LAM
Niệm Phật Thập Yếu
ĐỆ
LỤC
YẾU
NIỆM PHẬT
PHẢI ĐOẠN TUYỆT PHIỀN NÃO
Phương
Diện Khai Tâm
Đã là phàm phu, tất còn
ở trong vòng phiền não, bị nó mê hoặc sai khiến, lắm lúc không tự chủ được.
Phiền não có nghĩa: "khuấy động, thiêu đốt" làm cho
tâm niệm không yên, ngăn trở bước tu hành, nên gọi nó là phiền não chướng. Pháp
thân huệ mạng ta bị phiền não phá hại, nên cũng gọi nó là phiền não ma.
Có những Phật tử tuy ăn
chay, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, nhưng chỉ chú ý về hình thức, không quan
tâm đến việc dứt trừ phiền não vọng duyên. Nên biết, nếu phiền vọng tăng một
phần, tất đạo tâm phải thối một phần, dù có tụng kinh, niệm Phật cũng không được
thanh tịnh. Cho nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ đã bảo:
Người mê tu phước chẳng
tu đạo
Bảo rằng tu phước ấy là đạo
Bố thí cúng dường phước không lường
Nơi lòng ba ác vẫn còn tạo.
Chữ “Đạo” của
đức Lục Tổ nói, chỉ cho chân tâm thanh tịnh. Tất cả đường lối tu hành đều là
phương tiện trở về chân tâm ấy. Chứng được chân tâm mới hoàn phục tánh bản
giác, thoát nỗi khổ luân hồi, mà điểm căn bản để tu chứng, là phải dứt trừ
phiền não vọng niệm.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị
Chương, đức Phật cũng dạy:
"Bậc sa môn hành
đạo đừng giống như con trâu kéo chiếc cối xay, thân tuy hành đạo mà tâm đạo
chẳng hành. Nếu tâm đạo được hành, cần gì dùng thân hành đạo?"
Niệm Phật, sám hối, ngồi
thiền, lễ bái, kinh hành, đều là phương tiện phá trừ vọng nghiệp, mở rộng chân tâm.
Nếu thân, miệng áp dụng hình thức ấy, mà lòng còn dẫy đầy nghiệp chướng tham,
sân, si, thì đâu gọi là hành đạo? Trái lại, tuy không dùng hình thức đó, nhưng
tâm vẫn luôn luôn trong sáng như gương nguyệt hồ thu, mới thật là người hành
đạo. Khi xưa vua Hương Chí hỏi Tổ Bát Nhã Đa La rằng: "Các vị tu hành khác
đều tụng kinh, sao Ngài lại không tụng?"
Tổ đáp:
"Bần tăng hơi thở
ra không tiếp xúc các duyên, hơi thở vào không ở trong ấm giới, thường chuyển
thứ kinh ấy đã ngàn muôn ức quyển rồi!"
Tổ muốn nói rằng mình
hằng tụng vô tự tâm kinh, tâm kinh ấy là chẳng trụ trước muôn duyên bên ngoài,
và bên trong hằng vắng lặng không thấy có năm ấm mười tám giới, cả tướng trong,
ngoài, chính giữa cũng đều dứt tuyệt. Đây là ý nghĩa "tâm hành
đạo".
Tuy nhiên, cũng đừng
chấp theo điều nói trên, mà bác bỏ ăn chay, bố thí, sám hối, niệm Phật, tụng
kinh. Bởi các sự kiện ấy về mặt huệ nó giúp cho hành giả mau tiêu nghiệp
chướng, sớm ngộ bản tâm; về mặt phước nó lại khiến cho người tu được quả báo
đẹp vui, sanh về các cõi lành, hoặc miền Tịnh Độ để tiếp tục đường tu không còn
thối chuyển. Mà phước huệ lưỡng toàn mới thành Phật được. Cho nên các bậc đại
Bồ Tát tuy đã ngộ suốt nguồn tâm, nhưng vẫn tu muôn phước để trang nghiêm Phật
độ. Như đức Di Lặc Bồ Tát tuy đã lên ngôi Nhất Sanh Bổ Xứ, xong mỗi ngày vẫn
sám hối sáu thời để cầu tiêu trừ tế chướng, mau chứng quả Diệu Giác của Phật
Đà.
Nên biết lời dạy trong
Kinh Tứ Thập Nhị Chương và lời của Tổ Bát Nhã Đa La ở trên, chỉ có tánh cách
phiến diện hoặc bán dụ, để phá trừ lối tu chấp tướng quên tâm mà thôi.
Để kết lại vấn đề, người
tu tịnh nghiệp ngoài phương diện niệm Phật, trì chú, tụng kinh, sám hối, còn
phải chú trọng về phương diện "khai tâm". Muốn cho tâm mở
mang sáng suốt, để giúp kết quả niệm Phật mau thành tựu được sanh về Tây
Phương, phải dứt trừ phiền não. Nếu nhận thức sâu thêm, câu niệm Phật tuy là
tướng mà cũng chính là tánh, bởi lý không ngoài sự, tức niệm là Phật, tức niệm
là tâm. Cho nên trong sáu chữ hồng danh, phước huệ gồm đủ, sự lý viên dung, vừa
đưa người tu mau đến thể viên giác diệu tâm, vừa khiến hành giả được tịnh báo
vãng sanh cõi Phật.
Đối
Trị Dục Nhiễm
Các phiền não về tham
không ngoài sự đắm nhiễm ngũ dục lục trần. Từ cội gốc tham, sanh ra các chi
tiết xấu khác như: bỏn sẻn, ganh ghét, lường gạt giả dối... gọi là “tùy phiền
não”. Ngũ dục, chỉ cho năm món nhiễm gồm: sắc dục, tiền của, quyền danh, ăn
mặc, ngủ nghỉ. Lục trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trong lục trần đã
thâu nhiếp ngũ dục, nhưng sở dĩ lập riêng danh từ ngũ dục, là muốn nêu ra năm
món nhiễm nặng của chúng sanh trong cảnh lục trần. Lục trần nói với tánh cách
bao quát, ngũ dục với tánh cách đặc biệt. Nơi đây nói thêm lục trần là để chỉ
cho các thứ nhiễm khác mà trong ngũ dục không có như: thích âm nhạc ca hát, mê
tiểu thuyết nhảm nhí v.v...
Khi tâm tham nhiễm ngũ
dục lục trần khởi động, cách đối trị tổng quát, là nên quán sát thuần thục bốn
lý: Bất Tịnh, Khổ, Vô Thường, Vô Ngã.
1. "BẤT
TỊNH" là chỉ cho THÂN không sạch, TÂM không sạch, và CẢNH không
sạch.
Thân không
sạch, là phải quán xét thân ta và người bên ngoài nhờ có lớp da che giấu, bên
trong chỉ toàn những thứ hôi tanh nhơ nhớp như: thịt, xương, máu, mủ, đờm, dãi,
phẩn, nước tiểu v.v... Đã thế mà các thứ nhơ nhớp bên trong còn bài tiết ra cửu
khiếu bên ngoài. Suy xét kỹ, sắc thân của chúng sanh không có chi đáng ưa
thích.
Tâm không
sạch, là khi tâm sanh tham nhiễm tất nó đã thành xấu xa nhơ bợn, chẳng khác chi
hồ nước trong bị cáu bùn làm bẩn đục. Hồ nước đục không thể soi bóng sắc cây
núi trời mây, tâm nhơ bợn mất hết thần thông trí huệ. Nên nhớ câu:
Biết tu hành chớ phí
uổng công.
