Niệm Phật Thập Yếu
ĐỆ TỨ YẾU
NIỆM PHẬT
PHẢI QUYẾT ĐỊNH NGUYỆN VÃNG SANH
Tánh
Cách Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện
Như trên đã nói, yếu chỉ
của môn Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh. Muốn vào cửa pháp này, trước tiên hành
giả phải tin cõi Cực Lạc có thật, và đức A Di Đà luôn luôn hộ niệm, sẵn sàng
tiếp dẫn chúng sanh nào quy kính, niệm sáu chữ hồng danh kêu gọi đến
Ngài. Lòng tin như thế gọi là Tín.
Sau khi đã có lòng tin,
hành giả phải phát tâm chơn thiết cầu thoát ly cõi Ta Bà đầy khổ lụy chướng
duyên, mong muốn sanh về miền Cực Lạc an vui, sự thanh tịnh trang nghiêm vô
lượng, để tu tiến hoàn thành mục đích tự độ độ tha. Đó gọi là Nguyện.
Và khi đã phát nguyện
như thế, lại cần phải thiết thật xưng niệm danh hiệu đức A Di Đà cho đến trình
độ tâm Phật tương ưng, để được tiếp dẫn. Đây gọi là Hạnh.
Chương trước nói "Niệm
Phật phải dứt trừ lòng nghi" là thuyết minh về Tín. Chương
này giảng luận về Nguyện. Chương kế sau tiếp tục đề cập đến phần
hành trì, tức là Hạnh. Tín, Nguyện, Hạnh còn gọi là ba món tư lương
của môn Tịnh Độ. Ví như người đi xa phải cụ bị chăn mùng thuốc men, thức ăn
mặc, và tiền bạc, để có đủ sự cần dùng khi lên đường. Người tu Tịnh Độ cũng
thế, thiếu lòng tin không thể phát Nguyện. Có Tín, Nguyện mà chẳng thật hành,
tức tu phần Hạnh, chỉ là Tín, Nguyện suông. Và nếu Hạnh đầy đủ mà thiếu sót
Tín, Nguyện thì sự thật hành đó lạc lõng, không có tiêu chuẩn, đường lối. Cho
nên Tín, Nguyện, Hạnh là tư lương của kẻ đi đường xa về Cực
Lạc. Đối với sự vãng sanh, ba điều này có tánh cách liên đới nhau,
thiếu một, tất không thành tựu.
Ngẫu Ích đại sư, một
bậc tôn túc về Tịnh Độ đã dạy: "Được vãng sanh cùng chăng toàn do
Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc
cạn." Ngài lại bảo: "Nếu không Tín, Nguyện, dù trì
niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như
tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh." Người niệm Phật
tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng
phước báo nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ. Như tại Việt
Nam ta, vào đời Hậu Lê, có một vị sư ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật tuy
sâu mà vì nguyện tâm không chí thiết, nên khi mãn phần chuyển sanh làm một vị
đế vương triều nhà Thanh bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng của
chùa ấy để rửa vết chữ son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm
mấy bài thi. Trong ấy có hai câu:
Ngã
bản Tây Phương nhứt Phật tử,
Vân hà lạc tại đế vương gia?
Ý nói: Ta vốn là con của
Phật A Di Đà ở Tây Phương, cớ sao lại lạc vào nhà đế vương như thế này? Tuy
vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì
trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được.
Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của
Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính
là: "Ðược vãng sanh cùng chăng." Mà muốn được vãng
sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ “NGUYỆN”.
Đại sư lại nhấn mạnh: "Nếu Tín-Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ
xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh. Trái lại,
công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ
hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi." Lời này chỉ rõ: thà
Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát.
Xem đây ta thấy, đối với
người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chơn thiết có tánh cách trọng yếu là dường bao!
Kinh
Văn Khuyên Phát Nguyện
Về động lực hướng dẫn
của chữ Nguyện, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa
Nghiêm có nói: "Người này khi sắp mạng chung, trong
khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc
thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng
rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát
na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc."
