hữu lạc - Kinh Pháp Hoa). Người niệm Phật phải cầu sanh về Tây Phương để
thoát vòng sống chết luân hồi; lần lần tu chứng đến cảnh thường, lạc, ngã, tịnh
của Niết Bàn, chớ không nên cầu sự phước lạc hư giả ở thế gian. Niệm Phật như
thế mới hợp với mục đích giải thoát, với tâm từ bi cứu khổ ban vui của đức Thế
Tôn. Và muốn được như vậy hành giả phải thường quán sát suy tư về Bát Khổ của
kiếp người cho đến nỗi khổ vô tận vô biên trong sáu cõi. Nếu chẳng quán như
thế, thì tâm cầu giải thoát khó sanh, ý nguyện về Tây Phương không thiết, làm
sao ngày kia bước lên bờ Giác, dùng con thuyền Bát Nhã độ khắp bến mê? Khi xưa
đức Phật đã than: “Trong đời mạt pháp, các đệ tử ta chỉ đeo đuổi theo bên
ngoài, ít ai quan niệm đến vấn đề sanh tử!” Không tha thiết đến sự liễu thoát
sanh tử là vì thiếu tri giác, do bởi không thiết thật quán xét nỗi khổ trong
kiếp luân hồi. Những người này chẳng những phụ ơn Phật, mà cũng phụ cả chính
mình, thật đáng tiếc thương đau xót!
Muốn
Sớm Thoát Khổ,
Nên Tu
Tịnh Độ
Nhiều vị học Phật, vì ưa
chuộng huyền lý cao siêu, cho môn Niệm Phật là của ông già bà cả, hạng căn cơ
thấp kém. Nhưng họ đâu biết Tịnh Độ là cửa mầu thâm diệu đi sâu vào Phật tánh,
là con thuyền chí bảo để mau thoát khỏi luân hồi. Cho nên có những bậc thượng
căn vì chưa nhận thức Tịnh Độ, mà mãi bị trầm trệ trong nẻo mê tân. Và có kẻ
căn tánh chỉ tầm thường, nhưng do tu Tịnh Độ mà sớm bước lên đường giải thoát.
Xin thuật ra đây đôi chuyện để chư học giả so sánh.
Đời Đường bên Trung Hoa,
nơi chùa Hương Sơn đất Lạc Dương có sư Thích Giám Không. Sư nguyên tục tánh họ
Tề, người ở Ngô Quận. Thuở còn nhỏ ông nghèo khổ, tuy học hành siêng năng nhưng
ít ghi nhớ. Lớn lên, ưa làm thi văn song chỉ tầm thường. Ông hay đi lại vùng
Ngô, Sở yết kiến hàng hầu bá, nhưng không được sự giúp đỡ bao nhiêu. Khi có
tiền đầy xâu thì sanh đau yếu, tiền hết bịnh mới lành.
Đầu niên hiệu Nguyên
Hòa, ông dạo chơi xứ Tiền Đường, gặp năm mất mùa, nghĩ đến chùa Thiên Trúc để
cầu thực. Nhưng vừa đi tới phía tây Cô Sơn Tự, ông đói quá không thể tiến bước
nổi, liền lại ngồi bên bờ suối tuyết, rơi lệ ngâm vài câu bi phẫn. Thoạt có vị
Phạn tăng theo dòng suối đến ngồi nhìn ông mỉm cười hỏi: “Pháp Sư đã nếm đủ
hương vị lữ du chưa?” Ông đáp: “Hương vị lữ du có thể gọi đã nếm đủ, nhưng bỉ
nhơn tục danh là Quân Phòng, đã từng làm pháp sư đâu?” Phạn tăng nói: “Ông
không nhớ lúc giảng kinh Pháp Hoa ở chùa Đông Đức hay sao?”- Đáp: “Tôi từ khi
sanh thân đến nay đã bốn mươi lăm tuổi, hằng bàng hoàng nơi vùng Ngô, Sở, chưa
từng để bước đến kinh đô, đâu lại có chuyện giảng kinh ở miền Lạc Trung như
thế?” Phạn tăng bảo: “Chắc ông bị lửa đói thiêu đốt, nên quên cả việc xưa rồi!”
