LAM
Niệm Phật Thập Yếu
NIỆM PHẬT
PHẢI DỨT TRỪ LÒNG
NGHI
Sự
Trọng Yếu Của Lòng Tin
Chúng sanh nơi thế giới
Ta Bà này, nhân vì ở vào đời ác năm trược, phiền não nặng nhiều, hoàn cảnh bên
ngoài ác liệt, sự tu hành không dễ gì tiến bộ. Lại mỗi khi chuyển sanh thường
bị lạc mê, nên sự chứng đạt rất khó. Tiên đức hằng than:
"Số
xuất gia nhiều như lông trâu, nhưng người đắc đạo như sừng thỏ"
(Xuất
gia như ngưu mao, đắc đạo như thố giác).
Lời này có thể hình dung
cho điều vừa nói trên. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là bậc đã kinh nghiệm qua con
đường thành Phật, biết rõ lối nào dễ bước, nẻo nào khó đi. Vì thế Ngài mới vận
lòng bi trí, đặc biệt mở ra pháp môn Niệm Phật. Người tu môn này tuy chưa dứt
phiền não, mà có thể đới nghiệp vãng sanh. Khi về đến Tây Phương rồi, nhờ nhiều
thắng duyên của cảnh ấy, sự tiến tu chứng đạo rất dễ dàng như cầm lấy món đồ
trước mắt.
Đức Thế Tôn đã có lòng
đại bi như thế, lẽ ra mọi người đều được đắc độ với pháp môn này, nhưng kẻ vãng
sanh lại có phần ít là tại sao? Đó là bởi chúng sanh trí kém nghiệp nặng, hoặc
nghi lời Phật nói không chịu tu, hoặc tuy tu mà lòng tín nguyện không chí thiết,
hoặc tuy niệm Phật mà chỗ dụng công không đúng với lời Phật dạy. Vì thế tuy có
tu hành vẫn không đem đến thành quả. Đó là lỗi ở người, chớ không phải ở pháp.
Kinh Hoa Nghiêm
nói: "Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của của tất cả công
đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin hay tựu quả Bồ Đề của
Phật." Thế nên đối với người tu, đức tin có tính cách rất trọng
yếu. Nếu mất đức tin, chẳng những nền tảng tiến đạo phải bị sụp đổ, mà tất cả
công hạnh giải thoát cũng không thành. Đức tin này không phải mê tín, chính là
lòng tin nương theo trí huệ, là sự đặt trọn vẹn niềm tin vào lời của Phật, Bồ
Tát và chư vị Tổ Sư đã dạy trong kinh điển. Tạo sao đã nương theo trí huệ lại
còn phải đặt trọn vẹn niềm tin vào lời dạy của những bậc ấy? - Bởi môn Tịnh Độ
thuộc pháp Đại Thừa, đã là đại pháp tất nói nhiều cảnh giới siêu việt khác
thường, nên có những điều mà trí huệ phàm phu không thể suy lường nổi.
Khi xưa trên hội Linh
Sơn, đức Thế Tôn nói Kinh Pháp Hoa, có năm ngàn bậc Đại Đức Thanh Văn, đã chứng
từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến đệ tứ quả A La Hán, không tin tưởng lui ra khỏi Pháp
tịch. Đối với cảnh chính đức Phật còn tại thế thân nói pháp, với các vị Thanh
Văn thánh giả trí huệ đã siêu thường, mà còn có sự không tin, thì ta thấy pháp
Đại Thừa chẳng phải dễ tin hiểu. Cho nên trong kinh Đại Thừa, có nhiều chỗ đức
Phật bảo đừng nói cho kẻ nhiều kiến chấp, thiếu lòng tin nghe, vì e họ sinh
lòng khinh báng mà mang tội. Đến khi Đại Thừa pháp được lan truyền rộng, các vị
cổ đức khuyên người học Phật khi nghiên cứu về loại kinh này, chỗ nào dùng trí
huệ hiểu được cố nhiên là tốt, chỗ nào suy gẫm không thấu triệt vẫn đặt trọn
vẹn niềm tin nơi lời của đức Thế Tôn. Như thế mới tránh khỏi tội lỗi khinh báng
đại pháp, và không mất phần lợi ích.
Trong Kinh Phật
Thuyết A Di Đà, đức Bổn Sư đã đôi ba phen nhắc nhở về lòng tin, như các
đoạn: "Cho nên Xá Lợi Phất! Các ông phải nên tin nhận lời ta và
lời nói của chư Phật!... Xá Lợi Phất! Như ta hôm nay khen ngợi công đức không
thể nghĩ bàn của chư Phật. Các đức Phật kia cũng khen ngợi công đức không thể
nghĩ bàn của ta, mà nói lời như sau: 'Phật Thích Ca Mâu Ni hay làm được việc
rất khó khăn ít có! Ngài đã có thể ở trong đời ác năm trược là: kiếp trược,
kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược của quốc độ Ta Bà, chứng
quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì các chúng sanh nói ra pháp môn mà tất cả
thế gian đều khó tin ấy.' - Xá Lợi Phất! Nên biết ta ở trong đời ác năm trược
làm việc khó khăn sau đây, là đắc quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì tất cả
thế gian nói ra pháp khó tin này, thật là điều rất khó!"
Đức Thế Tôn trí huệ
nhiệm mầu, mà đã nói những lời ấy, thì biết pháp Tịnh Độ thật khó tin, và lòng
tin là điều rất quan hệ! Nhiều vị cổ đức cũng bảo: "Pháp môn Tịnh
Độ rất khó thâm tín, duy hạng phàm phu đã gieo căn lành niệm Phật và bậc Đăng
Địa Bồ Tát mới tin nhận được mà thôi. Ngoài ra những chúng sanh khác cho đến
hàng Nhị Thừa hoặc quyền vị Bồ Tát đôi khi cũng không tin nhận pháp môn
này." Khi xem những lời như trên, ban sơ bút giả cũng lấy làm lạ
tự hỏi: "Tại sao đệ tử Phật lại không tin lời của Phật? Hàng Nhị Thừa và
quyền vị Bồ Tát trí huệ siêu việt, chỗ tu chứng đã cao, sao lại không tin pháp
môn Tịnh Độ?"
Nhưng về sau, khi thấy
trong hàng xuất gia có những vị giảng giáo lý tinh thông, song lại không tin có
cõi Cực Lạc và bài bác sự Niệm Phật Vãng Sanh, chừng đó mới công nhận lời kia
là đúng. Nhân đây lại tìm trong kinh, thấy nói đạo nhãn của bậc A La Hán và
Bích Chi Phật chỉ ở trong phạm vi tam thiên đại thiên thế giới, gồm một ngàn
triệu thái dương hệ. Mà môn Tịnh Độ thuộc về giới ngoại đại pháp, cõi Cực Lạc ở
ngoài đại thiên thế giới, như vậy làm sao hàng cực quả Nhị Thừa có thể thấy
biết tin nhận được? Còn hàng quyền vị Bồ Tát chưa chứng vào cảnh giới Ðại
Phương Ðẳng, chưa thấy được mười phương Tịnh Độ, nên có vị không tin nhận lẽ dĩ
nhiên.
Điểm căn yếu của môn
Niệm Phật là: Tín, Nguyện, Hạnh. Ba điều này tương quan với nhau như cái đảnh
có ba chân, thiếu một tất phải sụp đổ. Trong đây tín lại là nền tảng, nếu thiếu
nhu yếu này, thì không thể khởi sanh Nguyện và phát động Hạnh tu trì cho thiết
thật. Riêng về điểm Tín, đại khái có ba điều:
Trước tiên, phải tin lời
đức Thế Tôn nói, nhận chắc cõi Cực Lạc từ nhơn vật đến cảnh giới đều có thật.
Kế đó, phải tin đức A Di
Đà không có lời nguyện dối, chúng sanh dù nghiệp nặng, nếu niệm đến danh hiệu
Ngài, quyết định sẽ được tiếp dẫn vãng sanh.
Thứ ba, phải tin ta niệm
Phật, nguyện về cõi Phật, quyết sẽ được thấy Phật được vãng sanh, nhân nào quả
ấy không thể sai lạc.
Ba điều này chỉ là khái
yếu, nếu suy diễn ra rộng, trong ấy gồm có sáu phần: tin mình, tin
Phật, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý. Điều thứ nhất bao gồm tin lời
Phật và tin sự, lý Tịnh Độ đều có thật.
Điều thứ hai bao gồm tin
đại nguyện của Phật A Di Đà và tha lực tiếp dẫn của Ngài.
Điều thứ ba bao gồm tin
bản tâm mình, nguyện lực mình, và nhân cùng quả của công hạnh niệm Phật.
Nhân chắc ba điều vừa
nói, mới gọi là tin sâu. Lại tin sâu không
phải thuộc lời nói bên ngoài hay ý nghĩa phân biệt mà là sự thể nhận, là tâm
trong sạch không còn một điểm nghi ngờ. Cho nên khi xưa ông Vương Trọng Hồi hỏi
một vị thiện trí thức: "Làm sao quyết chắc được sanh về Cực
Lạc?" Vị ấy đáp: "Chỉ tin nhận sâu, là chắc chắn
được vãng sanh." Ông ghi nhận và ngộ giải lời nói ấy, quả nhiên
về sau được toại thành như ý nguyện.
Sự tin sâu có ích lợi là
như thế.
Những
Điều Làm Giảm Phá Niềm Tin
Trong giới tu hành, có
những kẻ cũng khuyên dạy niệm Phật, song lại giáo hóa theo cách thức của ngoại
đạo. Lại có những vị vì chưa thông hiểu hay nhận thức sai lạc về Tịnh Độ, nên
sanh ra bài báng. Đại khái như bảo: - Tịnh Độ là môn hành trì của ông già bà
cả, hạng căn cơ thấp kém - tu Tịnh Độ là ỷ lại yếu hèn, không thể tự lực giải
thoát nổi, phải nhờ cậy vào tha lực - hay Niệm Phật là pháp hủ bại chờ chết,
chỉ độ tử chớ không độ sanh. Những sự lạm dụng và hiểu lầm trên đây, có mối hại
dẫn dắt quần chúng theo đường tà và khiến thối chuyển cùng hủy hoại niềm tin
của người niệm Phật, nên cần phải giải thích để làm sáng tỏ pháp môn Tịnh Độ.