Bởi thấy rõ công dụng
cần yếu của sự phát nguyện, nên trong Kinh A Di Đà, đức Thích Tôn
cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn văn như sau:
"Lại nữa, Xá Lợi
Phất! Chúng sanh về cõi nước Cực Lạc đều là hàng A Bệ Bạt Trí. Trong ấy có
nhiều bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết
được, chỉ có thể lấy số không lường không ngằn a tăng kỳ để nói mà thôi. Xá Lợi
Phất! Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia. Bởi tại
sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhơn như thế đồng họp một chỗ.
... Xá Lợi Phất! Ta thấy
sự lợi ích đó, nên nói lời này. Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải
nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.
... Xá Lợi Phất! Nếu có
người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật
A Di Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được không
thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ở cõi nước kia. Cho nên Xá
Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn nếu có lòng tin, phải nên phát nguyện
cầu sanh về quốc độ ấy."
Như trên, ta thấy đức
Thích Tôn mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ "phát nguyện" lời
ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết cuộc của kinh văn, Ngài cũng vẫn đôi ba phen
bảo phải phát nguyện cầu sanh. Tại sao thế? Vì nếu về cõi Cực Lạc, sẽ được ở
cảnh giới vô cùng mầu đẹp trang nghiêm, được thân kim cương đủ ba mươi hai
tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sanh già bịnh chết; được gần gũi Phật, chư đại Bồ
Tát và hội họp với các bậc thượng thiện nhơn; được thần thông Tam Muội, không
còn thối chuyển nơi quả vô thượng Bồ Đề. Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất
nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà
khuyên phát nguyện vãng sanh. Lòng bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn, thật là vô
lượng.
Thử
Xét Qua Những Tâm Nguyện Cầu Vãng Sanh
Nơi Kinh
Vô Lượng Thọ, đức Thích Tôn đã kể lược qua trong mười bốn quốc độ có bao
nhiêu Bồ Tát được sanh về Cực Lạc.
Riêng cõi Ta Bà này có
sáu mươi bảy ức bậc Bất Thối Bồ Tát được vãng sanh, còn số tiểu hạnh Bồ Tát và
những chúng sanh tu tập chút ích công đức được vãng sanh nhiều không xiết kể!
Ở mười ba quốc độ kia,
là cõi nước của các đức Phật như: Viễn Chiếu Như Lai, Bảo Tạng Như Lai, Vô
Lượng Âm Như Lai, Cam Lồ Vị Như Lai, Long Thắng Như Lai, Thắng Lực Như Lai, Sư
Tử Như Lai, Ly Cấu Quang Như Lai, Đức Thủ Như Lai, Diệu Đức Sơn Như Lai, Nhơn
Vương Như Lai, Vô Thượng Hoa Như Lai, Vô Úy Như Lai; mỗi quốc độ có từ mười ức
cho đến vô số Bồ Tát vãng sanh về Cực Lạc. Đây là chỉ kể những bậc đại Bồ Tát;
còn hàng tiểu hạnh Bồ Tát và phàm phu thì nhiều không thể nói xiết được! Đức
Phật lại bảo:
"Đó là chỉ lược
thuật qua trong mười bốn quốc độ. Nếu phải kể tất cả hàng Bồ Tát ở mười phương
thế giới sanh về Cực Lạc, thì dù có nói luôn đêm ngày trong một kiếp cũng không
thể hết!"
Có người hỏi: - Như thế
cõi Cực Lạc làm sao dung chứa cho xiết được?
