Tịnh Độ THẬP
NGHI Luận của ngài Trí Giả,
Tịnh Độ HOẶC
VẤN của ngài Thiên Như, họp lại tạm lấy nhan đề là
Tịnh Độ Quyết Nghi Luận
Lời Đầu
Có người cho rằng Tịnh Độ Giáo thuộc về hành môn không phải lý
môn, nghĩa là Đức Thích Ca chỉ trần thuật cảnh Cực Lạc, rồi khuyên người niệm
Phật để cầu sanh, không thiệp đến phần lý thuyết. Nhưng thật ra, lý để đi đến
hành, trong hành tức đã có ẩn phần giáo lý. Vả lại pháp môn của Đức Phật chia
làm Không Tông, Hữu Tông, Hiển Giáo, Mật Giáo, tất cả đều nương tựa và làm sáng
tỏ cho nhau. Cho nên nếu nhận định rằng: không có Duy Thức hay Thiền, thì Mật
và Tịnh Độ thành ra thần quyền mê tín, hoặc không có Tịnh Độ cùng Mật, tất Duy
Thức và Thiền thành ra lý thuyết trệ không, đều là biết qua các tông phái Phật
Giáo bằng lối nhìn phiến diện. Chẳng hạn như bên Thiền Tông, tuy chỉ dạy tham
một câu thoại đầu, nhưng trong ấy đã hàm ẩn vô biên đạo lý. Tịnh Độ Tông cũng
thế, một câu niệm Phật gồm cả Thiền, Giáo, Luật, Mật, nên cổ đức đã phán định
pháp môn nầy thuộc về đốn giáo. Và Ngẫu Ích Đại Sư, một vị đích truyền thuộc
phái Thiên Thai, cũng bảo: 'Một câu Phật hiệu nếu niệm cho thuần thục, thì ba
ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, bao nhiêu công án của Thiền Tông và đạo lý cực
tắc của Giáo môn đều ở trong đó.'
Để chứng minh câu niệm Phật hàm đạo lý nhiệm mầu, và giải mối
nghi cho những vị tìm hiểu cùng hành trì về môn nầy, bút giả xin phiên dịch
quyển Thập Nghi của ngài Trí Giả,
tập Hoặc Vấn của ngài Thiên
Như, họp lại tạm lấy nhan đề là Tịnh Độ Quyết Nghi Luận. Trong
đây phần nhiều bàn giải những nghi vấn hơi cao, đáng lẽ bút giả phải phụ thích
thêm những nghi điểm thông thường về Tịnh Độ, song vì tự thân kém sức khỏe lại
Phật sự bận nhiều, nên xin hẹn chờ dịp khác.
Nội dung quyển nầy trừ một vài điểm phụ giải có ghi chú, ngoài
ra toàn là những luận thích của bậc danh đức. Học giả có thể đặt niềm tin tưởng
nơi cổ huấn, mà mở đường vào Tịnh Độ Huyền Môn.
Liên Du Thích Thiền Tâm
Tịnh Độ THẬP NGHI Luận
Đời Tùy, Thiên-Thai
Trí-Giả đại-sư soạn
1.- Hỏi: Chư Phật Bồ Tát lấy đại bi làm sự
nghiệp. Vậy người đã phát tâm Bồ Đề, nếu muốn cứu độ chúng sanh, chỉ nên nguyện
sanh trong ba cõi, ở nơi đời ngũ trược, vào ba đường ác mà cứu khổ cho các hữu
tình. Tại sao chúng ta đã học theo Phật, lại xa rời chúng sanh, tự sống riêng
một cuộc đời yên ổn? Đó có phải là thiếu lòng từ bi, chuyên lo tự lợi và trái
với đạo Bồ Đề chăng?
Đáp: Bồ Tát có hai hạng. Thứ nhất, bậc tu Bồ Tát đạo đã
lâu, chứng được vô sanh pháp nhẫn. Với những vị nầy, đem lời đó trách thì đúng.
Thứ nhì, bậc chưa chứng vô sanh và hàng phàm phu mới phát tâm Bồ Tát. Những vị
sau nầy cần phải thường không rời Phật, mới thành tựu được nhẫn lực và có thể ở
trong ba cõi, vào nơi đời ác để cứu độ chúng sanh. Cho nên Luận Trí Độ nói:
“Hạng phàm phu còn đủ mọi sự ràng buộc, dù có lòng đại bi, nhưng vội muốn sanh
trong đời ác để cứu chúng hữu tình khổ não, đó là điều không hợp lý”. Tại sao
thế? Vì trong cõi đời ác trược, nghiệp phiền não mạnh mẽ lẫy lừng. Khi ấy, mình
đã không có nhẫn lực, tất tâm sẽ tùy cảnh mà chuyển, rồi bị sắc, thanh, danh
lợi trói buộc, sanh ra đủ nghiệp tham, sân, si. Chừng đó tự cứu đã không rồi,
nói chi là cứu chúng sanh? Giả sử được sanh trong cõi người thì cảnh xấu ác kẻ
tà ngoại dẫy đầy, người chánh chơn khó gặp, cho nên Phật Pháp không dễ gì nghe,
Thánh Đạo không dễ gì chứng.
Nếu người nhân bố thí, trì giới, tu phước được làm bậc quyền
quý, mấy ai không mê đắm cảnh giàu sang, buông lung trong trường dục lạc?
Lúc đó dù có bậc Thiện tri thức khuyên bảo, họ cũng không chịu
tin làm theo, lại vì muốn thỏa mãn lòng tham dục của mình, nương quyền thế sẵn
có, gây ra nhiều tội nghiệp. Đến khi chết rồi, bị đọa vào tam đồ trải qua vô
lượng kiếp, khi khỏi tam đồ, sanh được làm người, phải thọ thân bần tiện; nếu
không gặp Thiện tri thức lại mê lầm gây tội ác, rồi bị đọa nữa. Từ trước đến
nay chúng sanh luân hồi đều ở trong tình trạng ấy. Đây gọi là nan hành đạo vậy.
Kinh Duy Ma cũng nói: “Chính bịnh của mình còn không tự cứu được, đâu có thể
cứu được bịnh cho kẻ khác”.
Luận Trí Độ cũng nói: “Ví như hai người, mỗi kẻ đều có thân
nhân bị nước lôi cuốn; một người tánh gấp nhảy ngay xuống nước để cứu vớt,
nhưng vì thiếu phương tiện nên cả hai đều bị đắm chìm. Một người sáng tỉnh hơn
vội chạy đến lấy thuyền bơi ra cứu vớt, nên cả hai đều không bị nạn trầm nịch”.
Bậc Bồ Tát mới phát tâm vì chưa đủ nhẫn lực nên không thể cứu chúng sanh, cũng
như người trước. Những vị Bồ Tát thường gần gũi Phật chứng được vô sanh nhẫn,
mới có thể nhập thế và cứu độ vô lượng chúng sanh cũng như người sau. Như trẻ
thơ không nên rời mẹ, nếu rời mẹ thì hoặc rơi vào hầm giếng, té xuống sông đầm,
hoặc đói khát mà chết. Lại như chim non chưa đủ lông cánh, chỉ có thể nhảy
chuyền theo cành cây; đợi chừng nào lông cánh đầy đủ, mới có thể bay xa, thong
thả vô ngại. Phàm phu không nhẫn lực, chỉ nên chuyên niệm Phật A Di Đà cho được
nhất tâm, đợi khi tịnh nghiệp thành tựu, lúc lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn
vãng sanh, quyết định không nghi. Khi thấy đức A Di Đà chứng quả Vô Sanh rồi,
chừng ấy sẽ cỡi thuyền pháp nhẫn vào biển luân hồi cứu vớt chúng sanh, mặc ý
làm vô biên Phật sự.
Cho nên bậc bi tâm hành giả, như muốn giáo hóa nơi địa ngục,
vào biển trầm luân, nên chú ý đến nhân duyên cầu sanh Cực Lạc. Điều nầy Thập
Trụ Tỳ Bà Sa Luận gọi là Dị Hành Đạo.
2.- Hỏi: Thể của pháp là không, xưa nay vẫn vô
sanh và bình đẳng vắng lặng. Nếu bỏ Ta Bà cầu về Cực Lạc, há chẳng là trái lý
ư? Lại trong Kinh nói: “Muốn cầu về Cực Lạc, trước phải tịnh tâm mình; tâm mình
thanh tịnh, cõi Phật mới thanh tịnh”. Người cầu sanh Cực Lạc, cũng chẳng là
trái lý này?
Đáp: Vấn đề ấy có hai nghĩa. Xin phân làm tổng đáp và
biệt đáp.
Về phần tổng đáp, nếu ông cho rằng cầu về Cực Lạc tức là bỏ
đây tìm kia, không hợp với lý bình đẳng như như. Còn ông chấp Ta Bà không cầu
về Cực Lạc, há lại không bị lỗi bỏ kia chấp đây sao? Nếu ông bảo: “Tôi không
cầu kia cũng không chấp đây” thì lại mắc lỗi đoạn diệt. Cho nên Kinh Kim Cang
Bát Nhã nói: “Tu Bồ Đề! Ông đừng nghĩ rằng nói phát tâm Vô Thượng Bồ Đề là đoạn
diệt hết tướng của các pháp. Tại sao thế? Vì phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đối với
các pháp không nói tướng đoạn diệt”.
Về phần biệt đáp, như ông đã gạn về lý vô sanh và tâm tịnh,
tôi xin giải thích. Vô sanh cũng chính là lý bất sanh bất diệt. Bất sanh là các
pháp giả hợp của sanh duyên không tự tánh, nên không thật có sanh thể và thời
gian sanh. Xét ra không phải thật từ đâu mà đến, nên gọi là bất sanh. Bất diệt
là khi các pháp hoại diệt cũng không tự tánh, nó không bảo rằng mình hoại diệt.
Vì nó không thật có chỗ đi về nên gọi là bất diệt. Cho nên lý vô sanh hay bất
sanh diệt không phải ngoài các pháp sanh diệt mà có. Vì thế chẳng phải không
cầu sanh Cực Lạc mà gọi là vô sanh. Trung Quán Luận nói: “Các pháp nhân duyên
sanh, ta nói chính là không, đó gọi là giả danh, cũng là nghĩa Trung đạo”. Lại
nói: “Các pháp không tự sanh, không từ nơi cái khác mà sanh, không phải cộng
sanh, cũng không phải vô nhân, nên gọi là vô sanh”. Kinh Duy Ma nói: “Tuy biết
các cõi Phật, cùng với hữu tình không, mà thường tu Tịnh Độ, để giáo hóa quần
sanh”. Lại nói: “Ví như có người tạo lập cung thất, nếu cất ở chỗ đất trống thì
tùy ý không ngại. Nếu muốn xây giữa hư không, tất không thể thành. Chư Phật
thuyết pháp thường nương theo nhị đế, không phải hoại giả danh mà nói thật
tướng của các pháp”. Cho nên người trí tuy siêng cần cầu sanh Cực Lạc, mà rõ
sanh thể không thật có. Đây mới là chân vô sanh và cũng là nghĩa tâm tịnh cõi
Phật thanh tịnh. Trái lại kẻ ngu bị cái sanh ràng buộc, nghe sanh liền nghĩ là
sanh, nghe nói vô sanh lại chấp là không có sanh về nơi nào cả, đâu biết rằng sanh
chính là vô sanh, vô sanh há lại ngại vì sanh? Vì không hiểu lẽ ấy, họ sanh
lòng tranh chấp thị phi khinh chê người cầu sanh Cực lạc, thật rất sai lầm! Đây
chính là kẻ tội nhơn báng pháp, hạng tà kiến ngoại đạo vậy.
3.- Hỏi: Tất cả cõi Cực Lạc của chư Phật ở mười
phương công đức đều bình đẳng, pháp tánh cũng như vậy. Người tu nên nhớ nghĩ
khắp tất cả công đức của chư Phật, cầu về các cõi tịnh ở mười phương mới phải,
sao nay lại riêng cầu Cực Lạc của một Đức Phật? Như thế chẳng là trái với lý
bình đẳng cầu sanh ư?
Đáp: Tất cả cõi tịnh của chư Phật, thật ra đều bình đẳng.
Nhưng vì chúng sanh ở cõi này phần nhiều là kẻ độn căn trược loạn, nếu không
buộc tâm chuyên vào một cảnh, thì Tam Muội khó thành. Chuyên niệm Phật A Di Đà,
tức là Nhất Tướng Tam Muội, vì tâm chuyên nhất, nên được sanh về cõi kia. Như
trong Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh, Phổ Quảng Bồ Tát hỏi Phật: “Bạch Đức Thế Tôn,
Mười phương đều có Cực Lạc, tại sao Thế Tôn lại riêng khen ngợi cõi Tây Phương
Cực Lạc và khuyên chúng sanh nên chuyên niệm Phật A Di Đà để cầu về cõi ấy?”.
Phật bảo ngài Phổ Quảng: “Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề phần nhiều tâm trược
loạn, vì thế ta chỉ tán thán một Cực Lạc ở Tây Phương, khiến các hữu tình
chuyên tâm vào một cảnh, để cho sự vãng sanh được dễ thành tựu”. Nếu nhớ niệm
tất cả chư Phật, vì niệm cảnh quá rộng, nên tâm mênh mang tán lạc, Tam Muội khó
thành, không được vãng sanh. Lại sự cầu công đức của một vị Phật cùng sự cầu
công đức của tất cả Phật không khác nhau, vì chư Phật đồng một pháp tánh. Cho
nên niệm Phật A Di Đà tức là niệm tất cả Phật, sanh Tây Phương Cực Lạc, tức là
sanh tất cả Cực Lạc. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm nói:
Thân tất cả chư Phật,
Là thân một đức Phật.
Một tâm một trí huệ,
Lực vô úy cũng thế.
Lại nói:
Ví như trăng tròn sáng,
In bóng khắp sông hồ.
Ảnh tượng tuy vô cùng,
Mặt trăng chỉ là một.
Như đấng Vô Ngại Trí,
Thành bậc Đẳng Chánh Giác.
Ứng hiện tất cả cõi,
Thân Phật không có hai.
Tóm lại, người có trí huệ nương nơi thí dụ trên sẽ hiểu được
lý một tức tất cả, tất cả là một. Khi hiểu được lý nầy, thì niệm một đức Phật,
chính là niệm tất cả chư Phật vậy.
4.- Hỏi: Mười phương đều có chư Phật và Cực Lạc.
Nếu vì lẽ chúng sanh ở cõi nầy tâm tánh trược loạn, niệm nhiều vị Phật e Tam
Muội khó thành, tại sao người tu không tùy ý niệm một đức Phật, tùy nguyện cầu
sanh về một Cực Lạc nào khác, hà tất phải riêng niệm Đức A Di Đà cầu sanh về
Cực Lạc.
Đáp: Phàm phu vô trí phải theo lời Phật dạy, chẳng nên tự
chuyên, vì thế xưa nay những người tu Tịnh Độ đều chuyên niệm Phật A Di Đà.
Theo lời Phật dạy là thế nào? Đức Thích Ca Thế Tôn một đời thuyết pháp, hằng
khuyên chúng sanh niệm Phật A Di Đà cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Như trong các
Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật Thuyết A Di Đà, Pháp Hoa, Hoa
Nghiêm… có đến mấy mươi bộ, Phật đều ân cần khuyên sanh về Tây Phương. Chẳng
những riêng các Kinh, mà trong các luận, chư Bồ Tát, Tổ Sư đều bảo nên cầu sanh
về Cực Lạc.
Lại nữa, Đức Phật A Di Đà có bốn mươi tám điều đại bi nguyện
lực để tiếp độ chúng sanh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Phật A Di Đà có tám
mươi bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám mươi bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, mỗi vẻ đẹp
phóng ra tám mươi bốn ngàn tia sáng soi khắp pháp giới nhiếp lấy chúng sanh
niệm Phật không rời bỏ. Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu ngài, thì cơ cảm
tương ưng, quyết định sẽ được vãng sanh”. Các Kinh Phật Thuyết A Di Đà, Vô
Lượng Thọ, Cổ Âm Vương Đà La Ni đều nói: “Khi Đức Thích Ca thuyết Kinh, hằng hà
sa chư Phật ở mười phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp cõi đại thiên
để chứng thật rằng nếu chúng sanh nào niệm Phật A Di Đà, tất sẽ nương nhờ đại
bi nguyện lực của ngài, quyết định được sanh về thế giới Cực Lạc”.
Nên biết Phật A Di Đà đối với cõi nầy có nhân duyên lớn. Như
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Trong thời mạt, khi các Kinh khác đã diệt hết, chỉ còn
Kinh nầy lưu trú ở đời một trăm năm để tiếp độ loài hữu tình vãng sanh về cõi
kia”. Đây là điểm chứng minh Phật A Di Đà đối với chúng sanh ở cõi trược nầy có
đại nhân duyên.
Về các Cực Lạc khác, tuy một hai bộ Kinh có lược khuyên vãng
sanh, song chẳng bằng cõi Cực Lạc là tiêu điểm mà các Kinh Luận đều ân cần
khuyến hướng.
5.- Hỏi: Hàng cụ phược phàm phu nghiệp ác sâu
dày, đầy đủ tất cả phiền não, dù có chút ít công đức tu hành, hoặc chướng vẫn
chưa vơi được trong muôn một. Cõi Cực Lạc rất thanh tịnh trang nghiêm, còn siêu
việt hơn tam giới. Thế thì hạng phàm phu ấy làm sao vãng sanh?
Đáp: Có hai duyên: tự lực và tha lực. Về tự lực, hàng cụ
phược phàm phu ở thế giới nầy tuy có đôi chút tu hành, thật ra chưa có thể sanh
về Cực Lạc và xứng đáng được ở Cực Lạc. Kinh Anh Lạc nói: “Từ địa vị cụ phược
phàm phu chưa biết Tam Bảo và nhân quả thiện ác, trước tiên mới phát tâm Bồ Đề
phải lấy tín làm gốc, đến khi vào đạo Phật lại lấy giới làm nền tảng”. Hạng
phàm phu nầy khi mới thọ giới Bồ Tát, nếu mỗi đời cứ tiếp tục giữ giới như thế
không cho khuyết phạm, trải qua ba kiếp mới đến địa vị Sơ Phát Tâm Trụ. Lại cứ
như thế mà tu Thập Tín, Thập Ba La Mật cùng vô lượng hạnh nguyện, nối nhau
không gián đoạn, mãn một vạn kiếp, mới đến ngôi đệ lục Chánh Tâm Trụ. Khi tiến
lên đệ thất Bất Thối Trụ tức là đã vào Chủng Tánh Vị, nhưng địa vị nầy cũng
chưa được sanh về Cực Lạc. Đây là ước về tự lực.
Về tha lực, nếu kẻ nào tin nơi nguyện lực đại bi nhiếp lấy
chúng sanh niệm Phật của đức A Di Đà, rồi phát lòng Bồ Đề tu môn Niệm Phật Tam
Muội, chán thân hữu lậu trong ba cõi, thực hành bố thí, trì giới cùng các phước
nghiệp, mỗi hạnh đều hồi hướng nguyện sanh Tây Phương thì cơ cảm hợp nhau,
nương nhờ Phật lực liền được vãng sanh. Cho nên Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận nói: “Có
hai lối tu: Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo.
Nan Hành Đạo là chúng sanh ở cõi ngũ trược trải qua vô lượng
đời chư Phật, cầu ngôi A Bệ Bạt Trí, thật rất khó được. Nỗi khó nầy nhiều vô số
như cát bụi, nói không thể xiết. Nay chỉ kể sơ lược năm điều:
Ngoại đạo dẫy đầy, làm loạn Bồ Tát Pháp.
Bị người ác, kẻ vô lại phá hư thắng đức của mình.
Dễ bị phước báo làm điên đảo, có thể khiến hoại mất phạm hạnh.
Dễ bị lạc vào lối tự lợi của Thanh Văn, làm chướng ngại lòng
đại từ.
Bởi duy có tự lực không tha lực hộ trì, nên sự tu hành rất khó
khăn, ví như người què yếu đi bộ một mình tuy rất khó nhọc, một ngày chẳng qua
chỉ được vài dặm.
Dị Hành Đạo là chúng sanh ở cõi nầy nếu tin lời Phật, tu môn
niệm Phật nguyện về Cực Lạc, tất sẽ nhờ nguyện lực của Phật nhiếp trì, quyết
định được vãng sanh không còn nghi. Ví như người nương nhờ sức thuyền xuôi theo
dòng nước, tuy đường xa ngàn dặm cũng đến nơi không mấy chốc. Lại ví như người
tầm thường nương theo luân bảo của Thánh Vương, trong một ngày đêm có thể du
hành khắp bốn châu thiên hạ. Đây không phải do sức mình, mà chính là nhờ thế
lực của Chuyển Luân Vương”.
Cũng có kẻ suy theo lý mà cho rằng hạng phàm phu hữu lậu không
thể sanh về Cực Lạc và không thể thấy thân Phật. Nhưng công đức niệm Phật thuộc
về vô lậu thiện căn, hạng hữu lậu phàm phu do phát tâm Bồ Đề cầu sanh Cực Lạc
và thường niệm Phật, nên có thể phục diệt phiền não, được vãng sanh, và tùy
phần thấy thô tướng của Phật. Còn bậc Bồ Tát thì cố nhiên được vãng sanh, lại
thấy tướng vi diệu của Phật, điều ấy không còn nghi ngờ chi nữa. Cho nên Kinh
Hoa Nghiêm nói: “Tất cả các cõi Phật, đều bình đẳng nghiêm tịnh, chúng sanh
hạnh nghiệp khác, chỗ thấy chẳng đồng nhau”. Đây là chỉ cho ý nghĩa trên vậy.
6.- Hỏi: Hàng cụ phược phàm phu được sanh về cõi
Cực Lạc, giả sử phiền não ác kiến thường nổi lên, thì làm sao được gọi là:
“vượt hơn ba cõi, lên ngôi bất thối?”.
Ðáp: Người được sanh về Tây Phương, dù là hàng cụ phược
phàm phu, cũng không khi nào khởi phiền não ác kiến và không được lên ngôi bất
thối; bởi có năm nhân duyên:
Do nguyện lực đại bi của Phật nhiếp trì.
Ánh sáng của Phật thường soi đến thân, nên lòng Bồ Đề của chư
thiên nhơn luôn luôn tăng tiến.
Chim, nước, rừng, cây gió, âm nhạc thường phát ra tiếng pháp:
khổ, không, vô thường, vô ngã; hành giả nghe rồi sanh lòng niệm Phật, niệm
Pháp, niệm Tăng.