Xin để qua những người không tin nhân quả, Phật pháp, mà chỉ nhìn xét những vị
có hình thức dính dáng với đạo Phật.
Có những người hình thức
là tăng ni, cũng ở chùa hay am, cốc, nhưng không học hiểu Phật pháp, chỉ tu
luyện theo bàng môn. Họ là những kẻ mang chiêu bài Phật Giáo bán tạp hóa ngoại
đạo. Những người này có đồ chúng của họ, đều bí mật truyền đạo cho nhau. Nhiều
người tuy nói tham Thiền, song kỳ thật chuyên luyện điển, hoàn toàn không hiểu
Thiền là gì. Đối với môn Tịnh Độ, họ bảo phải tưởng câu niệm Phật từ đơn điền
thẳng tắt ra sau lưng, đi dọc lên theo xương sống rồi vòng xuống trở lại đơn
điền, gọi là “chuyển pháp luân”. Đó là cách luyện khai thông
hai mạch Nhâm, Đốc, theo ngoại phái, không phải của đạo Phật. Có kẻ dạy phải
nín thở niệm Phật luôn một hơi, rồi nuốt ực nước bọt một cái, gọi là để củng cố
chân nguyên. Có kẻ đem sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật bố khắp châu thân. Có
người lại giải thích Kinh A Di Đà theo ngoại thuyết như: Ao sen thất
bảo là bao tử, bảy hàng cây báu là xương sườn, bát công đức thủy là máu, tủy,
và các thứ nước không sạch trong thân... Những kẻ đã mượn Phật pháp để tu theo
ngoại đạo này đâu phải là chánh tín, làm sao được vãng sanh giải thoát?
Ngoài những kẻ ngoại đạo
nương bóng Phật pháp, còn lại là những vị đệ tử chánh thức của Phật. Trong đây,
có nhiều vị tuy tin hiểu pháp Niệm Phật, công nhận lời Phật dạy về môn này,
song Tịnh Độ không phải là tâm niệm sở thích của họ, nên họ tu theo các môn
khác. Những người này đều là những bậc tu hành chân chánh trong Phật
pháp. Song cũng có một ít người vì học theo giáo lý của các tông phái
khác, không hiểu sâu về Tịnh Độ, lại do tư tưởng môn đình, chẳng những không
tin Tịnh Độ Tông còn sanh lòng hủy báng.
Lệ như có người theo
Thiền Tông, mới tu học Thiền chưa bao lâu, đã phản đối Niệm Phật. Họ đâu biết
rằng nhiều bậc đại đức cao tăng khi xưa như các Ngài: Vĩnh Minh Thiền sư, Tử
Tâm Tân Thiền sư, Thiên Y Hoài thiền sư, Viên Chiếu Bản thiền sư, Từ Thọ Thâm
thiền sư, Nam Nhạc Tư thiền sư, Pháp Chiếu thiền sư, Tịnh Yếu thiền sư, Tịnh Từ
Đại Thông thiền sư, Thiên Thai Hoài Ngọc thiền sư, Đạo Trân thiền sư, Đạo Xước
thiền sư, Tỳ Lăng Pháp Chân thiền sư, Cô Tô Thủ Nạp thiền sư, Bắc Nhàn Giản
thiền sư, Thiên Mục Lễ thiền sư v.v... là những vị siêu xuất bên Thiền Tông,
sau khi tham ngộ được minh tâm kiến tánh, đều qui hướng về Tịnh Độ. Những vị
này đối với Thiền, họ là bậc đại tri thức hoằng hóa về Tông môn, đối với Tịnh,
họ là bậc danh đức khuyên dạy niệm Phật. Điều này có thể chứng minh Tịnh Độ và
Thiền đều không chướng ngại nhau, hà tất phải đem lòng hủy báng?
Lại như một vị cao tăng
mới thị tịch gần đây là Hư Vân thiền sư, ai cũng nhận là bậc siêu ngộ; nhưng
khi ở Thiền Đường thì Ngài giảng về đạo lý tham thiền, ở Niệm Phật Đường Ngài
lại khuyên dạy về niệm Phật. Với môn Tịnh Độ chẳng những Ngài không phản đối mà
lại còn tán dương. Vậy thử hỏi những người vừa mới tu Thiền đã vội bác niệm
Phật, sự học hiểu và công phu hành trì có bằng các bậc cao đức trên đây chăng?
Lại như những người theo
Duy Thức Tông, mới học Duy Thức chưa bao lâu, đã phản đối niệm Phật, họ không
biết rằng vị đệ nhất Tổ Sư khai sáng về Duy Thức Tông ở Trung Hoa là ngài Huyền
Trang, mà hiện nay họ đang thừa học, đã không phản đối, lại còn truyền dương
môn niệm Phật. Bằng chứng là khi Ngài thỉnh kinh ở Ấn Độ về, có đem theo quyển
Kinh A Di Đà bằng Phạn văn, dịch thành tân bản, nhan đề là Xưng Tán Tịnh Độ
Nhiếp Thọ Kinh. Cho đến vị Tổ thứ hai bên Tông Duy Thức là Khuy Cơ đại sư cũng
trứ tác thành một quyển A Di Đà Kinh Sớ, và ba quyển A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ.
Và Thái Hư đại sư, một vị cao tăng cận đại ở Trung Hoa, mọi người đều công nhận
Ngài là bậc thạc học trung hưng về Duy Thức Tông. Nhưng khi có người tu Tịnh Độ
thỉnh Ðại Sư chỉ dạy thì Ngài cũng giảng thuyết về niệm Phật. Những lời khai
thị về Tịnh Độ Tông của Ngài có đến bảy thiên, mà hiện nay chùa Thiện Đạo ở Đài
Bắc còn ấn bản lưu hành. Thế thì biết những bậc cao đức bên Duy Thức Tông chẳng
những không bài bác Tịnh Độ, mà trái lại còn hoằng hóa tán dương.
Xin thử hỏi những người
học Duy Thức chưa bao lâu mà phản đối Tịnh Độ, sự học vấn tu trì có bằng các
bậc tiền bối đó chăng?
Bước đầu vào cửa Tịnh
Độ, cần có sự tin hiểu chính xác, nếu thiếu đức tin làm sao phát nguyện và hành
trì? Như trên thử xét qua, ta thấy đại lược có ba hạng người gây sự giảm phá
cho giáo thuyết Tịnh Độ. Một là hạng người thế gian không tin nhân quả, Phật
pháp, nên hủy báng niệm Phật. Hai là hạng tu theo bàng môn lạm dụng hình thức
Phật pháp, chỉ dạy niệm Phật theo lối sai lầm. Ba là những người trong chánh
pháp, sự nhận thức đối với môn Tịnh Độ còn nông cạn đơn sơ, nên xem thường và
bài báng.
Mấy điều kiểm duyệt như
trên, người niệm Phật cần phải biết qua, nhận định đâu là tà chánh ngụy chân,
để giữ vững lòng tin trên bước đường tu tiến.
Những
Mối Nghi Thông Thường Về Tịnh Độ
Các điều không tin, lạm
dụng và kém nhận thức như trên, còn thuộc về phương diện đứng bên ngoài mà nhìn
vào cửa Tịnh Độ. Nơi đây xin đề cập đến những kẻ thật ý muốn tu, hoặc đã nhập
môn. Có nhiều người thật tâm muốn niệm Phật, hoặc đã từng hành trì rồi, nhưng
vì sự học hiểu về giáo lý còn kém, nên khi nghe kẻ khác biện luận bài bác, liền
khởi lòng nghi. Những mối nghi đó rất nhiều, nay chỉ nêu ra ba điểm phổ thông
mà lắm người thường vướng phải. Mấy điểm ấy đại khái như: nghi Cực Lạc là quyền
thuyết, nghi pháp môn tu chứng quá dễ, nghi mình kém duyên phước khó vãng sanh.
Xin giải thích đại lược như sau:
1.- Có
kẻ thấy trong kinh điển tả cảnh Tịnh Độ quá trang nghiêm, bỗng sanh niệm nghi
rằng: - Cõi Cực Lạc là quyền tiện của Phật nói ra để cho người hâm mộ gắng tu
làm lành lánh dữ, đại khái như thuyết thiên đường, hỏa ngục hay cảnh Bồng Lai,
để thưởng thiện phạt ác của các giáo phái khác. Làm gì có một thế giới từ đất
đai, cây cối, lầu các đều bằng thất bảo như: vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ,
xích châu, mã não hợp thành? Lại còn thân người bằng chất ngọc nhuyễn kim
cương, hóa sanh từ hoa sen không có già bịnh chết, các thức ăn mặc trân quý đều
tùy ý niệm hiện ra? Như thế toàn là những chuyện đâu đâu, xa với thật tế hiện
thấy trước mắt, làm sao tin được?
Để giải thích điều này,
xin đáp:
- Những ý nghĩ đó đều
còn cuộc hạn theo sự nghe thấy của tai mắt phàm tình. Người muốn học Phật không
nên đem trí phàm phu mà suy lường cảnh thánh. Đừng nói đâu xa, ngay ở Việt Nam
ta, khi cụ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp trở về thuật lại, nói bên ấy đèn
không đốt mà cháy, xe thuyền không ngựa kéo người bơi mà tự chạy. Cụ có vịnh
hai câu thi:
Bá ban xảo kế tề thiên
địa.
Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền!