- Xin đáp: Theo
trong kinh, có đức Phật lấy một cõi đại thiên làm một Phật độ. Có đức Phật lấy
nhiều hằng hà sa cõi đại thiên làm một Phật độ. Như Kinh Pháp Hoa nói,
ngài Phú Lâu Na sau sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai; đức Phật này lấy
hằng hà sa cõi đại thiên thế giới làm một Phật độ. Đức Thích Ca Thế
Tôn ta làm giáo chủ một cõi đại thiên gọi là Ta Bà, gồm một ngàn triệu thế giới
nhỏ. Ngài hóa thân thành một ngàn triệu đức Thích Ca ở những thế giới nhỏ ấy,
thị hiện từ lúc giáng sanh cho đến nhập Niết Bàn để thuyết pháp. Thế
thì cõi Cực Lạc có thể bao gồm từ ức triệu đến hằng hà sa cõi đại thiên lo gì
không đủ chỗ dung chứa! Lại nữa, y báo tùy nơi chánh báo mà hiện. Nếu
số người vãng sanh đông nhiều bao nhiêu, tất cảnh giới cũng tùy đó mà hiện rộng
rãi bấy nhiêu. Nguyện lực và phước lực của Phật A Di Đà vô biên, có
thể tùy số vãng sanh mà trang nghiêm tịnh cảnh.
- Lại hỏi: Theo Kinh A
Di Đà, mỗi phương trong mười phương thế giới, có hằng hà sa số chư
Phật đều ở nơi quốc độ mình khen nói pháp môn Tịnh Độ, khuyên sanh về Cực Lạc.
Như vậy, có thể đồng thời vô lượng chúng hữu tình đều vãng sanh, Phật A Di Đà
làm sao tiếp dẫn cho xiết?
- Đáp: Như
trên trời chỉ một vầng trăng mà từ nhiều biển, sông, ao, hồ to, cho đến mỗi hạt
sương nhỏ, đều có bóng nguyệt và nhuần thấm ánh trăng. Lại tùy theo địa phương
mình, mỗi người đều trông thấy và tiếp nhận được ánh trăng mát dịu. Lời xưa
nói:
Hoa nở không phân nhà
đói khó.
Trăng soi đồng sáng khắp non sông.
Phật A Di Đà cũng thế,
với chân tâm sáng lặng bao hàm, Ngài có thể phóng vô lượng ánh quang minh,
nhiếp thọ từ bậc đại Bồ Tát đến chúng sanh nhiều tội ác xưng niệm câu hồng
danh, và đồng thời tùy cơ hiện ra số thân như vi trần tiếp dẫn vô lượng chúng
hữu tình khắp mười phương sanh về Cực Lạc.
Như trên, ta thấy chúng
sanh sanh về Cực Lạc nhiều không thể kể xiết, còn hơn vô số điểm giọt mưa.
Nhưng xét chung về tâm nguyện cầu sanh của những vị ấy, ta có thể chia làm ba
hạng:
Hạng thứ nhất, là
những phàm phu thấp kém nhưng chân thật, không hiểu công đức cùng sự trang nghiêm
ở Tịnh Độ, chỉ cảm nghĩ đời sống nhiều vất vã khổ nhọc, cõi Ta Bà đầy chán nản
lo phiền, nên nguyện sanh về cõi nước thanh tịnh an vui.
Hạng thứ hai, tuy
cũng là phàm phu nhưng có trí huệ và chí nguyện lớn, muốn sanh về Cực Lạc để
bảo đảm thoát ly nẻo luân hồi, mau chứng đạo quả, hoàn thành chí nguyện tự độ
độ tha.
Hạng thứ ba, gồm
từ hàng tiểu thánh đã thoát ly vòng sống chết cho đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, vì
muốn mau tiến lên thượng địa, muốn học hỏi diệu pháp thành Phật, nên phát
nguyện vãng sanh.