Chúng sanh được sanh về Cực Lạc, thì bạn lành toàn là bậc Bồ
Tát thượng thiện, tuyệt tất cả chướng nạn, ác duyên, lại không ngoại đạo tà ma,
nên tâm thường an tịnh.
Đã được sanh về cõi ấy thì thọ lượng vô cùng, đồng với Phật và
Bồ Tát, an nhiên tu tập trải qua vô biên A tăng kỳ kiếp.
Do năm nhân duyên trên nên chúng sanh sanh về Cực Lạc tất được
bất thối chuyển và không khi nào khởi phiền não ác kiến. Còn chúng hữu tình ở
cõi ác trược nầy, thọ số ngắn ngủi, ác duyên chướng nạn dẫy đầy, nên rất khó
được bất thối chuyển, lý ấy đã hiển nhiên, không còn chi phải nghi ngờ.
7.- Hỏi: Di Lặc Bồ Tát là bậc nhứt sanh bổ xứ,
hiện ở cung trời Đâu Suất; Ngài sẽ kế vị đức Thích Ca mà thành Phật trong tương
lai. Thiết tưởng chúng ta nên tu thượng phẩm thập thiện cầu sanh về nơi đó để
được diện kiến Ngài. Đợi đến khi Bồ Tát giáng thế thành Phật, ta cũng theo Ngài
mà hạ sanh, trong ba hội Long Hoa tất sẽ được chứng thánh quả. Thế thì cần chi
phải cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc?
Đáp: Cầu về Đâu Suất cũng có thể gọi là nghe đạo,
thấy Phật, gần giống như cầu về Tây Phương. Nhưng nếu xét kỹ lại trong ấy có sự
hơn kém rất xa. Xin kể ra hai việc để luận:
Dù chúng ta có tu thập thiện, chưa chắc đã được sanh về Đâu
Suất. Vì Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Hành giả phải tu các môn Tam Muội đi sâu
vào chánh định, mới được sanh lên Nội Viện thiên cung”. Xét qua phương diện ấy,
ta thấy Di Lặc Bồ Tát không có phương tiện tiếp dẫn, đâu bằng sức bản nguyện
cùng sức quang minh của đức A Di Đà có năng lực nhiếp thủ và tế độ những chúng
sanh niệm Phật. Lại khi đức Thích Ca nói về nghĩa phương tiện tiếp dẫn trong
cửu phẩm giáo môn, Ngài đã ân cần khuyên chúng sanh nên về Cực Lạc. Phương tiện
nầy rất giản dị, hành giả chỉ cần niệm Phật A Di Đà, cơ cảm hợp nhau, liền được
vãng sanh. Như ở thế gian chiêu mộ người, nếu kẻ nào muốn gia nhập thì cơ hội
hợp nhau, liền thành sự việc.
Đâu Suất thiên cung dù sao cũng ở trong Dục giới, nên kẻ thối
vị rất nhiều. Nơi ấy chim, nước, rừng cây gió, âm nhạc không phát ra tiếng
pháp, có thể khiến chúng sanh phục diệt phiền não nhớ nghĩ Tam Bảo, phát lòng
Bồ Đề. Trái lại còn có nữ nhơn gây tăng thượng duyên cho tâm trước nhiễm ngũ
dục của hành giả. Mà vẻ xinh đẹp của các thiên nữ ấy lại vi diệu tuyệt vời, làm
cho chư thiên đắm mê, ít có vị nào tránh khỏi. Sao bằng cõi Cực Lạc cây chim
tuyên Diệu Pháp, gió nhạc diễn Bồ Đề, chúng sanh nghe rồi phiền não tiêu tan,
đạo tâm tăng tiến? Cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, không có người nữ và kẻ phát
tâm nhị thừa, chỉ thuần là những pháp lữ Đại thừa thanh tịnh, phiền não ác
nghiệp không thể phát khởi; như thế làm sao hành giả không mau chứng quả vị vô
sanh? Chỉ so sánh qua vài điều mà sự hơn kém đã hiển nhiên, còn chi phải nghi
ngờ do dự?
Đến như sự gặp Phật Di Lặc được chứng thánh quả, cũng đã vị
tất! Như khi đức Thích Ca còn tại thế có biết bao nhiêu chúng sanh thấy Phật,
mà vẫn không được chứng thánh quả? Lúc đức Di Lặc ra đời cũng vậy, có vô số
chúng sanh thấy Phật nghe pháp, song không được chứng thánh quả. Riêng về Cực
Lạc của Phật A Di Đà, chỉ được sanh về, quyết sẽ chứng vô sanh pháp nhẫn, không
một kẻ nào thối đọa trở lại tam giới, bị nghiệp sanh tử buộc ràng.
Lại nghe Tây Vức Truyện nói: Có ba vị Bồ Tát là Vô Trước, Thế
Thân, Sư Tử Giác thâm tu thiền định quyết chí đồng sanh về Đâu Suất. Ba vị đó
cùng ước hẹn, nếu ai sanh lên Nội Viện được thấy đức Di Lặc trước, phải trở về
báo tin cho huynh đệ biết. Ngài Sư Tử Giác quy tịch trước, trải qua thời gian
khá lâu, không trở lại báo tin. Kế đó ngài Thế Thân vô thường; khi lâm chung,
Vô Trước Bồ Tát dặn rằng: “Sau khi em bái kiến đức Di Lặc, phải trở xuống cho
anh biết ngay”. Thế Thân Bồ Tát tịch rồi ba năm sau mới trở lại báo tin. Ngài
Vô Trước hỏi: “Tại sao em thông báo trể như thế?”. Thế Thân đáp: “Sau khi lễ
kiến đức Di Lặc, vừa nghe Ngài thuyết pháp chỉ dạy xong, em cung kính đi vi
nhiễu ba vòng rồi trở xuống đây báo tin liền. Vì một ngày đêm ở Đâu Suất bằng
400 năm nơi hạ giới, nên mới trể đến ba năm”. Vô Trước lại hỏi: “Còn Sư Tử Giác
hiện ở đâu?”. Thế Thân đáp: “Sư Tử Giác bị lạc vào Đâu Suất ngoại viện, đang
say đắm cảnh ngũ dục, từ khi sanh lên đến nay, chưa được thấy đức Di Lặc”.
Xem thế thì biết các bậc tiểu Bồ Tát sanh về Đâu Suất còn bị
mê lạc, huống nữa là phàm phu. Cho nên người tu muốn chắc chắn được bất thối
chuyển, nên cầu về Cực Lạc, chớ nguyện sanh lên Đâu Suất.
8.- Hỏi: Chúng sanh từ vô thỉ đến giờ tạo vô
lượng tội; đời nay lúc bé đến già, do không gặp thiện tri thức, lại gây thêm
nhiều nghiệp ác. Như thế làm sao lại bảo: “Khi lâm chung mười niệm thành tựu
liền được vãng sanh?”. Và cái lý “vượt qua kiết nghiệp ba cõi” làm sao giải
thích cho thông?
Đáp: Những nghiệp chủng lành dữ của chúng sanh từ kiếp vô
thỉ đến nay, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc yếu hoặc mạnh thật ra vẫn khó biết. Nhưng
nếu người nào khi lâm chung gặp thiện tri thức và thành tựu mười niệm, tất kẻ
ấy đã có túc thiện nghiệp. Nếu chẳng thế thì thiện tri thức còn không được gặp,
huống chi là thành tựu mười niệm? Như ông cho rằng ác nghiệp từ vô thỉ là nặng,
mười niệm khi lâm chung là nhẹ; tôi xin đem ba đạo lý để giải thích sự vãng
sanh ấy không thuộc về trường hợp khinh trọng, không phải tại công hạnh nhiều
ít hay thời gian lâu mau. Ba đạo ấy là: Do bởi tâm, do bởi duyên, và do bởi
quyết định.
Do bởi tâm, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi vọng niệm
điên đảo mà sanh, còn lúc niệm Phật lại từ nơi nghe danh hiệu công đức chân
thật của Phật A Di Đà mà khởi; một bên hư một bên thật đâu thể sánh nhau! Ví
như một gian thạch thất đóng kín để tối muôn năm, nếu được người mở ra cho ánh
sáng mặt trời soi vào, sự tối ấy liền mất; đâu phải vì do tối tăm đã lâu mà
không được sáng ư? Người tạo ra tội nhiều kiếp, khi lâm chung thành tựu mười
niệm được vãng sanh cũng lại như vậy.
Do bởi duyên, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi vọng
niệm tối tăm điên đảo, duyên theo cảnh giới hư huyễn mà sanh; lúc niệm Phật lại
từ nơi nghe danh hiệu công đức chân thật thanh tịnh của Phật Di Đà duyên theo
Bồ Đề tâm mà khởi. Như thế, một bên chân một bên ngụy, đâu thể sánh nhau! Ví
như có người bị trúng tên độc, tên ghim sâu sức độc mạnh, xương thịt nhiễm
trọng thương, nếu được nghe tiếng trống thần dược, thì tên tự bắn ra, độc tiêu
tan hết; đâu phải vì do tên sâu độc nặng, mà không được an lành ư? Người tạo tội
nhiều kiếp, khi lâm chung thành tựu mười niệm mà được vãng sanh cũng lại như
vậy.
Do bởi quyết định, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi
gián tâm hoặc hậu tâm; lúc lâm chung niệm Phật lại không có hai tâm đó, mà từ
nơi một niệm mãnh liệt trì danh rồi xả mạng, nên được siêu thoát. Ví như sợi
dây cực to, cả ngàn người bứt không đứt, nếu có đứa bé cầm gươm Thái A mà chém,
dây liền đứt đoạn. Lại như đống củi rất lớn chứa góp từ cả ngàn năm, nếu có
người dùng một đốm lửa mà đốt, củi liền cháy hết. Và như có người trọn đời tu
mười nghiệp lành ưng được sanh về cõi trời, nhưng khi lâm chung kẻ ấy khởi một
niệm tà kiến mạnh mẽ, liền bị đọa vào A Tỳ địa ngục. Nghiệp ác vẫn hư vọng, mà
do bởi tâm niệm quyết liệt, còn có thể lấn lướt nghiệp lành một đời, khiến cho
chúng sanh bị đọa vào ác đạo; huống chi sự niệm Phật là nghiệp lành chân thật,
có người khi lâm chung dùng tâm mãnh liệt trì danh, lại không thể lấn áp ác
nghiệp từ vô thỉ ư? Cho nên người tạo tội nhiều kiếp, khi lâm chung dùng tâm
mãnh liệt thành tựu mười niệm mà không được vãng sanh, quyết không có lý đó!
Kinh nói: “Chí tâm niệm một câu A Di Đà, sẽ tiêu diệt được tội
nặng nơi đường sanh tử trong tám mươi ức kiếp”. Sỡ dĩ có sự kiện đó, vì hành
giả niệm Phật dùng tâm mãnh liệt nên mới phục diệt được ác nghiệp; nếu khi lâm
chung dùng tâm ấy niệm Phật, quyết định sẽ vãng sanh, không còn nghi ngờ chi
nữa! Tổ truyền phán định mười niệm khi lâm chung hoàn toàn thuộc về biệt thời ý
(ý nói túc nhân). Lý ấy không đúng. Tại sao thế? Vì trong Nhiếp Luận nói: “Nếu
chỉ là biệt thời, thì duy phát nguyện, toàn không có hạnh”. Tạp Tập Luận nói:
“Nếu nguyện vãng sanh về Cực Lạc liền được vãng sanh, nếu nghe danh hiệu Phật
Vô Cấu liền chứng được quả Vô Thượng chánh giác, đó mới là biệt thời nhân”.
Riêng về người khi lâm chung thành tựu mười niệm, là do duyên lành nên được gặp
thiện tri thức dạy bảo, lại cũng do tự mình chí tâm thật hành pháp niệm Phật,
mới có kết quả; nếu chỉ định cho hoàn toàn thuộc về túc nhân, thật đã sai lầm!
Nguyện các hành giả nghĩ sâu lý nầy tự sanh lòng kiên cố đừng tin theo dị kiến
ma để lạc lối mê.
9.- Hỏi: Thế giới Cực Lạc cách đây mười muôn ức
cõi Phật, hạng phàm phu yếu kém làm sao có thể đi đến? Lại, trong luận Vãng
Sanh nói: “Người nữ, kẻ căn thiếu. Nhị thừa chủng không sanh”. Đã có lời ấy thì
người nữ và kẻ sáu căn không toàn vẹn chắc là không được vãng sanh?
Đáp: Thế giới Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi Phật, là
đối với tâm lượng của hạng nhục nhãn phàm phu ở trong nẻo luân hồi mà nói vậy
thôi. Nếu đối với chúng sanh tịnh nghiệp thành tựu, thì tâm ở trong định khi
lâm chung, chính là tâm thọ sanh về Cực Lạc, vừa động niệm liền được vãng sanh.
Vì thế trong Quán Kinh nói: “Cõi nước của Phật A Di Đà cách đây không xa!”. Lại
nghiệp lực không thể nghĩ bàn, trong một niệm liền được sanh về cõi Phật, không
cần phải lo đường lối xa xuôi. Ví như người nằm mơ, thân tuy ở nơi giường, mà
tâm đi khắp các nơi xa lạ như lúc còn thức. Sự sanh về Cực Lạc đại để cũng như
vậy.
Còn câu: “Người nữ, kẻ căn thiếu. Nhị thừa chủng không sanh”
là ý nói người nữ khi sanh về Cực Lạc sẽ chuyển thành nam, kẻ căn thiếu lúc về
đó các căn sẽ đầy đủ, và tất cả đều được ba mươi hai tướng tốt; chớ không phải
bảo người nữ cùng kẻ căn thiếu, không được vãng sanh. Nếu quả như thế thì bà Vi
Đề Hy và năm trăm thị nữ đâu được Phật thọ ký cho sanh về Cực Lạc? Thế nên,
người nữ cùng kẻ đui điếc câm ngọng ở cõi nầy, nếu niệm Phật A Di Đà, tất đều
được vãng sanh. Đến như hàng nhị thừa, nếu chịu hướng về Đại thừa tin môn Tịnh
Độ, nguyện về Cực Lạc, niệm Phật A Di Đà, quyết định đều được vãng sanh, và khi
đã về cõi ấy không còn chấp theo tâm lượng hẹp hòi của nhị thừa nữa. Trong Kinh
Vô Lượng Thọ, Pháp Tạng Tỳ Khưu, tiền thân của Phật A Di Đà đã phát nguyện
rằng: “Như tôi đắc quả Vô Thượng Giác, tất cả người nữ trong mười phương thế
giới nhàm chán thân nữ, xưng danh hiệu tôi, nguyện kiếp sau không còn thọ nữ
nhân, quyết đều sẽ được toại ý. Nếu chẳng như thế, tôi thề không thành Phật”.
Người nữ chỉ vì muốn chuyển nữ thành nam, niệm Phật A Di Đà, còn được toại
nguyện, huống chi những vị đã sanh về Cực Lạc? Cho đến kẻ căn thiếu cũng lại
như thế.
Tóm lại, hai câu trên đại ý chỉ luận ở cõi Cực Lạc không có
người nữ, kẻ căn thiếu, cùng hạng chủng tử nhị thừa mà thôi.
10.- Hỏi: Nay tôi quyết định cầu sanh Tây Phương,
nhưng chưa biết phải làm những nghiệp gì, và lấy chi làm chủng tử để được sanh
về Cực Lạc? Lại hạng phàm phu ở thế tục đều có gia đình, chưa biết không đoạn
dâm dục có được sanh về cõi kia chăng?
Đáp: Muốn quyết định được sanh về Tây Phương phải có đủ hai
hạnh: Yễm ly và Hân nguyện:
Nói Yễm ly, là hàng phàm phu từ vô thỉ đến nay bị ngũ dục buộc
ràng nên luân hồi trong sáu đạo, chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ! Trong vòng
lẩn quẩn ấy, nếu không chán lìa ngũ dục thì làm sao có thể thoát ly? Cho nên
người tu Tịnh Độ phải thường xét thân nầy là một khối thịt xương máu mủ, chứa
đựng đàm dãi, đại tiểu tiện và các thứ nhơ nhớp hôi tanh. Kinh Niết Bàn nói:
“Vòng thành thân kiến như thế, duy loài La Sát ngu si mới chịu ở trong đó; nếu
người có trí ai lại đắm nhiễm thân nầy!”. Lại trong Kinh cũng nói: “Thân nầy là
nơi tập hợp của các thứ khổ, là cảnh tù ngục, là một khối ung sanh tất cả đều
bất tịnh. Nên xét cho cùng, nó không có nghĩa lý lợi ích chi khi ta chấp lấy
nó, dù là thân của chư thiên”. Vì thế, hành giả ở trong các oai nghi hoặc khi
nằm nghỉ, lúc thức giấc, nên thường quán sát thân nầy chỉ có khổ không chi vui,
mà thâm tâm sanh niệm chán lìa. Như thế, dù cho không dứt liền được việc nam
nữ, cũng có thể lần lần khởi tâm nhàm chán.
Lại hành giả cũng cần nên quán bảy pháp bất tịnh. Bảy pháp ấy
là:
Chủng tử bất tịnh: Thân nầy do nơi nghiệp dâm dục, từ hạt
giống tham ái mà sanh.
Thọ sanh bất tịnh: Mầm sanh khởi của bản thân lại do một điểm
tinh huyết cha mẹ hòa hợp trong khi gần gũi.
Trụ xứ bất tịnh: Thai thân ở trong tử cung nhơ nhớp, nằm dưới
ruột non, trên là ruột già.
Thực đạm bất tịnh: Khi còn ở trong thai, huyễn thân lại thọ
dụng huyết phần của người mẹ.
Sơ sanh bất tịnh: Khi đã đủ tháng ngày, thai thân đầu hướng về
sản môn, ra khỏi mình người mẹ cùng một lúc với máu mủ, sự hôi nhơ dẫy đầy.
Cử thể bất tịnh: Trong lớp da ngoài che đậy, thân nầy là tất cả
sự hôi nhơ của các chất: thịt, xương máu, đàm đại tiểu.
Cứu cánh bất tịnh: Đến khi chết rồi, thân nầy là một đống thịt
sình thúi rã rời, mặc cho giòi tửa bò lan hoặc quạ diều tha mổ.
Thân của mình đã thế, thân người khác cũng như vậy. Nếu thường
quán sát bảy điều ấy, đối với các thân nam nữ mà người đời cho rằng xinh đẹp,
cũng sanh niệm yễm ly và lửa ái dục cũng lần lần tiêu giảm. Như thật hành được
môn cửu tưởng quán, càng thêm tốt:
Tưởng thân mới chết.
Tưởng thây chết đổi sắc bầm xanh tím.
Tưởng thây chết sình lên dẫy đầy máu mủ và sắp rã.
Tưởng thây sình bấy nức rã, nước hôi chảy ra.
Tưởng thây sình rã, giòi tửa bò lúc nhúc.
Tưởng thây sình thịt tiêu hết chỉ còn gân và xương.
Tưởng gân cũng tiêu hoại chỉ còn xương nằm ngổn ngang.
Tưởng thây bị thiêu chỉ còn bộ xương co rút, hay thây rã chỉ
còn những khúc xương thúi.
Tưởng nắng chan mưa gội, xương hóa thành khô trắng.
Lại nên phát nguyện cầu cho mình vĩnh viễn thoát ly thân nam
nữ mê nhiễm, tạp thực, không sạch của ba cõi, mà được thân pháp tánh Tịnh Độ.
Trên đây là đại lược về Yễm ly môn.
Về hạnh Hân nguyện, đại khái có hai điều kiện.
Phải nhận rõ mục đích cầu sanh: Sỡ dĩ chúng ta cầu về Cực Lạc,
là vì muốn thoát sự khổ cho mình và tất cả chúng sanh. Hành giả phải nghĩ rằng:
Sức mình yếu kém, còn bị nghiệp ràng buộc, mà ở cõi đời ác trược nầy cảnh duyên
não phiền quá mạnh. Ta cùng chúng sanh bị chìm đắm nơi dòng mê, xoay vần trong
sáu nẻo, trải qua trần kiếp từ vô thỉ đến nay, cũng vì lẽ ấy. Bánh xe sống chết
quay mãi không ngừng, ta làm thế nào để tìm con đường độ mình độ người một cách
yên ổn chắc chắn? Muốn được như thế, duy có cầu sanh Cực Lạc, gần gũi Phật, Bồ
Tát, nhờ cảnh duyên thắng diệu bên cõi ấy tu hành chứng vô sanh nhẫn, mới có
thể vào nơi đời ác cứu khổ cho hữu tình. Luận Vãng Sanh đã nói: “Phát tâm Bồ Đề
chính là phát tâm cầu thành Phật, tâm cầu thành Phật là tâm độ chúng sanh, tâm
độ chúng sanh là tâm nhiếp chúng sanh sanh về cõi Phật”.
Lại muốn sanh về Cực Lạc, phải có đủ hai phương diện: xa lìa
ba pháp chướng Bồ Đề và y theo ba pháp thuận Bồ Đề.
Ba pháp chướng Bồ Đề là thế nào? Một là tâm cầu sự an vui
riêng cho mình, chấp ngã và tham trước bản thân. Hành giả phải y theo trí huệ
môn mà xa lìa tâm niệm ấy. Hai là tâm rời bỏ không chịu cứu vớt chúng sanh khổ.
Hành giả phải y theo từ bi môn mà xa lìa tâm niệm ấy. Ba là tâm chỉ cầu sự cung
kính cúng dường, không tìm phương pháp làm cho chúng sanh được lợi ích an vui.
Hành giả phải y theo phương tiện môn mà xa lìa tâm niệm ấy. Nếu lìa ba pháp
chướng Bồ Đề, thì sẽ được ba pháp thuận Bồ Đề:
Xin kể rõ ra đây ba pháp tùy thuận ấy:
Một là Vô nhiễm thanh tịnh tâm, không vì tự thân mà cầu các sự
vui. Bởi Bồ Đề là thể trong sạch lìa nhiễm trước, nếu cầu sự vui riêng cho mình
tức thân tâm có nhiễm, làm chướng Bồ Đề môn; nên tâm thanh tịnh không nhiễm gọi
là tùy thuận Bồ Đề.
Hai là An thanh tịnh tâm, vì cứu độ tất cả khổ cho chúng sanh.
Bởi Bồ Đề là tâm trong sạch làm cho chúng sanh được an ổn, nếu không cứu độ
loài hữu tình khiến họ được lìa sự khổ sanh tử, tức là trái với Bồ Đề môn; nên
tâm cứu khổ đem lại an ổn cho chúng sanh gọi là tùy thuận Bồ Đề.