Hai câu này ngụ ý khen
người Pháp trăm việc hay khéo sánh bằng trời đất, duy có sự sống chết là còn
thuộc quyền tạo hóa định đoạt mà thôi! Vua Tự Đức và triều thần nghe nói thế
đều không tin. Đến như ông Nguyễn Tri Phương là chỗ bạn thân, cũng mỉm cười cho
là cụ Phan đi xa về nói khoác. Thử hỏi: - Vua Tự Đức cùng triều thần đều tự
nhận mình là người học thức, cho sự việc đó tai không nghe, mắt không thấy,
vượt quá sức tưởng tượng, nên không tin. Nhưng các điều ấy quả thật không có
chăng? Lấy một việc nhỏ này suy ra, ta thấy nếu đem những định kiến theo tai
nghe mắt thấy và sự tưởng nghĩ phàm thường mà đo lường cảnh thánh đều thành sai
lạc. Hơn nữa, nếu không có Phật A Di Đà tiếp dẫn, tại sao nhiều người niệm Phật
khi sắp chết biết trước ngày giờ, thấy các cảnh tướng Tây Phương, cùng Phật, Bồ
Tát hiện thân đón rước? Nếu cõi Cực Lạc là hư huyễn, tại sao có những vị tu
Tịnh Độ trong lúc hiện tiền bỗng được tâm khai thấy rõ ràng cảnh Tây Phương
trang nghiêm y như lời Phật nói?
Đệ tử của Phật hay người
muốn học Phật mà không lấy lời Phật dạy trong kinh làm mực thước, thử hỏi còn
lấy chi để làm chỗ tựa nương? Cho nên do theo Thánh Ngôn Lượng và Hiện Chứng
Lượng (cách suy lường dựa theo lời Phật nói và sự hiện chứng của người tu), ta
phải tin rằng những sự trang nghiêm ở Cực Lạc đều có thật.
2.- Có
người nghe nói pháp môn Tịnh Độ hành trì giản dị mà được kết quả rất mau chóng
cao siêu, thì nghi ngờ rằng: - Đâu lại có phương pháp thành Phật quá dễ dàng
như thế? Bởi đường lối thường thức của các môn tu là Chỉ và Quán. Khi hạ thủ
dụng công, trước tu Chỉ, kế tiếp Quán; hoặc trước tu Quán, kế tiếp Chỉ. Lần lần
tiến đến "trong Quán có Chỉ, trong Chỉ có Quán." Khi tới
trình độ "Chỉ Quán không hai, định huệ tịch chiếu" mới gọi là bước
vào cảnh giới tự tâm. Rồi từ đó về sau, nếu mỗi đời đều tiếp tục tinh
tấn tu hành, theo như trong kinh luận nói, phải trải qua một muôn đại kiếp mới
lên ngôi Bất Thối Chuyển. Tại sao chỉ niệm một câu Phật hiệu, ngay trong đời
này lại được vãng sanh lên ngôi Bất Thối, há chẳng phải là quá dễ dàng ư?
Đề cập đến nghi vấn nầy,
chúng ta nên biết tu các pháp môn khác chỉ hoàn toàn nương nơi tự lực, cho nên
phải khó. Riêng đường lối Tịnh Độ có hai năng lực, là tự tâm lực và Phật tiếp
dẫn lực, nên sự thành công rất dễ. Ví như một người chân yếu, muốn tự mình lên
tận đỉnh núi cao là điều rất khó. Nhưng nếu kẻ ấy được một vị đại lực sĩ khoác
cánh tay phăng phăng đưa bước tiến lên, thì kết quả đăng phong nào có khó chi!
Về môn Tịnh Độ cũng thế, khi ta chuyên tâm niệm Phật tức là lúc tâm lực phát
triển. Niệm đến một lòng không loạn là lúc tâm lực hoàn toàn hiện bày.
Đang khi ấy nghiệp lực
bị hàng phục không còn làm chướng ngại, lại được thêm Phật lực tiếp dẫn nên tuy
nghiệp chưa trừ dứt, mà được vãng sanh. Khi sanh về Tây Phương rồi, sống lâu vô
lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, sự không thối chuyển cho đến khi thành Phật là
một điều hiển nhiên dễ hiểu.
3.- Có
kẻ lại nghi rằng: Cảnh Cực Lạc mầu đẹp trang nghiêm vô lượng, chẳng phải dùng
ít nhân duyên căn lành phước đức mà được sanh về. Nhìn gẫm lại mình, căn lành
phước đức còn sơ bạc, nghiệp chướng lại nhiều, mong gì đời này được duyên tốt
vãng sanh?
- Xin kính khuyên quý vị
ngàn muôn lần chớ nên nghi như thế. Bởi khi các vị lần chuỗi niệm Phật được, là
căn lành phước đức đã sâu dày rồi. Thử nghĩ lại xem, trên thế gian này biết bao
nhiêu kẻ không nghe được danh hiệu Phật? Biết bao nhiêu người tuy nghe hồng danh
đức A Di Đà, nhưng mãi đoạt lợi tranh danh, đeo đuổi theo các điều trần nhiễm,
không chịu niệm Phật? Nay các vị đã được nghe Phật pháp và chí tâm niệm Phật,
há không phải là có căn lành phước đức lớn đó ư? Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật
bảo Di Lặc Bồ Tát: "Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu đức Phật
kia, vui mừng khấp khởi, cho đến một niệm, nên biết kẻ ấy được lợi lớn, đã đầy
đủ phước đức vô thượng."
Lời này đủ chứng minh:
biết niệm Phật tức là đã có nhiều phước đức căn lành rồi. Trong Tịnh Độ Thánh
Hiền Lục có dẫn sự tích những người phạm tội cực ác như Trương Thiện Hòa, Hùng
Tuấn, Duy Cung và loài súc sanh như chim bát kha, anh võ, chí tâm niệm Phật đều
được vãng sanh. Phước đức căn lành của quý vị đã vượt xa hơn những người ác và
loại súc sanh kia.
Vậy cần chi phải e ngại
là ngay trong đời này không được sanh về Cực Lạc!
Những
Mối Nghi Thiệp Lý
Ngoài ba điểm nghi phổ
thông như trên, còn những mối nghi về Tịnh Độ quan thiệp tới đạo lý từ cạn đến
sâu. Các điều nghi này rất nhiều, nay chỉ xin nêu ra các chi tiết quan trọng để
giải thích, thể theo lối vấn đáp như sau:
1) Hỏi: Môn
Tịnh Độ là pháp sơ cơ, chỉ để cho kẻ ngu dốt, căn trí thấp kém hành trì. Những
người căn tánh cao phải tu Thiền hay Duy Thức mới hợp lý. Vả lại bậc trượng phu
phải có chí hùng cường tự lập, nên căn cứ nơi sức mình mà giải thoát; nếu cầu
mong tha lực, chẳng tỏ ra hèn yếu lắm ư?
- Đáp: Với
lời hỏi này, trước tiên xin nói về căn cơ, sau sẽ trả lời đến yếu tố
tự lực tha lực.
Pháp môn Tịnh Độ không
phải chỉ để cho bậc trung, hạ căn, mà còn thâu nhiếp cả bậc thượng thượng căn.
Bậc trung, hạ căn niệm Phật sẽ dứt được phiền não nghiệp chướng, phát sanh
phước đức trí huệ, lần lần đi đến định cảnh, tùy công phu thấp cao mà vãng sanh
về chín phẩm sen nơi Cực Lạc. Bậc thượng căn vừa đề khởi câu niệm Phật, liền
thâm nhập vào cảnh giới Ðịnh Huệ, đi đứng nằm ngồi đều ở trong Niệm Phật Tam
Muội, khi lâm chung sanh về thượng thượng phẩm ở Liên Bang. Trong hàng tiên đức
đã có vị đi vào cảnh giới này, và trình thuật với câu:
Niết khởi sổ châu thằng
sách đoạn
Thể hương phạn thục dĩ đa thời
Ý nói:
Nắm lấy chuỗi tràng trần niệm dứt,
Nghiễm nhiên thành Phật đã từ lâu.
Cho nên, câu niệm Phật
thâu nhiếp hết ba căn, với người cao nó thành cao, với người thấp nó thành
thấp.
Các bậc đại tri thức
trong Phật Giáo thường phê luận: "Pháp môn Niệm Phật gồm nhiếp cả
Thiền, Giáo, Luật, Mật." Tại sao pháp Niệm Phật lại gồm nhiếp cả
bốn môn này? - Sở dĩ có điều ấy, bởi khi niệm Phật dứt trừ cả vọng tưởng chấp
trước, đó là Thiền. Sáu chữ hồng danh bao gồm vô lượng nghĩa mầu, vô lượng
nghĩa đều ẩn một và xuất hiện từ nơi đấy, đó là Giáo. Niệm Phật đến cảnh giới
sâu, ba nghiệp đều trong sạch vắng lặng, đó là Luật. Câu niệm Phật có công năng
như một câu thần chú, hay giải oan, trừ nghiệp, mãn nguyện, hàng ma đó là Mật.
Như Liên Trì đại sư, trong một năm nắng hạn lâu ngày, thay vì niệm chú đảo võ,
Ngài chỉ đi ngoài đồng gõ mõ niệm Phật, đi đến đâu, trời mưa đến đó. Và Viên
Chiếu Bản thiền sư, thay vì tham thiền, Ngài chỉ dùng sáu chữ hồng danh mà được
ngộ tánh bản lai, chứng vào Niệm Phật Tam Muội. Cứ như đây suy nghiệm rộng sâu
thêm, câu niệm Phật cũng gồm thâu cả năm thời tám giáo, nhiếp luôn sáu pháp Ba
La Mật, như Triệt Ngộ đại sư đã trình bày trong thiên Niệm Phật Bách Kệ.