Như vậy, ta thấy cầu về
Tịnh Độ không phải chỉ có hạng người vì chán cảnh khổ miền ngũ trược, mà cũng
có hạng người vì thương xót muốn tế độ chúng sanh cõi Ta Bà; cho đến những bậc
vì trên cầu Phật đạo, dưới độ quần mê ở khắp mười phương thế giới. Tuy sở nguyện
có thấp cao, nhưng khi đã sanh về Cực Lạc, thì cũng đồng được sự lợi ích như
nhau, nghĩa là tất cả đều không thối chuyển, đạt đến mục đích thành Phật lợi
sanh. Cổ đức đã bảo:
"Pháp môn Tịnh Độ
rất cao thâm mầu nhiệm, duy có Phật với Phật mới biết hết được, vì bậc Đẳng
Giác còn nguyện vãng sanh, ngôi Nhất Sanh Bổ Xứ còn phải trụ nơi miền Cực Lạc
để học hỏi. Các kinh Đại Thừa như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bảo Tích v.v...
đều khen ngợi Tịnh Độ và đề cập đến sự vãng sanh."
Pháp môn đã vi diệu đem
lại nhiều sự lợi ích như thế, tuy có vô lượng vô biên chúng hữu tình ở mười
phương sanh về Cực Lạc, nhưng đức Thích Tôn chưa mãn ý, còn muốn cho số tín
nguyện vãng sanh càng được nhiều hơn. Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài đã
than thở và khuyến tấn:
Cõi Phật Vô Lượng Thọ
Hàng Thanh Văn, Bồ Tát
Công đức và trí huệ
Không có thể khen nói!
Lại nơi cõi nước kia
Nhiệm mầu cực an vui.
Sự thanh tịnh như thế,
Sao không gắng làm lành
Mà niệm đạo tự nhiên?...
Đều phải siêng tinh tấn
Gắng sức tự mong cầu
Vãng sanh cõi An Lạc.
Tất lên chỗ siêu tuyệt
Vượt ngang năm nẻo ác
Ác đạo tự nhiên đóng
Thăng đạo không cùng tận.
Dễ sanh mà không người!
Cõi kia không cảnh nghịch
Tự nhiên thuận tiến lên.
Sao không xả việc đời
Siêng tu cầu đạo đức?
Để được kiếp sống lâu
Thọ, vui không cùng cực...
Lại cũng trong Kinh Vô
Lượng Thọ, để tỏ sự trân quý tuyệt vời của môn Tịnh Độ, đức Thế Tôn đã nói:
"Giả sử có cơn lửa
lớn cháy phừng đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, vì cầu nghe kinh pháp
này phải vượt ngang qua nơi ấy, cũng nên vui vẻ tin ưa mà cầu, để được thọ trì
đọc tụng, như lời dạy mà tu hành. Tại sao thế? Bởi vì có rất nhiều bậc Bồ Tát
muốn nghe kinh này mà không được nghe. Nếu có chúng sanh nào được nghe và tín
thọ kinh này, tất sẽ không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng."
Kinh pháp đã quý báu có
nhiều lợi ích như thế, nên đức Thế Tôn từng căn dặn sau khi Ngài diệt độ, không
nên sanh lòng nghi hoặc đối với pháp này. Nhưng tiếc thay, có những kẻ học Phật
chưa thấu đáo đã không tin, lại đem kinh này giải thích theo lối chấp lý bỏ sự,
thành ra xuyên tạc hủy báng, thật đáng thương buồn! Các bậc tôn túc khi xưa đã
nói:
"Đối với môn Tịnh
Độ, duy có hai hạng người được lợi ích. Một là hạng tối dốt nhưng chân thật chỉ
nghe lời dạy liền một bề tin nhận mà hành trì theo. Hai là hạng trí huệ sâu có
căn lành về Tịnh Độ, thông suốt tánh tướng, hiểu rõ công đức niệm Phật, nên
quyết lòng tín phụng. Còn hạng trí thức thông thường, hiểu cho thâm đáo thì
không hiểu thấu, mà tin như kẻ tối dốt họ lại không thể tin. Vì thế hạng này
khó được sự lợi ích."
Nhưng, mọi sự đều có
nhân duyên. Chỉ mong cho những vị được phước phận với môn này, sau khi nghe lời
dẫn giải trên, càng củng cố thêm lòng tín nguyện.