Tâm bình tịnh thần thông trí huệ!
Người đã phát nguyện
bước lên đường tu, phải lập chí lần lần dứt trừ tâm phiền não nhiễm dục từ thô
đến tế.
Cảnh không
sạch, là cảnh giới cõi ngũ trược này dẫy đầy bùn đất, đá sỏi, chông gai, lại
dung chứa vô số chúng sanh từ thân đến tâm đều nhơ bợn. Cho nên cảnh Uế Độ này
không có chi đáng say mê tham luyến.
2. "KHỔ" là
chỉ cho THÂN khổ, TÂM khổ và CẢNH khổ.
Thân khổ,
là thân này đã nhơ nhớp, lại bị sự sanh già bịnh chết, nóng lạnh, đói khát, vất
vả cực nhọc chi phối, làm cho khổ sở không được tự tại an vui.
Tâm khổ,
là khi tâm ta khởi phiền não, tất bị lửa phiền não thiêu đốt, giây phiền não
trói buộc, roi phiền não đánh đuổi sai khiến, khói bụi phiền não làm tăm tối
nhiễm ô. Cho nên người nào khởi phiền não tất kẻ đó thiếu trí huệ, vì tự làm
khổ mình trước nhứt.
Cảnh khổ,
là cảnh này nắng lửa mưa dầu, chúng sanh vất vả trong cuộc mưu sinh, mỗi ngày
ta thấy trước mắt diễn đầy những hiện trạng nhọc nhằn bi thảm.
3. "VÔ
THƯỜNG" là THÂN vô thường, TÂM vô thường và CẢNH vô thường.
Thân vô
thường là thân này mau tàn tạ, dễ suy già rồi kết cuộc sẽ phải đi đến cái chết.
Người xưa đã than:
Nhớ thuở còn thơ dong
ngựa trúc.
Thoát trông nay tóc điểm màu sương.
Mưu lược dõng mãnh như
Văn Chủng, Ngũ Tữ Tư; sắc đẹp dễ say người như Tây Thi, Trịnh Đán, kết cuộc:
Hồng nhan già xấu, anh
hùng mất.
Đôi mắt thư sinh cũng mỏi buồn.
Tâm vô
thường, là tâm niệm chúng sanh thay đổi luôn luôn, khi thương giận, lúc vui
buồn. Những niệm ấy xét ra huyễn hư như bọt nước.
Cảnh vô
thường, là chẳng những hoàn cảnh xung quanh ta hằng đổi thay biến chuyển, mà sự
vui cũng vô thường. Món ăn dù ngon, qua cổ họng rồi thành không; cuộc sum họp
dù đầm ấm, kết cuộc cũng phải chia tan; buổi hát vui rồi sẽ vãng; quyển sách
hay, lần lượt cũng đến trang cuối cùng.
4. "VÔ
NGÃ" nghĩa là không có ta, không tự thể, tự chủ. Điều này cũng
gồm có THÂN vô ngã, TÂM vô ngã và CẢNH vô ngã.
Thân vô
ngã là thân này hư huyễn không tự chủ, ta chẳng thể làm cho nó trẻ mãi, không
già chết. Dù cho bậc thiên tiên cũng chỉ lưu trụ được sắc thân trong một thời
hạn nào thôi.
Tâm vô
ngã, chỉ cho tâm hư vọng của chúng sanh không có tự thể; như tâm tham nhiễm,
niệm buồn giận thương vui thoạt đến rồi tan, không có chi là chân thật.
Cảnh vô
ngã là cảnh giới xung quanh ta như huyễn mộng, nó không tự chủ được, và bị sự
sanh diệt chi phối. Đô thị đổi ra gò hoang, ruộng dâu hóa thành biển cả, vạn
vật luôn luôn biến chuyển trong từng giây phút, cảnh này ẩn mất, cảnh khác hiện
lên.
Khi quán xét từ thân tâm
đến cảnh giới đều bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, hành giả sẽ dứt trừ được
tâm tham nhiễm. Bởi chúng sanh thiếu mất trí huệ, thường sống trong sự điên
đảo, không sạch cho là sạch, khổ cho là vui, vô thường cho là thường, vô ngã
cho là ngã, rồi sanh ra mê say đắm nhiễm, nên đức Phật dạy phải dùng bốn pháp
này để quán phá bốn sự điên đảo đó. Chẳng hạn như phẩn uế, ta cho là thối tha
nhơ nhớp, nhưng loài chó lợn vì nghiệp mê nhiễm, thấy là thơm sạch ngon, nên
đua nhau tranh giành. Sự dục nhiễm ở nhơn gian, loài người cho là vui sạch đáng
ưa thích, nhưng chư thiên cho là hôi tanh nhơ nhớp, chẳng khác chi ta thấy loài
chó ,lợn ăn đồ ô uế. Sự dục nhiễm của chúng sanh rất si mê điên đảo đại khái là
như thế, nên người tu phải cố gắng lần lượt phá trừ.
ĐỐI TRỊ THAM
VI TẾ
Như trên đã lược nói qua
sự tham ngũ dục thô phù dễ thấy. Ngoài ra còn mối tham nhiễm ẩn sâu vi tế, mà
người tu cần phải lưu tâm. Chẳng hạn như số tiền trăm vạn không làm cho tham,
nhưng số bạc triệu tỷ có thể khiến phải động tâm; sắc đẹp tầm thường dễ dàng
lướt qua, song giai nhân tuyệt mỹ có năng lực giục người mê lụy. Cho
đến các vị tu mà còn đắm ưa chuỗi tốt; tượng đẹp, hoặc cảnh giới lành, cũng
thuộc về tâm tham nhiễm. Phải nên xem đó là những phương tiện, hoặc cảnh nhân
duyên như huyễn, chớ sanh lòng tham trước. Để phân tích tâm
trạng này, xin đưa ra ba câu chuyện với tánh cách hiểu dụ từ cạn đến sâu:
Thuở xưa bên Trung Hoa
có một vị quan nổi tiếng là thanh liêm, ai đưa vàng bạc lo lót, cũng đều nghiêm
trách không nhận. Nhưng độ nọ, một nhà hào phú vì muốn nhờ giải quyết việc
riêng có tánh cách đặc biệt, nên hối lộ đến mười vạn quan tiền. Vị quan liền thâu
nhận. Sau đó người bạn hỏi duyên cớ, ông đáp:
"Số tiền mười vạn
có thể thông cảm với thần minh"
(Tiền chí thập vạn khả
dĩ thông thần)
Vị quan trên chỉ
có thể thanh liêm được với số tiền nhỏ, nhưng không thanh liêm nổi với số tiền
quá lớn. Đây là lòng tham nhiễm ẩn sâu.
Lại câu chuyện đời Minh.
Một hôm Liên Trì đại sư ngồi nói chuyện với khách tăng. Ông khách than:
"Người tu đời nay hầu hết đều đắm nhiễm về danh lợi. " Đại sư
nói: "Tôi thấy Ngài là bậc thanh khiết, vì từ trước đến nay đã
chối bỏ hết danh lợi người ta đem đến cho mình." Khách tăng nghe
xong gương mặt thoáng lộ nét hoan hỉ. Vị tăng này tuy không thích những
danh vọng thông thường, nhưng còn ưa được tiếng thanh cao tuyệt tục. Đây là tâm
tham nhiễm thâm trầm vi tế.