Trong kinh lại
nói: "Chí thành xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sẽ được tiêu tội
nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử." Người niệm Phật nếu hằng
giữ định tâm, tất sẽ phát huệ đồng như lối tu của các pháp môn khác. Hơn nữa,
trên định tâm mà xưng danh hiệu Phật A Di Đà, thì sự tiêu nghiệp chướng sanh
phước huệ càng cao thắng chóng mau. Vì thế, Liên Trì đại sư đã khen pháp Niệm
Phật là: đại thiền định, đại trí huệ, đại phước đức, đại thánh hiền. Theo Quán
Kinh: người tạo tội ngũ nghịch thập ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu
chí thành xưng danh hiệu Phật A Di Đà cho đến mười niệm, thì Ngài liền hiện
thân tiếp dẫn sanh về Cực Lạc. Từ một kẻ cực ác, chỉ dùng mười niệm mà được
vãng sanh, lên ngay ngôi Bất Thối Chuyển thật là điều rất hy hữu. Ấn Quang đại
sư đã khen: "Pháp Niệm Phật bậc cực cao niệm đến một lòng không
loạn, chứng vào Tam Muội, kẻ cực thấp chỉ dùng mười niệm thành công, là điểm
đặc sắc mà chưa thấy pháp môn nào có."
Về vấn đề tự lực tha
lực, nếu như hiểu môn Tịnh Độ chỉ hoàn toàn nương nơi tha lực
là lầm. Người niệm Phật phải đem hết tự lực dứt trừ phiền não, trì niệm cho đến
cảnh giới tâm mình, và tâm Phật tương ứng. Từ cảnh giới đó, hiện thời hành giả
được Phật phóng quang thầm nhiếp thọ, khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh.
Sự tiếp dẫn mới là yếu tố chánh của tha lực, vì thế giới Cực Lạc cách xa cõi Ta
Bà này đến mười muôn ức Phật độ, còn không phải sức thần thông đạo lực tầm
thường có thể đến được, huống nữa là phàm phu! Vì thế cần phải nhờ tha lực tức
thần lực của Phật hoặc chư thánh tiếp dẫn. Ví như một học sinh, tự mình biết
gắng hết sức chuyên học, dĩ nhiên là điều đáng quý. Nếu trên sự chuyên học ấy,
lại được vị giáo sư giỏi kèm theo chỉ dạy, tất mức học vấn càng cao thâm, kết
quả thi đỗ sẽ là phần bảo đảm. Trên tự lực của hành giả, thêm tha lực
của Phật gia bị tiếp dẫn cũng lại như thế. Vậy sự kiện chính mình đã gắng hết
sức để tu, lại cầu thêm tha lực cho được kết quả mau chóng, có phải là một điều
hèn yếu lỗi lầm chăng?
Sự cao diệu của môn Tịnh
Độ, chính các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ; các vị
Tổ Sư như Vĩnh Minh, Trí Giả, Triệt Ngộ, Liên Trì, cho đến nhiều đấng tôn túc ở
các tông, đều khuyến nguyện vãng sanh. Chê Niệm Phật là thấp kém chỉ để cho bậc
hạ căn tu hành tức là chê chư Bồ Tát, Tổ Sư và các vị cao đức đã nói trên. Bảo
niệm Phật là hèn yếu, chỉ nương nơi tha lực, tức là chưa hiểu biết chi về môn
Tịnh Độ.
2) Hỏi: Cổ
thi có câu:
“Thân khinh luyện đắc
đồng tiên hạc
Cực Lạc hoành hoành nhứt trực phi”.
Ý nói:
Luyện thân nhẹ được đồng tiên hạc,
Cực Lạc bay ngang thẳng trở về!
Thế thì ta cứ tham
thiền, chờ khi chứng được thần thông, chừng ấy có thể đi về Cực Lạc, hoặc tùy ý
sang các cõi Tịnh Độ khác. Như vậy, hà tất phải khăng khăng niệm Phật cầu về
Cực Lạc làm chi?
- Đáp: Hai
câu thi trên, ý nói cảnh giới cảm thông từ hành giả dung hòa với thần lực nhiếp
thọ của Phật, chớ không phải chỉ cho cảnh giới thần thông. Xin tuần tự giải
thích hai điều ấy, trước tiên hãy nói về cảnh giới thần thông.
Theo trong kinh, đạo
nhãn và thần thông của bậc Sơ Quả Tu Đà Hoàn thuộc phạm vi một tiểu thế giới,
gồm bốn cõi ác thú, bốn đại châu, một núi Tu Di, một nhật nguyệt, sáu cõi trời
Dục, và một cõi Sơ Thiền. Đạo nhãn và thần thông của bậc nhị quả Tư Đà Hàm ở
trong chu vi một tiểu thiên thế giới; bậc A Na Hàm, một trung thiên thế
giới; bậc A La Hán, một đại thiên thế giới. Bậc Sơ Địa Bồ Tát, đạo
nhãn thấy được một trăm cõi Phật cùng trăm đức Phật, chứng một trăm Tam Muội;
thần lực có thể phóng ánh sáng và làm rung động một trăm cõi Phật, đi sang khắp
một trăm Phật độ. Đạo nhãn và thần thông của bậc Nhị Địa Bồ Tát ở trong chu vi
một ngàn cõi Phật; bậc Tam Địa Bồ Tát, một trăm ngàn cõi Phật. Cứ như
thế lần lượt tăng gấp bội lên mãi cho đến bậc đệ Thập Địa Bồ Tát thuộc ngôi
Pháp Vân, thần thông đạo lực, bao hàm vô biên quốc độ.
Từ thế giới Ta Bà này
sang Cực Lạc cách mười muôn ức Phật độ. Số ức của Ấn Độ thời xưa có ba bậc, mà
mức trung bình là một triệu bây giờ. Như thế, nếu lấy mười muôn nhân cho một
triệu (100.000 x 1.000.000) thì Ta Bà cách Cực Lạc đến một trăm ngàn triệu Phật
độ. Lại về Phật độ, tức phạm vi ứng thân giáo hóa của một vị Phật, có đức Phật
lấy một đại thiên thế giới gồm một ngàn triệu thái dương hệ làm một Phật độ; có
đức Phật lấy hai, ba hoặc trăm, ngàn, muôn, ức cõi đại thiên làm một Phật độ;
có đức Phật lấy từ một hằng hà sa cho đến nhiều hằng hà sa cõi đại thiên làm
một Phật độ. Ấy là chưa kể những khoảng trống xa cách từ Phật độ này đến Phật
độ kia.
Như thế ta thấy từ Ta Bà
đến Cực Lạc, chẳng những bậc A La Hán, mà với thần thông của các vị hạ địa Bồ
Tát cũng khó nỗi tìm sang. Cho nên khi xưa
ngài Mục Kiền Liên tuy hiện thân ở ngôi A La Hán, song kỳ thật là bậc Bồ Tát
thị hiện làm Thanh Văn để tu Bồ Tát hạnh, nghe Phật nói Kinh A Di Đà, có lúc đã
dùng sức thần thông của mình tìm sang Cực Lạc. Nhưng Ngài tìm mãi không thấy,
sau cùng lạc đến thế giới của Phật Tu Di Tướng. Núi Tu Di cao tám muôn bốn ngàn
do tuần, mỗi do tuần trung bình là sáu mươi dặm, Phật Tu Di Tướng và dân chúng
ở cõi ấy, thân hình đều to lớn như núi Tu Di. Khi ngài Mục Kiền Liên đến cõi
này, thấy Phật đang thuyết pháp cho đại chúng nghe, liền đi vòng quanh trên
miệng bát của một vị tăng. Vị tăng ấy bạch với Phật rằng: “Có một con trùng nhỏ
giống hình người bò trên miệng bát của mình”. Phật Tu Di Tướng bảo: "Không
phải thế đâu, đó chính là vị Thanh Văn đệ tử thần thông bậc nhất của Phật Thích
Ca Mâu Ni ở thế giới Ta Bà, tên gọi là Mục Kiền Liên." Ngài Mục Kiền Liên
nghe nói thế, liền hiện thân lớn bằng núi Tu Di, đồng với thân lượng chúng sanh
ở cõi ấy, bạch với Phật nguyên nhân mình đi lạc đến thế giới này, và kính xin
Phật dùng thần lực đưa trở lại quốc độ Ta Bà. Như thế, ta thấy nếu căn cứ nơi
thần lực thì thần thông không rộng lớn, chẳng thể đi về Cực Lạc.
Ở thời mạt pháp này,
người tham thiền ngộ đạo còn khó có, nói chi chứng đến Sơ Quả Tu Đà Hoàn! Khi
chưa chứng quả tất phải bị luân hồi, sự khỏi sa đọa còn không bảo đảm, bàn đến
việc mỗi đời tiếp tục tiến tu trải qua vô lượng vô số kiếp, chờ chứng được ngôi
vị thượng địa Bồ Tát để có thể sang Cực Lạc, phải chăng là một điều hư tưởng
viễn vông? Dù có đủ thần thông sang Cực Lạc, mà muốn ở cõi đó, phải quy kính
xưng niệm danh hiệu đức A Di Đà, mới được lưu trụ. Ví như nhà giàu kia có một
vườn hoa tươi đẹp, sức ta có thể vượt tường đi vào, nhưng thật ra muốn vào đó
thưởng ngoạn, còn phải thưa hỏi chủ nhơn. Bởi thế, khi xưa ngài Duy Ma
Cật dùng thần thông đem những tòa ngồi nghiêm đẹp cao bốn muôn hai ngàn do tuần
ở cõi nước Phật Tu Di Đăng Vương về nơi tịnh thất, chỉ riêng các bậc đại Bồ Tát
đã từng lễ kính cúng dường mười phương chư Phật mới lên ngồi được. Ngoài ra
những vị tân phát ý Bồ Tát cho đến hàng Thanh Văn đại đệ tử, tuy có thần thông
dư sức vượt cao hơn bốn muôn hai ngàn do tuần, song không thể lên ngồi. Ngài
Duy Ma Cật biết những tòa sư tử này do công đức phước báo của Tu Di Đăng Vương
Như Lai, liền bảo với các vị ấy xưng danh hiệu quy kính đức Phật kia, sau đó
mới lên ngồi được. Thế nên biết, muốn về cõi Cực Lạc phương Tây, sự xưng niệm
đức Phật A Di Đà, là một điều tất yếu.