Nói xong, liền lần trong đãy lấy ra một quả táo lớn ước bằng nắm tay, trao cho
và bảo: “Quả táo này sản xuất ở nước của ta, bậc thượng trí ăn vào biết rõ việc
quá khứ vị lai; người hạ căn cũng có thể nhớ được chuyện kiếp trước”. Ông tiếp
lấy quả táo ăn xong, vốc nước suối uống, thoạt mờ mệt muốn ngủ, liền tựa đầu,
gối vào đá mà nằm. Giây phút tỉnh dậy, nhớ tiền thân làm pháp sư giảng kinh,
cùng những bạn đồng tu, rõ rệt như việc ngày hôm qua, nhân rơi lệ hỏi rằng:
“Chấn Hòa Thượng bây giờ ở đâu?” Phạn tăng đáp: “Công chuyên tinh chưa tới mức,
nên chuyển sanh làm vị tăng ở đất Tây Thục, nay cũng đã dứt được vọng duyên”.
Lại hỏi: “Thần thượng nhơn và Ngộ pháp sư hiện thời ra sao?” Đáp: “Thần thượng
nhơn túc duyên trả chưa xong. Còn Ngộ pháp sư bởi đứng trước tượng đá Chùa
Hương Sơn phát nguyện giỡn: “Nếu kiếp này tu không chứng đạo, thân sau nguyện
là bậc quý thần”, nên hiện đã sanh làm Đại Tướng. Trong năm người bạn vân thủy
khi xưa, duy ta được giải thoát, ba vị kia thì như thế, riêng ngươi còn đói khổ
nơi đây!” Ông thương khóc nói: “Tôi kiếp trước hơn bốn mươi năm, ngày chỉ ăn
một bữa, thân duy đắp một y, việc phế tục quyết dứt căn nguyên, cớ sao còn kém
phước để đến nỗi hôm nay phải ra người đói khổ?” Phạn tăng đáp: “Khi xưa ông
ngồi trên pháp tòa hay nói nhiều việc dị đoan, khiến cho thính chúng sanh lòng
nghi hoặc, lại giới hạnh còn có chỗ kém khuyết, nên phải bị báo ứng như hôm
nay”. Nói đoạn, lấy trong bát ra một chiếc gương hai bề đều trong suốt, bảo
rằng: “Việc đã qua ta không làm sao hơn được, nhưng ông muốn biết số phận sang,
hèn, thọ, yểu về tương lai, cho đến việc đạo pháp hưng, suy, nên nhìn vào sẽ
rõ”. Ông tiếp lấy gương xem hồi lâu rồi giao lại tạ rằng: “Sự báo ứng, lẽ vinh
khô, nhờ ơn đức của Ngài, nay đã biết được”. Phạn tăng cầm gương cất vào bát,
nắm tay ông cùng đi, độ mười bước liền biến mất.
Đêm ấy, ông vào chùa
Linh Ẩn xin xuất gia, hiệu là Giám Không, sau khi thọ giới Cụ Túc liền đi du
phương tu hành, sự khổ tiết, cao hạnh ai cũng khen ngợi. Về sau Giám Không
thiền sư gặp ông Liễu Sính ở chùa Thiên Trúc, tự trần thuật tiền nhân và bảo:
“Tôi sống được bảy mươi bảy, tăng lạp ba mươi hai, nay chỉ còn chín năm nữa là
thọ số mãn. Sau khi tôi tịch, Phật pháp còn được như ngày hôm nay chăng?”. Sính
nghe nói lạ, gạn hỏi. Sư không đáp, chỉ đòi bút viết mấy hàng nơi vách bắc lầu
Tàng Kinh như sau: “Hưng hạt cát, suy cát sông Hằng. Thỏ đã bị lưới, chó vồ
săn. Trâu cọp giao tranh sừng với răng. Ánh hoa đàm vẫn sáng nghìn năm”. Đây là
lời tiên tri của Sư. Câu trước nói về đạo pháp sẽ suy. Câu thứ hai chỉ cho sự
phá đạo rất tàn khốc. Câu thứ ba ghi rõ thời gian hủy pháp ở vào năm Ất Sửu
tiếp qua Bính Dần. Câu sau cùng nói: Tuy nhiên Phật pháp vẫn còn, ánh đạo không
bị hủy diệt. Lời sấm trên ứng vào việc phá Phật pháp của Đường Võ Tông. Ông vua
này đã ra lịnh hủy hoại bốn mươi bảy ngàn ngôi chùa, ép buộc hơn hai mươi vạn
bảy ngàn tăng ni hoàn tục. (Trích Cao Tăng truyện, thiên Cảm Thông, tập 3).