Thêm một chuyện trong
thiền môn. Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường
ủng hộ một vị tham thiền tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô
con gái rằng: "Bữa nay, sau khi đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc
bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: "Lúc này như thế nào? Sư trả lời ra sao, con
vào đây thuật lại cho mẹ rõ." Cô con gái y như lời, ôm sư gạn hỏi. Sư đáp:
"Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí." Với câu này, ý sư muốn
bảo: "Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp
đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa Ðông, tìm một chút hơi ấm cũng không có."
Cô con gái trở vào thuật lại, lão bà không vui, bảo:
"Thật uổng công ta
hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!"
Nói xong, lão bà ra đuổi
nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am.
Thật ra, tu đến trình độ
của sư, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn một vị Bồ Tát, hành động đốt am là
muốn khai ngộ cho thiền sư. Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc dục,
nhưng còn thấy mình thanh tịnh, còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không không của
thiền định, tức chưa được đại triệt đại ngộ. Để phân tích thêm cho rõ, thiền
môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao
quan. Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ
suốt ý “Tây lai”, nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua
cửa ải thứ nhứt, gọi là "Phá Bản Tham". Đến trình độ này, dù đã dứt
được tưởng tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán
trí, hãy chưa tuyệt tướng quên tình. Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng
đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng. Cổ đức bảo:
Chớ gọi vô tâm nguyên
thật đạo.
Vô tâm còn cách một trùng quan!
Chính là ý này. Nhà sư
trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh tướng.
Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ.
Người niệm Phật cũng
thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn, dù tu đến cảnh giới nhứt tâm, thấy
hoa sen báu, các tướng tốt, hoặc chư Phật Bồ Tát hiện thân, nên biết đó chẳng
qua là do nhân lành cảm quả lành, cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước, cũng
không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: "Như thật bất
không" của tạng tâm.
Phương
Pháp Đối Trị Sân
Trong các phiền não, duy
có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhứt. Nên người
xưa đã bảo:
"Nhứt niệm sân tâm
khởi, bá vạn chướng môn khai."
(Câu này có nghĩa: khi khởi
một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại. )
Chẳng hạn như lúc đang
niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với
mình nhiều điều không tốt; hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm
khổ mình, liền buồn giận bứt rứt, không an. Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm
Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm,
xuống nằm gác tay, suy nghĩ vẩn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn
gặp ngay người đó la hét một hồi, hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm
sân hận nó phá hại người tu đến như thế.
Muốn đối trị giận hờn,
phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói:
"Lấy đại từ bi làm
nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi."
Phải nghĩ rằng: Ta cùng
chúng sanh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sanh tử, tất cả đều do nghiệp
phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật. Như một niệm sân hận, trước
khi chưa khởi nó từ đâu đến, lúc tan rồi lại đi về đâu? Khi giận hờn ta tự làm
khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể
cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng? Lại
nên nghĩ: người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây
nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận, bởi nếu sáng
suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy. Ta là Phật
tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho
mình, vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chớ không phải tìm lối
khổ. Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ, nhu hòa nhẫn
chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không. Nên nhớ lời cổ nhơn:
"Lửa sân si tam
độc, đốt hết rừng công đức. Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục."
Từ bi là
nước tịnh mát mẻ, rưới tắt lửa phiền não. Nhẫn nhục là áo giáp
bền chắc ngăn tất cả mũi tên độc. Pháp không là ánh sáng phá
tan khói mù tối tăm.
Biết dùng ba điều này để
dứt trừ sân hận, tức đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai
vậy.
Cách
Đoạn Tuyệt Thị Phi
Hàng phàm phu vì chưa
chứng vào chân tâm bình đẳng, còn ranh giới phân biệt giữa ta và người, nên
trong đời sống, sự hơn thua phải quấy khen chê có đến muôn ngàn, không ai tránh
khỏi. Dù cho chư Phật Bồ Tát vì lòng đại bi thị hiện giữa cõi trần để độ sanh,
cũng phải chịu cảnh thị phi thương ghét. Cổ ngôn có câu:
Thùy nhơn bối hậu vô
nhơn thuyết.
Na cá nhơn tiền bất thuyết nhơn!
Lời này ý nói:
"Không có ai chẳng
bị kẻ khác chỉ trích chê bai sau lưng, nhưng ở trước mặt người ta không nói ra
mà thôi."
Đây là câu thành ngữ xác
thật, do sự kinh nghiệm của người xưa.
Những sự thị phi làm cho
hành giả, nếu không sáng suốt bình tĩnh, nhiều khi phải xao động sanh phiền
não, rất chướng ngại cho đường tu. Cho nên ở đây nêu ra vấn đề này để tìm cách
phá giải. Muốn dứt trừ thị phi, phải y theo ba sự kiện:
Điều thứ nhứt: Phải
xét sửa lỗi mình, đừng nhìn nói lỗi người. Ví như con trâu đen thấy cò
trắng đứng trên mình thì để yên; khi con quạ bay đến đậu lại lấy sừng quơ đuổi;
nó không ngờ mình còn đen nhiều hơn con quạ. Phàm phu cũng thế, thích lời khen,
ghét tiếng xấu, ưa bươi móc điều dở của người, không dè mình cũng nhiều lỗi
lầm, chẳng có chi là tốt đẹp! Cho nên nguyên tắc của người tu là phải tự phản
tỉnh xét sửa lấy mình, đừng nên nhìn nói điều dở của người. Xét sửa lỗi mình
thì càng ngày càng sáng, nhìn nói lỗi người tất càng gây thêm việc trái oan.
Điều thứ hai: Khi
bị sự thị phi khinh báng, nên an nhẫn, đừng tìm cách biện minh. Ví như
tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, cứ để yên, nó chỉ dơ một chỗ đó rồi lần lần phai
nhạt; nếu lấy đồ lau chùi, tất sẽ hoen ố cả toàn diện. Luận Niệm Phật Bảo Vương
Tam Muội nói: "Bị oan ức chớ cầu biện minh, nếu biện minh tất oán hận càng
sanh." Bởi người đã cố tâm nói xấu, ta biện minh tức là cho kẻ đó nói sai,
dĩ nhiên sẽ sanh sự oán thù tranh cãi, mà vô tình lại làm cho quần chúng hay
biết, và để ý nghi ngờ mình. Thông thường, người mới tu hay thấy mình phải kẻ
khác quấy. Người tu hơi lâu, thấy mình và kẻ khác đều có phải có quấy. Người tu
càng lâu, duy chỉ thấy mình quấy. Tại sao thế? - Bởi khi việc khinh báng xảy
ra, nếu hiện tại mình không sai quấy tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay
phải chịu quả. Giả sử kiếp trước ta không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi,
thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới đồng sanh trong cõi ngũ trược này. "Đã
mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa." Lời của
cụ Nguyễn Du nói, cũng thầm hợp với lý đạo.
Điều thứ ba: Người
tu phải giữ vững lập trường, tin chắc lý nhân quả, đừng xao động vì tiếng hay
dở bên ngoài. Kinh Pháp Cú nói: "Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn
giông tố. Người chân chánh an nhiên giữa tiếng thị phi." Tất cả tiếng khen
chê bên ngoài không làm cho ta tốt hoặc xấu, siêu hay đọa, mà tốt xấu siêu đọa
đều do nơi ta. Nếu ta gây nhân lành dù người có khinh là xấu xa tội ác, ta vẫn
được siêu thăng. Trái lại, ta gây nhân ác, tuy người quý trọng ngợi khen, ta
vẫn phải chịu đọa lạc. Do hiểu lẽ này, một thiền sư Việt Nam đã viết ra những
lời thi ý tứ rất thanh tân siêu thoát:
Thị phi ngôn trục triêu
hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn!