Ba là Lạc thanh tịnh tâm, muốn khiến cho chúng sanh được đại
Niết bàn. Bởi đại Niết bàn là chỗ cứu cánh thường vui, nếu không khiến cho loài
hữu tình được niềm vui cứu cánh tức là ngăn che Bồ Đề môn; nên tâm muốn cho
chúng sanh được hưởng cảnh thường lạc gọi là tùy thuận Bồ Đề.
Làm thế nào để thành tựu sự xa lìa và tùy thuận trên đây? Ấy
là phải cầu sanh Cực Lạc để được thường gần Phật, tu hành cho đến khi chứng vô
sanh nhẫn. Chừng đó mặc ý cỡi thuyền đại nguyện vào biển luân hồi, vận tâm bi
trí cứu vớt chúng sanh, tùy duyên mà bất biến, không còn chi trở ngại nữa. Tất
cả mấy điểm trên đây là thuyết minh về mục đích cầu sanh.
Nên quán tưởng y chánh cõi Cực Lạc: Hành giả nên quán tưởng
báo thân của Phật A Di Đà sắc vàng rực rỡ, có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi
tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp, mỗi vẻ đẹp có tám muôn bốn ngàn tia sáng,
soi khắp pháp giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật. Lại nên quán cõi Cực Lạc
bảy báu trang nghiêm như các Kinh Tịnh Độ đã nói. Ngoài ra, người niệm Phật khi
bố thí, trì giới, cùng làm tất cả hạnh lành, đều phải hồi hướng cầu cho mình và
chúng sanh đồng sanh Cực Lạc.
Nếu thật hành hai điều trên, hành giả sẽ phát tâm khát ngưỡng
Tây Phương, quyết định sẽ được vãng sanh. Và đây là Hân nguyện môn.
Tịnh Độ HOẶC VẤN
Đời Nguyên, Thiên-Như
Duy-Tắc thiền sư thuật
ĐỀ TỪ :
Ngoài
song non xanh giăng màn hoa
Triền
non thanh tuyền buông cầm ca
Trong
song kìa ai im như mơ
Ngồi
xem Thiên Như câu Di Đà
Người
đời đều ưa cơ Thiền sâu
Hành
nhơn ai vào tâm vương mầu
Đèn
sương trơ vơ ngoài trời thu
Non Tu
vi trần đều gồm thâu
Mà
trong A Di hồng danh thâm
Ngàn
muôn khôn tìm ra tri âm!
Thiên
Như lòng từ soi chân đăng
Đưa
người mau ra vòng mê lầm
Hư
không chim bay dường như tranh
Lưu
tuyền quanh co triền non xanh
Người
đi xa xa làn mây trôi
Di Đà
chân như nầy tâm lành
Ôi câu
hồng danh mầu thâm xa
Sâu
cùng chư tông làng thiền na
Buông
ra thâu vào đều như như
Tương
tư tâm đầy trời Liên Hoa
Thuật
ý Thành Thời đại sư
LIÊN DU
Thiên
Như lão nhơn đang tĩnh tọa nơi thất Ngọa Vân, bổng có người đẩy cửa bước vào,
tự xưng là Thiền khách. Lão nhơn im lặng gật đầu chào, đưa tay ra ý mời ngồi.
Đối tọa đã lâu, ánh tịch dương tà tà xuyên qua song trúc, lò hương thiền khói
sắp muốn tan, khách từ từ đứng dậy, sửa y phục nghiêm trang, thư thả mở lời
thưa thỉnh:
1. Hỏi
rằng:- Trộm nghe Vĩnh Minh Hòa Thượng ẩm thọ môn học đơn truyền nơi Thiều
Quốc Sư ở Thiên Thai, mà cũng chính là đích tôn của ngài Pháp Nhãn. Khi Hòa
Thượng trụ trì chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, đã khai thị cho học chúng rất nhiều,
biện tài cơ trí dường như gió cuốn sấm vang, hải nội thiền lâm đều kỉnh xưng là
bậc đại tông tượng. Tại sao ngoài sự nói Thiền, ngài lại tự tu Tịnh Độ, khuyên
người niệm Phật, viết sách rộng truyền môn ấy nơi đời. Hơn nữa, ngài lại làm kệ
Tứ Liệu Giản, đại ý nói: 'Có Thiền không Tịnh Độ, mười người chín ngại đường,
không Thiền có Tịnh Độ, muôn tu muôn người sanh.' Qua mấy câu ấy, có phải ngài
đã chủ trương Tịnh Độ, tự hạ môn Thiền của mình, lời nói dường như quá đáng
chăng? Ngu ý nghi ngờ việc nầy rất nhiều, mong Đại Sư chỉ thị.
Đáp:-
Lời hỏi ấy rất thích đáng! Tuy nhiên, Vĩnh Minh Đại Sư không phải quá khen Tịnh
yểm Thiền, mà thật ra lời nói của ngài rất có công với bên Tông cũng như bên
Giáo. Tiếc vì trong Tứ Liệu Giản, ngài chỉ nói lược qua đại cương, chưa phát
minh hết ý thú, nên chưa đánh tan được mối nghi hoặc của nhà Thiền. Tôi học tập
theo Thiền Tông, chưa tinh tường về Tịnh Độ, nhưng cũng thường qua những kinh
sách của môn đó, nên cũng biết phần đại khái.
Tịnh
Độ là pháp dễ tu dễ chứng, song cũng là môn khó nói khó tin. Cho nên khi còn
tại thế, Đức Thích Ca Từ Phụ vì hàng đệ tử nói Kinh A Di Đà đã dự biết chúng
sanh đời mạt pháp khó sanh lòng tin tưởng, mới dẫn lời thành thật của sáu
phương chư Phật để phá mối nghi và phát khởi tín tâm cho người sau. Lúc thuyết
kinh gần xong, nhân nói đến chư Phật khen ngợi mình, Đức Bổn Sư lại bảo: 'Nên
biết ta ở nơi đời ác năm trược làm việc khó nầy đắc quả Vô Thượng Bồ Đề vì tất
cả thế gian nói pháp khó tin đây, thật là một điều rất khó!' Ấy đều là những
lời tha thiết cặn kẽ, dặn dò để khuyên người tin tưởng vậy. Vã Đấng Thế Tôn đã
rủ lòng đại bi, cứu đời trong kiếp mạt, khi kim khẩu nói ra một câu một kệ,
hàng nhơn phi nhơn đều tín thọ phụng hành, nhưng riêng về thuyết Tịnh Độ, thế
gian có xen lẫn lòng nghi, là tại sao? Bởi giáo môn Tịnh Độ cực rộng lớn, mà
pháp tu Tịnh Độ lại quá giản dị, hai điểm ấy dường như cách biệt, khiến cho
người nghe khó nén lòng nghi. Nói rộng lớn, là môn nầy thâu nhiếp tất cả căn
cơ: trên từ bậc Đẳng Giác Bồ Tát, vị Nhứt Sanh Bổ Xứ đều cầu về Tịnh Độ, dưới
cho đến hàng ngu phu ngu phụ, kẻ tạo ngũ nghịch, thập ác, nếu quyết tâm tín
hướng đều được vãng sanh. Nói giản dị, là người tu không phải quá gian nan lao
khổ, không trải qua cảnh giới sai biệt mê lầm, chỉ trì niệm sáu chữ hồng danh,
mà được thoát Ta Bà, được sanh Cực Lạc, được bất thối chuyển, cho đến khi thành
Phật mới thôi. Bởi có sự rộng lớn mà lại giản dị như thế nên dù cho người trí
cũng sanh mối nghi ngờ. Nếu ông nhận thức rõ được điểm nầy, tất sẽ biết lời
khen của ngài Vĩnh Minh rất có ý thâm, mà không phải là quá đáng.
2.
Hỏi:- Sự rộng lớn và giản dị, tôi đã nghe lời chỉ dạy. Nhưng bậc ngộ
đạt trong Thiền Tông, đã gọi thấy tánh thành Phật, há lại khứng chịu cầu sanh
về Tây Phương ư?
Đáp:-
Thật ra ông chưa biết đó thôi. Chính những bậc ngộ đạt càng cấp thiết cầu sanh.
Cổ đức đã bảo: 'Không cầu về Tịnh Độ, còn nguyện sanh cõi nào?' Nay ông chưa
ngộ đạo, giả sử khi được tỏ ngộ rồi, e cho tâm niệm cầu sanh Cực Lạc của ông,
muôn trâu cũng không thể kéo lại!
3.
Hỏi:- Sở dĩ Phật, Tổ ra đời vì độ chúng sanh; học giả chỉ lo việc lớn chưa
xong, nếu đã phát minh đại sự (tức ngộ đạo), nên theo gương đấng Đại Giác hiện
thân vào nơi khốn khổ, không hiềm đường sanh tử, mà độ khắp hàm linh. Nếu bậc
đã ngộ đạt mà còn cầu sanh Tịnh Độ, đó chẳng qua là tâm niệm chán khổ tìm vui,
không đoái đến kẻ đang ở trong vòng chìm đắm? Tôi dù ngu hèn, vẫn không thích
làm như vậy!
Đáp:-
Thấy chiếc trứng mà muốn cho nó nở liền, tâm niệm ấy sao đà vội gấp! Ông cho
rằng sau một phen tỏ ngộ, thì nghiệp tập đã dứt sạch, được ngay vị bất thối
chuyển ư? Và cũng không còn học khắp Phật Pháp, không cần phải tu hành thêm để
chứng những quả vị từ thấp đến cao ư? Hay là ông lại nghĩ: sau một phen ngộ
đạo, tất đã đồng hàng với chư Phật, có thể vào sanh ra tử không bị chướng duyên
nhiễu loạn ư? Nếu quả như thế thì chư Đại Bồ Tát trải qua hằng hà sa kiếp tu
sáu độ muôn hạnh, cũng đều phải hổ thẹn với ông vậy! Cổ giáo đã có lời răn
nhắc: 'Hàng Thanh Văn còn muội lúc ra thai, bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm!' Hai
hạng ấy mà còn như thế, huống chi người ngộ giải non kém, tự cứu chưa xong giữa
đời nay ư? Dù cho chỗ tỏ ngộ có sâu xa, trí thông hiểu có cao sáng, hạnh cùng
giải hợp nhau, chí quyết muốn độ người; nhưng vì chưa lên hàng bất thối, lực
dụng chưa đầy đủ, mà muốn ở cõi đời ác nầy hóa độ kẻ cang cường, điều ấy bậc
Tiên Thánh cũng chưa hứa nhận. Ví như đem chiếc thuyền đóng trám chưa kỹ, để
vớt người nơi biển dậy ba đào, cái họa trầm nịch cả đoàn tất không tránh khỏi.
Cho nên Luận Vãng Sanh nói: 'Muốn du hành nơi địa ngục, muốn cứu độ chúng hữu
tình mê khổ, trước phải cầu sanh về cõi kia, đợi khi chứng được Vô Sanh Nhẫn
rồi sẽ trở lại đường sanh tử mà thật hành bản nguyện. Do nhân duyên ấy nên
người tu mới cầu về Tịnh Độ.' Lại Tiên Thánh cũng đã bảo: 'Chưa được vị Bất
Thối Chuyển, chưa chứng Vô Sanh Nhẫn, cần phải thường không rời Phật. Ví như
trẻ thơ không nên xa mẹ, như chim non chỉ có thể bay chuyền theo cành cây.'
Nay ở
cõi Ta Bà nầy Đức Thích Ca đã diệt, Phật Di Lặc chưa sanh. Huống nữa, bốn đường
khổ thú, nhân quả dây dưa, trăm mối ngoại tà, thị phi rối loạn; sắc tốt tiếng
dâm hằng quyến dụ, cảnh hư duyên ác mãi vây quanh. Trong hiện trạng ấy, đã
không có Phật để nương nhờ, lại bị cảnh duyên làm khuấy động, hàng sơ tâm ngộ
đạo hỏi mấy ai không bị thối lui? Cho nên Đấng Thế Tôn ân cần chỉ về Cực Lạc là
bởi lý do ấy. Phương chi ở cõi kia, Đức Di Đà hiện đang nói pháp, cảnh diệu độ
muôn thứ thuận duyên; đã nương nhờ hải chúng, nhẫn lực mau thành, lại gần Đấng
Pháp Vương, Phật Thừa dễ đạt. Chừng ấy muốn ra ứng hoá độ sanh, còn chi trở
ngại? Cũng vì lẽ ấy, nên bậc thượng căn lợi trí còn nguyện thác sanh, huống chi
ông là hạng trung hạ mới được đôi chút giải ngộ đó ư?
Ông há
không thấy trong kinh Quán Phật Tam Muội, Ngài Văn Thù tự bày tỏ túc nhân, bảo
mình đã chứng môn Niệm Phật Tam Muội, thường sanh ở Tịnh Độ ư? Do bởi đó, Đức
Thế Tôn mới thọ ký cho ngài rằng: 'Ông sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc.'
Lại
chẳng thấy trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đem mười đại nguyện vương
khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng nơi hải hội, nên dùng công đức đó cầu
sanh về Cực Lạc ư? Trong ấy có đoạn nói: 'Tôi nguyện khi đến lúc lâm chung. Dứt
trừ tất cả điều chướng ngại. Diện kiến Đức Phật A Di Đà, liền được sanh về cõi
Cực Lạc.'
Lại
chẳng thấy trong Kinh Lăng Già, Đức Thế Tôn đã huyền ký: 'Sau xứ Nam Thiên
Trúc, có danh đức Tỳ Khưu, tôn hiệu là Long Thọ. Hay phá hữu, vô tông. Trong
thế gian hiển ngã. Pháp Vô Thượng đại thừa. Chứng Sơ Hoan Hỷ Địa. Sanh về cõi
Cực Lạc' ư?
Và
chẳng thấy trong Luận Khởi Tín, Mã Minh Bồ Tát, khen ngợi sự vãng sanh; trong
Kinh Đại Bảo Tích, Phật hứa khả cho Tịnh Phạn Vương và bảy muôn Thích chủng
đồng về An Dưỡng; trong Kinh Thập Lục Quán, Đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp cho
bà Vi Đề Hy cùng năm trăm thị nữ được lễ cẩn Đức A Di Đà ư?
Trong
mấy vị trên, như Vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy hiện tiền đều đã chứng được Vô
Sanh Pháp Nhẫn. Ở Tây Trúc những hạng ấy cầu vãng sanh rất nhiều. Bên đông độ
thì có Viễn Công ở Lô Sơn cùng các bậc cao nhơn trong Liên Xã, những vị tôn túc
ở hai tông Thiên Thai, Hiền Thủ, tất cả đều dùng môn niệm Phật tự tu và độ người
khuyến hóa hàng tăng tục đồng cầu sanh về Tịnh Độ. Nói chung những bậc cao đức
tu tịnh nghiệp số lượng không biết bao nhiêu mà kể! Đến như hai ngài Văn Thù,
Phổ Hiền là bậc Đại Bồ Tát, Thiện Tài Đồng Tử và hải chúng Hoa Tạng đều là bậc
đại nhơn trong bốn mươi mốt vị. Mã Minh, Long Thọ là hàng Bồ Tát, mà cũng là
bậc Đại Tổ Sư.
Những
thánh nhơn ấy chỗ ngộ và chứng siêu xuất hơn người ngộ đạt ngày nay như trời
với vực, mà còn nguyện sanh về Tây Phương, ông bảo rằng đã tỏ ngộ không cầu về
Cực Lạc, lại bác sự cầu sanh, thì các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long
Thọ, chắc là không bằng ông rồi! Ông thử tự lượng xem chổ tu chứng có bằng hai
bậc Đại Sĩ, và hai vị Tổ Sư; sự tham ngộ có bằng ngài Thiện Tài cùng hải chúng,
cảnh giới sở đắc và được Phật hứa khả có bằng vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy
chăng? Vã Tịnh Phạn Vương là thân sanh của Phật, bảy muôn Thích chủng là tộc
thuộc của Ngài, nếu sự về Tịnh Độ không có lợi ích thì Đức Thế Tôn đâu nỡ khiến
phụ vương và hàng thân thuộc cầu vãng sanh? Trước kia đã nói bậc chứng được Vô
Sanh Nhẫn có thể vào tục độ sanh, nay vua Tịnh Phạn và người thân thuộc của
Phật đã đắc quả ấy mà Đức Như Lai còn khuyên và thọ ký cho vãng sanh, thì tấm
lòng hộ trì bảo dưỡng của Ngài há chẳng là thân thiết và sâu xa ư?
Tôi
thấy hàng thiền giả đời nay phần nhiều không xét liễu nghĩa của Như Lai, chẳng
rõ huyền cơ của Đạt Ma, bụng rỗng lòng cao, tập quen thành bệnh cuồng vọng. Khi
thấy người tu Tịnh Độ, họ khinh thường và cười bảo: 'Đó là việc làm thấp kém
của hàng ngu phu ngu phụ!' Tôi thường cho đó không phải khinh hạng ngu phụ ngu
phu, mà chính là khinh các Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ; đó chẳng
những tự mê chánh đạo, tự làm mất căn lành mà còn tự bỏ quên huệ thân và tự để
tiêu Phật chủng. Đó cũng là tự gây ra tội báng Chánh Pháp, tự kết thành nghiệp
khinh Thánh Tăng. Chư Phật, Tổ xem những kẻ ấy là hạng người đáng thương xót!
Vì lẽ ấy nên Ngài Vĩnh Minh động mối bi tâm đem hết tâm can chủ trương Tịnh Độ,
đã tự tu lại khuyên đời. Nên khi lâm chung, Đại Sư biết trước ngày giờ, có các
điềm lành ứng hiện; lúc trà tỳ xá lợi tuôn ra vô số. Về sau có một vị tăng ở
Phủ Châu thường cung kính đi nhiễu xung quanh tháp của ngài, nhiều người hỏi lý
do thì vị tăng ấy đáp: 'Nhân lúc tôi bị bịnh nặng thần thức đi vào minh giới,
Diêm Vương xét thấy thọ số chưa mãn, cho đưa trở về. Khi ấy tôi thấy bên phía
tả đại điện có thiết bàn thờ di tượng một vị Đại Đức, Diêm Vương lễ bái ân cần.
Hỏi ra thì Quan Chủ lại bảo đó là chân dung của Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư, vì
ngài tu hành tinh tấn, được sanh về Thượng Phẩm ở Cực Lạc, nên Diêm Vương họa
tượng để thờ.' Vĩnh Minh Đại Sư là bậc đã ngộ suốt môn thiền trực chỉ của tổ
Đạt Ma, mà lại gởi chất nơi phẩm sen thượng thượng bên trời An Dưỡng; những sự
kiện ấy đủ giải thích mối tình chấp của người tu thiền, còn làm duyên khuyến
tấn cho chúng sanh đời mạt pháp. Cho nên tôi nói ngài rất có công đối với bên
tông cũng như bên giáo là ở điểm nầy.
Song
chẳng những chỉ có Vĩnh Minh Đại Sư mới như thế mà thôi. Ngoài ra, còn có Tử
Tâm Tân Thiền Sư đã ngộ bên Thiền, lại khuyên tu bên Tịnh. Ngài đã bảo: Di Đà
rất dễ niệm, Tịnh Độ rất dễ sanh. Người tham thiền niệm Phật rất tốt. Nếu kẻ
căn cơ hơi kém, sợ e đời nay chưa được đại ngộ, kiếp sau dễ lạc bến mê, thì nên
nhờ sức bi nguyện của Đức A Di Đà để sớm vãng sanh về Cực Lạc. Nếu vị nào chí
tâm niệm Phật mà không được sanh về Tịnh Độ, lão tăng xin chịu đọa vào địa ngục
Bạt Thiệt (ngục rút lưỡi). Lại như Chân Yết Liễu Thiền Sư, trong bài văn khuyên
tu Tịnh Độ, có nói: 'Tại sao người trong tông Tào Động, ngoài sự tập thiền, còn
mật tu Tịnh Độ? Sở dĩ có việc ấy, vì pháp môn niệm Phật là con đường tắt trong
các lối tu hành. Xét trong Đại Tạng môn nầy ngoài sự tiếp dẫn bậc thượng thượng
căn còn thâu nhiếp hạng người trung hạ... Bậc đại tượng trong tông môn đã ngộ
pháp phi không phi hữu, lại chăm chú tu tịnh nghiệp, có phải sự thấy Phật cửa
Tịnh Độ còn giản dị hơn tông môn chăng? Cho nên dù Phật dù Tổ, hoặc Giáo hoặc
Thiền, đều do nơi cửa Tịnh Độ đồng về nơi chân nguyên. Vào được môn nầy, tức có
thể vào được vô lượng pháp môn khác...'
Đến
như các ngài: Thiên Y Hoài Thiền Sư, Viên Chiếu Bản Thiền Sư, Từ Thọ Thâm Thiền
Sư, Nam Nhạc Tư Thiền Sư, Pháp Chiếu Thiền Sư, Tịnh Yết Thiền Sư, Tịnh Từ Đại
Thông Thiền Sư, Thiên Thai Hoài Ngọc Thiền Sư, Lương Đạo Trân Thiền Sư, Đường
Đạo Xước Thiền Sư, Tỳ Lăng Pháp Chân Thiền Sư, Cô Tô Thủ Nạp Thiền Sư, Bắc Nhàn
Giản Thiền Sư, Thiên Mục Lễ Thiền Sư, những đại lão ấy là bậc tông tượng trong
thiền môn, song xét ra chỗ mật tu và hiển hóa đều phát dương ý chỉ Tịnh Độ, tuy
không ước hẹn mà ngẫu nhĩ đồng đường. Chẳng những các vị đại lão ấy như thế mà
thôi, tôi lại thường nghe một vị kỳ túc bên tông môn nói: 'Hầu hết ngũ gia tông
phái và những thiền tăng trong thiên hạ, đã tỏ ngộ cùng chưa tỏ ngộ, đều quy
hướng về Tịnh Độ.' Hỏi lý do thì vị đó đáp: 'Ngài Bá Trượng Trí Hải Thiền Sư là
đích tử của Giang Tây Mã Tổ, những tòng lâm trong thiên hạ đều y theo cách thức
của ngài mà kiến lập và thanh quy ở khắp thiền môn đều y theo pháp chế của ngài
mà cử hành. Từ xưa đến nay không ai dám có lời thị phi và trái với pháp chế ấy.