Văn
Phát Nguyện Của Ngài “LIÊN TRÌ” Và “TỪ VÂN”
Trong mỗi thời khóa Tịnh
Độ, sau khi trì niệm, hành giả liền lễ Phật cầu chứng minh, rồi quỳ xuống đọc
lời văn sám nguyện hồi hướng. Phần này rất quan trọng, vì là lúc dùng tâm niệm
mình đem công đức đã tu quy hướng về nơi mình mong muốn. Như chiếc thuyền trôi
đi, tuy do kẻ chèo hay động cơ thúc đẩy, nhưng nó đến tiêu điểm nào là bởi
người lèo lái. Phần phát nguyện của người tu Tịnh Độ, tức là giai đoạn dùng tâm
niệm lái con thuyền niệm Phật hướng về Tây Phương. Nhưng có nhiều liên hữu
không chú ý tới điểm này, lại tuyên đọc những bài văn có tính cách khuyến tu
hơn là sám nguyện. Đại để như các bài: "Chốn thảo lư an cư dưỡng
tánh" hay "Cuộc hồng trần xây vần quá ngán. Kiếp phù sinh tụ tán mấy
lăm hồi" chẳng hạn. Đọc như thế là đã đi sai với nghi thức tu Tịnh Độ.
Nay xin giới thiệu ra
đây ít bài văn Tịnh Độ của tiên đức khi xưa. Về văn phát nguyện, có vị thích
lời văn dài để nương theo đó mà sanh tâm khẩn thiết, có vị lại ưa lời văn ngắn
gọn mà đầy đủ ý nghĩa cầu sanh. Vì thế, bút giả xin chọn lựa hai bài theo tiêu
chuẩn trên diễn dịch ra, để mong đáp ứng phần nào sở thích của hàng liên hữu.
Bài
văn phát nguyện của Liên Trì đại sư:
Cúi lạy phương Tây cõi
An Lạc
Tiếp dẫn chúng sanh Đại Đạo Sư,
Nay con phát nguyện, nguyện vãng sanh
Nhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ!
Nay con khắp vì, bốn ân
ba cõi, pháp giới chúng sanh, cầu đạo Bồ Đề, Nhất Thừa của Phật; chuyên tâm trì
niệm, hồng danh muôn đức, Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ. Lại bởi chúng con,
nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó
thành, nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối.
Con và chúng sanh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si,
nhiễm dơ ba nghiệp, vô lượng vô biên, tội cấu đã gây, vô lượng vô biên, nghiệp
oan đã kết, nguyện đều tiêu diệt. Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa
pháp ác, thề không còn tạo, siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành
chánh giác, thề độ chúng sanh. Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết
lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con. Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc
mộng mơ, được thấy thân vàng, A Di Đà Phật, được chơi cõi tịnh, của đấng Đạo
Sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể, tay xoa đảnh con,
áo đắp thân con, khiến cho chúng con, chướng cũ tự trừ, căn lành thêm lớn, mau
tiêu phiền não, chóng phá vô minh, viên giác tâm mầu, sáng bừng mở rộng, tịch
quang cảnh thật, thường được hiện tiền. Đến lúc lâm chung, biết ngày giờ trước,
thân không tất cả, bịnh khổ ách nạn, tâm dứt tất cả, tham luyến mê hoặc, các căn
vui đẹp, chánh niệm phân minh, xả báo an lành, như vào thiền định. Phật A Di
Đà, Quán Âm Thế Chí, cùng chư Hiền Thánh, ánh lành tiếp dẫn, tay báu dắt dìu,
lầu các, tràng phan, nhạc trời hương lạ, Tây Phương cảnh Phật, bày hiện rõ
ràng. Khiến cho chúng sanh, kẻ thấy người nghe, mừng vui khen cảm, phát Bồ Đề
tâm. Bấy giờ thân con, ngồi đài Kim Cang, bay theo sau Phật, khoảng khảy ngón
tay, sanh vào sen báu, nơi ao Thất Bảo, ở cõi Tây Phương. Rồi khi hoa nở, thấy
Phật Bồ Tát, nghe tiếng pháp mầu, chứng Vô Sanh Nhẫn, giây phút lại đi, thừa sự
chư Phật, nhờ ân thọ ký. Được thọ ký xong, ba thân bốn trí, năm nhãn sáu thông,
vô lượng trăm ngàn, môn Đà Ra Ni, tất cả công đức, thảy đều thành tựu. Từ đó về
sau, không rời An Dưỡng, trở lại Ta Bà, phân thân vô số, khắp cả mười phương,
dùng sức thần thông, tự tại khó nghĩ, và các phương tiện, độ thoát chúng sanh,
đều khiến lìa nhiễm, chứng được tịnh tâm, đồng sanh Tây Phương, lên ngôi Bất
Thối.
