KHUYÊN TU TỊNH ĐỘ

của Tỉnh Am đại sư


Nhĩ căn không nhiếp niệm Phật. 

Niệm Phật gồm nhiếp Nhĩ căn và thích hợp với cả ba cơ thượng, trung, hạ.


 

I


Di Đà thệ lớn há nguyên không?
Mười niệm xưng danh chẳng uổng công
Chớ ngại cõi trần rồi vắng khách
Chỉ e lưới nghiệp vấn trăm vòng
Muôn sông về biển bờ đâu ngập?
Trăm nước chầu vua điện vẫn không
Dễ đến không người, thôi đáng tiếc!
Việc chi còn mến cảnh lao lung?

 

Giải Thích:

Liên tiếp tám bài thi trong đoạn nầy, đều là của Tỉnh Am đại sư. Để được dễ trực nhận, bút giả xin giải thích ngay từng bài:

Có kẻ hỏi: “Nếu khuyên mọi người vãng sanh hết, thì cõi nầy còn ai ở? Và nếu tất cả người đều về Cực Lạc, nơi đó đất đâu mà dung chứa?” Đại sư đáp: “Chớ vội lo cõi nầy không có người ở, chỉ e cho ngay trước mắt lưới nghiệp vây quấn khiến liền bị sa đọa! Lại như muôn sông đổ dồn về biển, biển đâu bị tràn ngập? Sứ giả trăm nước đến chầu vua, điện Hàm Dương vẫn rộng thông. Cảnh Tịnh độ tùy nguyện lực của Phật biến hiện cũng như thế. Chỉ tiếc cõi Cực Lạc dễ về mà người đời còn mến cảnh lao tù tam giới, không chịu cầu vãng sanh đó thôi!”

II


Người đồn Thiên Trúc chính Tây phương
Thiên Trúc, Chi Na 
(Trung Quốc) chỉ cách tường
Nghiệp ở cõi nhơ bàn tịnh uế
Thân nơi nhà lửa luận viêm lương
Ba ngàn thế giới trong luân chuyển
Muôn ức càn khôn thật cố hương!
Đến đến chớ sầu đường cách trở
Niệm tâm vừa tịnh thấy Không Vương.

 

Giải Thích:

Đương thời có nhiều kẻ lầm nhận cõi Tây phương tức Tây Thiên Trúc, cách xứ Chi Na là nước Trung Hoa mười muôn tám ngàn dặm. Lại có người luận mười muôn tám ngàn tức chỉ cho Thập bát giới gồm sáu căn sáu trần sáu thức, diệt mười tám giới sẽ thấy cảnh Tây phương của tự tâm. Đại sư đáp: “Thiên Trúc với Chi Na chỉ cách tường vách nghĩa là rất gần nhau, cũng đồng ở nơi nhà lửa ngũ trược của Ta Bà, đâu phải là Cực Lạc? Còn luận về Cực Lạc tự tâm tức Duy tâm tịnh độ, thì chỉ nên để cho bậc đã đắc vô sanh nhẫn. Đối với phàm phu đầy nghiệp chướng, thân còn ở trong nhà lửa mà vội không hóa sự nhơ sạch, nóng mát theo luận thuyết duy tâm, không chịu niệm Phật, tất sẽ bị xe luân hồi quay, lửa tam giới đốt mà thôi. Chúng sanh nơi tam thiên đại thiên thế giới còn ở trong vòng luân hồi. Chỉ cõi Cực Lạc ngoài mười muôn ức Phật độ kia mới thật là quê hương, vì khi được về đó tất không còn bị nổi trôi luân lạc nữa”.

 

III


Ai rằng:  mọi chỗ tức Tây trì
Cao, thấp, sạch, nhơ cổ ngại gì!
Nhà xí khi vào sao bịt mũi?
Vũng tầy quá bước vén xiêm y?
Ốm đau lắm, lại thương thân khổ
Nắng gió chiều, than trái tiết thì!
Chớ nói lời suông sai thật hạnh
Hồi tâm mau sớm niệm A Di.