Cảnh giới tự tâm cảm
thông với thần lực nhiếp thọ của Phật là thế nào? Kinh nói: "Phật
A Di Đà thường phóng quang nhiếp thọ tất cả chúng sanh niệm Phật ở mười phương
không bỏ sót." Cho nên khi ta niệm Phật, liền được nguyện lực
quang minh của Phật âm thầm nhiếp thọ. Lúc hành giả nhứt tâm niệm Phật, thì
nghiệp lực chìm lắng, tâm lực lộ bày, ánh sáng của tự tâm giao tiếp với quang
minh của Phật, nên hiện tiền có thể thấy cảnh Tây Phương, hoặc thần linh dạo
chơi miền Tịnh Độ. Sức tâm nguyện thanh tịnh hướng về Tây Phương của hành giả
gọi là tự tâm lực, hay tự lực; sức phóng quang nhiếp thọ để dẫn độ của Phật A
Di Đà gọi là Phật nhiếp thọ lực, hay tha lực. Nhờ hai năng lực ấy nên tuy chưa
được thần thông rộng lớn mà hành giả niệm Phật có thể sanh về Tây Phương.
Khi lâm chung, người
niệm Phật tùy theo công đức của mình, hoặc thấy Phật đến tiếp dẫn, hoặc thấy Bồ
Tát hay Thánh chúng đến tiếp dẫn. Có vị tuy không thấy chi cả, nhưng do nguyện lực
của mình và sức quang minh hướng dẫn của Phật, nên cũng được vãng sanh. Sự quan
trọng của tha lực là như thế.
3) Hỏi: Tu
Tịnh Độ cần phải chứng Niệm Phật Tam Muội, hoặc ít nữa đi đến cảnh giới nhứt
tâm bất loạn, mới được vãng sanh. Như thế người hạ căn chưa chắc đã thực hành
nổi. Vậy thì kẻ thấp kém ngu tối làm sao được sanh về Cực Lạc? Nếu kẻ hạ căn
ngu tối không vãng sanh được, sao lại gọi pháp môn Niệm Phật thâu nhiếp cả ba
căn?
- Đáp: Thật
ra với căn cơ thời nay, cảnh giới nhứt tâm bất loạn trong lúc hiện tiền, còn
không có mấy người đi đến, huống chi là Niệm Phật Tam Muội! Nhưng, theo Kinh
Quán Vô Lượng Thọ, kẻ tạo tội ngũ nghịch thập ác khi lâm chung tướng địa ngục
hiện, chí tâm xưng danh hiệu Phật A Di Đà từ một cho đến mười niệm, liền được
Phật hiện đến tiếp dẫn vãng sanh. Thế thì sự nhứt tâm được vãng sanh, là chỉ
cho khi lâm chung chớ không phải lúc hiện tiền. Nếu lúc bình thời niệm
Phật được nhứt tâm, nhưng sau đó lại chuyển hướng tu theo pháp môn khác không
cầu vãng sanh, thì làm sao được về Cực Lạc?
Mà muốn được nhứt tâm
khi lâm chung, thì lúc bình thời phải tập câu niệm Phật cho thuần thục. Do bình
thời thường niệm Phật, dù chưa được nhứt tâm, nhưng chủng tử niệm Phật dồn chứa
đã nhiều, lúc sắp chết, hành giả khởi niệm Phật nó liền phát hiện mạnh mẽ nên
được nhứt tâm. Kẻ hạ căn niệm Phật được vãng sanh, thường ở trong tình trạng
ấy.
4) Hỏi: Niệm
Phật cốt để ngăn trừ vọng tâm, chặn đứng phiền não, đi đến chỗ vô niệm. Đã như
thế thì cứ để tâm thanh tịnh, lần lần sẽ tiến vào cảnh giới vô niệm, cần gì
phải niệm Phật cho nhọc sức lao hơi?
- Đáp: Điểm
cứu cánh của pháp Niệm Phật là Niệm Phật Tam Muội, chứng toàn thể bản tánh Di
Đà, tức cảnh giới Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Nhưng mục đích chánh yếu và cấp
thiết của tông Tịnh Độ, là cầu vãng sanh để bảo đảm không còn luân hồi mê đọa,
mượn hoàn cảnh ưu thắng ở cõi Cực Lạc tu hành, cho mau tiến lên Phật quả. Vì lẽ
ấy nên hành giả của môn Tịnh Độ cần phải xưng niệm danh hiệu đức A Di Đà. Chủ
đích của môn Tịnh Độ là như thế, không cấp thiết ở chỗ cầu cảnh giới vô niệm,
mau chứng ngộ tánh bản lai như bên Thiền Tông.
Tuy nhiên, khi thật hành
chủ đích này, hành giả phải niệm Phật cho được nhứt tâm, nên dù không cầu vô
niệm mà cảnh vô niệm vẫn tự hiện bày. Hơn nữa, nhờ công đức niệm Phật giúp sức
cho mau tiêu nghiệp, nên cảnh giới ấy lại càng chóng hiển lộ. Ở đây chúng ta
thấy mở thêm một tia sáng: muốn mau được vô niệm, được sớm ngộ tánh bản lai,
lại cần phải niệm Phật.
Đi sâu thêm, nếu là
người căn tánh Đại Thừa, tất phải hiểu niệm Phật là để thành Phật. Như
chỉ hiểu niệm Phật cốt để ngăn trừ vọng tưởng, tức đã lạc vào Ngũ Đình Tâm Quán
của Tiểu Thừa. Tại sao niệm Phật là để thành Phật? - Bởi khi vừa đề
khởi câu niệm Phật, thì quá khứ, hiện tại, vị lai đều mất, tuy có tướng mà lìa
tướng, tức sắc là không, hữu niệm đồng vô niệm, đi ngay vào cảnh giới bản giác
ly niệm của Như Lai, đương thể là Phật chớ còn chi nữa? Nếu cho rằng có niệm là
còn trệ nơi hữu vi thì khi đức Thế Tôn hiện các tướng hữu vi như ăn cơm, khoác
y, đàm luận, thuyết pháp đi đứng nằm ngồi, đều trệ nơi hữu vi và không phải là
Như Lai sao? Lại nếu cho rằng còn niệm Phật chưa phải là vô niệm, thì chư tôn
đức bên Thiền Tông khi tham thoại đầu, giảng luận, hoặc có lúc tụng kinh, lễ
bái, sám hối, kinh hành đều thuộc về hữu tướng, không phải là Thiền ư?
Nên biết đạo lý của vô
vi là "làm tất cả việc hữu vi mà không thấy có tướng làm", vô niệm
cũng thế; chớ không phải tuyệt cả hành động, ngôn ngữ là vô vi vô niệm đâu! Bởi
chẳng rõ lý này nên nhiều kẻ chấp không cho rằng: Niệm Phật như chiếc xe chạy
đi thêm chở nặng, hoặc như trong vàng còn lẫn chì, trong cơm lẫn cát, không
được nhẹ nhàng thuần nhứt, thật đã sai lầm!
Nhưng niệm mà không niệm
là cảnh giới của bậc thượng thượng căn; nơi đây chỉ khái luận qua để giải mối
nghi chấp. Riêng bậc trung, hạ căn gắng niệm Phật cho thuần thục cũng đã quý
lắm rồi!
5) Hỏi: Thể
của các pháp là không, xưa nay vẫn vô sanh và bình đẳng vắng lặng. Khi tâm ta
thanh tịnh, dù ở Uế Độ cũng thanh tịnh; trái lại như không thanh tịnh, tuy ở
Tịnh Độ vẫn phiền não rộn ràng. Nếu đã có sanh tất phải có diệt hay có sanh là
có tử. Thế thì bỏ Ta Bà cầu sanh về Cực Lạc, chẳng là trái đạo lý ư?
- Đáp: Vấn
đề này có hai nghĩa. Xin thể theo lời của Trí Giả đại sư trong Thập Nghi Luận
và phụ thêm đôi chút ý kiến để giải thích, phân làm tổng đáp cùng biệt đáp.
Về phần tổng đáp, nếu
cho rằng cầu về Tịnh Độ là bỏ đây tìm kia, không hợp với lý Chân Như bình đẳng.
Thế thì trụ Ta Bà không cầu sanh Cực Lạc, há không bị lỗi bỏ kia chấp đây sao?
Còn như bảo: "Tôi không cầu kia cũng không chấp đây", lại cũng
mắc vào lỗi đoạn diệt. Cho nên kinh Kim Cang Bát Nhã nói: "Tu Bồ
Đề! Ông đừng nghĩ rằng: Nói phát tâm vô thượng Bồ Đề là đoạn diệt hết tướng của
các pháp. Tại sao thế? Vì phát tâm vô thượng Bồ Đề, đối với các pháp không nói
tướng đoạn diệt."
Về phần biệt đáp, xin
giải thích về lý vô sanh và tâm tịnh.
Vô Sanh cũng chính là
lý “bất sanh bất diệt”. Bất sanh là các pháp do nhân duyên giả
hợp mà sanh, không tự thể, nên không thật có tướng sanh. Vì nó hư huyễn, không
phải thật từ đâu sanh hiện, nên gọi là “bất sanh”. Bất diệt là
khi các pháp hoại diệt, cũng không tự tánh, không bảo rằng mình hoại diệt. Vì
nó không thật có chỗ trở về, dứt mất, nên gọi là “bất diệt”.
Cho nên lý vô sanh hay
bất sanh diệt, không phải "ngoài các pháp sanh diệt mà có."
Vì thế chẳng phải không
cầu sanh Tịnh Độ mà gọi là vô sanh, hoặc sanh về Cực Lạc, là có tử diệt, trái
với lý vô sanh đâu! Đó là luận về lý, riêng về sự thì người sanh Tịnh Độ tất
lên ngôi Bất Thối, sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp. Trong thời gian ấy
tiến tu đã dư chứng quả Vô Sanh. Như thế đâu còn vấn đề: có sanh có diệt, hoặc
có sanh có tử mà phòng ngại!