Theo thanh quy của ngài, thì nghi thức tụng cầu cho những vị tăng bệnh nặng có
lời văn như sau: 'Phải nhóm chúng lại, tất cả đồng tụng bài kệ tán Phật A Di
Đà, rồi cao tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc trăm câu, ngàn câu. Khi niệm
xong, hồi hướng phục nguyện rằng: Nếu các duyên chưa mãn, sớm được an lành. Như
hạn lớn đến kỳ, sanh về A Dưỡng.' Đó chẳng phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ
hay sao? Lại trong nghi thức đưa những vị tăng đã tịch có đoạn nói: 'Đại chúng
đồng niệm A Di Đà Phật hồi hướng phục nguyện rằng: Thần siêu cõi tịnh, nghiệp
dứt đường trần, thượng phẩm sen nở hiện kim thân, nhứt sanh Phật trao phần quả
ký.' Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Đến như lúc trà tỳ,
trong thanh quy lại dạy: Vị Duy Na chỉ dẫn khánh niệm Nam Mô Tây Phương Cực Lạc
Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật mười lần, đại chúng đồng xướng họa theo.
Khi
xướng xong, lại hồi hướng rằng: 'Trước đây xưng dương mười niệm, phụ giúp vãng
sanh...' Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Cho nên lão tăng
nói: 'Các thiền gia trong thiên hạ đều quy hướng Tịnh Độ, là bởi nguyên nhân
đó.' Tôi nghe những lời dẫn chứng của vị kỳ túc ấy đều có y cứ, nên không biện
bác ra sao được. Nhân đó tôi lại chợt hiểu chỗ lập pháp của ngài Bá Trượng tất
có thâm ý nhiệm mầu.
Nay
ông ở tòng lâm, thân đã đưa không biết bao nhiêu vị tăng quy tịch, tai cùng
miệng đã nghe và xướng không biết bao nhiêu lần mười niệm, ý đã chuyên chú hồi
hướng về Tịnh Độ lại không biết bao nhiêu lần nữa! Thế mà ông đã không hiểu ý
Tổ Sư, đã không phát lòng thức tỉnh, lại lầm bảo: những bậc ngộ đạt không
nguyện vãng sanh. Quả thật cái bệnh chấp thiền trong thiên hạ, không còn ai hơn
ông được.
4.
Hỏi:- Sự nhiếp cơ của Tịnh Độ quả thật là rộng, ngu giả không còn dám luận
bàn. Nhưng tôi thường nghe nói: 'Di Đà bản tánh, Tịnh Độ duy tâm,' trong ý cũng
có trộm mừng! Đến chừng xem qua các kinh luận về tông nầy, thì Tịnh Độ là miền
Cực Lạc ngoài muôn ức cõi. Di Đà là vị giáo chủ ở Liên Bang. Như vậy thì kia
đây cách xa, ngoài nghĩa lý duy tâm bản tánh rồi! Thế là ý chỉ gì?
Đáp:-
Chỗ hiểu ấy còn nông cạn hẹp hòi. Ông không biết rằng chân tâm của ông rộng rãi
và sáng suốt vô cùng? Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Những non sông đất liền cho đến hư
không ở ngoài sắc thân ta, đều là cảnh vật trong chân tâm mầu sáng.' Lại nói:
'Các pháp sanh hóa, đều là hiện cảnh của duy tâm.' Thế thì đâu có cõi Phật nào
ngoài tâm ta ư? Cho nên ý nghĩa của Tịnh Độ duy tâm là nói cõi Tịnh Độ ở trong
chân tâm của ta, như biển cả nổi lên vô lượng bóng bọt, mà không có bóng bọt
nào ở ngoài biển cả. Lại như những hạt bụi nơi đất liền, không có hạt bụi nào
chẳng phải là đất; cũng như không có cõi Phật nào chẳng phải là tâm. Nên Tiên
Thánh đã nói: 'Chỉ một tâm nầy có đủ bốn cõi là: Phàm Thánh Đồng Cư, Phương
Tiện Hữu Dư, Thật Báo Vô Chướng Ngại, và Thường Tịch Quang.'
Cõi
Phàm Thánh Đồng Cư có hai: Đồng Cư Tịnh Độ và Đồng Cư Uế Độ. Đồng Cư Uế Độ là
như cõi Ta Bà trong quốc độ nầy có phàm có thánh ở chung lẫn, mà phàm và thánh
đều có hai hạng. Hai hạng của phàm là ác chúng sanh, tức bốn thú, và thiện
chúng sanh, tức trời người. Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh.
Thật thánh là các thánh nhơn thuộc bốn đạo quả, bậc Bích Chi Phật, bậc thất địa
trong Thông giáo, thập trụ trong Biệt giáo, thập tín hậu tâm trong Viên giáo.
Những vị nầy phần thông hoặc tuy dứt song sắc thân quả báo hãy còn, nên đều gọi
là thật. Quyền thánh là các vị Bồ Tát trụ ở những cõi Phương Tiện, Thật Báo,
Tịch Quang cùng bậc Diệu Giác (Phật) vì làm lợi lạc cho kẻ hữu duyên nên ứng
sanh vào cõi Đồng Cư. Bởi tùy cơ thị hiện nên gọi là quyền. Những vị trên đây
cùng với phàm phu đồng ở, nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư, và cảnh cư trú về phần
khí thế giới, có hầm hố, gai gốc, bùn đất, cùng các tướng nhơ nhớp, về phần hữu
tình giới có bốn ác thú, nên gọi là Uế Độ. Đồng Cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc,
tuy y báo chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song
cũng gọi Phàm Thánh Đồng Cư vì chúng sanh sanh về cõi nầy không phải đều là bậc
đắc đạo. Như trong kinh nói: 'Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm
sám hối và niệm Phật, đều được vãng sanh.' Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng
sanh còn hoặc nhiễm cũng có thể được ở. Thế Giới Cực Lạc cũng có hai hạng Thánh
Cư và bởi y báo chánh báo đều sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ. Để nói
rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không
đồng. Như thế giới Diệu Hỉ tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di, và
Tịnh Độ đã như thế, uế độ cũng như vậy.
Cõi
Phương Tiện Hữu Dư là chỗ ở của bậc Nhị Thừa và ba hạng Bồ Tát đã chứng Phương
Tiện Đạo. Những vị nầy do tu hai môn quán, dứt phần thông hoặc, phá hết trần
sa, bỏ thân phân đoạn thọ thân pháp tánh, tự tại ở ngoài ba cõi; nhưng vì họ
chưa đoạn được biệt hoặc vô minh nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi
phương tiện vì đó là cảnh giới của hành nhơn tu chứng Phương Tiện Đạo. Gọi hữu
dư là bởi họ chưa đoạn được vô minh. Cho nên trong Thích Luận nói: 'Ngoài tam
giới có cõi Tịnh Độ, đây là chỗ của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cư trú, thọ
Pháp Tánh thân, không còn sự phân đoạn sanh tử.'
Cõi
Thật Báo Vô Chướng Ngại là nơi không có hàng Nhị Thừa, chỉ thuần là bậc pháp
thân Bồ Tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp tánh,
được quả báo chân thật. Song vì họ chưa đoạn hết vô minh nên còn nhuận vô lậu
nghiệp, thọ báo thân pháp tánh, và cảnh giới nầy cũng gọi là Quả Báo Độ. Kinh
Nhân Vương nói: 'Ba hiền mười thánh trụ quả báo' là chỉ cho sự việc trên đây.
Sở dĩ gọi Thật Báo, vì các Đại Sĩ ấy do quán thật tướng, phát được chân vô lậu
thọ hưởng quả báo chân thật. Gọi Vô Chướng Ngại là bởi chư Bồ Tát đây, tu chân
không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm thuyết
minh thế giới Nhân Đà La Võng, chính là cảnh nầy.
Cõi
Thường Tịch Quang là chân lý pháp giới như như, sáng suốt cùng cực của bậc Diệu
Giác. Đây là Phật Tánh Chân Như, tức độ là thân, tức thân là độ, thân và độ
không hai, là trụ xứ của Đức Tỳ Lô Giá Na, cũng gọi là Pháp Tánh Độ. Thường
chính là đức pháp thân. Tịch là đức giải thoát. Quang là đức bát nhã , như chữ
Y (() có ba điểm, không thể cách lìa, một tức là ba, ba nguyên vẫn một. Đây
cũng gọi là Bí Mật Tạng, là cảnh giới du hóa của Như Lai, cứu cánh chân thường,
thanh tịnh cùng cực.
Hai
cõi trước là chỗ ở của Ứng Thân Phật. Cõi thứ ba cũng thuộc về Ứng cũng thuộc
về Báo, mà chánh thức là chỗ ở của Báo Thân Phật. Cõi thứ tư không phải Ứng và
Báo mà kiêm cả Ứng, Báo, là chỗ ở của Pháp Thân Phật.
Bốn
cõi trên đây tùy theo chỗ tu chứng mà phân chia, song kỳ thật vẫn là một. Cho
nên chân tâm bao trùm muôn tượng, vô biên quốc độ như vi trần ở khắp mười
phương, chính là cảnh giới trong tâm ta, hằng sa chư Phật trong ba đời, cũng là
các Đức Phật trong tâm ta; tất cả không ngoài bản tâm mà có. Hiểu được lý nầy thì
biết không có cõi nào chẳng nương nơi tâm ta mà kiến lập, không có vị Phật nào
chẳng nương nơi tánh ta mà xuất sanh. Thế thì miền Cực Lạc ngoài mười muôn ức
cõi há chẳng phải là cảnh Tịnh Độ của duy tâm ư?
Thế
Giới Cực Lạc đã như thế, thì vị giáo chủ ở cõi ấy cũng là Đức Di Đà của bản
tánh. Nên biết chỉ một tâm nầy bao trùm đủ mười giới, thân và độ dung thông,
trùng trùng không ngại. Lại nên biết tâm, Phật, chúng sanh, ba chính là một,
đồng thể không khác nhau, chúng sanh và Phật hỗ hiện, mỗi niệm giao tham. Cho
nên cổ đức nói: 'Chúng sanh trong tâm chư Phật, mỗi trần đều là Cực Lạc, chư
Phật trong tâm chúng sanh, mỗi niệm chính thật Di Đà. Mười phương tịnh uế gom
về trong khoảng sát na. Một niệm sắc tâm, bủa khắp gồm thâu pháp giới.' Xem thế
thì biết tất cả đều sẵn đủ trong thể thiên chân, không phải do duyên khởi mới
thành lập. Một tâm niệm đã như thế, một điểm trần lại khác chi? Vì vậy nên mới
có thể: 'Trong mỗi mỗi trần tất cả cõi. Trong mỗi mỗi tâm tất cả tâm. Mỗi mỗi
tâm trần lại khắp nhau. Trùng trùng không tận không chướng ngại. Đồng thời hiện
rõ không ẩn hiển. Tất cả viên thành chẳng kém hơn.' Cảnh giới chân tâm bao hàm
vô biên quốc độ trên đây, như lưới báu Thiên Châu của trời Đế Thích, bóng và
ánh sáng của bao nhiêu hạt châu đều gom hiện vào một hạt châu, bóng và ánh sáng
của một hạt châu lại hiện khắp vào tất cả các hạt châu khác. Tuy mỗi mỗi hạt
châu giao hiện lẫn nhau, nhưng hạt châu nầy không thể là hạt châu kia, hạt châu
kia không thể là hạt châu nầy, xen mà không tạp, lìa mà chẳng phân, mỗi mỗi
khắp bày, vẫn không sở tại! Thế giới Cực Lạc cho đến mười muôn ức cõi mỗi miền
cũng như một trong các hạt châu. Nói tinh tế hơn khắp mỗi cõi từ tam thừa thánh
nhơn cho đến trời, người, tu la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục, mỗi mỗi lại cũng
như một trong các hạt châu. Và Đức A Di Đà cũng là một trong các hạt châu. Cho
nên, thấy một vị Phật, tức thấy mười phương chư Phật, mà cũng là thấy chín giới
chúng sanh ở khắp mười phương. Cõi Phật vô biên, mười phương kim cổ toàn thể là
một hải ấn đốn viên, không còn pháp chi khác nữa!
Như
thế thì, thần trải qua mười muôn ức cõi, chính hóa sanh trong bản tâm ta; chất
gởi nơi chín phẩm hoa sen, há cách biệt ngoài chân như Phật? Những lời dẫn giải
trên đây đều là những minh huấn của Phật, Tổ, Thánh, Hiền đã tuyên dương vậy.
Hiểu được lý này tất sẽ thấy thế giới Cực Lạc là duy tâm, mỗi cõi Phật mỗi điểm
trần đều là duy tâm; Đức Di Đà là bản tánh, mỗi vị Phật mỗi chúng sanh cũng đều
là bản tánh. Như thế lại còn chi phải nghi ngờ?
Lời
phụ:
Pháp
giới chân tâm là một thể rộng rãi vô biên, bao hàm vi trần thế giới, chư Phật
và chúng sanh. Trong thể nhất chơn ấy, phần thế giới chúng sanh luôn luôn biến
đổi, thuộc về sanh diệt môn; phần tịch quang lặng mầu sáng suốt và thường hằng,
gọi là chân như môn. Chân tâm là một thật thể chung, gồm hai môn hữu vi và vô
vi đó. Tất cả những danh từ: Chân Tâm, Bản Tánh, Bản Thể, Phật Tánh, Như Lai
Tạng, Pháp Giới, Pháp Tánh, Thật Tướng, Niết Bàn, Pháp Thân, Vô Cấu Bạch Tịnh
Thức, Như Lai A Lại Da Thức, Bản Lai Diện Mục, Bát Nhã, Chân Không, đều là chỉ
cho thật thể ấy. Để trở về thật thể nầy, giáo môn của Phật chia làm hai. Các
tông như: Thành Thật, Tam Luận, Thiên Thai, Thiền, Thai Tạng Bộ của Mật Giáo,
từ nơi không môn mà đi vào. Còn các tông: Câu Xá, Pháp Tướng, Luật, Hoa Nghiêm,
Tịnh Độ, và Kim Cang Bộ của Mật Giáo, lại do nơi hữu môn mà thể nhập. Cho nên
những vị hiểu sâu về lý Bát Nhã của Thiền, hay lý huyền môn của Hoa Nghiêm, đều
nhận rõ sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không
chính là sắc. Trái lại, các vị học chưa thấu đáo, nếu không chấp có tất cũng
chấp không. Nhưng chấp có thì còn biết kiêng sợ nhân quả, lánh dữ làm lành, đời
sau hưởng phước nhân thiên, hoặc chuyên niệm Phật lại có thể sanh về Tịnh Độ.
Đến như chấp không tất sẽ đi đến chỗ bài nhân quả, bác Phật Thánh, tương lai bị
đọa xuống tam đồ. Cho nên tiên đức đã răn bảo: 'Thà chấp có như non Tu, chớ
chấp không như hạt cải!'
Vị
thiền giả trên, vì chưa nhận rõ chân tâm, nên nghe nói 'duy tâm Tịnh Độ, bản
tánh Di Đà', vội hiểu lầm rằng tâm mình thanh tịnh đó là Tịnh Độ là Di Đà rồi,
chớ không có cõi Cực Lạc hay Đức Di Đà nào khác nữa. Phật Pháp dù ở xứ nào,
Trung Hoa hay Việt Nam cũng có hạng người tà kiến chấp không ấy. Đại khái họ
bác không có Di Đà, Cực Lạc, không có địa ngục, thiên cung, hoặc như nói Địa
Tạng là tâm địa tánh tạng, chớ không có Đức Địa Tạng nào cả. Như người đeo cặp
kiến đen thì thấy nơi nào cũng tối tăm, những kẻ ấy dù có giảng thuyết bao
nhiêu lời, diễn dịch bao nhiêu kinh sách, kết cuộc cũng lạc vào bịnh không
chấp. Những kẻ chấp không thường tự cao tự mãn, cho mình là cao siêu, bác người
là chấp tướng. Xét ra khi diễn dịch kinh, họ cũng có tâm muốn hoằng dương Phật
Pháp, không dè ngược lại thành ra kết quả hủy báng Tam Bảo; tự mình đã sai lầm,
khiến cho bao nhiêu người khác bị lầm lạc theo. Ví như kẻ dung y đem tâm muốn
cứu đời, chẳng ngờ sự học hiểu về y dược không rành, trở lại làm cho nhiều
người thêm bịnh.
Cho
nên sự dịch kinh, thuyết pháp, vị tất là có phước, là hoằng dương Phật Giáo nếu
hành giả lạc vào tà kiến, không hiểu ý kinh.
5.
Hỏi:- Đã gọi tịnh uế dung thông, mỗi điểm trần đều là Cực Lạc, tại sao
cõi Ta Bà lại thành uế độ?
Đáp:-
Do nghiệp cảm của phàm phu, chính nơi tịnh mà thành uế. Còn Phật nhãn nhìn xem
tất cả uế đều thành tịnh. Báo cảnh của Đức Thích Ca, há phải thật là uế ư?
6.
Hỏi:- Lý duy tâm bao gồm tất cả, viên dung không ngại, tôi đã tin là
rộng lớn, là nhiệm mầu. Nhưng kẻ còn trệ nơi tình mê, chưa lìa nghiệp uế, làm
sao mà được thanh tịnh?
Đáp:-
Tâm nhơ thì cõi nhơ, tâm sạch thì cõi sạch. Kinh Duy Ma nói: 'Muốn được Tịnh
Độ, trước phải tịnh tâm; tùy tâm thanh tịnh, cõi Phật thanh tịnh.' Pháp tu Tịnh
Độ là một môn huyền diệu để đi đến chỗ tịnh tâm, không còn phương tiện nào đặc
biệt hơn nữa!
7.
Hỏi:- Về phần đại khái của pháp môn Tịnh Độ, tôi có thể nghe được chăng?
Đáp:-
Tịnh Độ nguyên không chi tu, tu nhân bởi mê lầm mới có; pháp môn vẫn không cao
thấp, cao thấp do căn lành mà phân. Vì chúng sanh căn cơ sai biệt nhau, nên
pháp tu cũng có nhiều cách. Tuy nhiên, nếu tóm lại, có thể chia thành ba môn
là: quán tưởng, ức niệm, và chúng hạnh.
Môn
thứ nhất, nói quán tưởng là như trong Quán Kinh dạy: 'Chư Phật Như Lai là thân
pháp giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Cho nên khi tâm các ông
tưởng Phật, thì tâm ấy chính là 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp tùy hình, tâm ấy làm
Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh. Vì
thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân Đức Phật kia.'
Thiên
Thai Sớ nói: Mấy chữ chư Phật Như Lai sắp xuống, là thuyết minh tất cả chư
Phật; mấy chữ phải nhớ nghĩ sắp xuống, là chỉ cho quán tưởng riêng Đức A Di Đà.
Pháp giới thân là pháp thân của Báo Phật. Tâm chúng sanh tịnh, pháp thân tự
hiện, nên gọi là vào; như khi vầng hồng nhật mọc lên tất bóng hiện xuống trăm
sông. Đây là chỉ cho Phật thân tự tại, có thể tùy vật hiện hình vậy. Lại pháp
giới thân là chỉ cho thân Phật, khắp tất cả chỗ, lấy pháp giới làm thể. Khi
hành giả chứng được môn quán Phật Tam Muội nầy, giải nhập tương ưng, nên nói
vào trong tâm tưởng. Tâm nầy làm Phật là Phật nguyên vẫn không, nhân chúng sanh
tâm tịnh mới có. Tâm nầy là Phật, ý nói trước nghe bảo: Phật nguyên vẫn không,
nhân chúng sanh tâm tịnh mới có, sợ e người hiểu lầm cho rằng bổng nhiên mà có,
nên mới nói là Phật. Mới khởi tu quán nên nói làm, sự tu đã thành nên gọi là.
Diệu
Tông Thích nói: 'Muốn tưởng thân Phật, phải hiểu rõ quán thể. Thể đó là bản
giác, từ nơi đây mà khởi thành pháp quán. Bản giác là thân pháp giới của chư
Phật, vì chư Phật không sở chứng chi khác, toàn chứng bản tánh của chúng sanh.
Nếu thỉ giác có công, bản giác mới hiển, nên nói 'pháp thân từ nơi tâm tưởng mà
sanh.' Lại Đức Di Đà cùng tất cả chư Phật đồng một Pháp thân một trí huệ, sự
ứng dụng cũng như vậy. Hiển được thân Đức Di Đà tức là hiển được thân chư Phật,
tỏ được thân chư Phật tức là lộ được thể Di Đà. Cho nên trong văn kinh nói rộng
qua chư Phật để kết về sự quán tưởng Đức A Di Đà. Từ mấy chữ thân pháp giới trở
xuống là nói về sự giao cảm của đạo cảm ứng và ước về lý giải nhập tương ưng.
Phê
bình về hai lời giải trên, ngài Dung Tâm đã nói: 'Nếu không có lời giải trước,
thì môn quán tưởng ấy không phải là quán Phật; như không có lời giải sau, e học
giả hiểu lầm rằng thể của chúng sanh và Phật, khác nhau. Hai lối giải đã tác
thành cho nhau mà thuyết minh quán pháp vậy.'
Môn
thứ hai, nói ức niệm là hành giả hoặc duyên theo tướng tốt, hoặc trì danh hiệu
của Phật, đều gọi là ức niệm. Môn nầy có lý có sự. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Giải
Thoát trưởng giả nói: 'Nếu tôi muốn thấy Đức Vô Lượng Thọ Như Lai và thế giới
An Lạc, thì tùy ý liền được thấy. Tôi có thể biết rõ tất cả chư Phật, quốc độ
tùy thuộc, cùng những việc thần thông của các Ngài. Bao nhiêu cảnh tướng trên
đây, không từ đâu mà đến, không đi về đâu, không có xứ sở và không chỗ trụ;
cũng như thân tôi không thật có đi, đứng, tới lui. Các Đức Như Lai kia không
đến chỗ tôi, tôi cũng không đi đến chỗ của các Ngài. Sở dĩ như thế, vì tôi hiểu
rõ tất cả chư Phật cùng với tâm mình, đều như mộng. Lại hiểu tự tâm như nước
trong chum, các pháp như hình bóng hiện trong nước. Tôi đã ngộ tâm mình như nhà
huyễn thuật, tất cả chư Phật như cảnh huyễn hóa. Lại biết chư Phật Bồ Tát trong
tự tâm, đều như tiếng vang, như hang trống tùy theo âm thanh mà phát ra tiếng
dội lại. Vì tôi ngộ giải tâm mình như thế nên có thể tùy niệm thấy Phật.'