 

Giải Thích:

Có kẻ vịn câu nói của cổ đức: “Cao sơn bình địa tổng Tây phương”, rồi bảo: “Chỉ cần tâm ta thanh tịnh, thì mọi nơi như núi cao đất bằng, các chỗ nhơ sạch đều là Tây phương Tịnh độ, là ao báu hoa sen cả, không có chi chướng ngại, cần gì phài cầu vãng sanh?” Phải biết câu nói trên là cảnh giới của bậc đã chứng ngộ, phàm phu bắt trước theo chỉ thành ra lời suông vô ích. Chính những kẻ nói như thế, khi vào nhà xí còn bịt mũi, bước qua chỗ lầy lội phải vén áo xiêm, ốm đau vẫn thấy khổ, nắng gió mưa nhiều cũng than trách, có điều chi là vô ngại đâu?

 

IV


Thường chê niệm Phật việc người ngu
Công việc người ngu, Phật cũng tu!
Long Thọ biện tài đâu ngốc Hán?
Văn Thù trí huệ há phàm phu?
Từ chương nhã luận còn Cư Dị?
Công cứ theo mình hỏi Đại Tô?
Nhắn kẻ thông minh nên nghĩ lại
Diêm La xét tội chẳng hồ đồ.

 

Giải Thích:

Những vị thông minh có học thức thấy kẻ quê mùa cũng niệm Phật được, thường chê rẽ cho đó là lối tu của hạng ngu dốt. Nên xét nghĩ, như Thiên Thai Trí Giả tương truyền là hóa thân của đức Thích Ca, Vĩnh Minh đại sư là hóa thân của đức Di Đà, hai vị đó đều là Cổ Phật, mà còn tu Tịnh độ để làm mô phạm hướng dẫn chúng sanh. Và các ngài như Văn Thù, Long Thọ, hai vị Bồ Tát ấy đâu phải là phàm phu, kẻ ngốc, mà vẫn khen ngợi cùng hành trì theo môn nầy. Lại còn như Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, hai bậc văn hào từ chương tao nhã, kẻ chuyên niệm Phật, người thì đem Tây phương công cứ luôn theo bên mình, là hạng người gì, ngu dốt hay trí thức? Vậy nên suy nghĩ, đừng vội phỉ báng mà mang tội.

 

V


Nếu nói sanh Tây còn thuộc vọng
Trụ nơi cõi trược há thành chân?
Đông Tây chẳng chấp càng phi lý
Tịnh uế đều quên cũng pháp trần
Sanh vốn không sanh, sanh bốn cõi
Thấy như lìa thấy, thấy ba thân
Biết chăng chân vọng nguyên đồng thể?
Mê ngộ đểu do tại bản nhơn.

 

Giải Thích:

Có kẻ lại bảo: “Bản tính vốn vô sanh, cầu sanh Tây phương là còn thuộc vọng!” Đáp: “Nói thế thì trụ mãi ở cõi nầy, lại thành ra chân thật hay sao? Nếu nói: tôi không cầu sanh về Tây, không chấp trụ ở Đông, tùy ý thọ sanh, lại càng phi lý. Vì chỉ có bậc Pháp thân đại sĩ mới tùy ý thọ sanh được. Còn hàng phàm phu, nếu không cầu sanh Tây phương để mau tiến tu giải thoát, tất phải theo nghiệp chịu luân hồi ở cõi nầy, rồi từ đó dễ tạo nghiệp bị sa đọa. Nếu lại bảo: tôi không chấp tịnh uế, nên không cầu cõi sạch chán cõi nhơ! Khởi một niệm như thế cũng thuộc về pháp chấp rồi, làm sao nói là không chấp được? Cho đến bậc thức đạt, dù sanh về Tây phương, từ cõi Đồng cư tiến lên Thường tịch, mà vẫn thấy không sanh. Dù chứng ngộ ba thân, vẫn lìa sự thấy biết về chứng ngộ. Thế thì có gì trái với lý vô sanh vô chứng đâu?”

 

VI


Chớ chấp Đàn Kinh bài bác Tịnh
Tổ cơ, lời Phật thảy viên dung
Mượn lời chỉ lý tuyên thiền đạo
Được ý quên lời hiểu diệu tông
Thập thiện đều tu đâu phải tội?
Chư hiền đồng niệm há thành không?
Đông tây một thể vô lai khứ
Pháp giới linh minh cõi đại đồng!