Hoa lạc, vũ tình, sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Tạm dịch:
Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm
Danh lợi lòng băng với bão đêm!
Mưa tạnh, hoa rơi, non vắng vẻ
Chim kêu xuân lại quá bên thềm.
Đừng quan tâm đến danh
lợi thị phi, hãy để cho nó rơi theo hoa sớm, lạnh với mưa đêm, rồi tan biến lần
lần. Kìa một tiếng chim kêu, một mùa xuân đã qua, sao ta không lo tu tập?
Những
Lời Khuyên Răn Về Việc Thị Phi
Cổ ngữ nói:
"Kinh mục chi sự do
khủng vị chân, bối hậu chi ngôn khởi túc thâm tín; nhĩ khả đắc văn, khẩu bất
khả đắc ngôn dã." Câu này có nghĩa: "Việc thấy trước mắt còn e không
đúng với sự thật, thì lời nói sau lưng đâu đáng để tin? Cho nên sự thị phi tai
có thể được nghe, nhưng miệng không nên nói."
Tiếng thị phi lắm khi
phát xuất từ sự nghi lầm, hiểu lầm, nghe lầm, rồi ở trong nhà nó là hình con
chuột, khỏi cửa ngõ nó biến thành hình con dê, ra tới ngoài đường lại hóa thành
hình con trâu; nguyên khởi thật không có chi, nhưng khi đồn đải đến người thứ
mười, thì người đồn lần thứ nhứt nghe cũng phải kinh sợ! Nhiều khi tiếng chê
bai lại có do lòng hơn thua ganh ghét, với sự cố tâm trả oán, hoặc dìm kẻ có
nhiều phương diện hơn mình. Tánh ưa nói nhiều và tâm tật đố thị phi, nhứt là
phái nữ, rất dễ khởi phạm; khi họ kính thương, thì người đó mau thành tiên
Phật, lúc họ khinh ghét, kẻ ấy cũng dễ hóa yêu ma. Một sư cụ thuộc bậc tiền bối
đã nói:
"Mấy bà, mấy cô có
nhiều đức tin hơn phái nam, việc hành đạo phần đông siêng năng tinh tấn. Nhưng
công đức tu niệm được bao nhiêu, đều bị cái miệng nó đốt hết cả!"
Với ý niệm ngăn những
điều lầm lỗi của thị phi để giữ gìn cho công đức tu hành không bị hủy tổn, và
tránh những ác báo về sau, xin dẫn lời hay của người xưa, cho đến lời răn dạy
của Phật, Tổ để cùng nhau khuyên nhắc.
Một buổi nhàn hạ, Đường
Thái Tông hỏi bề tôi là Hứa Kính Tôn rằng:
"Trẫm thấy khanh
phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc, sao lại có nhiều tiếng thị phi chê
ghét như thế?" Kính Tôn thưa: "Tâu bệ hạ! Mưa mùa xuân tầm tã như
dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì
đường sá bùn lầy trơn trợt. Trăng mùa Thu trong sáng như gương, hàng tao nhân
mừng gặp dịp thường du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo tặc lại ghét vì ánh nguyệt quá
rõ ràng! Như trời đất là vô tư, mà cơn nắng mưa, thời tiết còn bị thế gian
trách hận ghét thương, thì hạ thần đâu phải người vẹn toàn, làm sao tránh khỏi
sự chê bai chỉ trích? Cho nên ngu ý trộm nghĩ: đối với tiếng khen chê, nên bình
tâm suy xét, đừng vội tin nghe. Nếu vua tin nghe lời thị phi thì tôi bị giết;
cha mẹ tin nghe lời thị phi tất con bị hại; anh em vợ chồng tin nghe lời thị
phi, sẽ phải chia lìa; thân bằng hàng xóm tin nghe lời thị phi rồi đi
đến chỗ đoạn tuyệt. Miệng lưỡi thị phi thật độc hơn rồng rắn, bén hơn gươm đao,
giết người không thấy huyết!"
Hứa Kính Tôn sử sách chê
là gian thần, nhưng dù sao lời nói của ông cũng chí lý đáng làm gương khuyên
nhắc cho hậu lai, nên vẫn được người đời truyền tụng.
Kinh Pháp Hoa nói:
"Sau khi Như Lai diệt độ, người nào thọ trì đọc tụng kinh này, sẽ được
phước báo trong đời hiện tại. Nếu kẻ nào thấy người thọ trì kinh này, vạch bày
những lỗi lầm của người đó, hoặc có thật, hoặc không có thật; kẻ ấy sẽ mang
nghiệp quả, ghẻ lác, đui mù, và những ác báo như trước đã nói." (Đại lược)
Như lời Phật dạy, ta
thấy chẳng những khinh hủy người tụng Kinh Pháp Hoa, mà khinh hủy kẻ trì chú
niệm Phật và đọc tụng các kinh điển Đại Thừa khác, cũng đều mang tội nặng.
Kinh Phạm Võng
Bồ Tát Giới nói: "Nếu Phật tử nào, tự miệng rao nói tội lỗi của
Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni; hoặc bảo người rao nói
tội lỗi; hoặc từ nhân, từ duyên, từ cách thức, cho đến từ nghiệp, rao nói những
tội lỗi trong Phật pháp; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội." Lại nói:
"Nếu Phật tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm chê điều hay tốt của
người, làm cho người bị khinh chê; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội."
Lại nói: "Chúng sanh mỗi ngày ba nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu
nghiệp." (Đại lược)
Đức Thế Tôn từ bi chỉ
đường tội phước rõ ràng, mà hàng Phật tử chúng ta bởi quá si mê, nên có nhiều
người đã lãng quên; vì lòng tật đố thị phi, gây biết bao khẩu nghiệp!
Trong Kinh Đại
Tập, Như Lai bảo: "Nếu hàng vua quan đánh mắng người xuất gia giữ giới
hoặc phá giới, sẽ mang tội đồng như làm cho trăm ức thân Phật ra huyết. Nếu
thấy người mặc áo cà sa, không luận kẻ giữ giới hay phá giới, nên sanh tâm
tưởng như Phật."
Kinh Đại Tập đã nói như
thế, thì hàng Phật tử xuất gia cho đến tại gia nếu có lầm lỗi, tất sẽ chuốc lấy
khổ báo riêng về phần họ, ta chỉ sanh tâm thương xót chớ không nên khinh chê.
Niệm tôn trọng thương xót khiến thêm lớn phẩm lành, tâm khinh mạn chê bai, lại
đi vạch nói việc thi phi của người, chỉ tổn phước đức mình, và đa mang phần khổ
lụy! Cho nên người biết tu, hằng thủ phận, lo xét ngó vào mình để tự sửa chữa.
Trái lại, mình còn nhiều lầm lỗi mà không xét nghĩ, lại đi vạch nói chê bai
người, là kẻ chưa ý thức về việc tu.