Về
đoạn kinh trên, ngài Trinh Nguyên giải rằng: 'Từ câu đầu đến mấy chữ chỗ của
các ngài chính là thuyết minh lý duy tâm, nếu ngộ tức tâm mà vô tâm liền vào
chân như Tam Muội. Khi hành giả hiểu rõ các cảnh tướng đều hư huyễn, duy tâm
hiện ra, đã ngộ duy tâm và tức tâm là Phật, thì tùy chỗ tưởng niệm, không đâu
chẳng là Phật. Đoạn sau nêu ra bốn điều thí dụ: cảnh mộng là dụ cho lý không
đến không đi, hình bóng trong nước là dụ cho lý không ra không vào, tướng huyễn
hóa là dụ cho lý chẳng có chẳng không, tiếng vang là dụ cho lý chẳng tan chẳng
hợp. Và dụ thứ nhất là nói toàn thể đều duy tâm, dụ thứ hai nói vì duy tâm nên
không, dụ thứ ba nói vì duy tâm nên giả dụ, thứ tư nói vì duy tâm nên trung.
Bốn dụ đều đủ bốn quán gồm thông và biệt để hiển lý duy tâm, tất cả vẫn viên
dung không ngại, đó là ý Kinh Hoa Nghiêm.'
Nếu
hành giả hiểu rõ lý trên đây, rồi chấp trì bốn chữ A Di Đà Phật, không dùng tâm
có, tâm không, tâm cũng có cũng không, tâm chẳng phải có chẳng phải không, dứt
cả quá khứ hiện tại vị lai mà niệm, đó gọi là lý ức niệm. Và ngày đêm sáu thời
cứ như thế mà nhiếp tâm trì niệm không cho gián đoạn, không sanh một niệm thì
chẳng cần vượt giai tầng mà đi thẳng vào cõi Phật. Đây cũng gọi là lý nhất tâm.
Về sự
ức niệm, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Nhớ Phật niệm Phật, hiện đời hoặc
đương lai nhất định sẽ thấy Phật, cách Phật không xa, không cần mượn phương
tiện chi khác mà tâm tự được khai ngộ.' Hay như các kinh sách khác đã chỉ dạy,
hoặc hệ niệm suốt một đời, hoặc trì niệm trong ba tháng, bốn mươi chín ngày,
một ngày đêm, cho đến bảy ngày đêm, hoặc mỗi buổi sớm mai giữ mười niệm. Nếu
hành giả dùng lòng tin sâu, nguyện thiết, chấp trì câu niệm Phật như rồng gặp
nước, như cọp dựa non, thì được sức Phật gia bị đều vãng sanh về Cực Lạc. Theo
trong kinh, cho đến hạng phàm phu tạo tội ngũ nghịch thập ác, nếu khi lâm chung
chí tâm xưng danh hiệu Phật mười niệm, cũng được vãng sanh. Và đây gọi là sự
nhất tâm.
Nói
tóm lại, lý nhất tâm là người thông đạt bốn lý quán trên, dùng tâm ấy mà niệm
Phật, tương ưng với không huệ, đi đến chỗ thuần chơn. Sự nhất tâm là hành giả
tâm còn giữ niệm, mỗi niệm không cho xen hở, đi đến chỗ không còn tạp niệm. Lý
nhất tâm là hành môn của bậc thượng căn, sự nhất tâm thông về hàng trung hạ.
Môn
thứ ba, nói chúng hạnh là hành giả dùng nhiều hạnh để vãng sanh về Cực Lạc. Như
trong Kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại
chúng nơi hải hội dùng mười đại nguyện vương cầu sanh Tịnh Độ. Mười đại nguyện
ấy là: lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai, rộng tu sự cúng dường, sám hối
nghiệp chướng, tùy hỷ các công đức, thỉnh Phật chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ
ở đời, thường theo Phật tu học, hằng tùy thuận chúng sanh, và hồi hướng khắp
tất cả. Trong mỗi nguyện ấy đều có nói: khi nào cõi hư không, cõi chúng sanh,
nghiệp chúng sanh, phiền não của chúng sanh hết, thì nguyện tôi mới hết. Và
hành giả phải dùng ba nghiệp thân, khẩu, ý, thật hành nguyện đó không gián
đoạn, không chán mỏi. Đến khi lâm chung, tất cả mọi thứ tùy thân đều để lại,
cho đến các căn đều tan rã, duy đại nguyện ấy hằng theo bên mình trong khoảng
sát na hành giả liền được sanh về Cực Lạc. Đây là nói về dùng nguyện lực để
vãng sanh.
Lại
như trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Thế Tôn bảo ngài Di Lặc: 'Mười thứ tâm nầy,
không phải hạng phàm ngu, bất thiện, kẻ nhiều phiền não có thể phát được. Mười
thứ tâm ấy là gì?
1- Đối
với chúng sanh khởi lòng đại từ, không làm tổn hại.
2- Đối
với chúng sanh khởi lòng đại bi, không làm bức não.
3- Với
chánh pháp của Phật, hết lòng hộ trì, không tiếc thân mạng.
4- Với
chánh pháp sanh lòng thắng nhẫn, không chấp trước.
5- Tâm
điềm tĩnh an vui, không tham sự lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng.
6- Tâm
cầu chủng trí của Phật trong tất cả thời không quên lảng.
7- Đối
với chúng sanh khởi lòng tôn trọng cung kính, không cho là hạ liệt.
8-
Không tham trước thế luận, với phần Bồ Đề sanh lòng quyết định.
9- Tâm
thanh tịnh không tạp nhiễm, siêng trồng các căn lành.
10-
Đối với chư Phật, xả ly các tướng, khởi lòng tùy niệm.
Đây là
mười thứ phát tâm của Bồ Tát, do tâm nầy nên được vãng sanh. Nếu có kẻ nào
thành tựu một trong mười tâm trên, muốn sanh về thế giới Cực Lạc mà không được
như nguyện, đó là điều không khi nào có.' Đoạn kinh trên là nói về dùng tâm lực
để vãng sanh.
Lại
nữa, như trong Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật:
'Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào tụng trì thần chú Đại Bi, mà còn bị đọa vào
ba đường ác, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu
không được sanh về các cõi Phật, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần
chú Đại Bi, nếu không được vô lượng Tam Muội biện tài, tôi thề không thành
chánh giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại,
nếu không được như nguyện, thì chú nầy không được gọi là Đại Bi Tâm Đà La Ni;
duy trừ cầu những việc bất thiện, trừ kẻ tâm không chí thành.' Ngoài ra, những
kẻ chí tâm trì tụng các chú như: Bạch Táng Cái, Chuẩn Đề, Vãng Sanh, đều có thể
sanh về Cực Lạc hoặc các Tịnh Độ khác. Đây là nói về dùng thần lực để vãng
sanh.
Và,
như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: 'Muốn sanh về Cực Lạc, phải tu ba thứ
phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu
mười nghiệp lành. 2. Thọ trì tam quy, giữ kỹ các giới, không phạm oai nghi. 3.
Phát lòng Bồ Đề, tin lý nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến tấn người
tu hành. Ba thứ phước nầy là chánh nhân tịnh nghiệp của chư Phật quá khứ, hiện
tại và vị lai.' Đây là nói về dùng phước lực để vãng sanh.
Ngoài
ra những kẻ cất chùa, xây tháp, tạo tượng, lễ bái tán tụng, giữ gìn trai giới,
đốt hương, rải hoa, cúng dường tràng phang bảo cái, trai tăng bố thí, nếu hạnh
lành thuần thục, dùng lòng tín nguyện hồi hướng, đều có thể vãng sanh. Các điều
dẫn ra trên đây gọi là chúng hạnh. Nhưng nguyện hạnh đã có lớn nhỏ không đồng,
lý sự sai biệt, thì việc thấy Phật, nghe pháp, cảm thọ y chánh tất cũng có hơn
kém khác nhau, đây là chỉ nói phần đại lược.
Lời
phụ:
Muốn
sanh về Cực Lạc, hành giả có thể dùng một trong các hạnh: nguyện lực, tâm lực,
thần lực, phước lực để hồi hướng, không phải chỉ đặc biệt có môn quán tưởng hay
trì danh. Tuy nhiên, trong bốn phương pháp ấy, người tu phải thật hành cho đến
độ công đức tinh thuần, hạnh lành thành tựu mới có hy vọng. Mà kẻ dung thường
thì nghiệp chướng nặng không dễ gì đoạn, hạnh lành khó không dễ gì thành, duy
có hạnh trì danh nương cầu nơi tha lực, là chắc chắn nhất. Cho nên, Ấn Quang
Pháp Sư đã nói: 'Hạng phàm phu kém cỏi mà được vãng sanh, toàn là nhờ từ lực của
Như Lai.' Vậy người niệm Phật đời nay muốn cho phần vãng sanh được đảm bảo, nên
lấy sự trì danh làm phần chánh, còn các công đức như: tụng kinh, trì chú, bố
thí và những hạnh lành khác, để vào phần trợ, mới là đường lối an toàn.
Trong
ba môn của ngài Thiên Như trình bày, đại khác môn thứ nhất nói về Thật Tướng
Niệm Phật, hạng trung hạ khó hành trì. Môn thứ ba, thì hạng dung thường, nhiều
nghiệp duyên, cũng ít có hy vọng, chỉ nên dùng làm phần trợ. Duy phương pháp sự
trì danh thuộc môn thứ hai là mọi người đều có thể thật hành và có hy vọng
thành tựu. Tuy nhiên, vì căn tánh của chúng sanh khác nhau, ngài phải nói cho
đủ để mọi người tùy sở thích mà lựa chọn. Về phần dịch giả chỉ căn cứ theo phần
đông hạng dung thường đời nay mà biện minh sự lợi hại thế thôi.
8.
Hỏi:- Tôi nghe Thiện Tài Đồng Tử là bậc viên đốn lợi căn, một đời được chứng
quả. Sao Đức Phổ Hiền không khuyên ngài sanh về cõi Hoa Tạng mà lại khuyên sanh
về Cực Lạc, là ý thế nào?
Đáp:-
Trong Hoa Nghiêm Sớ có lời hỏi ấy. Sớ bản đã đáp: 'Việc đó hàm ẩn nhiều lý do:
vì có nhân duyên, vì để tâm niệm được quy nhứt, vì không lìa cõi Hoa Tạng, vì
tức là bản sư.' Hai lý do trước dễ hiểu. Lý do thứ ba là trong thế giới Hoa
Tạng có vi trần cõi Phật, miền Cực Lạc cách đây mười muôn ức Phật độ, tất cả đều
không ngoài số sát chủng ấy. Lý do thứ tư là như trong kinh nói: 'Hoặc thấy
pháp hội Phật Vô Lượng Thọ, có nhiều vị Bồ Tát như Quán Thế Âm vi nhiễu, liền
khen ngợi thân dị hóa của Đức Tỳ Lô Giá Na. Tỳ Lô Giá Na Như Lai là Giáo Chủ
cõi Hoa Tạng, Đức A Di Đà đã là thân dị hóa của ngài thì đâu có khác chi ngài,
vì thế nên mới nói 'tức là bản sư.' Trong ấy lại nói: 'Phổ Hiền Bồ Tát vì Thiện
Tài và hải chúng kết khuyến về Cực Lạc bởi ngài Thiện Tài là bậc tin hiểu viên
thông, vào trí Văn Thù, tu hạnh Phổ Hiền, phước huệ và sự lý đều xứng hợp pháp
giới. Đó là bậc đại tâm, tuy đã ngộ thể bản minh, đồng hàng với chư Thánh,
nhưng vì lực dụng chưa đầy đủ, không thể nhập thế làm lợi ích khắp quần sanh
như các Đức Như Lai. Vì thế Phổ Hiền Bồ Tát khuyên ngài, cho đến hải chúng,
nương về Tịnh Độ, gần gũi Di Đà, không ngoài ý muốn cho tất cả được mau chứng
quả Phật.'
9.
Hỏi:- Trong môn chúng hạnh nói: 'Nguyện hạnh đã có lớn nhỏ không đồng,
lý sự sai biệt, thì việc thấy Phật, nghe pháp, cảm thọ y chánh, tất cũng có hơn
kém khác nhau; thế thì hai môn quán tưởng ức niệm, nhân tu không đồng, sự cảm
tướng có khác nhau chăng?
Đáp:-
Việc ấy cố nhiên là phải khác. Vì thế ngài Vĩnh Minh đã bảo: 'Sự vãng sanh có
chín phẩm, không phải đồng một bậc. Hoặc có kẻ nương về hóa quốc, thấy ứng thân
của Phật; hoặc có vị sanh nơi báo độ, thấy chân thể của Như Lai; hoặc có kẻ
trải qua nhiều kiếp, mới chứng quả tiểu thừa, hoặc có vị vừa sanh một đêm liền
siêu lên thượng địa. Nói tóm lại, vì người vãng sanh căn hạnh không đồng, có
độn căn lợi căn, có định ý tán ý, nên hoa nở có sớm muộn, quả chứng có chậm
mau, thời hạn rất là cách biệt.' Từ Vân Sám Chủ cũng bảo: 'Tuy chia ra chín
phẩm nhưng đó chỉ là lược phân; nếu tế phân lẽ ưng phải có vô lượng phẩm.'
10.
Hỏi:- Cực Lạc chỉ là cõi Đồng Cư, không phải cõi Thật Báo, tại sao lại
nói: 'hoặc có vị sanh nơi báo độ, thấy chân thể của Như Lai?'
Đáp:-
Ông cho rằng có cõi Thật Báo ở riêng ngoài cõi Đồng Cư hay sao? Nên biết ba cõi
kia không lìa cõi Đồng Cư mà có, chỉ khác là thân, cảnh và sự thọ dụng không
đồng nhau thế thôi! Như trong kinh nói: 'Thân của Phật A Di Đà cao sáu mươi
muôn ức na-do-tha hằng hà sa do tuần.' Các bậc cổ đức bình giải cho đó là thân
Thật Báo. Chẳng những thế giới Cực Lạc có bốn độ không đồng, mà các cõi khác
cũng đều như vậy. Nên ngài Kinh Khê nói: 'Ngay cõi Ta Bà nầy có đủ bốn độ. Như
đương thời hải hội Hoa Nghiêm không lìa Thệ Đa Lâm, mà các bậc đại Thanh Văn
vẫn không nghe thấy và hay biết.'
11.
Hỏi:- Nếu cõi Ta Bà có đủ bốn độ, thì chỉ nên ở tại đây mà lần lượt tu
hành, cần chi phải cầu sanh Cực Lạc?
Đáp:-
Cõi nầy tuy đủ bốn độ, nhưng vì thuộc về Đồng Cư Uế Độ, nên người tu khó trừ
nghiệp nhiễm. Muốn thoát ly nhiễm nghiệp, hành giả phải cầu sanh về Đồng Cư
Tịnh Độ ở Liên Bang. Nên Tứ Minh Tôn Giả nói: 'Cõi Ta Bà cảnh duyên trược ác
nặng, người tu phải chứng đến vị thập tín mới thoát khổ luân. Miền Cực Lạc cảnh
duyên thắng diệu nên khi về chín phẩm đều lên hàng bất thối. Ông há không nghe
trong Kinh Pháp Hoa nói có những vị thọ giáo với Đại Thông Trí Thắng Như Lai,
từ đó đến nay đã trải qua số kiếp như bụi nhỏ của vô lượng vô biên cõi Phật mà
còn ở nơi địa vị Thanh Văn hay sao? Ấy đều bởi do mãi thối chuyển nên phải trải
qua thời kiếp lâu xa. Chẳng hạn như ngài Xá Lợi Phất tiền kiếp đã chứng đến lục
trụ mà còn thối tâm, huống nữa là hạng tu hành lơ láo ư? Nói chung, ở cõi nầy
vì có nhiều chướng duyên, nên người tu dễ bị lui sụt. Nên tiên đức đã bảo: 'Số
lượng Bồ Tát mới phát tâm nhiều như bông xoài trứng cá, nhưng kết cuộc còn lại
không được bao nhiêu.'
Nếu kẻ
nào biết hướng về Cực Lạc, nhờ thắng duyên bên cõi ấy, dù cho hạng phàm phu
thấp thỏi, cũng lên ngay ngôi bất thối. Đây là lý do tất yếu trong sự cầu sanh,
mà các hành nhơn nên suy gẫm kỹ.
12.
Hỏi:- Trong mười phương, cõi đồng cư Tịnh Độ rất nhiều. Nay lại riêng chỉ
thế giới Cực Lạc và duy khen cảnh duyên ở cõi ấy thắng diệu, là tại sao?
Đáp:-
Kinh Phật Thuyết A Di Đà nói: 'Chúng sanh ở cõi ấy không có các sự khổ, chỉ
hưởng những điều vui, nên gọi là Cực Lạc.' Cảnh duyên ở Cực Lạc rất thù thắng,
có nhiều sự kiện thuận lợi cho chúng sanh nơi cõi nầy hơn các Tịnh Độ khác, mà
tâm lượng của phàm phu trong tam giới không thể thấu hiểu được. Nay xin tạm đem
cảnh duyên ở Ta Bà đối chiếu để so sánh lược qua:
Ở cõi
nầy loài người bẩm thọ thân hình huyết nhục, có sanh là có khổ; cõi kia thì
chúng hữu tình đều hóa chất nơi hoa sen, không còn sự khổ về sanh. Ở cõi nầy
thời tiết đổi dời, con người lần lần đi đến cảnh già yếu; cõi kia là thế giới
trường xuân, không có đêm, ngày, nóng, lạnh, chúng sanh không bị sự khổ suy
già. Ở cõi nầy con người thân tứ đại khó điều hòa, dễ sanh nhiều bệnh hoạn; cõi
kia thì chúng sanh thể chất kim cương thơm sạch, không có sự khổ về yếu đau. Ở
cõi nầy con người ít ai sống đến bảy mươi, cơn vô thường mau chóng; cõi kia thì
chúng sanh thọ số đến kiếp lượng vô biên, không có sự khổ về chết. Ở cõi nầy
con người bị sợi dây thân tình ái luyến ràng buộc, chịu đau khổ vì nỗi tử biệt
sinh ly; nơi cõi kia chúng sanh hóa thân nơi hoa sen, không có cha mẹ vợ con,
nên không bị khổ về ân tình chia cách. Ở cõi nầy ai không có kẻ thương người
ghét, nên khi oán thù gặp gỡ tất phải chịu nhiều nỗi phiền não gian truân; nơi
cõi kia toàn là bậc thiện nhơn dắt dìu giúp đỡ lẫn nhau, không có sự khổ về oan
gia hội ngộ. Ở cõi nầy con người phần nhiều nghèo khổ thiếu kém, dù kẻ giàu
sang cũng có biết bao ước vọng không thành; nơi cõi kia, sự thọ dụng về ăn,
mặc, ở, các thứ trân bảo, bao nhiêu điều mong muốn, đều được hóa hiện tự nhiên,
chúng sanh an vui, không có nổi đau buồn về thất vọng. Ở cõi nầy con người hoặc
hình thể xấu xa, các căn không đủ; cõi kia chúng sanh đều có 32 tướng tốt, thân
kim cương xinh đẹp, có ánh quang minh. Ở cõi nầy chúng sanh xoay vần trong nẻo
luân hồi, nơi cõi kia bậc thượng thiện đều chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ở cõi nầy
có đủ bốn ác thú khổ não; nơi cõi kia tên ba ác đạo hãy còn không. Ở cõi nầy
nhiều gò nổng hang hố, rừng rậm chông gai, dẫy đầy các tướng nhơ ác; nơi cõi
kia thì vàng ròng làm đất, cây báu vút trời, lầu chói trân châu, hoa đua bốn
sắc. Ở cõi nầy thì Song Lâm đã khuất, Long Hoa còn xa; nơi cõi kia, Di Đà Thế
Tôn hiện đang thuyết pháp. Ở cõi nầy thì Quán Âm, Thế Chí, luống mến danh lành;
nơi cõi kia, chư Bồ Tát thượng nhơn hằng làm thắng hữu. Ở cõi nầy thì các ma
cùng ngoại đạo, làm não loạn bậc chánh tu; nơi cõi kia, Phật hóa tinh thuần,
ngoại ma tuyệt tích. Ở cõi nầy thì sắc thinh danh lợi, khiến mê hoặc người tu;
nơi cõi kia, y chánh sạch nghiêm, không còn duyên nhiễm. Ở cõi nầy thì ác thú
muỗi mòng, khiến hành nhơn không yên ổn; nơi cõi kia, nhạc cây chim nước, hằng
nói pháp âm.
So
sánh lược qua hai cõi, cảnh duyên hơn kém thật đã cách xa, nếu nói cho kỹ thì
sự ưu liệt làm sao kể xiết! Tuy nhiên tóm lại phần khái yếu cũng không ngoài
hai quan điểm: một là vì cảnh Cực Lạc thù thắng, nên có thể khích phát lòng
mong mến và quy hướng của loài hữu tình; hai là duyên liên quốc nhiệm mầu, nên
có thể giúp ích cho người vãng sanh dễ tiến mau trên đường tu chứng. Vì thế,
cõi Đồng Cư Tịnh Độ ở mười phương tuy nhiều, song riêng cõi Cực Lạc có đầy đủ
thắng duyên, các kinh luận đều chỉ quy, cũng do lẽ đó.
13.
Hỏi:- Trong mười phương có vô số chư Phật, những chúng sanh hữu tâm đều
có thể thân cận. Nay lại riêng suy cử Đức A Di Đà, là tại sao?
Đáp:-
Trong ấy có ba lý do: Vì Đức A Di Đà thệ nguyện sâu rộng, vì chúng sanh ở cõi
này có nhân duyên lớn với Ngài, và vì sự giáo hóa của hai Đức Thế Tôn ở Tây
Phương và Đông Độ liên quan nhau.
Về
nguyên nhân thứ nhứt, như kinh Vô Lượng Thọ nói: Đức A Di Đà trong thời kỳ tu
nhân, đã phát nhiều thệ nguyện rộng lớn. Phần khái yếu trong các lời nguyện ấy
là: 'Khi tôi thành Phật, nếu có chúng sanh nào muốn sanh về nước tôi, siêng tu
các căn lành và chí tâm xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm, như kẻ ấy không
được vãng sanh thì tôi thề không thành chánh giác. Kẻ nào đã sanh về nước tôi
mà còn bị thối chuyển và không quyết định được thành Phật, tôi thề không thành
chánh giác.' Nên trong Hoa Nghiêm Sớ nói: 'Phật A Di Đà có lời thề sâu nặng
nguyện tiếp dẫn chúng sanh ở cõi Ta Bà.'