Nguyện lớn như vậy, thế
giới không tận, chúng sanh không tận, nghiệp và phiền não, thảy đều không tận,
đại nguyện của con, cũng không cùng tận. Nay con lễ Phật, phát nguyện tu trì,
xin đem công đức, hồi thí hữu tình, bốn ân khắp báo, ba cõi đều nhờ, pháp giới
chúng sanh, đồng thành chủng trí.
Bài
văn phát nguyện của Từ Vân sám chủ:
Một lòng quy mạng, thế
giới Cực Lạc, Phật A Di Đà. Xin đem ánh tịnh soi chiếu thân con, dùng nguyện từ
bi, mà nhiếp thọ con. Nay con chánh niệm, xưng hiệu Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu
sanh Tịnh Độ. Xưa Phật lập thệ: 'Nếu chúng sanh nào, muốn về nước ta, hết lòng
tin ưa, xưng danh hiệu ta, cho đến mười niệm, như không được sanh, ta không
thành Phật.' Nay con nguyện nương, nhân duyên niệm Phật, được vào biển thệ của
đức Như Lai, nhờ sức Thế Tôn, tiêu trừ các tội, thêm lớn căn lành. Con nguyện
lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không bịnh khổ, tâm không tham luyến, ý
không điên đảo, như vào thiền định. Phật cùng Thánh chúng, tay bưng đài vàng,
đến tiếp dẫn con. Trong khoảng sát na, con về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, được
nghe Phật Thừa, tỏ thông Phật huệ, độ khắp chúng sanh, mãn Bồ Đề nguyện.
Xin đem công đức trì
tụng này
Hồi hướng bốn ân và ba cõi
Nguyện khắp pháp giới các chúng sanh
Đều sanh Cực Lạc thành Phật đạo.
Phát
Nguyện Cần Phải Khẩn Thiết
Ngoài hai bài văn trên,
còn có bài văn sau đây mà trong quyển Phật Thất Nghi cho là xưa nay đã có rất
nhiều linh cảm. Có vị đang lúc đọc nguyện văn này, bỗng thấy các tướng lành; có
vị trong giấc mơ thấy Phật A Di Đà phóng quang chiếu soi. Những sự cảm ứng như
thế rất nhiều, không thể thuật ra hết. Đây là bài nguyện văn ấy:
“Đệ tử chúng con, hiện
là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường,
khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức,
của Phật Di Đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi,
xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con, chưa biết thân
Phật, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy
tướng mầu, Quán Âm Thế Chí, các chúng Bồ Tát và thế giới kia, thanh tịnh trang
nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.
Con nguyện lâm chung
không chướng ngại,
A Di Đà đến rước từ xa.
Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu
Thế Chí kim đài trao đỡ gót.
Trong một sát na lìa ngũ trược,
Khoảng tay co duỗi đến liên trì.
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.
Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Nhẫn,
Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự,
Con nguyện như thế Phật chứng tri.
Kết cuộc về sau được thành tựu”.