Cổ ngôn có câu:
"Ngã khuy nhơn thị họa, nhơn khuy ngã thị phước." Câu này hàm ý
nghĩa: "Ta làm tổn người là họa, người làm tổn ta là phước." Đối với
người tu, khi bị kẻ khác thị phi khinh báng, nên sanh tâm nghĩ rằng: kẻ ấy là
người đem phước đến cho mình. Tại sao thế? - Bởi chúng ta từ vô thỉ đến nay gây
ra tội chướng vô biên, nếu bị một lời khinh chê, tất được giảm bớt một phần tội
nghiệp. Đó chẳng phải là điều phước lợi cho mình ư? Còn kẻ khinh báng tất sẽ
chịu quả khổ, ấy là lẽ dĩ nhiên; bởi họ mê lầm tự chuốc lấy tai họa.
Lại để chỉ rõ thế nào là
chân tu, cùng tư cách của bậc chân tu, xin dẫn chứng thêm một đoạn trong bài kệ
Vô Tướng, Kinh Pháp Bảo Đàn của đức Lục Tổ:
Nếu là bậc chân tu
Không thấy lỗi của đời.
Nếu như thấy lỗi người
Mình chê, là kém dở!
Người quấy, ta đừng quấy
Ta chê, tự có lỗi.
Muốn phá tan phiền não
Hãy trừ tâm thị phi
Thương ghét chẳng để lòng
Nằm thẳng đôi chân nghỉ!
(Pháp
Bảo Đàn Kinh, Vô Tướng kệ)
Những hàng con Phật hoặc
xuất gia hoặc tại gia, đều tự xem mình là người tu hành lo đạo. Nhưng làm thế
nào biết được ai là chân tu, giả tu? Về điều này, đức Lục Tổ đưa ra một cách
giảo nghiệm rất đơn giản, Ngài bảo: "Nếu là bậc chân tu, không
thấy lỗi của đời." Mà thật thế, bậc chân tu luôn luôn tự nhìn để
sửa lỗi, trụ nơi tịch định; dứt hẳn lòng ngã nhơn phân biệt, có tâm tư đâu nghĩ
đến việc hay dở tốt xấu của người! Kẻ giả tu trái lại, tâm nhơn ngã hơn thua
ganh ghét dẫy đầy, mở miệng ra là phê bình chỉ trích, nói điều hay dở của thế
gian; rất cách xa với đạo. Bởi thế, khi còn thấy lỗi người rồi khinh báng chê
bai, tất nhiên tỏ ra mình đã kém dở trước nhất, vì tâm hãy còn vọng động phân
biệt, thiếu đức trí huệ từ bi, sẽ chiêu cảm lấy tội báo về sau. Người
quấy mặt người, ta đừng quấy, nên học bậc trí nhơn, để lòng trong sáng như
gương, việc sắp đến không đón trước, việc đã qua chẳng luyến mơ, tâm linh sáng
suốt bình đẳng khắp mọi nơi, sẽ có sự diệu ứng vô cùng! Nếu động niệm
ganh ghét, nói lời khinh chê, thì bên trong chân tánh đã bị nhiễm ô, bên ngoài
lại chuốc lấy việc oán thù tranh chấp, sự sai lầm tội lỗi càng thêm. Cho nên
muốn được an nhàn khỏi phiền não, đừng phê luận việc phải quấy của người.
Câu "Hãy trừ
tâm thị phi" còn có ý nghĩa sâu là: trừ tứ cú, tuyệt bách phi. "Nằm
thẳng đôi chân nghỉ", tức là cảnh giới đại giải thoát, chỉ cho sự tham học
đã xong, đói thì ăn, mệt nằm ngủ.
Bậc chân tu luôn luôn có
lập trường sáng suốt vững chắc, không quan tâm đến sự khen chê thương ghét bên
ngoài. Như thuở xưa Nghĩa Thanh thiền sư sau khi đắc pháp với ngài Phù Sơn, đến
ngụ nơi chùa của Viên Thông Tú hòa thượng. Tuy ở trong đại chúng nhưng Sư không
tham thiền hỏi đạo, mỗi ngày chỉ nằm ngủ. Vị tăng chấp sự đem việc ấy bạch lại.
Ngài Viên Thông cầm tích trượng đến tăng đường, thấy Sư đang nằm nhắm mắt liền
quở rằng: "Nơi đây không có thừa cơm gạo để cho thượng tọa ăn rồi nằm
ngủ!" Sư nói: "Thế thì hòa thượng bảo tôi phải làm gì?" Thông
hỏi: "Sao không đi tham thiền?" - Đáp: "Thức ngon chẳng giúp gì
cho người đã ăn no." Hòa thượng bảo: "Có nhiều người không bằng lòng
thượng tọa." Sư nói: "Giả sử bằng lòng, thì tôi sẽ được gì?"
Thấy lời nói khác thường, ngài Viên Thông hỏi tiếp: "Thượng tọa đã từng
tham kiến vị nào?"
- Đáp: "Tôi từ nơi
ngài Phù Sơn đến đây." Hòa thượng nói: "Thảo nào ông lại chẳng cứng
đầu!" Liền nắm tay nhau cả cười, rồi đi về phương trượng.
Sau Nghĩa Thanh thiền sư
nối pháp cho ngài Đầu Tử Ngung. Vào hôm mùng bốn tháng năm, niên hiệu Nguyên
Phong thứ sáu đời Tống, thiền sư tắm gội rồi lên pháp tòa từ biệt đại chúng,
lưu bài kệ xong, liền buông bút tọa hóa. Như Nghĩa Thanh thiền sư tác phong
phóng khoáng, sống chết tự do dường ấy, có phải Ngài đã lãnh hội câu: "Thương
ghét chẳng để lòng. Nằm thẳng đôi chân nghỉ" đó ư?
Nói
Chung Về Nghiệp Si
Người tu khi với sự lý
của mọi vấn đề không thể hiểu minh bạch, rồi từ đó dẫn sanh tất cả điều mê
hoặc, khiến cho tâm niệm chẳng yên, đó là lúc nghiệp si nổi lên. Chẳng hạn như
trong khi đang tu, thoạt nhớ có kẻ nói phải niệm chừng nào nhứt tâm bất loạn
mới được vãng sanh, nay xét mình khó nỗi đến trình độ ấy, công hành đạo e luống
uổng, rồi sanh ý phân vân, đó là hiện tướng của nghiệp si.
Si mê là
nguồn gốc của tất cả phiền não. Tham, Sân do “Si” mà Mạn, Nghi, Ác Kiến
cũng đều do “Si”. Như khi khởi niệm: Sự hành đạo siêng nhọc của ta,
chưa chắc người xuất gia đã bằng; đó là Ngã Mạn phiền não. Lúc niệm Phật, bỗng
sanh ý nghĩ: Cõi Cực Lạc trang nghiêm dường ấy, mình nghiệp dày phước mỏng,
biết có được vãng sanh hay chăng? Đó là Nghi phiền não. Ác kiến là sự thấy hiểu
cố chấp xấu ác, gồm năm điều Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến Thủ kiến, và
Giới Thủ kiến.
Như đang tu hành, chợt
nghĩ: thể chất mình vẫn yếu, hôm nay lại nghe mỏi nhọc, nếu niệm Phật thêm lâu
nữa sợ e phải đau; đó là Thân kiến.
Hoặc nghĩ: Chết rồi như
đèn tắt, nếu có đời trước sao mình không nhớ? Tốt hơn là nên tu tiên để được
sống lâu không chết. Đây là Ðoạn kiến và Thường kiến trong Biên
kiến.