Về
nguyên nhân thứ hai, khi Phật Thích Ca còn ở đời, chúng sanh nghe lời từ huấn,
quy hướng về Đức A Di Đà rất nhiều. Từ khi Đức Thế Tôn niết bàn về sau, không
luận là hàng tăng tục nam nữ, giàu nghèo sanh hèn, kẻ đã nghe chánh pháp hay
chưa biết gì về Phật Giáo vẫn thường xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Dù cho
hạng hung dữ, kẻ không lòng tin, khi gặp cảnh nguy khốn tai nạn, hay lúc vui
mừng, thán oán, bất giác cũng kêu gọi A Di Đà Phật. Cho đến trẻ nhỏ khi chơi
đùa vẫn thường nắn hình, vẻ tượng Phật A Di Đà; người hát xướng hay đứa hài nhi
năm ba tuổi nói năng chưa rành, cũng biết niệm A Di Đà Phật. Sự không ai khuyến
khích mà vẫn biết niệm ấy không phải do nhân duyên là gì? Lại như trong kinh Vô
Lượng Thọ, Đức Thế Tôn đã bảo: 'Nay ta nói kinh nầy khiến cho chúng sanh được
thấy Phật Vô Lượng Thọ và quốc độ của Ngài. Những kẻ muốn bước lên đường giải
thoát, nên cầu vãng sanh. Pháp môn nầy mọi người đều có thể tu, chớ vì ta diệt
độ rồi mà sanh lòng nghi hoặc. Trong đời đương lai, khi tam tạng giáo điển đã
diệt hết, ta dùng nguyện lực từ bi, duy lưu kinh nầy trụ thế một trăm năm.
Những chúng sanh nào có duyên được gặp, tùy ý mong cầu thảy đều đắc độ.' Lại
nói: 'Sau khi kinh nầy diệt rồi, Phật pháp hoàn toàn mất hẳn trong đời, chỉ còn
lưu truyền bốn chữ A Di Đà Phật để cứu độ chúng sanh; kẻ nào không tin mà hủy
báng, sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu đủ các sự khổ.' Vì lẽ đó, nên ngài Thiên
Thai nói: 'Phải biết Đức Phật kia đối với cõi trược nầy, có nhân duyên rất
lớn.'
Về
nguyên nhân thứ ba, thì các vị tiên giác đều bảo: 'Đức Thích Ca ứng sanh nơi
cõi uế, đem các duyên: nhơ ác, khổ não, vô thường, chướng nạn, mà chiết phục
chúng sanh, khiến cho họ sanh lòng nhàm chán mà tu theo chánh đạo. Đức Di Đà
hiện thân nơi cõi tịnh, dùng các duyên: trong sạch, an vui, lâu dài, không thối
chuyển mà nhiếp hóa loài hữu tình, khiến cho họ khởi tâm ưa mến mà trở lại
nguồn chân. Hai bậc Thánh Nhơn đã dùng hai môn chiết và nhiếp làm cho chánh
giáo lưu hành, nên sự hóa độ có liên quan nhau. Lại Đức Bổn Sư ngoài sự chỉ dạy
ba thừa để giáo hóa chúng sanh, đặc biệt nói thêm môn Niệm Phật để nhờ Đức A Di
Đà tiếp dẫn những kẻ còn chưa được độ. Vì thế, trong các kinh đại thừa, Đức Thế
Tôn đã ân cần dặn bảo, luôn luôn khen ngợi và khuyến khích sự vãng sanh.'
Ba lý
do trên đây đã nói rõ tại sao Đức A Di Đà được riêng suy cử, trong số mười
phương chư Phật.
14.
Hỏi:- Về việc duy chỉ cõi Cực Lạc, riêng suy cử Đức A Di Đà, cùng những
ý nghĩa: chiết, nhiếp, chán, ưa, tôi đã nghe lời diệu chỉ. Nhưng thiết tưởng
chân tâm vẫn bình đẳng trong lành, nếu còn niệm chán ưa, tức là còn sự ghét,
yêu, lấy, bỏ. Như thế có lỗi hay chăng?
Đáp:-
Ông chưa hiểu sâu về việc trên, nên mới có lời hỏi ấy. Sự chán ưa đó không phải
là lòng yêu ghét của thế gian, mà chính là đường lối chung để chuyển phàm thành
thánh của mười phương chư Phật. Nếu không chán bỏ, làm sao chuyển phàm; nếu
không có ưa lấy, làm sao thành thánh?
Cho
nên từ phàm phu đi đến thánh vị, từ thánh vị đi đến Đẳng Giác, khoảng thời gian
tăng tiến đó, đều ở trong vòng lấy bỏ chán ưa. Chừng nào hành nhơn đã chứng đến
ngôi cực quả là Diệu Giác, mới không còn sự lấy bỏ chán ưa, vào thể như như
bình đẳng. Vì thế tiên đức đã bảo: 'Người tu trước tiên phải có lấy bỏ để đi
đến chỗ không lấy bỏ. Khi sự lấy bỏ đã chí cực, thì cùng với sự không lấy bỏ
vẫn đồng nhau.' Huống chi pháp môn Tịnh Độ vốn do Đức Thích Ca và Di Đà kiến
lập, một vị khuyến khích cầu sanh, một vị giữ phần tiếp dẫn; nếu người tu tịnh
nghiệp không có niệm chán bỏ thì làm sao lìa cõi Ta Bà, không có tâm ưa cầu,
làm sao sanh về Cực Lạc? Sự sanh về Tịnh Độ chẳng qua là mượn thắng duyên bên
cõi ấy để mau thành quả Bồ Đề, thì việc lấy bỏ chán ưa đã không có công lớn thì
thôi, sao lại cho là có lỗi?
15.
Hỏi:- Thuyết lấy bỏ đã đúng, tôi không còn dám luận bàn. Song việc vãng
sanh chẳng biết có trái với lý vô sanh hay chăng?
Đáp:-
Ngài Thiên Thai đã bảo: 'Người trí sốt sắng cầu sanh Tịnh Độ, song hiểu rõ sanh
thể vốn không. Đó chính là lý sanh mà vô sanh, và tâm tịnh cõi Phật thanh tịnh.
Kẻ ngu bị cái sanh ràng buộc, nghe nói sanh hiểu là thật có sanh, nghe nói vô
sanh lại nhận lầm rằng không sanh về đâu cả. Đâu biết sanh tức là vô sanh và vô
sanh há lại ngại gì sanh ư?' Trường Lô Thiền sư nói: 'Cho sanh là thật có sanh,
lạc vào lỗi chấp thường; cho vô sanh là không có sanh, lạc vào lỗi chấp đoạn.
Sanh mà không sanh, không sanh mà sanh, mới chính thật đệ nhất nghĩa đế.' Thiên
Y Thiền Sư cũng bảo: 'sanh thì quyết định sanh, song về vẫn thật không về.' Lý
thuyết của ba Đại Sư trên, ý nghĩa rất rõ ràng; nay tôi xin đem hai chữ tánh,
tướng để giải thích rộng thêm. Về phần tánh thì chân tâm mầu lặng, thể nó vốn
tự không sanh. Về phần tướng thì khi nhân duyên hòa hợp, trong chân tâm vẫn
huyễn hiện ra các tướng sanh diệt. Vì tánh hay hiện tướng, nên nói vô sanh tức
là sanh. Vì tướng do tánh mà hiện, nên gọi sanh tức là vô sanh. Hiểu được nghĩa
nầy thì sanh về Tịnh Độ, tức là sanh trong thể duy tâm, sanh mà không sanh, lý
đâu có trái!
16.
Hỏi:- Thuyết vãng sanh, ý nghĩa đã rõ ràng. Song về việc đó, hàng học
giả đời nay, trong ngàn muôn người, mấy ai được thông hiểu? Vì thế họ đều nghi
rằng miền Cực Lạc cách đây mười muôn ức cõi, lộ trình đã xa vợi, khi mạng chung
làm sao có thể đến nơi? Chẳng biết Đại Sư có phương sách gì để thuyết minh việc
ấy chăng?
Đáp:-
Mối nghi ấy thật đã vớ vẫn! Tôi đã nhiều lần nói ngoài tâm không độ, ngoài độ
không tâm, mà ông còn chưa hiểu sao? Song việc ấy không chi khác, chỉ vì nhiều
người đã nhận lầm rằng tâm mình thuộc vào phạm vi nhỏ hẹp ở trong sắc thân. Họ
đâu ngờ đó chỉ là vọng thức, mà thật ra chân tâm của mỗi người rộng rãi vô
biên, bao trùm sa giới, đầy khắp thái hư. Cho nên mười phương hư không vô tận
vô cùng, hằng sa thế giới vô biên vô số, đều bị tâm lượng của ta bao trùm và
đầy khắp tất cả. Xem thế thì biết mười muôn ức cõi chỉ ở trong tâm ta, kỳ thật
rất gần, có chi là xa? Và khi mạng chung được vãng sanh, cũng chỉ sanh ở trong
tâm ta, kỳ thật rất dễ, có chi là khó? Thập Nghi Luận nói: 'Mười muôn ức cõi là
đối với tâm lượng của hạng nhục nhãn phàm phu ở trong nẻo luân hồi mà nói đó
thôi. Nếu đối với chúng sanh tịnh nghiệp thành tựu, thì tâm ở trong định khi
lâm chung, chính là tâm thọ sanh về Tịnh Độ, vừa động niệm liền được vãng sanh.
Vì thế trong Quán Kinh nói: 'cõi nước của Phật A Di Đà cách đây không xa.' Lại
nghiệp lực không thể nghĩ bàn, trong niệm liền được sanh về cõi Phật, không cần
phải lo đường lối xa xôi. Ví như người nằm mơ, thân tuy ở nơi giường mà tâm đi
khắp các nơi xa lạ như lúc còn thức. Sự sanh về Tịnh Độ đại để cũng như vậy.
Các
kinh có chỗ nói trong khoảng khảy ngón tay, liền được vãng sanh. Có chỗ nói
khoảng co duỗi cánh tay, hoặc nói trong khoảnh khắc. Nên Tự Tín Lục đã bảo:
'Trong khoảnh khắc liền vượt qua mười muôn ức cõi, vì tự tâm vốn nhiệm mầu.'
Những điểm thí dụ trên đại ý chỉ cho: vì sanh trong chân tâm rộng lớn của mình,
nên rất dễ và rất gần đó thôi. Hãy gác qua việc chân tâm rộng, nay tôi chỉ căn
cứ nơi tâm lượng phàm phu nhỏ hẹp của ông, lập ra một thí dụ cho dễ hiểu: Ví
như từ đây sang sứ Tây Thiên Trúc, lộ trình trải qua nhiều nước và xa hơn mười
muôn dặm. Có người tuy chưa đi đến Tây Thiên, nhưng nghe kẻ khác đã đi rồi trở
về thuật lại rành rẽ, để ý ghi nhớ kỹ nơi lòng. Về sau người ấy trong khi ngồi
nằm, bỗng động niệm nhớ lại việc trước, suy nghĩ trải qua ngàn dặm đến nước
nào, muôn dặm đến nước nào, và kết cuộc đến xứ Thiên Trúc ra làm sao; liền thấy
hiện ra cảnh giới của mỗi giai đoạn, lúc nghĩ tới đâu như thấy mình thân hành
đến ngay nước đó. Sự vãng sanh về Cực Lạc cũng không ngoài đạo lý ấy, trong khoảng
khảy ngón tay hoặc trong một niệm liền đi đến, có chi là khó khăn ư? Nếu ông
không tu Tịnh Độ mà muốn đến Cực Lạc, cố nhiên là khó; như tịnh nghiệp của ông
thành tựu thì sự đi đến rất dễ dàng. Chỉ cần quyết tâm là sẽ được mãn nguyện,
Phật Thánh không khi nào có lời nói dối đâu!
17.
Hỏi:- Không tu tịnh nghiệp, tất khó vãng sanh, đó là điều chắc chắn. Nhưng
tại sao hàng phàm phu nghịch ác khi lâm chung cũng có thể vãng sanh? Điểm ấy
tôi còn chưa hiểu và có chỗ nghi ngờ, mong Đại Sư chỉ dạy rành rẽ?
Đáp:-
Trong Quán Kinh đã dạy: 'Hạ phẩm hạ sanh là như có người tạo tội ngũ nghịch,
thập ác, làm đủ các việc không lành, do vì ác nghiệp, nên đáng lẽ phải bị đọa
vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng! Nhưng khi lâm chung, kẻ ấy
được gặp thiện tri thức an ủi và thuyết pháp cho nghe, khuyên phải nhớ tưởng
đến Phật; song đương nhơn vì bị sự khổ bức bách nên không nhớ tưởng được. Thiện
hữu lại bảo: 'Nếu ông không thể nhớ Phật, thì hãy chí tâm xưng Nam Mô A Di Đà
Phật âm thanh liên tiếp nhau cho đủ mười niệm.' Người ngu ác kia vâng lời hết
lòng xưng danh, nên trong mỗi niệm diệt được tội nặng nơi đường sanh tử trong
tám mươi ức kiếp. Khi người ấy niệm Phật, bỗng thấy hoa sen vàng chói sáng như
vầng nhựt hiện ra ở trước, trong khoảng một niệm, đương nhiên liền được sanh về
thế giới Cực Lạc và kế tiếp đó phải ở trong hoa sen mãn mười hai đại kiếp. Khi
hoa sen nở ra, kẻ ấy thấy Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng tiếng đại bi, vì
mình nói thật tướng của các pháp và cách trừ diệt tội chướng. Đương nhơn nghe pháp
rồi tự nhiên vui vẻ, phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.'
Đoạn
kinh trên chỉ rõ cảnh tướng của bậc hạ phẩm hạ sanh. Mười hai đại kiếp ở trong
hoa sen, tuy thời gian có lâu xa, nhưng người vãng sanh thấy mình ở trong một
bầu thế giới riêng biệt, hưởng thọ sự vui như chư thiên nơi cung trời Đao Lợi.
Vì thế cổ đức đã bảo: 'Trong hoa vui vẻ như Đao Lợi. Khác hẳn thai phàm của thế
gian.'
Theo
Quán Kinh Sớ, thì người nghịch ác mà được vãng sanh, là do khi lâm chung, kẻ ấy
chí tâm niệm Phật, nên tội chướng được tiêu trừ. Thế thì ý của Sớ Văn cho sự
niệm Phật là thắng duyên vãng sanh. Riêng tôi, sau khi tham khảo các kinh luận
và sớ giải về Tịnh Độ, lại ước kết trong ba nghĩa:
Điều
thứ nhất, hành nhơn chỉ niệm Phật trong thời gian ngắn ngủi mà có thể thắng nổi
nghiệp ác trọn đời, là do nhờ tâm lực rất mạnh mẽ ý chí cực quyết định; đó gọi
là đại tâm. Tình cảnh ấy ví như người bị quân giặc vây khổn, đang lúc nguy cấp,
do liều chết không kể đến thân mạng, nên phát được sức dũng mãnh cùng cực, xông
phá vượt ra khỏi trùng vi.
Điều
thứ hai, kẻ ấy tuy tạo ác, song hoặc hiện đời đã có tu Tam Muội, nên khi lâm
chung nghe người nhắc bảo, định lực được dễ thành. Đây cũng thuộc về hạng
người, mà trong nhà Phật gọi là thừa cấp giới huởn. Nếu đương nhơn hiện đời
không tu Tam Muội, tất đời trước cũng đã có huân tu. Hạt giống lành ấy nay đã
đến thời kỳ thuần thục, nên khi lâm chung gặp thiện tri thức khuyên bảo, kẻ đó
nương nơi túc thiện nghiệp, trong mười niệm mà được thành công.
Điều
thứ ba, nếu không phải do công tu trong hiện đời hay nghiệp lành về kiếp trước,
tất khi lâm chung kẻ ấy đã niệm Phật với lòng sám hối tha thiết cùng cực. Nên
ngài Vĩnh Minh nói: 'Vì thể nhân duyên vốn không, nên nghiệp thiện ác chẳng
định; muốn rõ đường siêu đọa, phải nhìn nơi tâm niệm kém hơn. Cho nên một lượng
vàng ròng thắng nổi bông gòn trăm lượng, chút lửa le lói đốt tiêu rơm cỏ muôn
trùng.'
Một
trong ba nhơn duyên trên, cộng thêm công đức của Phật hiệu, nguyện lực của Di
Đà, nên khi lâm chung kẻ nghịch ác mới thắng được tội khiên, sanh về Cực Lạc.
18. Hỏi:-
Sống trong đời ác năm trược, mỗi người đều có tội; giả sử không tạo tội nặng
ngũ nghịch, thì cũng vương vào các lỗi khác. Nếu có người không sám hối, hoặc
sám hối mà tội chưa tiêu diệt hết, khi bình thời và lúc lâm chung đều chí tâm
niệm Phật, thì có được vãng sanh hay chăng?
Đáp:-
Những kẻ hành trì như thế đều được vãng sanh, do nhờ sức đại nguyện không thể
nghĩ bàn của Đức A Di Đà. Kinh Na Tiên nói: 'Như đem tảng đá thật to để trên
thuyền, do nhờ sức thuyền nên đá không bị chìm và được chuyển sang bờ bên kia.
Nếu không có thuyền thì dù đem hạt cát để xuống nước, hạt cát ấy cũng vẫn bị
chìm.' Tảng đá to dụ cho người nghiệp nặng, hạt cát dụ cho người nghiệp nhẹ,
chiếc thuyền dụ cho nguyện lực của Phật. Người dù nghiệp nặng bao nhiêu mà biết
ăn năn chí tâm niệm Phật thì cũng được Phật tiếp dẫn, ví như tảng đá to được
thuyền chở qua bờ bên kia. Kẻ nghiệp tuy nhẹ mà không niệm Phật, khi mạng chung
sẽ tùy nghiệp chịu khổ luân hồi, ví như hạt cát bị chìm, bởi không thuyền
chuyên chở. Cho nên trong nhà Phật có thuyết đới nghiệp vãng sanh, là còn mang
nghiệp mà được sanh về Tây Phương, chính ý nghĩa đó. Trong Tịnh Độ văn, đoạn
nói về bốn cõi cũng bảo: 'Người còn đủ hoặc nhiễm, vẫn được sanh về Đồng Cư
Tịnh Độ.' Như Hùng Tuấn, Trương Chung Quỳ, và một người ở Phần Châu đều lấy
nghiệp đồ sát làm nghề sanh sống; khi lâm chung cả ba người kẻ thì thấy bầy
trâu ồ ạt kéo đến muốn chém, kẻ lại thấy thần nhơn đuổi bầy gà đến mổ khắp cả
mình và đôi mắt, làm cho máu chảy ướt giường. Nhưng nhờ chí tâm niệm Phật, nên
cả ba đều thoát khỏi nghiệp nê lê (địa ngục), được sanh về Cực Lạc. Sự tích nầy
có chép rõ trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Những việc trên đây không phải bằng
chứng của Phật lực là gì?
Xin
đem một thí dụ nữa để nói rõ: Như có người phạm pháp quan đáng lẽ phải bị tù ngục,
nhưng kẻ ấy biết cầu cứu với vua, nhờ che chở cho để chờ lúc lập công; do vua
tuyên triệu nên quan không thể gia hình. Đương nhơn nhờ đó mà đi thẳng đến đế
kinh, không ai cầm bắt được. Cho nên bộ Tây Tư Sao nói: 'Chúng sanh được về
Tịnh Độ là do nhờ Đức Thích Ca chỉ đường, Phật A Di Đà tiếp dẫn, và chư Phật
mười phương đều hộ niệm. Như người qua biển cả, đã được thuyền to, lại nhờ tay
lương đạo, thêm vào đó sức gió thuận, nên có thể mau đến bờ bên kia. Nếu còn
không chịu bước lên thuyền, lưu liên nơi miền ác địa, đó là lỗi của ai ư?'
19.
Hỏi:- Trước đã nói: 'Hàng phàm phu cũng được lên ngôi bất thối.' Theo
thiển ý, ngôi bất thối là để cho hạng người không ác nghiệp. Nay những kẻ đới
nghiệp vãng sanh mà cũng được bất thối ư?
Đáp:-
Chỉ được vãng sanh là đều lên hàng bất thối chuyển. Kinh nói: 'Những kẻ sanh
về, đều trụ nơi chánh định tụ.' Lại nói: 'Ở cõi Cực Lạc, chúng sanh nào sanh về
đó, đều là bậc A Bệ Bạt Trí.' Thập Nghi Luận nói: 'Có năm nhân duyên khiến cho
người vãng sanh không thối chuyển: 1- Do nguyện lực đại bi của Phật nhiếp trì.
2- Ánh sáng của Phật thường soi đến thân, nên lòng Bồ Đề của chư thiện nhơn
luôn luôn tăng tiến. 3- Chim, nước, rừng cây, gió, âm nhạc, thường phát ra
tiếng pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã; hành giả nghe rồi sanh lòng niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 4- Chúng sanh được sanh về Cực Lạc, thì bạn lành
toàn là bậc Bồ Tát thượng thiện, tuyệt tất cả chướng nạn, ác duyên, lại không
ngoại đạo, tà ma, nên tâm thường an tịnh. 5- Đã được sanh về cõi ấy, thì thọ
lượng vô cùng, đồng với Phật và Bồ Tát, an nhiên tu tập trải qua vô biên A Tăng
Kỳ kiếp,' Cổ đức cũng bảo: 'Không nguyện sanh Tịnh Độ thì thôi, có thật nguyện
tất đều được vãng sanh. Không sanh Tịnh Độ thì thôi, đã vãng sanh tất đều được
bất thối chuyển.'
20.
Hỏi:- Kẻ một đời tạo ác, khi lâm chung duy niệm Phật, đã được đới nghiệp
vãng sanh, lại còn không thối chuyển; nguyện lực của Đức A Di Đà thâm diệu,
thật không thể nghĩ bàn! Vậy thì bây giờ tôi tạo tác theo duyên đời, đợi khi
sắp chết rồi sẽ niệm Phật có được chăng?
Đáp:-
Khổ thay! Lời ấy rất ngu muội sai lầm, còn nguy hiểm hơn thứ rượu độc, đã hại
mình lại làm hại lây đến hàng tăng ni, người, thiện tín trong đời nữa! Sở dĩ
hàng phàm phu nghịch ác khi lâm chung biết niệm Phật, là do từ trước họ đã có
căn lành, phước đức, nhân duyên, nên mới được gặp thiện tri thức, mới khởi lòng
tin tưởng và phụng hành. Đó là việc cầu may trong muôn một, đâu phải mỗi người
đều được như thế? Luận Quần Nghi nói: 'Trong đời có mười hạng người khi lâm
chung không niệm Phật được: 1- Không gặp bạn lành, nên chẳng ai khuyên niệm. 2-
Nghiệp khổ bức thiết, không yên ổn rỗi rảnh để niệm Phật. 3- Trúng phong cứng
họng, không thể xưng danh Phật. 4- Cuồng loạn mất trí, không thể chú tâm tưởng
niệm. 5- Thoạt gặp tai nạn nước lửa, mất sự điềm tỉnh chí thành. 6- Bỗng gặp
cọp beo ác thú làm hại. 7- Khi lâm chung bị bạn ác phá hoại lòng tin. 8- Gặp
bạo bịnh hôn me bất tỉnh mà qua đời. 9- Bị trúng thương thoạt chết giữa quân
trận. 10- Từ trên cao té xuống mà mạng vong.'