 

Giải Thích:

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ có nói: “Người ở Đông phương tạo tội cầu sanh Tây phương, người Tây phương tạo tội cầu sanh về cõi nào?” Lời nầy chỉ là cơ phong của Tổ, mượn đó để đưa hành nhơn ngộ thẳng vào chân tánh, chớ chẳng phải bác rằng không có Tịnh độ, cùng bảo đừng nên cầu sanh. Kẻ thức đại học đạo cần phải được ý quên lời, chớ nệ chấp lời mà hại ý. Đối với Phật, chư Tổ là hàng hậu lai. Phật còn khuyên niệm Di Đà cầu sanh, lẽ đâu Tổ lại bác? Lại nên biết, hành giả sanh về Tây phương đều tu thượng phẩm Thập thiện, thì người Tây phương đâu có tạo tội? Và chư hiền thánh xưa nay rất nhiều vị niệm Phật, hành động đó đâu phải nông nổi lầm lạc, hay luống uổng không hư?

 

VII


Niệm Phật quả như nên súc miệng?
Tụng kinh môi ngậm cũng ưng cần!
Thuốc dùng trị bịnh, sao gây bịnh?
Lửa để điều thân, lửa đốt thân!
Phàm niệm vẫn đầy, chê thánh niệm
Phật tình chưa khỏi nói trừ nhân!
Lời xa hiện thật, khuyên ngưng lại
Lo gấp đời nầy thoát khổ luân!

 

Giải Thích:

Khi xưa, ngài Triệu Châu có nói: “Một chữ Phật ta chẳng thích nghe. Nếu niệm Phật một câu, phải súc miệng ba ngày!” Nhiều kẻ vịn vào hai lời trên đây bảo: “Thiền sư Triệu Châu vốn bậc danh đức, Ngài đã nói như thế, tất niệm Phật là điều thấp kém lỗi lầm, không cần thiết!”

Tỉnh Am đại sư gạn hỏi lại: “Nếu niệm Phật là lỗi lầm cần nên súc miệng, thì xưa nay các bậc cao đức cho đến Tăng Ni ở khắp tòng lâm, lúc tụng kinh trong những thời khóa tụng, tất cũng ưng cần ngậm miệng đừng hé môi mới phải! Và như thế, lý ấy có đúng không? Phải biết Triệu Châu đại sư là bậc chứng ngộ, muốn hướng dẫn hạng thượng thượng căn phá mối chấp kiến về Phật, nên mới nói những lời ấy, chớ đâu phải ý ngài cốt bác phá sự niệm Phật! Đại khái, tất cả những cơ ngữ bên thiền, lời ở nơi nầy mà ý điểm khác. Cẳng hạn như Tổ Quy Sơn nói: “Sau khi lão tăng viên tịch, sẽ chuyển kiếp làm con trâu ở dưới chân núi!” Lời nầy đâu phải ý chỉ định chuyển kiếp làm trâu? Nếu nhận là thật, rồi cứ theo lời nói mà giải thích, thì đã sai lầm còn gây thêm tội lỗi. Ví như lửa có công dụng sưởi ấm điều hòa thân thể trong tiết lạnh, cho đến nấu chín thức ăn, nếu biết dùng thì rất lợi ích. Bằng trái lại, tất sẽ bị thiêu thân cháy nhà. Lửa trí huệ Bát Nhã cũng thế, hay trị bịnh kiến chấp. Nhưng nếu chẳng biết dùng, lại trở nên gây bịnh, lạc vào lối chấp thiên không bác phá nhân quả, rồi sẽ bị sa đọa. Phần đông người học Phật thời mạt pháp đều là hạng trung, hạ căn, phàm tình phiền não đầy dẫy. Nếu khinh chê phá không dùng đến thánh niệm xưng Phật danh để tiêu trừ nghiệp chướng, thì làm sao giải thoát? Trong tâm phiền loạn ấy, chính ngay Phật tình như câu hồng danh, mà còn chưa khởi sanh niệm lên được, nói chi đến việc cao siêu, dứt trừ Phật kiến? Luận cho cùng, với bậc thượng căn, khi niệm Phật không thấy mình là người hay niệm, Phật là vị được niệm, chúng sanh kiến cùng Phật kiến đều rỗng không. Niệm Phật như thế cũng đâu có chi trái với ý ngài Triệu Châu, mà bảo không cần niệm? Nhược bằng căn hạnh chưa được như vậy, tốt hơn là mặc dù còn chấp thấy Phật, cũng nên mau niệm Phật để thoát khỏi luân hồi, đừng nói những lời xa vời vô ích trái với hiện thật.