Hoặc suy tưởng tại sao
có người làm lành lại mạng yểu, chết một cách dữ dằn; kẻ làm nhiều điều ác lại
sống lâu, chết rất tốt đẹp yên ổn? Vậy thì tu hành đâu có ích lợi chi! Đây là
lối chấp Tà kiến, không thấu suốt lý nhân quả ba đời.
Có kẻ lại nghĩ: trước
kia mình tu theo cách luyện điển của giáo phái khác, mới ít tháng liền có sự
biến đổi; nay sao niệm Phật đã lâu mà không thấy chuyển động gì? Đây là Kiến
Thủ kiến, tức là chấp lấy sự nhận thức sai lầm của mình. Hoặc lại suy nghĩ:
Bên đạo khác họ sát sanh vẫn cầu được về Thiên Đường; mình cũng cầu sanh Cực
Lạc, vậy cần chi phải giữ giới sát? Đây là Giới Thủ kiến, tức sự
chấp hiểu lầm lạc về giới pháp.
Hình thức của nghiệp si
rất nhiều; nhưng người tu Tịnh Độ cần nhứt là phải y theo kinh Phật, và đặt
trọn vẹn đức tin vào đó. Đối với đạo lý sâu xa, điều nào không biết thì nên tìm
hỏi nơi bậc thiện tri thức. Nghiệp si dễ khiến cho người lạc mất chủ hướng khi
bị các thuyết khác đả phá, mà môn Tịnh Độ lại là pháp thâm diệu khó tin hiểu.
Theo kinh luận, người niệm Phật nên y theo ba lượng để củng cố lòng tin.
1. Lý Trí Lượng:
là sự suy lường tìm hiểu của lý trí. Chẳng hạn như suy nghĩ: Các thế giới đều
do tâm tạo, đã có cõi người thuộc phân nửa nghiệp thiện ác, tất có tam đồ thuộc
nhiều nghiệp dữ, và các cõi trời thuộc nhiều nghiệp lành. Như thế tất cũng có
cõi Cực Lạc do nguyện lực thuần thiện của Phật, và công đức lành của chư Bồ Tát
cùng những bậc thượng thiện nhơn.
2. Thánh Ngôn
Lượng: là giá trị lời nói của Phật, Bồ Tát trong các kinh luận. Đức Thế Tôn
đã dùng tịnh nhãn thấy rõ y báo, chánh báo cõi Cực Lạc, và diễn tả cảnh giới ấy
trong các kinh Tịnh Độ. Các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền đều ngợi khen
cõi Cực Lạc và khuyên nên cầu vãng sanh. Người Phật tử nếu không lấy
lời của Phật, Bồ Tát làm mực thước, thử hỏi còn phải tin ai hơn?
3. Hiện Chứng
Lượng: là lối tìm hiểu do sự thấy biết hoặc chứng nghiệm hiện thật, để khởi
lòng tin. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đã chứng minh rất nhiều vị niệm Phật
được vãng sanh, và ở Việt Nam ta cũng có nhiều Phật tử tu Tịnh Độ được về Cực
Lạc. Chẳng những thế, mà hiện tiền khi tịnh niệm các vị ấy cũng thấy cảnh Tịnh
Độ hiện bày. Nếu không có cõi Cực Lạc, và không có Phật A Di Đà tiếp dẫn, thì
làm sao những vị ấy thấy rõ và được kết quả vãng sanh?
Trên đây là ba lượng mà
hành giả Tịnh Độ phải y cứ để giữ vững lòng tin. Lại theo Ấn Quang pháp
sư, người niệm Phật không nên đem sự tu Tịnh Độ thỉnh giáo các vị thiện tri
thức bên Thiền Tông. Bởi lối đáp của những vị ấy đều đi về bổn phận, tức là nói
về lý tánh, mà Tịnh Độ thì thuộc về tướng tông. Vì chỗ chủ trương khác nhau như
thế, nếu kẻ sơ học chưa dung thông tánh tướng, e không được lợi ích chi, mà còn
tăng thêm lòng nghi ngại phân vân bất nhứt.
Phải
Diệt Niệm Buồn Chán
Có một chi tiết trong
nhà đạo, nguyên nhân cũng chỉ vì nghiệp si, mà nhiều người thường hay vướng
mắc. Nhân tiện xin nói rộng thêm để các hành giả được sự bền chí trên đường tu
niệm.
Người hoài bão tâm
thương đời, hay kẻ có lòng lo đạo, trên đường chí nguyện thường thường phải trải
qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhứt
là tâm nhiệt thành sốt sắng.
Giai đoạn thứ hai
là niệm buồn rầu chán nản.
Giai đoạn thứ ba
là lòng bi trí tùy cơ.
Nhưng thông thường,
những vị hữu tâm ấy hay bỏ cuộc và tiêu tán chí niệm ở đoạn hai, ít ai đi đến
đoạn ba. Vượt đoạn hai để đi đến đoạn ba là người có tâm bi trí rộng lớn, như
con thần long khi bay lên mây xanh, lúc ẩn nơi lòng biển cả. Nhà Nho gọi điều này
là: "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng." Đây là ý
nói: "Bậc chân nho, đời hữu đạo thì đem đạo lưu hành, đời vô đạo
lại lui về ở ẩn." Như đức Khổng Tử khi đem đạo thánh hiền truyền
hóa, các vua thời Đông Châu không ai chấp nhận, Ngài lui về viết sách dạy học
trò, chí thương lo cứu đời không khi nào bị thối giảm. Kẻ chưa thấu hiểu thời
tiết cơ duyên, chưa suốt được đạo lý này, thường hay chán buồn bi phẫn! Trước
tiên hãy thử nhìn xét tâm niệm ấy qua phương diện thế gian.
Ta thấy có nhiều vị lúc
tuổi trẻ khí huyết phương cương, nhìn đời như hoa mộng, tâm nhiệt thành sốt
sắng, quyết chí xây dựng nếu không cho thiên hạ, thì ít nhứt cũng cho người
xung quanh hay cá nhơn mình được một cuộc đời tươi đẹp như lý tưởng. Nhưng khi
trải qua nỗi thăng trầm vinh nhục, rước lấy bao cuộc thất bại chua cay, đi sâu
vào đời thấy rõ nhơn tình sơ bạc, thì đâm ra chán nản. Lúc trước nhiệt thành
hăng hái bao nhiêu, bây giờ lại lạnh lùng, dè dặt bấy nhiêu! Có người lại muốn
đóng cửa tránh duyên xa lánh tất cả. Tâm trạng này có thể mượn mấy câu sau đây
để diễn tả:
Lỡ làng nước đục bụi
trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
Hay:
Thôi thà đừng biết cho xong
Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!
Hoặc:
Chuyện đời thấy vậy thì hay vậy
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
Nước đục bụi trong? Đây
là chỉ cho người ngay thẳng thành thật bị vu báng nghi ngờ, kẻ thủ đoạn khéo bề
ngoài lại được tin nghe quý trọng! Và còn biết bao sự đảo lộn khác nữa! Có
người lại bảo: Thà làm kẻ ngu dốt mà còn được niềm vui, hiểu biết chi nhiều để
thêm buồn lòng nhọc trí! Thi sĩ Tản Đà đã nhìn xét đời bằng câu:
Giang hà nhật hạ nhơn
giai trược
Thiên địa lô trung thực hữu tình?