Mười
sự kiện trên đây là những việc thường nghe thấy, không luận tăng, tục, nam, nữ,
hạng nào cũng có thể bị vướng vào. Đó là do túc nghiệp hoặc hiện nghiệp chiêu
cảm, nên sự việc bỗng nhiên xảy ra, không còn trốn tránh kịp. Ông đã không phải
là bậc thánh nhơn chứng túc mạng thông, biết được khi lâm chung có nghiệp hay
không nghiệp, lại chẳng phải là bậc đủ tha tâm, thiên nhãn, biết mình khi mạng
chung chết tốt hoặc xấu, mà bình thời không niệm Phật, đến khi lâm chung nếu
rủi mắc phải một trong mười duyên ác đó, thì sẽ liệu ra sao? Chừng ấy dù có
Phật sống hay bao nhiêu thiện tri thức đứng vây quanh cũng không làm thế nào
cứu được, và thần thức ông sẽ tùy theo nghiệp đi vào chốn tam đồ bát nạn, nhiều
kiếp chịu khổ, biết có còn được nghe danh hiệu của Phật như ngày nay chăng?
Giả sử
ông không bị những ác duyên đó, chỉ bịnh sơ sài rồi mãn phần, thì lúc sắp chết
bốn đại phân ly, gân xương rút chuyển, thân tâm đau đớn kinh hoàng, như con đồi
mồi bị lột vảy, con cua rớt vào nước sôi, làm sao mà niệm Phật? Dù cho ông
không bịnh mà chết một cách yên ổn nữa, khi lâm chung hoặc e duyên đời chưa
dứt, niệm tục còn vương, nỗi tham sống sợ chết làm cho tâm ý rối loạn phân vân
cũng không niệm Phật được. Nếu là người tục, thì lại thêm gia vụ chưa xong
xuôi, việc sau chưa sắp đặt, vợ kêu con khóc, trăm mối ưu tư cũng không rỗi
rảnh để niệm Phật. Chẳng đợi lúc lâm chung, giả sử trước khi ông chưa chết mà
có chút bịnh nơi thân, phải gắng chịu sự đau khổ, rên rỉ không yên, tìm thuốc
hỏi thầy, nhờ người cầu an sám hối, tạp niệm rối ren, chưa dễ nhiếp tâm niệm Phật.
Dù lúc ông chưa có bịnh, thì bị tuổi cao sức yếu, đủ sự kém suy, áo não buồn
than, chỉ lo sự việc trên cái thân già còn chưa xong, chắc chi đã niệm Phật? Ví
như lúc ông chưa già, thân lực đang cường tráng, mà còn đeo việc thế, chưa dứt
niệm đời, bôn tẩu đông tây, âu lo đủ việc, biển thức mênh mang, làm sao có thể
niệm Phật? Dù ông được muôn duyên rỗi rảnh, có chí tu hành, nhưng đối với tướng
thế gian, nếu nhìn không thấu, nắm không vững, dứt không xong, khi xúc đối với
ngoại duyên không thể tự chủ, tâm tùy theo cảnh mà điên đảo làm sao yên chí để
niệm Phật?
Ông
thử nghĩ xem, chỉ khi già, bịnh, cho đến thuở mạnh khỏe an nhàn nếu còn một
việc đeo đẳng nơi lòng, cũng không thể chánh tâm niệm Phật, huống nữa là đợi
đến lúc lâm chung ư? Phương chi, ông lại còn nói tạo tác theo duyên đời, đó
phải chăng là lời si mê, là chỗ dụng tâm rất nên lầm lỗi? Vã sự nghiệp thế
gian, như giấc mơ, trò huyễn, như bóng bọt, tiếng vang, chỉ thoáng chốc rồi
không, nó có lợi ích chi thiết thật cho ông trên đường giải thoát? Dù cho ông
có tạo được chùa chiền qui mô rộng lớn, gây nên thanh thế địa vị cao tôn, kết
thân với nhiều kẻ quyền chức sanh giàu, trong tâm tự hào cho đó là đã thành
công nơi đường tu, đâu ngờ thật ra chính lại phạm nhằm điều răn của tiên thánh!
Bởi cổ đức từng khuyến giới rằng: 'Người xuất gia phải chí thú nơi sự giải
thoát, đừng quá đua theo công nghiệp hữu vi, vì trong ấy có nhiều lầm lỗi, e
cho thiên đường chưa thấy, địa ngục đã trước! Nếu việc sống chết chưa xong, thì
tất cả công nghiệp hữu vi đều là nguyên nhân của sự khổ. Một mai nhắm mắt đi
rồi, tùy theo nghiệp mà thọ báo, chừng ấy mới hay việc đã làm là trên gông cùm
thêm xiềng xích, dưới vạc nóng thêm củi than, mãnh pháp y đã mất nơi thân, nẻo
dị loại đổi hình muôn kiếp!'
Qua
mấy lời trên, nếu người có chí giải thoát, biết cảm thương thân thế của mình,
phải nên động lòng rơi lệ! Tổ sư đã tha thiết khuyên răn như thế, đâu có hứa
cho ông tạo tác duyên đời, rồi đợi khi lâm chung mới niệm Phật ư?
Ông há
không thấy Tử Tâm Thiền Sư bảo: 'Trong đời, những người tiền của như núi, thê
thiếp đầy nhà, đâu phải họ không muốn trẻ mãi để ngày đêm hưởng phước báo thế
gian? Nhưng vì kiếp sanh có hạn, tháng năm thúc dục tuổi già, cái chết há thiên
vị kẻ giàu sang, sức nghiệp đâu nể kiêng người tài trí? Chừng ấy tội hành nghiệp
cảm, còn chi là thói phong lưu; kiếp trả đền vay, luống hối cho đời phóng đảng!
Những việc vừa nói, thế nhân hầu hết mắt đã từng thấy và tai cũng đã từng nghe.
Người đời thường lần lựa chờ khi lớn tuổi, việc nhà xong xuôi rồi sẽ niệm Phật,
nhưng cái chết đâu có hẹn trẻ hay già, và tuy nói như thế, đã mấy ai tuổi cao
mà biết lo niệm Phật? Cổ nhơn bảo: 'Chớ đợi đến già rồi niệm Phật. Đồng hoang
mồ trẻ đã nhiều đây!' Lại nói: 'Con người từ lúc còn trẻ, có gia đình rồi đến
nuôi con cái, trong cuộc sanh sống phải chịu biết bao là nỗi khổ nhọc đắng cay!
Khi hơi thở đã tàn thì gia đình tiền của, tất cả đều bỏ lại hết, chỉ theo
nghiệp mà đi. Nếu là con có nghĩa thì nó khóc cho ít tiếng, đốt cho mấy xấp
giấy tiền, rước thầy tụng cho năm ba bộ kinh, rồi đến ngày lại sắm cơm canh
cúng quảy; đó gọi là còn biết tưởng nhớ đến mẹ cha. Rủi gặp con bất hiếu, thì
cha mẹ vừa nhắm mắt, đầu xương chưa lạnh, nó đã lo tranh nhà giành đất, cãi cọ
kiện thưa, khi được phần rồi lại phung phí ăn chơi, thậm chí lãng quên ngày
cúng giổ. Việc đời kết cuộc bất quá chỉ như thế, có điều chi đáng hẹn chờ! Cho
nên bậc hiểu rộng thấy xa, phải sớm niệm Phật tu hành, con cháu mỗi người tự có
phước riêng, kẻ làm cha mẹ chỉ lo bổn phận phần nào mà thôi, chớ vì nó suốt đời
làm thân trâu ngựa!' Xin dẫn thêm ra đây mấy lời của cổ đức: 'Cười thương kẻ
giàu sang. Lo giàu thêm rộn ràng! Hủ gạo sanh sâu mọt. Kho tiền đầy ngổn ngang.
Ngày cầm cân suy nghĩ. Đêm đốt đuốc tính toan. Hình hài trơ lẩn thẩn. Tâm trí
rối bàng hoàng. Vô thường khi chợt đến. Biển nghiệp sóng mênh mang!'
Ngài
Tử Tâm đã tha thiết nhắc khuyên như thế, đâu có hứa cho ông tạo tác duyên đời
rồi đợi đến khi lâm chung mới niệm Phật ư?
Cho
nên ông phải xét nghĩ kiếp người mong manh ngắn ngủi, như lửa nhán thân đá, như
chớp giật lưng trời, mới còn đó đã mất đi, có chi là trường cửu? Phải nhận định
cho chắc, rồi thừa lúc chưa già chưa bịnh, gác qua thế sự, rủ sạch thân tâm,
được một ngày quang âm lo một ngày niệm Phật, được một khắc rỗi rảnh tu một
khắc công phu, đến lúc lâm chung mọi việc đã an bài, trời tây cũng sẵn mở lối
đường quang đãng! Bằng chẳng thế khi duyên nghiệp đáo đầu, chừng ấy ăn năn đã
muộn! Nên suy nghĩ kỹ!
21.
Hỏi:- Lời ngu giả đã thành lỗi lầm, dù có dong xe bốn ngựa cũng không
thể vớt lại kịp! Nghe qua mấy điều Đại Sư chỉ dạy, ai lại chẳng lạnh lòng! Hiềm
vì nổi lòng người tuy dễ tinh tiến song cũng dễ thối lui, khi nghe lời khuyên
nhắc thì dõng mãnh siêng năng, lúc gặp việc chi chướng ngại lại giãi đãi thối
lui ngả theo hướng khác. Phần đông đều bảo: kết quả của sự niệm Phật có lẽ đợi
sau khi chết rồi; còn hiện tại chỉ thấy nhọc nhằn mà không lợi ích chi thiết
thật cả. Phải chăng đó cũng là duyên cớ thích đáng trong sự thối tâm biếng trễ
của người tu?
Đáp:-
Chỗ thấy của ông chưa được rộng. Trong kinh nói: Người nào chí tâm thọ trì danh
hiệu Phật, hiện đời sẽ được mười điều thắng lợi:
1-
Ngày đêm thường được tất cả chư thiên, đại lực thần tướng và hằng sa quyến
thuộc ẩn hình ủng hộ.
2-
Thường được hai mươi lăm vị Đại Bồ Tát như Đức Quán Thế Âm và tất cả Bồ Tát
theo thủ hộ bên mình.
3-
Hằng được chư Phật ngày đêm hộ niệm; Đức A Di Đà thường phóng ánh sáng nhiếp
thọ người ấy.
4- Tất
cả ác quỷ như Dạ Xoa, La Sát đều không thể làm hại. Tất cả rồng độc, rắn độc và
thuốc độc đều không thể xâm phạm.
5-
Không bị những tai nạn như: nước trôi, lửa cháy, giặc oán, đao tên, gông xiềng,
tù ngục, hoạch tử.
6-
Những nghiệp ác về trước lần lượt tiêu diệt. Những oan mạng bị đương nhơn giết,
nhờ công đức niệm Phật, đều được giải thoát, không còn theo báo phục.
7- Đêm
nằm nghỉ yên ổn, hoặc mơ thấy điềm lành hay thấy sắc thân thắng diệu của Phật A
Di Đà.
8- Tâm
thường an vui, nhan sắc sáng nhuận khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp.
9-
Thường được mọi người kính trọng giúp đỡ, hoặc hoan hỷ lễ bái cũng như kỉnh
Phật.
10-
Khi lâm chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được thấy Phật A Di Đà và
các Thánh Chúng tay bưng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, cùng tận kiếp
vị lai hưởng thọ sự vui nhiệm mầu.
Mười
điều lợi ích như trên chính do kim khẩu nói ra, mà kinh văn đã ghi chép lại.
Niệm Phật đã có lợi ích trong hiện tại và tương lai như vậy, thì đó chính là
pháp khẩn yếu trong các môn thế và xuất thế gian. Cho nên người tu chỉ gắng
tinh tấn, đừng mang tâm niệm hoài nghi.
22.
Hỏi:- Về môn niệm Phật, nhờ ơn nhiều phen chỉ dạy, nên các mối nghi đã
tiêu tan, và lòng chánh tín cũng đã khai phát. Nhưng trước đã nói: 'Gác qua thế
sự, rủ sạch thân tâm,' mà người đời hoàn cảnh đều khác nhau; kẻ được rảnh rỗi
thuận duyên thì có thể tuân hành, người bị trăm việc buộc ràng phải làm sao để
tu tập?
Đáp:-
Nếu người tu biết thống cảm cảnh vô thường và thiết tha vì sự giải thoát, thì
dù gặp duyên thuận nghịch khổ vui, động tịnh gấp huởn, hoặc khi tiếp tân đãi
khách, lo việc công tư, đối xử muôn duyên, ứng thù tám mặt, cũng không ngại gì
đến sự niệm Phật. Cổ nhơn đã bảo: 'Non cao khó đón đường mây bạc. Trúc rậm khôn
ngăn ngọn suốt trong!' Lại nói: 'Mai lại A Di Đà. Chiều cũng A Di Đà. Dù gấp
như tên bắn. Không rời A Di Đà.' Cho nên muôn cảnh vẫn nhàn, tự mình náo động,
nếu người thiết thật cầu về Cực Lạc và biết cách dụng tâm, thì không có duyên
nào làm trở ngại được sự tu niệm cả.
Tuy
nhiên, những kẻ năng lực kém yếu, việc đời bận nhiều, phải nên trong gấp cố tìm
chút thời giờ rảnh, trong động gắng giữ niệm lắng yên, rồi tùy sức niệm Phật
hoặc nhiều hoặc ít. Mỗi ngày nên định khóa hoặc ba muôn hay một muôn câu, ba
ngàn hay một ngàn câu, và giữ mực thường hằng, đừng cho gián đoạn. Nếu vị nào
duyên sự quá nhiều, ít có giây phút rỗi rảnh, thì mỗi buổi sớm mai tu theo pháp
Thập Niệm Hồi Hướng, cứ giữ như thế suốt đời, cũng được nhờ ơn tiếp dẫn. Người
có thì giờ hay phương tiện, ngoài thời niệm Phật, hoặc trì chú tụng kinh, hoặc
sám hối bố thí, tùy phần tùy lực mà tu các phước lành, dù có mảy may công đức,
cũng đem hồi hướng Tây Phương. Dụng công như thế, chẳng những quyết định được
vãng sanh mà cũng sẽ tăng cao thêm phẩm vị.
23.
Hỏi:- từ trước đến nay, kẻ hậu tiến nầy chỉ nghe nói nhiều về niệm Phật mà
chưa hiểu rõ phương châm; và pháp Thập Niệm Hồi Hướng thế nào, riêng lòng cũng
chưa được tường tất. Xin nhờ Đại Sư chỉ thị?
Đáp:-
Niệm Phật là duyên tưởng theo ba mươi hai tướng, buộc tâm vào định, làm sao cho
khi mở mắt hay nhắm mắt thường được thấy Phật. Hoặc phương pháp nữa là chuyên
xưng danh hiệu, chấp trì không tán loạn, cứ bền giữ như thế, trong đời nầy cũng
được thấy Phật. Hiện nay, tôi thấy phần đông người tu Tịnh Độ đều lấy pháp Trì
Danh làm thắng. Phép xưng danh cần phải lắng lòng không cho tán loạn, mỗi niệm
nối tiếp nhau, buộc tâm nơi hiệu Phật. Khi miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tâm
phải soi theo mỗi câu mỗi chữ cho rành rẽ rõ ràng. Khi xưng danh hiệu Phật,
không luận ít hay nhiều, đều phải một lòng một ý tâm tâm nối nhau. Niệm như
thế, mới có thể mỗi câu diệt được tội nặng nơi đường sanh tử trong tám mươi ức
kiếp. Nếu chẳng vậy thì tội chướng khó tiêu trừ.
Còn về
pháp Thập Niệm, thì mỗi buổi sớm mai hành giả phải quì trước bàn Phật, hoặc
chấp tay đứng ngay thẳng hướng về phương Tây, niệm Phật liên tiếp, luôn một
hơi, cứ mỗi hơi kể một niệm, mười hơi là mười niệm. Khi niệm không hạn số câu
ít hay nhiều, chỉ tùy theo hơi dài ngắn, chuyên chú niệm luôn cho hết hơi mới
thôi. Nên giữ tiếng niệm Phật cho rành rẽ, không thấp không cao, không gấp
không huởn, niệm mười hơi liên tiếp, chớ để tâm ý tán loạn. Đây là pháp mượn
hơi nhiếp tâm, quí ở nơi chuyên nhứt, và phải giữ như thế trọn đời, không được
một ngày tạm bỏ.
Về
phần hồi hướng là sau khi niệm xong, dùng tâm chí thành nguyện rằng: 'Con là
(pháp danh), phát lòng Bồ Đề, một lòng quy mạng Đức A Di Đà, nguyện về Cực Lạc.
Xưa Phật lập thệ: 'Nếu chúng sanh nào muốn về nước ta, hết lòng xưng danh, cho
đến mười niệm, như không được sanh, ta không thành Phật.' Con nguyện nương nhờ,
từ lực của Phật, tội diệt phước sanh. Con nguyện lâm chung, biết ngày giờ
trước, dứt trừ chướng ngại, Phật cùng Thánh Chúng, tiếp dẫn vãng sanh, mau ngộ
Phật Thừa, độ khắp muôn loại.'
Môn
Thập Niệm Hồi Hướng trên đây là phương pháp rất thiết yếu của tiên đức đã chỉ
dạy. Môn nầy rất được thạnh truyền và có lợi ích cho đời, người niệm Phật nên
tuân hành.
24.
Hỏi:- Đối với người ở trong lưới tục, cổ đức đã tùy lượng mà chỉ dạy
phương pháp rất cặn kẻ rõ ràng. Nhưng với chúng tôi là hạng người thế ngoại,
lại phải làm sao để dụng công?
Đáp:-
Trước tôi đã nói pháp tu có nhiều loại tổng nhiếp thành ba môn. Trong ba môn
ấy, mỗi người tùy ý mình lựa chọn hoặc chuyên tu hay kiêm tu, chỉ yếu tâm chân
thiết và giữ cho bền lâu, tự sẽ có kết quả.
25.
Hỏi:- Phương tu viên quán, pháp niệm duy tâm, dường như hành môn của
bậc thượng khí. Còn mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, mười tâm trong kinh Bảo
Tích, cũng là dụng công của hạng lợi căn. Nếu như căn khí không xứng hợp, e cho
công hạnh khó thành! Nay tôi tự xét căn tánh và sở thích của mình, thì chỉ nên
chuyên trì danh hiệu, nếu rảnh thì thêm lễ Phật sám hối mà thôi. Ý Đại Sư như
thế nào?
Đáp:-
Lành thay! Ông biết tự lượng đó! Xét qua lời ông nói thật rất hợp với thuyết
chuyên tu vô gián của Thiện Đạo Đại Sư. Thuyết ấy đại khái như sau:
Chuyên
tu là do chúng sanh phần nhiều chướng nặng, tâm tưởng thô phù, ý thức rối loạn,
mà quán cảnh lại quá tinh tế, nên công hạnh khó thành. Do đó nên đấng đại thánh
xót thương, bảo chuyên xưng ngay danh hiệu; vì xưng danh rất dễ, nếu giữ mỗi
niệm tương tục, liền được vãng sanh. Kẻ nào suốt đời hành trì như thế, thì mười
tu mười người về, trăm tu trăm người về. Bởi tại sao? Vì không tạp duyên nên dễ
được chánh niệm. Vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau. Vì không trái giáo
pháp. Vì thuận theo lời Phật dạy. Nếu bỏ chuyên tu mà hành theo tạp hạnh để cầu
sanh thì trong trăm ngàn người chỉ hy vọng được ba bốn. Sở dĩ như thế, vì bởi
tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm. Vì trái bản nguyện của Phật. Vì trái
giáo pháp. Vì không thuận theo lời Phật dạy. Vì sự hệ niệm không nối tiếp nhau.
Vì không tương tục để báo ân Phật. Vì tuy có hạnh lành mà tương ưng với danh
lợi. Vì ưa theo tạp duyên mà làm chướng sự sanh Tịnh Độ cho mình và người.
Vô
gián tu là thân chuyên lễ Phật A Di Đà, không lễ vị thánh nào khác; miệng
chuyên xưng danh Phật A Di Đà, không trì tụng các kinh và xưng danh hiệu khác;
ý chuyên tưởng Phật A Di Đà, không xen tạp các tưởng niệm khác. Lại khi những
nghiệp tham, sân, si, nổi lên làm cho công tu gián đoạn, phải tùy phạm tùy sám
hối, đừng để qua cách ngày, cách đêm, cách giờ. Phải làm sao giữ một niệm thanh
tịnh, không xen tạp, không hở dứt, đó mới thật là vô gián tu.
Trên
đây là pháp chuyên tu vô gián của Thiện Đạo Đại Sư. Theo Thiên Trúc Truyện, Đại
Sư là hóa thân của Phật A Di Đà. Chỗ lập thuyết của ngài, điểm chính yếu là ở
nơi niệm niệm tương tục. Cô Sơn Hòa Thượng cũng bảo: 'Chẳng nên xưng danh tán
loạn, phát nguyện lơ là.' Và Vĩnh Minh Đại Sư cũng dạy: 'Phải một lòng quy
mạng, trọn kiếp tinh tu khi ngồi nằm thường hướng về Tây. Lúc lễ bái, niệm
Phật, phát nguyện, phải khẩn thiết chí thành, không xen lẫn tạp niệm, trạng như
người sắp bị hình lục, như kẻ đang ở lao tù, như người gặp giặc oán rượt theo,
như bị nạn nước lửa bức bách, một lòng cầu cứu, nguyện thoát khổ luân, mau
chứng vô sanh, để nối ngôi Tam Bảo, đền đáp bốn ân, độ loài hàm thức. Chí thành
như thế, tất công phu không uổng. Trái lại, nếu lời và hạnh không hợp nhau,
lòng tin không vững chắc, niệm lực thường gián đoạn không tương tục, đem sự
biếng trễ ấy để mong vãng sanh, thì e cho khi lâm chung khó gặp bạn lành, bị
sức nghiệp lôi kéo, sự đau khổ ép bức mà không thành chánh niệm. Vì sao? Bởi
việc hiện tại là nhân, lúc lâm chung là quả; nhân phải cho thật, quả mới không
hư, như âm thanh lớn thì tiếng vang dội rền xa, và hình ngay bóng mới thẳng
vậy.'