Lý tâm tịnh cũng thế,
dùng tâm thanh tịnh ở Ta Bà hành đạo, cùng trụ tâm thanh tịnh ở Cực Lạc để tu
tiến, nào có ngại gì? Kinh Duy Ma nói: "Tuy biết các cõi Phật, cùng với
hữu tình không, mà thường tu Tịnh Độ, để giáo hóa quần sanh." Cho nên
người trí tuy siêng cần niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mà không chấp có tướng
sanh, vì nó không thật có; tuy biết rõ các pháp xưa nay hằng thanh tịnh vắng lặng,
mà không ngại gì cầu sanh Tây Phương, mượn thắng duyên tu tiến để giáo hóa loài
hữu tình. Đây mới là chân vô sanh, và cũng thật là nghĩa tâm tịnh tùy chỗ thanh
tịnh. Trái lại, kẻ kém hiểu biết bị tướng sanh ràng buộc, nghe nói sanh liền
nghĩ là thật có sanh, có tử diệt; nghe nói vô sanh lại chấp không sanh về đâu
cả.
Họ đâu biết sanh chính
là vô sanh, vô sanh há ngại gì sanh; và tâm tịnh lại có ngại gì cầu về Cực Lạc
ư? Vì không hiểu lẽ ấy, họ sanh lòng tranh chấp thị phi, khinh chê người cầu
sanh Tịnh Độ, thật lầm lạc xiết bao!
Những
Mối Nghi Căn Cứ Theo Kinh Điển
Ngoài những điều trên,
lại có nhiều người học Phật, căn cứ các lý thuyết thế giới kinh văn, mà đặt các
nghi vấn về môn Tịnh Độ. Nhân tiện, cũng xin tiếp theo thể vấn đáp để giải
quyết các mối nghi ấy.
1) Hỏi: Kinh
Kim Cang nói: "Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bóng,
bọt". Thế thì cảnh Ta Bà đã huyễn, mà cõi Cực Lạc cũng là huyễn. Sao không
đi ngay vào bản tâm chân thật, còn cầu về cảnh huyễn làm chi?
- Đáp: Thật
ra các cõi Uế Độ và Tịnh Độ trong mười phương đều dường mộng huyễn; nhưng khi
nào chứng được Như Huyễn Tam Muội, mới thấy đó là hư giả. Bằng chưa được như
thế, vẫn thấy nó là thật, vẫn bị nó chi phối, vẫn còn biết khổ vui, vào mùa
nắng vẫn khó chịu về sự nóng bức, cho đến việc rất nhỏ như con kiến, con muỗi
cắn đốt cũng vẫn còn bị đớn đau. Như vậy sao được gọi là Huyễn? Nên biết môn
Tịnh Độ là phương tiện nhiệm mầu của Phật, mượn cảnh như huyễn an vui, để đưa
chúng sanh thoát khỏi cảnh như huyễn thống khổ dẫy đầy chướng duyên và hiểm
nạn. Rồi từ cảnh an vui như huyễn đó tiến tu dễ dàng, để mau chứng vào cõi chân
tâm thường tịch.
Lấy một thí dụ như tại
cõi Ta Bà này, cảnh gia đình hay nơi thị tứ ồn ào là huyễn, cảnh chùa am hoặc
chốn núi non vắng vẻ cũng là huyễn. Nhưng tại sao người tu giải thoát, lại bỏ
cảnh gia đình thị tứ tìm nơi chùa am thanh vắng ở núi non? Có phải tại chốn gia
đình nhiều bận buộc, cảnh huyên náo khó nhiếp tâm, mà nơi chùa am hay chỗ núi
non thanh vắng dễ tu chăng? Cho nên cảnh phàm tình cùng cảnh thánh chứng khác
nhau, phàm tình mà đặt mình vào cảnh thánh chứng là điều xa vời trái với thật
tế. Ta còn phàm phu hãy cứ theo phận phàm phu mà tuần tự tiến tu, đừng vội đem
con mắt thánh nhìn nói quá cao xa, thành ra vọng ngữ và có hại.
Khi xưa cũng có một
Thiền giả cho cõi Cực Lạc là huyễn mộng, niệm Phật cầu vãng sanh vô ích. Triệt
Ngộ đại sư nghe lời này, liền bảo: "Không phải thế đâu! Từ bậc
Thất Địa Bồ Tát trở về trước, đều tu hành ở trong mộng. Đến như đối với mộng
lớn vô minh, thì bậc Đẳng Giác vẫn còn say ngủ. Duy riêng chư Phật mới có thể
tôn xưng Đại Giác, là những bậc hoàn toàn thức tỉnh mà thôi. Khi tự
thân đã ở trong mộng, thì sự vui khổ vẫn uyển nhiên, vui cũng thấy vui, khổ còn
biết khổ, sao được gọi mình là người tỉnh mơ, cảnh là huyễn mộng? Thế thì thay
vì ở trong cảnh mộng khổ của Ta Bà, sao bằng về cảnh mộng vui nơi Cực Lạc!
Huống chi mộng ở Ta Bà là từ mộng vào mộng, bị cảnh duyên nghiệp lực lôi cuốn,
mãi luân hồi sống chết chìm mê. Còn cảnh mộng ở Cực Lạc là từ mộng đến giác,
lần lượt sẽ thức tỉnh hoàn toàn chứng lên quả Phật. Cho nên mộng huyễn vẫn
đồng, mà duyên cảnh mộng ở hai nơi thật chẳng đồng vậy. Thế thì sự niệm Phật
cầu vãng sanh chẳng là cần thiết lắm ư!"
Lời cổ đức giải thích
như thế, thì sự cầu sanh đã được hiển minh. Tuy nhiên, bài kệ trong Kinh Kim
Cang nói đó, vẫn còn là lời phương tiện để cho chúng sanh lìa quan niệm chấp có
theo phàm tình. Tiến một bước cao hơn, như Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: "Như
Lai vì hạng người căn tánh tối, mà nói các pháp như huyễn vắng lặng, vì e họ
sanh chấp kiến; vì hạng người căn tánh sáng, nói tướng hảo của chư Phật, bởi họ
như hoa sen chẳng nhiễm trần."
Cho nên Tu Bồ Đề là bậc
giải ngộ lý Không bậc nhứt, tuyệt không danh tướng, mà đức Thế Tôn lại thọ ký
cho ông về sau thành Phật, hiệu là Danh Tướng Như Lai. Thế thì lý mầu không
danh tướng chẳng ngoài danh tướng, tất cả pháp mộng huyễn đều là Phật pháp chân
thường. Và đi sâu đến chỗ viên dung, như đức Lục Tổ nói, thì phàm phu nguyên là
Phật, phiền não tức Bồ Đề, tất cả vô minh huyễn vọng đều là thể viên minh chân
giác của Như Lai tạng.
2) Hỏi: Kinh
Pháp Bảo Đàn nói: "Không niệm, niệm mới chánh. Có niệm, niệm
thành tà." Như vậy, niệm Phật có phải là tà vọng chăng?
- Đáp: Về
đạo lý vô sanh vô niệm, đoạn trước đã có nói. Nơi đây xin đáp một cách thẳng
tắt: - Chẳng phải không niệm Phật, không tụng kinh, gọi là vô niệm. Mà thường
hằng niệm Phật tụng kinh, nhưng tâm địa rỗng không, chẳng chấp thấy mình có
niệm tụng, mới gọi là vô niệm. Trái lại, dù ngồi an tĩnh lòng không suy nghĩ
chi cả, mà còn cảm thấy biết cho mình, có sự ngồi thiền, vẫn gọi là "có
niệm". Nếu nghĩ rằng "không niệm" là chẳng
niệm Phật, tụng kinh, thuyết pháp, không có sự suy tư, thì thành ra gỗ đá; muốn
tránh lỗi “chấp Có”, lại lạc vào lỗi “chấp Không”. Thế
thì đã trái với ý kinh chỉ dạy. Cho nên đức Lục Tổ mới nói tiếp: "Có,
Không đều chẳng tưởng. Ngồi được bạch ngưu xa". Bậc cao đức bên
Tịnh Độ khi xưa, tuy hằng niệm Phật cầu vãng sanh, song chẳng chấp tướng niệm
Phật cầu sanh, nên đã có lời kệ:
Có niệm đồng không niệm,
Không sanh tức là sanh,
Chẳng phiền dời nửa bước.
Thân đến Giác Vương thành
Nhưng, trên đây là nói
tác phong tu niệm của bậc thượng căn. Với hàng căn cơ trung, hạ, cứ nên gắng
công niệm Phật cho nhiều, dù còn chấp thấy mình có niệm có tha thiết cầu sanh,
cũng là điều tốt. Bởi nếu được như thế, khi mạng chung tất vãng sanh về Tây Phương,
chừng ấy kết cuộc cũng sẽ chứng vào cảnh giới vô niệm vô sanh, đâu có điều đáng
lo ngại! Bằng chẳng lượng sức mình, ưa cầu cao thắng, nê chấp theo kinh văn
trên, đối với đạo lý vô niệm chưa thể làm nổi, với sự thấy có niệm Phật có cầu
sanh lại không muốn thật hành, kết cuộc cả hai đều hỏng, vẫn chỉ là phàm phu
trong vòng luân hồi thống khổ mà thôi!
3) Hỏi: Trong Kinh
Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ bảo: "Người phương Đông tạo tội, niệm Phật
cầu sanh Tây Phương. Người Tây Phương tạo tội, niệm Phật cầu sanh về cõi
nào?" Như thế thì chỉ cốt làm sao diệt được tội, cần gì niệm Phật cầu vãng
sanh?