Nếu người dốt chữ, ký ức
kém, không thể ghi nhớ dài dòng, nên khuyên dạy họ học thuộc lòng câu phát
nguyện sau đây:
"Ngày... tháng...
năm..., đệ tử... nguyện đem công đức này cầu khi mãn phần được Phật tiếp dẫn về
Cực Lạc để trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh."
Cầu nguyện vắn tắt kèm
theo ngày tháng năm như trên, có tác dụng gây ý thức mạnh, khiến người niệm
Phật lúc nào tâm tư cũng hướng về Cực Lạc, hằng nhớ đến sự vãng sanh. Chi tiết
nhỏ này cũng là một phương tiện làm cho sức nguyện thêm mạnh mẽ bền chắc.
Phàm khi phát nguyện,
phải từ trong thâm tâm khẩn thiết nói ra, nếu chỉ tùy tiện đọc cho xong, lòng
không khẩn thiết, tất hạnh niệm Phật cũng khó chân thành. Ấn Quang pháp sư đã
bảo:
"Thành khẩn là yếu
tố để đi đến nhất tâm bất loạn. Có một phần thành khẩn, tiêu một phần tội
nghiệp, sanh một phần phước huệ. Có mười phần thành khẩn, tiêu mười phần tội
nghiệp, sanh mười phần phước huệ."
Người
xưa cũng nói: "Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai"; ý
nói: sức thành khẩn hướng đến đâu, có thể chẻ núi, phá vàng đến đó. Sự quyết
tâm có năng lực rất mạnh. Bút giả nhớ trong quyển sách nọ có kể chuyện một vị
bác sĩ bên Pháp tuổi trẻ, góa vợ, buồn lòng đến miền quê du ngoạn để giải
khuây. Nhân khi ngụ ở nhà người thợ rèn, thấy cô gái con gia chủ có sắc đẹp,
mới tỏ thật chuyện mình, xin cưới cô này làm vợ, và được chấp thuận. Nhưng lúc
chưa làm lễ cưới, bác sĩ đã ăn nằm với cô gái, rồi bỏ về đô thị. Người thợ rèn
thấy con gái bụng ngày một lớn, chàng sở khanh tuyệt tích như cánh chim hồng,
nghĩ mình nhà nghèo thế yếu không thể kiện thưa, tức giận quá, mỗi buổi chiều
cầm búa đập vào tấm sắt kêu gọi tên vị bác sĩ đòi đánh bể đầu, để tiết bớt niềm
phẫn hận. Nhưng ở đô thành cứ vào năm giờ chiều, vị bác sĩ nọ bỗng ôm đầu rên
la, chữa trị đủ cách vẫn không khỏi. Sau người bạn của bác sĩ trong lúc về thăm
quê, vào buổi chiều đi ngang nhà thợ rèn nghe tiếng đập sắt và kêu gọi tên bạn
mình trách mắng, mới vào gạn hỏi. Khi hiểu rõ sự việc, suy gẫm ra biết nguyên
nhân căn bịnh của bạn mình. Ông về khuyên vị bác sĩ phải đến xin lỗi và cưới cô
gái con người thợ rèn. Sau khi hôn lễ thành, bịnh vị bác sĩ mới khỏi.
Ấy tâm lực có sức mạnh
vô hình như thế. Nếu ý thức câu chuyện trên mà chí tâm phát nguyện niệm Phật,
lo gì không được sự cảm thông! Tóm lại, tín nguyện là huệ hạnh, niệm Phật là hành
hạnh; huệ hạnh như đôi mắt, hành hạnh như đôi chân. Chân và mắt phải nương
nhau, nguyện cùng hạnh đều khẩn thiết, như thế mới đi đến được Tây Phương Cực
Lạc thế giới.
BÀI SỐ 98
Ẩn tu phương tiện mượn thi ngâm
Thức ngộ mình người khởi đạo tâm
Đâu nghỉ hoa đào ra động bích
Mà mong Lưu Nguyễn ghé vào thăm?