26.
Hỏi:- Tu làm sao cho mỗi niệm nối nhau, thật ra tôi vẫn muốn được như
thế. Song chỉ hiềm định lực chưa thành, niệm đầu không chủ, hoặc tri giác cũ
khó quên, hoặc tư tưởng vọng nổi dậy, hoặc xúc đối cảnh duyên tự kềm giữ không
vững, hoặc tâm tình rối loạn cố ngăn dẹp chẳng kham. Cứ ngồi vào lần chuỗi một
lúc, là tâm niệm đã chạy hết đông sang tây, bất giác nó đã đi xa cách mấy ngàn
muôn dặm hồi nào, cũng không tự hay biết. Có khi phải bận lo một việc chi, thì
luôn trong năm mười ngày hoặc đến cả tháng, tâm trí vẫn vướng vít chưa quên,
chỉ dẹp trừ nó còn chưa xong, nói gì đến việc gián đoạn! Điều nầy thốt ra thật
đáng hổ thẹn, song nghĩ lại cũng đáng thương tâm! không biết có cách gì đối trị
chăng, xin nhờ Đại Sư chỉ bảo?
Đáp:-
Đó là căn bịnh chung của hầu hết người tu. Trong lúc ấy nếu ông không thống
thiết tự trách răn, thì khó mà thành tựu pháp chuyên tu vô gián. Tôi nghe người
xưa có ba điều thống thiết tự trách răn, nay vì ông tỏ bày, nên ghi nhớ cho kỹ:
Điều
thứ nhất là phải nghĩ đến sự báo ân. Người tu có những ân trọng. Hãy tạm gác
qua ân Phật ân thầy, như ông là phận xuất gia, công ơn sanh dưỡng của cha mẹ há
chẳng phải là sâu nặng ư? Ông đã lìa tục xuất gia, vì đi học đạo nên phải xa
cách quê quán nhiều năm, cha mẹ nhọc nhằn cực khổ ông cũng không biết, khi già
yếu đau bịnh lại cũng không hay mà săn sóc thuốc thang. Đến lúc cha mẹ mãn
phần, ông không biết, hoặc có được tin gì về cũng đã trễ muộn. Khi ông còn nhỏ,
có khi cha mẹ vì nuôi nấng thương lo cho con mà gây ra nhiều tội nghiệp, lúc
chết rồi hoặc bị đọa vào nẻo khổ, hy vọng ông cứu độ, như khát chờ uống, như
hạn trông mưa. Nếu ông tu hành lơ láo tất tịnh nghiệp không thành; đã không
thành thì tự cứu chưa xong, làm sao cứu được cha mẹ? Đối với song thân ông đã
lỗi phần phụng dưỡng về thể chất, mà còn không cứu độ được phần hương linh, tức
là phụ nghĩa quên ân, là người đại bất hiếu. Kinh nói: 'Phạm tội bất hiếu, sẽ
bị đọa vào địa ngục.' Thế thì tâm niệm gián đoạn không chuyên tu, chính là nghiệp
địa ngục vậy.
Lại
ông không dệt mà mặc, không cày mà ăn. Phòng, nhà, chăn, gối, cơm áo, thuốc
thang đều do đàn việt cúng dâng. Tổ sư từng răn dạy: 'Hàng thiện tín vì sùng
kính Tam Bảo đã chia cắt bớt phần ăn của gia đình đem đến cúng dường. Nếu người
tu đạo hạnh không tròn, thì dù là tấc vải hạt cơm, kiếp sau cũng phải đền trả.
Muốn báo ân đàn việt ông phải lo chuyên tu tịnh nghiệp để độ mình độ người. Nếu
ông sanh một niệm gián đoạn không chuyên. Tất đã có phần trong kiếp luân hồi
vay trả. Và tâm niệm ấy chính là nghiệp hạ tiện hoặc súc sanh vậy.
Điều
thứ hai là phải có chí quyết định. Người tu hành phải kiên quyết để đi đến kết
quả. Ông một đời tham thiền đã chẳng ngộ thiền, khi học giáo lại không tinh về
giáo. Cho đến ngày nay tâm địa chưa lắng yên, niệm đầu còn sôi nổi, khi thì
muốn làm thi, lúc lại thích tả tự, khi thì thuyết giáo, lúc lại đàm thiền, ý
chí ly tán đi ba bốn nẻo. Tổ sư đã bảo: 'Tâm niệm còn vướng mắc, đó là nghiệp
luân hồi. Tình tưởng vừa sanh ra, muôn kiếp bị ràng buộc.' Sở dĩ ông chưa được
chánh niệm, là do vì còn tình tưởng phân vân, và tình tưởng còn phân vân cũng
bởi chí không quyết định. Cho nên người tu mà ý chí không nhất quyết, đó chính
là đầu mối của sự sa đọa tam đồ vậy.
Lại
nếu người tu ý chí không quyết định, thì không thể gìn giữ giới căn. Do ý niệm
phân vân nên không thể thâu nhiếp thân và khẩu. Kinh nói: 'Thà lấy nước đồng
sôi rót vào miệng, nguyện không để miệng phá giới nầy thọ các thức ăn uống của
tín tâm đàn việt. Thà dùng lưới sắt nóng quấn thân thể mình, nguyện không để
thân phá giới nầy thọ những y phục của tín tâm đàn việt.' Phương chi, do các
giới không trang nghiêm, nên tâm càng vọng động; nhân sự vọng động ấy mà phần
chuyên tu bị gián đoạn. Thế thì một niệm gián đoạn, đâu chỉ là nghiệp nhân của
lưới sắt nóng và nước đồng sôi ư?
Và nếu
người tu ý chí không quyết định, tất không nhận rõ tướng đời giả huyễn, dễ chạy
theo danh lợi hư phù. Khi danh lợi thuộc về mình thì sanh lòng mê đắm, danh lợi
thuộc kẻ khác lại sanh lòng ganh ghét hơn thua. Cổ đức bảo: 'Tham đắm danh lợi
đi về nẻo súc đường quỉ, buông lòng thương ghét đồng vào hầm lửa vạc dầu!' Thế
thì một niệm gián đoạn chính là ngạ quỉ, hầm lửa vậy.
Điều
thứ ba là cầu sự ứng nghiệm. Người đã tu tịnh nghiệp, nên cố gắng làm sao cho
có sự ứng nghiệm. Kiếp người mong manh, vô thường chẳng hẹn. Như ông nay tóc đã
điểm bạc, da đượm nét nhăn, tướng suy tàn hiện rõ, kỳ lâm chung phỏng còn được
mấy ngày? Vậy ông phải cố gắng chuyên tu, làm sao cho có triệu chứng vãng sanh
chắc chắn. Như khi xưa, Huệ Viễn Pháp Sư ở Lô Sơn, ba phen thấy Phật xoa đầu.
Lại như Hoài Cảm Pháp Sư chí thành xưng danh hiệu Phật, liền thấy Đức A Di Đà
phóng ánh quang minh, hiện ra tướng hảo. Và như Thiếu Khang Pháp Sư khi niệm
Phật một câu, đại chúng liền thấy một vị Phật từ nơi miệng bay ra, cho đến trăm
ngàn câu cũng như thế, tợ hồ các hạt chuỗi nối tiếp nhau. Những sự ứng nghiệm
như thế có đến muôn ngàn. Nếu tâm ông không gián đoạn, thì thấy Phật rất dễ;
như còn gián đoạn, tất khó thấy Phật. Đã không thấy Phật thì cùng với Phật vô
duyên. Và đã vô duyên quyết khó sanh Tịnh Độ. Khi không được sanh về Tịnh Độ
tất sớm muộn gì cũng bị đọa vào ác đạo. Thế thì một niệm gián đoạn chính là
nghiệp tam đồ vậy. Phải nên răn dè và suy nghĩ kỹ!
Ba
điều cảnh sách trên, người tu tịnh nghiệp phải ghi nhớ suy nghĩ rồi tự trách
răn một cách thống thiết, làm sao cho tâm không rời Phật, Phật chẳng rời tâm,
đạo cảm ứng giao thông, hiện đời được thấy Phật. Đã thấy Đức Phật ở Cực Lạc,
tức thấy chư Phật khắp mười phương, và thấy chư Phật mười phương, tức thấy vị
Phật thiên chân của tự tánh. Khi thấy được Phật tự tánh, thì sự đại dụng sẽ
hiện tiền. Chừng ấy mới theo lòng bi nguyện, độ khắp quần sanh. Đó gọi là Tịnh
Độ Thiền mà cũng là Thiền Tịnh Độ vậy. Thế thì ý của ngài Vĩnh Minh nói: 'Có
Thiền có Tịnh Độ, dường như cọp mọc sừng, đời nay làm thầy người, đời sau làm
Phật Tổ.' há chẳng là ứng nghiệm trong giai đoạn nầy ư? Phải nên cố gắng!
Thiền
giả nghe xong vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, lặng lẽ giây lây, dường như tìm được
vật chi đã mất. Thiên Như lão nhơn lại bảo: 'Thiền cùng Tịnh Độ vẫn không hai,
nếu liễu thì liễu cả, mê cũng đồng mê, bởi ngoài tâm không pháp, ngoài pháp
không tâm, đừng nên lầm nhận!' Thiền thượng nhơn liền đảnh lễ mà thưa rằng:
'Tôi rất may mắn được nhờ ơn chỉ bảo, nay đã biết đường về!' rồi từ tạ mà lui.
Lời
phụ:
'Thiền
cùng Tịnh Độ vẫn không hai, nếu liễu thì liễu cả, mê cũng đồng mê.' Lời của
Thiên Như Đại Sư quả thật xác đáng. Bởi chân tâm bao hằng sa muôn pháp, hàm vô
biên quốc độ, nơi Thiền gọi là Bản Lai Diện Mục, nơi Tịnh gọi là Tự Tánh Di Đà.
Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Mười phương hư không sanh trong tâm ông như áng mây nổi
điểm giữa trời xanh rộng lớn bao la, huống chi vô lượng thế giới ở trong hư
không ư?' Cổ đức cũng bảo: 'Hằng sa pháp ấy Bồ Đề Đạo, nghĩ đến Bồ Đề cách vạn
tầm!' Vì chân tâm bao hàm muôn tượng nên nếu người tu Thiền mà hiểu Thiền bằng
lý không không, rồi bác chẳng có Cực Lạc, bác sự cầu sanh, tất chưa phải là
người hiểu Thiền. Sở dĩ ngài Thiên Như nhiều phen cặn kẽ chỉ bày là để phá mối
chấp không đó. Về phần thể, chân tâm sáng lạng bao hàm vô biên thế giới, gọi là
Thiền Tịnh Độ và vô lượng thế giới ảnh hiện trong chân tâm, tất cả đều tịch
tịnh như huyễn, gọi là Tịnh Độ Thiền. Về phần dụng, hành giả khi đã ngộ tánh
bản lai, rồi khởi lên bi nguyện tu những hạnh trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng
sanh, gọi là Thiền Tịnh Độ và nếu dùng môn Tịnh Độ để nhiếp hóa hữu tình trở về
chân tánh, gọi là Tịnh Độ Thiền.
Tóm
lại, Thiền tức Tịnh Độ, Tịnh Độ tức là Thiền. Nếu bác Tịnh Độ chính là chưa
hiểu rõ Thiền, và bác Thiền cũng chẳng suốt thông Tịnh Độ. Liễu thì liễu cả, mê
cũng đồng mê, bởi do lý đó.
ĐỀ BẠT
Tức tâm là độ lý không
ngoa,
Tịnh khác Thiền đâu vẫn
một nhà !
Phước kết trang-nghiêm
phần sắc-tướng,
Huệ tuông vô-ngại cõi
hằng-sa.
Trời Tây sáng lạ màu
vi-diệu,
Nguyện Phật thâm sâu đức
hải-hà.
Ngoảnh lại đường tu, ai
sớm tỉnh?
Nỗi thương ác-đạo mãi
vào ra !
Tây-Trai Lão-Nhơn
Pure Land Buddhism
Dialogs with Ancient
Masters
by Patriarch Chih I
and Master T'ien Ju
translated by Master Thích
Thiền Tâm
NOTE ON THE TEXT
Some people misunderstand the Pure Land method,
believing it to be entirely focused on practice and devoid of
philosophical teaching. That is, in the Pure Land sutras, Sakyamuni
Buddha simply describes and explains the Western Pure Land
and exhorts everyone to recite the Buddha’s name, seeking rebirth in
that Land -- without reference to theoretical issues.
In truth, however, theory leads to practice, within practice
is hidden the element of theory. Moreover, although the
Buddha’s teachings are classified under different headings, such as
the Door of Emptiness [Zen, etc.], the Door of Existence [Pure Land,
etc.], the “Open” Teaching, the “Secret” [Tantric, etc.] Teaching,
they all lean toward, rely on and clarify one another.
Thus, there is the Zen School, in which a single
meditation riddle (kung an) contains innumerable Dharma
teachings. The same is true of Pure Land: the words
“Amitabha Buddha” encompass the teachings of Zen, the Sutra Studies
School, the Discipline School and the Esoteric School. Therefore, the
ancients have determined that the Pure Land method is a “Sudden Teaching.”
Elder Master Ou I, a T’ien T’ai Master in the direct lineage of
the Patriarchs, has said in this regard:
“A single recitation of the Buddha’s name, if done
correctly, contains the three thousand auspicious bearings and the
eighty thousand subtle conducts. All the various Zen riddles and
the most expeditious principles of the Sutra Studies method, are also
included.”
To demonstrate that Buddha Recitation does indeed encompass
wonderful, subtle principles and to clear up the doubts of those who seek
to understand and follow Pure Land, this writer is taking the liberty to
translate two ancient commentaries, by the Patriarch Chih I and
Zen Master T’ien Ju, under the title Pure Land Buddhism Dialogs
with Ancient Masters
This combined text deals, in general, with questions and
doubts of a rather subtle nature. Thus, this writer should have added
some more general questions. However, because of ill health and
other commitments, he must try to do so at a later date.
The contents of this book, except for some clearly
indicated additional comments, are the very thoughts and reasoning
of renowned ancient . Students of Buddhism can place their faith
in these teachings and open up the Pure Land Mysterious Gate.
Thích Thiền Tâm , Vesak 2509
QUESTION 1
Great
Compassion is the life calling of Buddhas and Bodhisattvas. Thus,
those who have developed the Bodhi Mind, wishing to rescue and ferry other
sentient beings across, should simply vow to be reborn in the Triple Realm,
among the five turbidities and the three evil paths. Why should we abandon sentient
beings to lead a selfish life of tranquillity? Is this not a lack of compassion,
a preoccupation with egoistic needs, contrary to the path of enlightenment?
ANSWER
There are two types of Bodhisattvas. The first
type are those who have followed the Bodhisattva path for a long time and
attained the Tolerance of Non-Birth (insight into the non-origination of
phenomena). This reproach applies to them.
The second type are Bodhisattvas who have not
attained the Tolerance of Non-Birth, as well as ordinary beings who have just
developed the Bodhi Mind. If they aspire to perfect that Tolerance and enter
the evil life of the Tr iple Realm to save sentient beings, they should remain
in constant proximity to the Buddhas. As stated in the Perfection of Wisdom
Treatise:
“It
is unwise for human beings who are still bound by all kinds of afflictions, even
if they possess a great compassionate Mind, to seek a premature rebirth in this
evil realm to rescue sentient beings.
“Why
is this so? It is because in this evil, defiled world, afflictions are powerful
and widespread. Those who lack the power of Tolerance [of Non-Birth]
are bound to be swayed by external circumstances. They then become slaves
to form and sound, fame and fortune, with the resulting karma of greed, anger
and delusion. Once this occurs, they cannot even save themselves, much less
others!
“If,
for example, they are born in the human realm, in this evil environment full of
non-believers and externalists, it is difficult to encounter genuine sages. Therefore,
it is not easy to hear the Buddha Dharma nor achieve the goals of the sages.
“Of
those who planted the seeds of generosity, morality and blessings in previous
lives and are thus now enjoying power and fame, how many are not infatuated
with a life of wealth and honor, wallowing in endless greed and lust?
“Therefore , even when they are
counselled by enlightened teachers, they do not believe them nor act
accordingly. Moreover, to satisfy their passions, they take advantage of their
existing power and influence, creating a great deal of bad karma. Thus,
when their present life comes to an end, they descend upon the three evil paths
for countless æons. After that, they are reborn as humans of low social and
economic status. If they do not then meet good spiritual advisors, they will
continue to be deluded, creating more bad karma and descending once again into
the lower realms. From time immemorial, sentient beings caught in the cycle of
Birth and Death have been in this predicament. Thisis called the
‘Difficult Path of Practice.’”
The Vimalakirti Sutra also states,
“If
you cannot even cure your own illness, how can you cure the illnesses of
others?”
The Perfecion of Wisdom Treatise further
states:
“Take
the case of two persons, each of whom watches a relative drowning in the river.
Thefirst person, acting on impulse, hastily jumps
into the water. However, because he lacks the necessary skills, in the end,
both of them drown. Thesecond person, more intelligent and resourceful,
hurries off to fetch a boat and sails to the rescue. Thus,
both persons escape drowning.
“Newly
aspiring Bodhisattvas are like the first individual, who still lacks the power
of Tolerance [of Non-Birth] and cannot save sentient beings. Only those
Bodhisattvas who remain close to the Buddhas and attain that Tolerance can substitute
for the Buddhas and ferry countless sentient beings across, just like the
person who has the boat.”
ThePerfecion of Wisdom Treatise goes
on to state:
“This is
not unlike a young child who should not leave his mother, lest he fall into a
well, drown in the river or die of starvation; or a young bird whose wings are
not fully developed. It must bide its time, hopping from branch to branch,
until it can fly afar, leisurely and unimpeded.
“Ordinary
persons who lack the Tolerance of Non-Birth should limit themselves to Buddha
Recitation, to achieve one-pointedness of Mind. Once that goal is reached, at
the time of death, they will certainly be reborn in the Pure Land. Having seen
Amitabha Buddha and reached the Tolerance of Non-Birth, they can steer the boat
of that Tolerance into the sea of Birth and Death, to ferry sentient beings
across and accomplish countless Buddha deeds at will.”
For
these reasons, compassionate practitioners who wish to teach and convert
sentient beings in hell, or enter the sea of Birth and Death, should bear in
mind the causes and conditions for rebirth in the Pure Land. This is referred to as the “Easy Path of Practice” in the Commentary on
the Ten Stages of the Bodhisattvas.
QUESTION 2
All
phenomena are by nature empty, always unborn [Non-Birth], equal and still. Are
we not going against this truth when we abandon this world, seeking rebirth in
the Land of Ultimate Bliss? The [Vimalakirti ] Sutra teaches
that “to be reborn in the Pure Land, you should first purify your own Mind; only
when the Mind is pure, will the Buddha lands be pure.” Are not Pure Land
followers going against this truth?
ANSWER
This question involves two principles and can be
answered on two levels.
A)
On the level of generality, if you think that seeking rebirth in the Pure Land
means “leaving here and seeking there,” and is therefore incompatible with the
Tr uth of Equal Thusness, are you not committing the same mistake by
grasping at this Saha World and not seeking rebirth in the Pure Land, i.e.,
“leaving there and grasping here”? If, on the other hand, you say, “I am neither
seeking rebirth there, nor do I wish to remain here,” you fall into the error
of nihilism.
The Diamond Sutra states in this
connection:
“Subhuti,
…do not have such a thought. Why? Because one who
develops
the Supreme Enlightened Mind does not advocate the
[total]
annihilation [of the marks of the dharmas.]” (Bilingual
Buddhist Series, Vol.
I. Taipei: Buddhist Cultural Service, 1962,
p.130.)
B)
On the level of Specifics, since you have brought up the truth of
Non-Birth and the Pure Mind, I would like to give the following explanation.
Non-Birth
is precisely the truth of No-Birth and No-Death. No-Birth means that all
dharmas are false aggregates, born of causes and conditions, with no
Self-Nature. Therefore
,
they have no real “birth nature” or “time of birth.” Upon analysis, they do not
really come from anywhere. Therefore
,
they are said to have No-Birth.
No-Death
means that, since phenomena have no Self-Nature, when they are extinguished,
they cannot be considered dead. Because they have no real place to return to,
they are said to be not extinct (No-Death).
For
this reason, the truth of Non-Birth (or No-Birth No-Death) cannot exist outside
of ordinary phenomena, which are subject to birth and death. Therefore,
Non-Birth does not mean not seeking rebirth in the Pure Land.
TheTreatise on the Middle
Way states:
“Dharmas
(phenomena) are born of causes and conditions. I say they are thus empty. They are also called
false and fictitious, and that is also the truth of the Middle Way.”
It
also states:
“Dharmas
are neither born spontaneously nor do they arise from others. They are born neither
together with nor apart from causes and conditions. They are therefore said
to have Non-Birth.”
TheVimalakirti Sutra states:
“A
lthough he knows that Buddha lands/Are void like living beings/He goes on
practicing the Pure Land (Dharma)/to teach and convert men.” (Charles Luk, The Vimalakirti Nirdesa Sutra, p.88.)
It
also states:
“
We can build mansions at will on empty land, but it is impossible to build in
the middle of empty space.”
When
the Buddhas preach, they usually rely on the Two Truths [ultimate and conventional].
They
do
not destroy the fictitious, provisional identities of phenomena while revealing their
true characteristics.
That is why the wise, while earnestly striving for
rebirth in the Pure Land, also understand that the nature of rebirth is
intrinsically empty. This is true Non-Birth, and also the meaning of “only
when the Mind is pure, will the Buddha lands be pure.”
The dull and ignorant, on the other hand, are caught
up in the concept of birth. Upon hearing the term “Birth,” they understand it
as actual birth; hearing of “Non-Birth,” they [cling to its literal meaning]
and think that there is no rebirth anywhere. Little do they realize that “Birth
is precisely Non-Birth, and Non-Birth does not hinder Birth.”
Because
they do not understand this principle, they provoke arguments, slandering and
deprecating those who seek rebirth in the Western Pure Land. What a great
mistake! They are
guilty of vilifying the Dharma and belong to the ranks of deluded externalists
(non-Buddhists).
Comments
Post a Comment