Đời Nguyên bên Trung
Hoa, vào năm Canh Ngọ niên hiệu Chí Thuận ở vùng Triết Tây bị thất mùa liên
tiếp. Trong thành Hàng Châu, dân chúng đói chết nằm ngổn ngang đầy đường. Mỗi
buổi sáng, quan phòng chánh mướn người khiêng tử thi chở đem bỏ xuống hang núi,
sau tháp Thái Hòa. Trong số tử thi có thây một bà lão hơn mười hôm không hôi
thúi, ngày nào cũng tự trồi lên nằm trên các thây chết khác. Chúng lấy làm lạ,
giòng giây kéo đem lên, soát trong người thấy có túi vải đựng ba bức đồ niệm
công cứ A Di Đà Phật. Việc này truyền đến quan Hữu Tư, Ngài cho mua quan quách
tẩn liệm và đem ra thiêu hóa. Khi củi đốt lên, trong khói lửa hiện ra tượng
Phật, Bồ Tát, ánh sáng rực rỡ. Do nhân duyên đó, rất nhiều người phát tâm niệm
Phật (Trích Sơn Am Tạp Lục).
Xem sự tích trên, ta
thấy như ngài Giám Không kiếp trước từng làm giảng chủ; phù tục đã dứt căn
nguyên, tu trì cũng nhiều tinh khổ, nhưng vì chưa chứng quả lại còn chút tỳ
vết, nên phải chuyển thân làm kẻ sĩ đói khát khốn cùng. Kiếp xưa năm bạn đồng
tu, chỉ một mình Phạn tăng được giải thoát.
Ngoài ngài Giám Không
lại còn sự tích cao tăng Viên Quán, do chưa sạch nghiệp, nên không thoát khỏi
bào thai của nàng Vương Thị. Truyện Tỳ Khưu Pháp Vân từng làm đại pháp sư, nhân
vì tham lợi dưỡng, sẻn Phật pháp, nên bị đọa làm thân trâu. Truyện ngài Hải Ấn
cũng thuộc hàng danh tăng, vì thọ người cúng dường, phải chuyển sanh làm con
gái cho nhà thí chủ. Truyện ngài Mạt Sơn lai lịch phi phàm, nhưng bởi túc
nghiệp từ vô lượng kiếp phát hiện, nên luân hồi làm kẻ ngu khờ, ghét người tu
niệm. Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển
sanh làm tăng, được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường
giải thoát. Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt
nguồn tâm, bởi chưa đắc đạo nên thân sau làm ông Sư thông minh, động tâm xa
hoa, kiêu mạn, rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm.
Truyện một ni cô tụng
kinh Pháp Hoa ba mươi năm, vì tâm còn chưa dứt niệm sắc thinh, nên kiếp sau đọa
làm thân ca kỹ, tiếng thanh, sắc đẹp, nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen.
Truyện vị cao tăng non Nhạn Đãng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối, do
tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao, làm quan đến ngôi cực phẩm,
song vì mê quyền quý, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa tam đồ.
Xem truyện tích xưa, còn
biết bao trường hợp như thế nữa! Qua các gương trên, ta thấy nếu tự lực tu
hành, khi chưa được nghiệp sạch tình không, lúc tái sanh tất phải mê muội, mười
người đã rớt hết tám chín. Còn như bà lão niệm Phật, tuy dốt đạo lý, chẳng hiểu
chút chi về Tông, về Giáo, nhưng nhờ thành tâm niệm Di Đà mà sau khi chết diễn
ra nhiều điều kỳ lạ, đã chứng minh bà lão vãng sanh về Cực Lạc không còn nghi
ngờ. Cho nên tham thiền, tụng kinh cùng tu các môn khác là những điều quý báu
nên làm, và đáng khuyến khích. Nhưng giữa thời mạt pháp này, cần phải tu thêm môn
Niệm Phật, rồi đem tất cả công đức ấy hồi hướng về Tây Phương, mới bảo đảm khỏi
luân hồi mà đọa. Nếu không lấy Tịnh Độ làm nơi quy hướng, thì công đức tu các
môn khác chỉ gây căn lành phước báo, và nhân duyên đắc độ về sau mà thôi. Như
thế, e cho khi chuyển sanh hôn mê tạo nghiệp phải bị trầm trệ lâu trong cảnh
khổ luân hồi. Mấy ai thông minh như Ngộ Đạt quốc sư, mười kiếp làm cao tăng tu
thiền định, kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng
vì một niệm đam mê trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người, sau trở
lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát. Những vị ỷ mình cao minh, ngoài
miệng nói suốt lý huyền, chỉ trọng tự lực khinh thường niệm Phật, cũng nên xem
gương trên mà để tâm suy nghĩ.