- Đáp: Đức
Lục Tổ và các vị cao đức bên Thiền Tông đứng trên cương vị truyền bá tông chỉ
Duy Tâm, nên mỗi lời nói phải căn cứ theo chỗ lập pháp của mình, đều chỉ ngay
vào bản tánh, và đều lấy tâm làm chủ. Ý Ngài muốn bảo: nếu tâm được thanh tịnh,
thì tuy ở Ta Bà cũng tự tại giải thoát; tâm không thanh tịnh dù ở Tây Phương
vẫn bị khổ não luân hồi. Thật ra, đối với người tu Tịnh Độ hiểu đạo lý, lời nói
của Tổ chỉ có tác dụng khuyến tấn, bảo phải niệm Phật đến chỗ tịnh tâm không
còn chấp tướng; chớ không phải bác sự niệm Phật cầu vãng sanh. Đức Thích Tôn,
chư Phật khắp mười phương, chư Đại Bồ Tát và chư vị Tổ Sư đều khuyên niệm Phật
cầu sanh Tây Phương. Hai vị Tổ bên Thiền Tông ở Thiên Trúc là Mã Minh, Long Thọ
đều khuyên niệm Phật; và chính ngài Long Thọ đã chứng ngôi Sơ Hoan Hỷ Địa, vãng
sanh về Cực Lạc. Nếu đức Lục Tổ quả thật có ý bài bác sự Niệm Phật, thì
chẳng hóa ra bài bác đức Thích Ca Mâu Ni, chư Phật, chư Bồ Tát, Tổ Sư, và cả
hai vị tiền bối trong tông của mình là Mã Minh, Long Thọ hay sao? Cho
nên, nếu hiểu lầm rồi đem lời này chê bai niệm Phật, chính là bài xích và gieo
mối oan cho đức Lục Tổ vậy.
Lại, hành môn nào cũng
có lý và sự. Lời của đức Lục Tổ là nói về lý, ngoài ra còn có sự tướng của
đường tu, cần phải nghĩ đến. Ta thử đặt lại câu hỏi: "Người ở ngoài đời
tạo tội, vào chùa am xuống tóc, ăn chay, giữ giới tìm nơi thanh vắng tu hành.
Người ở chùa am tạo tội tìm nơi nào để tu?" Nếu chỉ y theo lý mà
bác như vậy, thì việc xuất gia đến chùa am, ăn chay giữ giới, cho đến tụng
kinh, niệm Phật, trì chú, tham thiền, đều là lỗi lầm hết cả hay sao? Pháp
tu Tịnh Độ cũng thế, thật ra chẳng phải người Đông Phương do tạo tội mới niệm
Phật cầu sanh Tây Phương, mà niệm Phật cầu về Tây Phương chính là muốn mượn
thắng duyên tu hành, để mau chứng lên quả Vô Sanh giải thoát. Dù người đã tạo
nhiều tội, biết hồi tâm sám hối niệm Phật cầu vãng sanh, cũng là vì muốn sớm
thoát sanh tử, vẫn không ngoài mục đích này. Còn người ở Tây Phương Cực
Lạc cũng không tạo tội, bởi khi đã về cõi ấy, trên có Phật Bồ Tát, dưới có các
bậc thượng thiện nhơn, xung quanh mình tiếng chim nói pháp, tiếng nhạc giảng
kinh, không còn nhọc lòng lo đến vấn đề ăn mặc ở và các sự đau bịnh, tai nạn,
oán thù, đường đạo chỉ thêm tiến lên, đâu còn có duyên gì để tạo tội?
Kết lại, câu nói của đức
Lục Tổ nên hiểu chỉ là lời khai thị về lý tánh thanh tịnh để khuyến tấn mà
thôi, không nên nghĩ lầm đem nó để bác sự tướng. Người niệm Phật nghe lời này,
càng nên cố gắng niệm cho đến trình độ tâm không, mới hợp với ý của Tổ.
Cần
Phá Lối Chấp Nhị Biên
Những mối nghi về Tịnh
Độ theo loại trên hãy còn nhiều. Đó do bởi người học Phật còn lối chấp hai bên,
chưa dung hóa được giữa tánh tướng, có không, sự lý. Vì thế nên mới dùng tánh
phá tướng, đem lý bác sự, lấy không bài có, và ngược lại, để gây thành những
tranh chấp nghi vấn phân vân. Họ không ngờ sự lý tương tức, nghĩa là sự tức lý,
lý tức sự, nếu phân chia ra mà nhận định thiên lệch, thì sự không thành chân
sự, lý chẳng phải chân lý; cả đến tánh tướng, có không, và các pháp nhị biên
khác cũng như vậy. Vì thế trong Kinh Duy Ma Cật mới nói đến Bất Nhị pháp môn,
nghĩa là pháp môn Không Hai, để phá trừ lối chấp hai bên đó. Không Hai là dung
hóa tất cả để nhập vào tánh thể, chớ chẳng phải một. Đây mới thật là chân cảnh
của duy tâm. Ngoài ra, sự lập pháp riêng về hữu môn hay không môn, cũng còn ở
trong vòng phương tiện quyền hóa mà thôi.
Kinh nói: "Chán
bỏ công đức hữu vi là nghiệp ma. Tham trước công đức vô vi cũng là nghiệp
ma." Cổ đức cũng bảo: "Pháp hữu vi tuy huyễn, phế bỏ tất đạo nghiệp
không thành. Pháp vô vi tuy chân, chấp lấy thì huệ tánh chẳng rộng." Những
lời này chứng minh rõ, trên đường tu, sự lý không thể rời nhau.
Luận Trung Quán lại nói:
"Vì chúng sanh thông thường chấp trệ nơi hình thức nên kinh giáo mới
dùng lý Không để phá trừ. Nếu vừa lìa bịnh chấp có, lại rơi vào bịnh chấp
không, tất chẳng còn thuốc gì chữa khỏi." Bởi lý Bát Nhã Không
nghe cao siêu mầu nhiệm, nên hàng trí thức khi xem đến những loại kinh này,
phần nhiều hay vương vào chứng bịnh "nói lý", việc gì cũng lý thuyết
hóa, khinh thường những người hành trì theo sự tướng, gây thành lỗi ngã mạn, tự
kiêu. Miệng họ tuy nói không, nhưng hành vi lại ở trong có, chính hợp với câu:
Đầu mồm nói suốt trăm
phần diệu.
Dưới gót không ly một điểm trần!
Khi xưa, các bậc đại tri
thức cũng thường dùng lý không để trừ bịnh chấp có, nhưng chỗ tu chúng cùng sự
khai hóa của những vị ấy đúng tư cách và hợp cơ nghi, mới đem lại lợi ích.
Chẳng hạn như câu chuyện sau đây:
Có một vị thiền sư tu
hành rất tinh tấn, ban đêm chẳng ngủ và thường ngồi mãi không nằm. Nhưng đã lâu
năm dụng công, sư vẫn chưa chứng ngộ. Trong chùa có chú Sa Di chẳng biết từ đâu
đến, xin nhập chúng. Ông này thường biếng trễ thậm chí nhiều phen tiếng chuông
công phu khuya nổi lên, vẫn nằm lỳ mãi không ngồi dậy. Thiền sư biết được, gọi
đến quở rằng: "Sao đã vào chùa tu mà còn lười biếng cứ nằm mãi như
thế? Chú không nghe trong Luật dạy: Nghe chuông mà vẫn nằm không
ngồi dậy, tương lai sẽ đọa làm thân rắn hay sao?" Sa Di đáp: "Thầy
bảo tôi thường nằm sẽ thành con rắn; còn thầy chấp cứ ngồi mãi cũng thành con
cóc, chớ có chứng ngộ được chi?" Sa Di nói xong liền ẩn mất,
nhưng vị thiền sư đã tỏ ngộ. Thì ra Sa Di này là một bậc đắc đạo, hiện thân đến
khai hóa cho thiền sư.
Ngoài ra, còn câu chuyện
Đơn Hà Thiên Nhiên hòa thượng cỡi lên cổ Phật và chẻ đốt tượng Phật gỗ để phá
quan niệm chấp Phật. Sư Pháp Đạt vì ỷ mình đã tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa,
nên lạy đầu không chấm đất, bị đức Lục Tổ quở, để phá quan niệm chấp pháp, chấp
công đức. Ngài Bắc Tháp sau khi chứng được Đại Tự Tại Tam Muội, viết danh hiệu
Văn Thù, Phổ Hiền lên chiếc khố để phá quan niệm chấp Thánh Tăng.
Thuở xưa các bậc đại tri
thức, mức tu chứng đã cao, biết tùy cơ nghi mà hóa đạo, lại những hành giả
trong thời ấy có nhiều bậc thượng căn, nên sự giảng về lý "không"
thường có lợi. Đời nay người trung, hạ căn nhiều, cách giảng hóa nên dung hòa
sự-lý, tánh-tướng, mới không gây nghi ngờ và làm thối đạo tâm của người học
Phật. Nếu đa số người chưa thể một bước đi thẳng vào cảnh chân không mà bác bỏ
hình thức, tất sẽ diễn thành tai nạn "chưa được lên bờ đã vội phá
bỏ chiếc bè", làm sao tránh khỏi cảnh đắm chìm? Lại còn một điều nên
để ý, nếu nói lý không mà mình chưa được không, hoặc chưa có đôi phần tư cách
nào trên sự tu, tất chẳng thể cảm hóa người, chỉ thành cuộc tranh chấp hơn thua
vô ích. Trước đây, bút giả đã có lần chứng kiến cảnh tượng ấy: Một đại đức
thông hiểu giáo lý ở ngụ nơi chùa nọ dạy kinh. Vị sư trụ trì đã lớn tuổi, siêng
tụng niệm nhưng chấp theo cách thức xưa, thấy đại đức lối sống tự do có vẻ tân
thời, ý không ưa thích, liền bảo: "Thầy khuyên dạy đạo mà ngày tối
không thấy tụng một quyển kinh, niệm một câu Phật, như vậy làm sao nêu mô phạm
tu hành cho đại chúng?" Vị đại đức đáp: "Cách tu có
nhiều lối, phải chạy theo hình thức như thầy, tối ngày tụng niệm, mới gọi là tu
sao?
Kinh Kim Cang nói:
Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai!
Chớ đức Lục Tổ khi xưa
đâu có tụng kinh niệm Phật gì, mà Ngài cũng đắc đạo, làm Tổ được vậy?"