Nước sông giang hà càng
xuống lại càng đục, đời càng mạt, đạo đức càng suy, trong trời đất ai là người
có chân tình? Chí sĩ Phan Bội Châu lúc tuổi trẻ, từng than thở:
Lương bằng hải khoát
thiên trường hận
Sơn thủy vân thôn vụ thổ sầu!
Nước non đã tối tăm bởi
mây khói ngoại xâm, mà trong vùng bể rộng trời xa lại không tìm thấy bóng người
đồng chí, tình cảnh thật đáng buồn! Nhưng đến lúc sắp tắt hơi, ông cũng còn
buông ra mấy lời hận thương chán nản:
"Trời xanh thánh
chúa hỡi ơi! Tiếc bấy trong tâm vùi Khổng, Mạnh! Non nước dân tình dường ấy!
Thà ra ngoài thế bạn Hy, Hoàng!"
(Thiên hồ nhi! Đế hồ
nhi! Khả tích hung trung mai Khổng, Mạnh. Dân như thử! Quốc như thử! Ninh ư thế
ngoại tác Hy, Hoàng!)
Đại khái đường tâm
nguyện của con người dễ bị nản buồn thối chuyển là thế! Và vì lẽ này mà Khuất
Nguyên bi phẫn đem thân tự trầm; Giới Tử Thôi giận hờn cam chịu chết thiêu nơi
rừng vắng.
Trong giới tu hành cũng
thế. Câu: "Học đạo thỉ cần chung tắc đãi" vô hình đã
chỉ rõ sự tiên kiến xác đáng của người xưa. Câu này ý nói: thông thường việc
học đạo trước siêng năng, sau hay sanh biếng trễ. Lắm người khi mới phát đạo
tâm, lòng tín thành sức dõng mãnh dường như Bồ Tát, nhưng lần lần trong do
nghiệp lực, ngoài bị cảnh duyên, ý khinh mạn bị biếng trễ nổi lên, mỗi niệm đều
là chúng sanh. Đại khái phần đông vì chưa nhận thức rõ cuộc đời ngũ trược, nên
khi chạm mặt với sự thật, dễ bị thối tâm. Bởi thế nhiều tăng ni do thấy trong
đạo có những sự sai lầm, hoặc hàng thiện tín có những phiền não cố chấp nặng,
nên sanh niệm thối chuyển.
Từ ý niệm đó họ hoàn
tục, hoặc tiêu tán chí nguyện độ tha, thích ở ẩn để tự tu, không muốn gây duyên
hoằng hóa. Và nhiều Phật tử tại gia bởi thấy có những tăng ni hành
không đúng pháp, rồi nản chí bỏ đạo không muốn tiếp xúc với người xuất gia;
hoặc sanh lòng ngã mạn, bảo chỉ quy y Phật, Pháp, không quy y Tăng. Lại nhiều
bà Phật tử khi nghe phong thanh thầy mình có điều gì, chưa thấu đáo tình lý
việc ấy ra sao, đã vội bỏ ăn chay, niệm Phật, tụng kinh. Họ chưa nắm vững lẽ
đạo, không biết rằng tu cho mình chớ đâu phải tu cho thầy, bỏ tu hành chỉ tự
làm thiệt hại, nào có tổn thất đến ai?
Luận chung, những tâm
niệm bi phẫn buồn chán như trên đều sai lầm, thiếu lập trường vững chắc. Bởi dù
đời hay đạo, bậc chân chánh thiện lương tuy là ít, nhưng chẳng phải không
người. "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi", đừng lấy cớ
một phần tử lỗi lầm, mà cho rằng tất cả đều sai quấy. Lại: "Nhơn
hư đạo bất hư", dù tất cả người đều sai lạc, đạo vẫn là con đường sáng
suốt làm bước tiến tốt đẹp cho mình. Và, trước khi phê bình người nên tự xét
mình đã được hoàn hảo chưa, hay sự thật còn kém hơn kẻ mình chỉ trích. Nên có
lượng xót thương xả thứ, đem lòng trách người trách mình, dùng tâm thứ dung
mình mà thứ dung cho người. Chớ lấy đá liệng kẻ lỗi lầm, khi chính mình cũng
còn nhiều lầm lỗi. Lại tiêu điểm trước tiên của đường tu là lo cứu mình, tìm
lối tự giải thoát. Nếu vì một đối tượng nào bên ngoài mà bỏ luôn cả chính mình,
có phải là mê muội chăng?
Cho nên người tu có sự
nhìn thấu suốt, hằng lo giữ đúng như bổn phận; tự sanh lòng trung thật, từ bi,
xả thứ, thẹn cho mình nghiệp chướng hãy nhiều, thương cho người còn ở trong
vòng chìm mê phiền não, luôn luôn nắm vững chí nguyện, gắng tìm phương tự độ độ
tha. "Từ bi hỷ xả là nhà, trí huệ, phương tiện là cửa",
không vì chúng sanh nhiều phiền não, đường tu nhiều trở ngại gian lao mà thối
thất đạo tâm. Có sự nhận thức như thế, là đã vượt qua nỗi chướng ngại nơi giai
đoạn hai, mà bước lên chỗ bình thản của giai đoạn ba vậy.
Cách
Đối Trị Tổng Quát
Nghiệp THAM,
SÂN, SI biểu hiện dưới nhiều hình thức, không thể tả xiết! Nơi đây
chỉ nói tổng quát bốn điều căn bản để đối trị những nghiệp ấy:
1. Dùng TÂM đối
trị: - Người mê với bậc giác ngộ chỉ có hai điểm sai biệt: tịnh là chư Phật,
nhiễm là chúng sanh. Chư Phật do thuận theo tịnh tâm nên giác ngộ, đủ thần
thông trí huệ; chúng sanh bởi tùy nơi trần nhiễm nên mê hoặc, bị sống chết luân
hồi. Tu Tịnh Độ là đi sâu vào Niệm Phật Tam Muội để giác ngộ bản tâm, chứng lên
Phật quả.
Vậy trong niệm Phật, nếu
thấy bất cứ một niệm vọng động nào khác nổi lên, liền phải trừ ngay và trở về
tịnh tâm. Đây là cách dùng tâm để đối trị.
2. Dùng LÝ đối
trị: - Nếu khi vọng niệm khởi lên, dùng tâm ngăn trừ không nổi, phải chuyển
sang giai đoạn hai là dùng đến quán lý. Chẳng hạn như khi Tâm tham
nhiễm nổi lên, quán lý: bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Tâm
giận hờn phát khởi, quán lý: Từ bi hỷ xả, nhẫn nhục nhu hòa, các pháp
đều không.
3. Dùng SỰ đối
trị: - Những kẻ nghiệp nặng, dùng lý đối trị không kham, tất phải dùng sự,
nghĩa là dùng đến hình thức. Thí dụ, người tánh dễ sân si, biết rõ nghiệp mình,
khi phát nóng bực sắp muốn tranh cãi, họ liền bỏ đi và uống từ từ một ly nước
lạnh để dằn cơn giận xuống. Hoặc như kẻ nặng nghiệp ái, dùng lý trí ngăn không
nổi, họ lựa cách gần bậc trưởng thượng, làm Phật sự nhiều, hoặc đi xa để lãng
quên lần tâm nhớ thương. Câu: "Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng!"
thật ra chính là "Càng xa xôi mặt, càng thưa thớt lòng!"