NHƯ Ý : Nếu Hoa-đào có rơi nhẹ trôi theo vòng suối ra ngoài ĐỘNG BÍCH, đó cũng là một sự Ngẫu-nhiên, không phải do ý Chư-tiên mượn nó để dời chân LƯU NGUYỄN , cũng như thế Bút-giả không có ý mượn những lời Thi trong đây để Thả cánh Hoa-đào, mà chỉ muốn ngõ riêng với một ít vì Thông Cảm, Hữu Duyên.
Bởi Mình đã có DUYÊN để đáng tỏ BÀY công bố.
Niệm Phật Thập Yếu
ĐỆ TỨ YẾU
NIỆM PHẬT
PHẢI QUYẾT ĐỊNH NGUYỆN VÃNG SANH
Sân lan trời ngả bóng chiều,
Cảm thân phù-thế ít nhiều ngẩn ngơ!
Tranh đời dệt mộng vẩn-vơ
Say đua danh lợi, mê mờ sắc thanh.
Cánh bèo sóng vỗ bập bềnh,
Tại ai hay cũng gây nên bởi mình?
Bể trần là mấy phù sinh,
Thị phi thương ghét trong tình quẩn quanh
Mà trông chiếc lá lìa cành,
Dinh hư cõi tạm trong vành đó thôi!
Mà trông ngọn nước chảy trôi!
Mênh-mang sáu nẻo biết rồi về đâu?
Kiếp người nào có bao lâu
Nắng mưa thôi cũng dãi dầu cỏ hoa!
Lầu sương nhạt ánh trăng tà
Hoàng lương một giấc tỉnh ra ngỡ ngàng!
Chi bằng về cõi Liên Bang,
Sen khoe sắc ngọc, gió đàn pháp âm.
Trời giải-thoát, cảnh thậm
thâm
An vui muôn kiếp tuyệt lầm lỗi xưa
Chỉ câu niệm Phật đừng thưa,
Chỉ bền tin nguyện tam thừa bước lên.
Đài vàng sẵn đã ghi tên
Cơ duyên sẵn đợi một nền đạo tâm.
Kinh Văn Khuyên Phát Nguyện
Về động lực hướng dẫn
của chữ Nguyện, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa
Nghiêm có nói:
"Người này khi sắp
mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất
cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện
vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và
trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc."
Bởi thấy rõ công dụng
cần yếu của sự phát nguyện, nên trong Kinh A Di
Đà, đức Thích Tôn cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn
văn như sau:
"Lại nữa, Xá Lợi
Phất! Chúng sanh về cõi nước Cực Lạc đều là hàng A Bệ
Bạt Trí. Trong ấy có nhiều bậc Nhất
Sanh Bổ Xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết được,
chỉ có thể lấy số không lường không ngằn a tăng kỳ để nói mà thôi. Xá Lợi Phất!
Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia. Bởi tại
sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhơn như thế đồng họp một
chỗ.
... Xá Lợi Phất! Ta thấy
sự lợi ích đó, nên nói lời này. Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải
nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.
... Xá Lợi Phất! Nếu có
người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật
A Di Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều
được không thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ở cõi nước kia. Cho
nên Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn nếu có lòng tin, phải nên phát
nguyện cầu sanh về quốc độ ấy."
Như trên, ta thấy đức
Thích Tôn mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ "PHÁT
NGUYỆN" lời ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết cuộc của kinh
văn, Ngài cũng vẫn đôi ba phen bảo phải phát nguyện cầu sanh. Tại sao thế? Vì
nếu về cõi Cực Lạc, sẽ được ở cảnh giới vô cùng mầu đẹp trang nghiêm, được thân
kim cương đủ ba mươi hai tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sanh già bịnh chết; được
gần gũi Phật, chư đại Bồ Tát và hội họp với các bậc thượng thiện nhơn; được
thần thông Tam Muội, không còn thối chuyển nơi quả vô thượng Bồ Đề.
Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng
từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà khuyên phát nguyện vãng sanh.
Lòng
bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn, thật là vô lượng.
Comments
Post a Comment