Sư trụ trì đuối lý, đành
lặng yên. Xét ra, sư trụ trì có lỗi chấp nê hình thức; vị đại đức tuy
nói lý cao, song thật ra cũng chẳng tham thiền, tịnh niệm chi nên đã không cảnh
giác nổi mà còn gây thêm sự bực bội cho sư.
Trong hai lối chấp có và
không, sự chấp không rất nguy hại. Kinh Lăng Già cùng Mật Nghiêm đều
bảo: "Thà chấp có như non Tu, chớ chấp không như hạt cải".
Chấp có, ý nói hằng kiêng nhân quả, sợ tội phước, lo giữ giới, tụng niệm, làm
lành, tuy bị hình thức bó buộc không tự tại giải thoát, nhưng gây được công đức
và thiện căn. Còn chấp không, mình đã chưa chứng được Chân Không, lại chẳng
chịu theo hình thức, siêng tu công đức, tất sẽ luân hồi sa đọa.
Bút giả tự xét mình,
nghiệp chướng nhiều, căn tánh kém, vẫn không muốn lạm bàn đến đạo lý cao siêu,
sợ e hạnh chẳng xứng lời, trở thành vọng ngữ. Nhưng với lòng thành muốn cho
người dứt nghi ngờ sanh tín tâm niệm Phật, nên bất đắc dĩ phải thổ lộ ít nhiều.
Hằng ví mình như người bại chân ngồi ở ngã ba đường, tuy không tự đi được, song
cũng cố gắng chỉ nhắc hành khách tránh nẻo hiểm nguy, theo lối đi rộng bằng an
ổn. Còn sự biện luận để phân biệt phải quấy kém hơn, tuyệt nhiên lòng
không nghĩ đến!
BÀI SỐ 98
Ẩn tu phương tiện mượn thi ngâm
Thức ngộ mình người khởi đạo tâm
Đâu nghỉ hoa đào ra động bích
Mà mong Lưu Nguyễn ghé vào thăm?
NHƯ Ý : Nếu Hoa-đào có rơi nhẹ trôi theo vòng suối ra ngoài ĐỘNG BÍCH, đó cũng là một sự Ngẫu-nhiên, không phải do ý Chư-tiên mượn nó để dời chân LƯU NGUYỄN , cũng như thế Bút-giả không có ý mượn những lời Thi trong đây để Thả cánh Hoa-đào, mà chỉ muốn ngõ riêng với một ít vì Thông Cảm, Hữu Duyên.
Bởi Mình đã có DUYÊN để đáng tỏ BÀY công bố.
Niệm Phật Thập Yếu
NIỆM PHẬT
PHẢI DỨT TRỪ LÒNG NGHI
Niềm tin là bước đạo sơ nguyên,
Mà nỗi trần ai lắm sự duyên!
Thoạt tưởng sen lành say cõi Tịnh
Lại nghe mai đẹp mến non Thiền.
Bồ-Đề gieo khéo nguyền viên giác
Không hữu còn thương chấp nhị-biên
Tín-đức ví bền như hạnh nguyện
Mưa hoa đồng dạo cảnh Tây Thiên.
Sự
Trọng Yếu Của Lòng Tin
Trong Kinh Phật
Thuyết A Di Đà, đức Bổn Sư đã đôi ba phen nhắc nhở về lòng tin, như các
đoạn:
Cho nên Xá Lợi Phất! Các
ông phải nên tin nhận lời ta và lời nói của chư Phật!... Xá Lợi Phất! Như ta
hôm nay khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Phật. Các đức Phật kia
cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của ta, mà nói lời như sau:
“Phật Thích Ca Mâu Ni
hay làm được việc rất khó khăn ít có! Ngài đã có thể ở trong đời ác năm trược
là: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược của
quốc độ Ta Bà, chứng quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vì các chúng sanh nói
ra pháp môn mà tất cả thế gian đều khó tin ấy.”
Xá Lợi Phất! Nên biết ta
ở trong đời ác năm trược làm việc khó khăn sau đây, là đắc quả A Nậu Đa La Tam
Miệu Tam Bồ Đề, vì tất cả thế gian nói ra pháp khó tin này, thật là điều
rất khó!
Đức Thế Tôn trí huệ
nhiệm mầu, mà đã nói những lời ấy, thì biết pháp Tịnh Độ thật khó tin, và lòng
tin là điều rất quan hệ! Nhiều vị cổ đức cũng bảo:
"Pháp môn Tịnh Độ
rất khó thâm tín, duy hạng phàm phu đã gieo căn lành niệm Phật và bậc Đăng Địa
Bồ Tát mới tin nhận được mà thôi. Ngoài ra những chúng sanh khác cho đến hàng
Nhị Thừa hoặc quyền vị Bồ Tát đôi khi cũng không tin nhận pháp môn này."
Khi xem những lời như
trên, ban sơ bút giả cũng lấy làm lạ tự hỏi:
"Tại sao đệ tử Phật
lại không tin lời của Phật? Hàng Nhị Thừa và quyền vị Bồ Tát trí huệ siêu việt,
chỗ tu chứng đã cao, sao lại không tin pháp môn Tịnh Độ?"
Nhưng về sau, khi thấy
trong hàng xuất gia có những vị giảng giáo lý tinh thông, song lại không tin có
cõi Cực Lạc và bài bác sự Niệm Phật Vãng Sanh, chừng đó mới công nhận lời kia
là đúng. Nhân đây lại tìm trong kinh, thấy nói đạo nhãn của bậc A La Hán và
Bích Chi Phật chỉ ở trong phạm vi tam thiên đại thiên thế giới, gồm một ngàn
triệu thái dương hệ.
Mà môn Tịnh Độ thuộc về
giới ngoại đại pháp, cõi Cực Lạc ở ngoài đại thiên thế giới, như vậy làm sao
hàng cực quả Nhị Thừa có thể thấy biết tin nhận được? Còn
hàng quyền vị Bồ Tát chưa chứng vào cảnh giới Ðại Phương Ðẳng, chưa thấy được
mười phương Tịnh Độ, nên có vị không tin nhận lẽ dĩ nhiên.
PHẬT
THUYẾT KINH A DI ĐÀ
Dao
Tần, Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La Thập dịch
PHẦN
LƯU THÔNG
KINH nầy không AI hỏi,
mà Phật Thích-ca tự nói ra, vì cõi CỰC LẠC chỉ có PHẬT cùng PHẬT mới HIỂU được
và TRUYỀN BÁ LƯU THÔNG bộ KINH nầy.
Sáu Phương
Phật và Phật Thích-ca Đồng
“KHUYÊN
TÍN” ĐỂ LƯU THÔNG
Xá-Lợi-Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà, phương Đông cũng có đức A-Súc-Bệ-Phật, Tu-Di-Tướng Phật, Đại-Tu-Di Phật, Tu-Di-Quang Phật, Diệu-Âm Phật; Hằng hà sa số những Đức Phật như thế đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng:
“Chúng sanh các người phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Tây, có đức Vô Lượng-Thọ Phật, Vô-Lượng-Tướng Phật, Vô-Lượng-Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại-Minh Phật, Bửu-Tướng Phật, Tịnh-Quang Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng:
“ Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Bắc, có đức Diệm-Kiên-Phật, Tối-Thắng-Âm-Phật, Nan-Trở Phật, Nhựt-Sanh Phật, Võng-Minh Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng:
“ Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương dưới, có đức Sư-Tử Phật, Danh-Văn Phật, Danh-Quang Phật, Đạt-Mạ Phật, Pháp-Tràng Phật, Trì-Pháp Phật... Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng:
“ Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương trên, có đức Phạm-Âm-Phật, Tú-Vương-Phật, Hương-Thượng-Phật, Hương-Quang-Phật, Đại-Diệm-Kiên Phật, Tạp-Sắc-Bửu-Hoa-Nghiêm-Thân Phật, Ta-La-Thọ-Vương Phật, Bửu-Hoa Đức Phật, Kiến-Nhứt-Thiết-Nghĩa Phật, Như-Tu-Di-Sơn Phật... Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng:
“ Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Nơi ý của ông nghĩ thế nào, vì sao tên là kinh:
Nhứt-Thiết-Chư-Phật Sở Hộ Niệm?
Xá-Lợi-Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà
thọ-trì đó, và
nghe danh hiệu của các Đức Phật, thời những thiện-nam tử cùng thiện-nữ nhơn ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Xá-Lợi-Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của các đức Phật nói.
Sáu Phương Phật và Phật Thích-ca Đồng
“KHUYÊN
NGUYỆN” ĐỂ LƯU THÔNG
Xá-Lợi-Phất! Nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của Đức Phật A Di Đà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; nơi cõi nước kia, hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về.
Xá-Lợi-Phất! cho nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân nếu người nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.
Sáu Phương Phật và Phật Thích-ca Đồng
“KHUYÊN
NIỆM PHẬT” ĐỂ LƯU THÔNG
Xá-Lợi-Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, các đức Phật đó cũng ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta mà nói lời này: “Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta Bà đời ác năm món
trược: kiếp trược, kiến trược, phiền trược, não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vì các
chúng sanh nói kinh pháp mà tát cả thế gian khó
tin này”.
Xá-Lợi-Phất! Phải biết rằng Ta ở trong đời ác ngũ trược thật hành việc khó này: đặng thành bậc Vô Thượng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh pháp khó tin
này, đó là rất khó!
( PHẬT THÍCH CA THUYẾT KINH A DI ĐÀ còn khó hơn là ở TA BÀ NGŨ TRƯỢC, TU THÀNH VÔ THƯỢNG CHÁNH GIÁC, ĐỂ KHUYÊN NIỆM PHẬT A DI ĐÀ )
Đức Phật nói kinh này rồi, ngài Xá-Lợi-Phất cùng các vị Tỳ kheo, tất cả trong đời: Trời, Người, A-Tu-La, … nghe lời của Đức Phật dạy, đều vui mừng tin nhận đảnh lễ Phật mà lui ra.
PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ
Comments
Post a Comment