Bởi tâm chúng sanh y
theo cảnh, cảnh đã vắng tức tâm mất chỗ nương, lần lần sẽ phai nhạt.
4. Dùng SÁM tụng
đối trị: - Ngoài ba cách trên từ tế đến thô, còn có phương pháp thứ tư là dùng
sám hối trì tụng để đối trị. Sự sám hối, niệm Phật, trì chú hoặc tụng kinh, mà
giữ cho đều đều, có năng lực diệt tội nghiệp sanh phước huệ. Vì thế thuở xưa có
nhiều vị trước khi thọ giới hay sắp làm Phật sự lớn, thường phát nguyện tụng
mấy muôn biến chú Đại Bi, hoặc một tạng Kinh Kim Cang Bát Nhã. Bên Trung Hoa,
các cư sĩ khi hợp lại Niệm Phật Ðường để kiết thất, nếu ai nghiệp nặng niệm
Phật không thanh tịnh, hay quán Phật không được rõ ràng, vị pháp sư chủ thất
thường bảo phải lạy hương sám. Đây là cách đốt một cây hương dài, rồi thành
kính đảnh lễ hồng danh Phật sám hối, cho đến khi nào cây hương tàn mới thôi.
Có vị suốt trong thời kỳ
kiết thất bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày, toàn là lạy hương sám.
Bốn cách trên, hành giả
tùy trường hợp mà đối trị tổng quát ba nghiệp tham sân si. Nếu bền bỉ
chí tâm, thì không việc chi chẳng thành tựu.
BÀI SỐ 98
Ẩn tu phương tiện mượn thi ngâm
Thức ngộ mình người khởi đạo tâm
Đâu nghỉ hoa đào ra động bích
Mà mong Lưu Nguyễn ghé vào thăm?
NHƯ Ý : Nếu Hoa-đào có rơi nhẹ trôi theo vòng suối ra ngoài ĐỘNG BÍCH, đó cũng là một sự Ngẫu-nhiên, không phải do ý Chư-tiên mượn nó để dời chân LƯU NGUYỄN , cũng như thế Bút-giả không có ý mượn những lời Thi trong đây để Thả cánh Hoa-đào, mà chỉ muốn ngõ riêng với một ít vì Thông Cảm, Hữu Duyên.
Bởi Mình đã có DUYÊN để đáng tỏ BÀY công bố.
Niệm Phật Thập Yếu
6
NIỆM PHẬT
PHẢI ÐOẠN
TUYỆT PHIỀN NÃO
Thanh sắc tài danh thế-lợi trêu
Bể trần chìm nổi kiếp vô-liêu!
Giai-nhân kiệt-sĩ chừ đâu vắng?
Dấu sử nghìn thu để hận nhiều!
Hươu Tần tranh đuổi khắp giang-san
Cỏ xót, mây thương, cuộc thảm tàn!
Lầu Hán vui trăng ai đó mấy?
Hơn thua thù hận thuở nào tan?
May gặp Như-Lai ánh huệ-không
Nước dương quyết rửa sạch mê lòng!
Đã lên
non pháp quên tìm báu
Lần lựa đi về tiếc uổng công!
Vượt hết non cao vực thẳm rồi
Bên đường bỗng thấy sắc hoa tươi
Mới hay siêu đọa do mình cả
Mà cõi mười phương cũng huyễn thôi.
Cách
Đối Trị Tổng Quát
Nghiệp THAM,
SÂN, SI biểu hiện dưới nhiều hình thức, không thể tả xiết! Nơi đây
chỉ nói tổng quát bốn điều căn bản để đối trị những nghiệp ấy:
1. Dùng TÂM đối
trị: - Người mê với bậc giác ngộ chỉ có hai điểm sai biệt: tịnh là chư Phật,
nhiễm là chúng sanh. Chư Phật do thuận theo tịnh tâm nên giác ngộ, đủ thần
thông trí huệ; chúng sanh bởi tùy nơi trần nhiễm nên mê hoặc, bị sống chết luân
hồi. Tu Tịnh Độ là đi sâu vào Niệm Phật Tam Muội để giác ngộ bản tâm, chứng lên
Phật quả.
Vậy trong niệm Phật, nếu
thấy bất cứ một niệm vọng động nào khác nổi lên, liền phải trừ ngay và trở về
tịnh tâm. Đây là cách dùng tâm để đối trị.
2. Dùng LÝ đối
trị: - Nếu khi vọng niệm khởi lên, dùng tâm ngăn trừ không nổi, phải chuyển
sang giai đoạn hai là dùng đến quán lý. Chẳng hạn như khi Tâm tham
nhiễm nổi lên, quán lý: bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Tâm
giận hờn phát khởi, quán lý: Từ bi hỷ xả, nhẫn nhục nhu hòa, các pháp
đều không.
3. Dùng SỰ đối
trị: - Những kẻ nghiệp nặng, dùng lý đối trị không kham, tất phải dùng sự,
nghĩa là dùng đến hình thức. Thí dụ, người tánh dễ sân si, biết rõ nghiệp mình,
khi phát nóng bực sắp muốn tranh cãi, họ liền bỏ đi và uống từ từ một ly nước
lạnh để dằn cơn giận xuống. Hoặc như kẻ nặng nghiệp ái, dùng lý trí ngăn không
nổi, họ lựa cách gần bậc trưởng thượng, làm Phật sự nhiều, hoặc đi xa để lãng
quên lần tâm nhớ thương. Câu: "Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng!"
thật ra chính là "Càng xa xôi mặt, càng thưa thớt lòng!"
Bởi tâm chúng sanh y
theo cảnh, cảnh đã vắng tức tâm mất chỗ nương, lần lần sẽ phai nhạt.
4. Dùng SÁM tụng
đối trị: - Ngoài ba cách trên từ tế đến thô, còn có phương pháp thứ tư là dùng
sám hối trì tụng để đối trị. Sự sám hối, niệm Phật, trì chú hoặc tụng kinh, mà
giữ cho đều đều, có năng lực diệt tội nghiệp sanh phước huệ. Vì thế thuở xưa có
nhiều vị trước khi thọ giới hay sắp làm Phật sự lớn, thường phát nguyện tụng
mấy muôn biến chú Đại Bi, hoặc một tạng Kinh Kim Cang Bát Nhã. Bên Trung Hoa,
các cư sĩ khi hợp lại Niệm Phật Ðường để kiết thất, nếu ai nghiệp nặng niệm
Phật không thanh tịnh, hay quán Phật không được rõ ràng, vị pháp sư chủ thất
thường bảo phải lạy hương sám. Đây là cách đốt một cây hương dài, rồi thành
kính đảnh lễ hồng danh Phật sám hối, cho đến khi nào cây hương tàn mới thôi.
Có vị suốt trong thời kỳ
kiết thất bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày, toàn là lạy hương sám.
Bốn cách trên, hành giả
tùy trường hợp mà đối trị tổng quát ba nghiệp tham sân si. Nếu bền bỉ
chí tâm, thì không việc chi chẳng thành tựu.
Nếu là bậc chân tu
Không thấy lỗi của đời.
Nếu như thấy lỗi người
Mình chê, là kém dở!
Người quấy, ta đừng quấy
Ta chê, tự có lỗi.
Muốn phá tan phiền não
Hãy trừ tâm thị phi
Thương ghét chẳng để lòng
Nằm thẳng đôi chân nghỉ!
(Pháp
Bảo Đàn Kinh, Vô Tướng kệ)
Comments
Post a Comment