BÀI SỐ
98
Ẩn tu phương tiện mượn thi
ngâm
Thức ngộ mình người khởi
đạo tâm
Đâu nghỉ hoa đào ra động
bích
Mà mong Lưu Nguyễn ghé vào
thăm?
NHƯ Ý : Nếu Hoa-đào có rơi nhẹ
trôi theo vòng suối ra ngoài ĐỘNG BÍCH, đó cũng là một sự Ngẫu-nhiên,
không phải do ý Chư-tiên mượn nó để dời chân LƯU NGUYỄN , cũng như thế Bút-giả
không có ý mượn những lời Thi trong đây để Thả cánh Hoa-đào, mà chỉ muốn ngõ
riêng với một ít vì Thông Cảm, Hữu Duyên.
Bởi
Mình đã có DUYÊN để đáng tỏ BÀY công bố.
Niệm
Phật Thập Yếu
ĐỆ NHẤT YẾU
NIỆM PHẬT
PHẢI VÌ THOÁT SANH TỬ
Nhìn gẫm đường trần đầy khổ nhọc
Lòng tưởng Tây Phương cõi Thiên-Trúc
Đầu non trăng sáng tiếng chuông ngân
Canh khuya cầm quyển Lăng-Nghiêm đọc.
Quán
Về Sự Khổ Luân Hồi
Chúng sanh hết kiếp này
sang kiếp khác sống chết luân hồi, xuống lên trong sáu cõi. Đó là: cõi trời,
cõi người, cõi A Tu La, cõi bàng sanh, cõi ngạ quỷ, và cõi địa ngục.
Bát khổ tuy các loài
khác cũng có ít nhiều, nhưng nó là trọng tâm của nỗi khổ ở cõi NGƯỜI.
Cõi TRỜI tuy
vui vẻ hơn nhơn gian, nhưng cũng còn tướng ngũ suy và những điều bất như ý.
Cõi A TU LA bị
sự khổ về gây gổ, tranh đua.
Cõi BÀNG SANH như
loài trâu, bò, lừa, ngựa bị sự khổ chở kéo nặng nề. Loài dê, lợn, vịt, gà, thì
bị sự khổ về banh da xẻ thịt. Các loài khác chịu sự khổ về ngu tối; nhơ nhớp ăn
nuốt lẫn nhau.
Ở cõi NGẠ QUỶ chúng
sanh thân thể hôi hám xấu xa, bụng lớn như cái trống, cuống họng nhỏ như cây
kim, miệng phực ra lửa chịu đói khát trong ngàn muôn kiếp.
Còn cõi ĐỊA NGỤC thì
vạt dầu, cột lửa, hầm băng giá, non gươm đao, sự thống khổ không thể tả xiết.
Bốn cõi rốt sau này,
trong kinh gọi là Tứ Ác Thú. Từ cõi A Tu La, theo chiều xuống, nỗi khổ ở mỗi
cõi cứ tuần tự gấp bội hơn lên. Trong sáu cõi, chúng sanh sống chết xoay vần
hết nơi này đến nơi kia, như bánh xe chuyển lăn không đầu mối. Đại khái sanh
lên cõi trời cõi người thì khó và ít, đọa xuống Tứ Ác Thú rất dễ và nhiều.
Người xưa đã than:
“Lục
đạo xoay vần không mối hở.
Vô thường xô đến vạn duyên buông!”
Comments
Post a Comment