 

VIII

 

Niệm Phật viên thông nhiếp sáu căn
Nhĩ căn ai bảo chiếm ưu phần?
Âm văn nếu chính viên thường thể
Danh tự đâu là khởi diệt nhân!
Dùng niệm niệm danh, danh vẫn thiết
Đem nghe nghe Phật, Phật càng gần!
Xét ra hai thánh đều huynh đệ
Đồng giúp Di Đà tiếp vãng sanh.

 

Giải Thích:

Trong kinh Lăng Nghiêm, về phần Tuyển trạch viên thông, đức Văn Thù có bình luận môn tu Niệm Phật của ngài Đại Thế Chí bằng mấy câu:

“Các hành là vô thường. Niệm tánh vốn sanh diệt. Nhân quả nay sai khác. Làm sao được viên thông?”

Và kết cuộc Văn Thù Bồ Tát đã chọn lấy lối tu phản văn thuộc về Nhĩ căn của đức Quán Thế Âm với hai câu:

“Phương nầy chân giáo thể, Thanh tịnh bởi âm văn”.

Có kẻ khi đọc tới đoạn trên đây, chấp rằng: “Đức Văn Thù đã bình luận lựa chọn như thế, thì ngồi tịnh lắng nghe vào trong là môn tu cao siêu hơn cả, chẳng nên niệm Phật làm chi cả!”

Đại sư giải thích: “Thật ra chân không vẫn ở trong huyễn hữu. Luận về phần tương đối phiến diện, thì các hành đều vô thường sanh diệt. Nhưng bàn sâu đến chỗ viên dung toàn diện, chính các hành là thể chân thường tịch diệt. Cho nên tất cả môn tu của hai mươi lăm vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, đều đủ ba nghĩa: viên, thông, thường. Để chứng minh, như đức Văn Thù đã nói phần âm văn tức nghe tiếng, là để viên thường. Thế thì âm thanh danh hiệu A Di Đà, đâu phải là nhân sanh diệt? Và chính ngài cũng lại nói: “Thánh tánh vô bất thông. Thuận nghịch gia phương tiện”. Thánh tánh thảy đều thông, tất biết pháp nào cũng là viên thường. Như vậy đủ rõ tánh cách niệm danh hiệu đâu phải sanh diệt, chẳng qua tùy cơ nghi thuận nghịch mà nói thế thôi. Cho nên phải nhận thức chỗ bình luận của đức Văn Thù, thuận hay nghịch, hơn hoặc kém, cũng đều là phương tiện tùy cơ mà quyền nói. Bởi duyên kinh Lăng Nghiêm phần lớn khai thị về lối tu thiền theo không môn, đức Văn Thù phải tùy ứng theo đường cơ mà lựa chọn như thế, chớ chẳng phải tu pháp Nhĩ căn của đức Quán Thế Âm là cao siêu hơn hết đâu!

Lại còn nhiều bằng chứng như trong nhều kinh đại thừa khác, Văn Thù Bồ Tát đã rất khen ngợi môn NỊệm Phật, cho Niệm Phật tam muội là pháp công đức cao dễ tu dễ tiến nhứt. Môn Niệm Phật nhiếp cả sáu căn, ý căn là chủ, năm căn kia thuộc phần phụ. Lối tu Nhĩ căn chỉ từ một cửa mà vào, niệm Phật thì cả sáu căn đều thâu nhập. 



Cho nên Nhĩ căn không nhiếp niệm Phật. 

Niệm Phật gồm nhiếp Nhĩ căn và thích hợp với cả ba cơ thượng, trung, hạ.



Tóm lại, hai lối tu của đức Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí thật ra đều đồng đẳng, không phân cao thấp. Và hai ngài cùng là pháp hữu, cùng phụ đức A Di Đà tiếp dẫn loài hữu tình mười phương sanh về Cực Lạc, cùng thân thiết chẳng cách xa nhau vậy”.

Như trên, vì lòng từ bi Tỉnh Am đại sư đã dùng thi văn phá lối nhận thức sai lầm của một số đông người học Phật, để đưa họ vào con đường thẳng ích. Chủ tâm của Ngài chẳng phải có ý muốn đề cao Tịnh độ hơn các môn khác, bởi lẽ Ngài cũng là một đại thiền sư. Tập thi văn còn nhiều, bút giả chỉ chọn dịch và giải thích mấy bài trọng yếu.



QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ 

SƠN CƯ BÁCH VỊNH


TÔNG-BẢN ĐẠI SƯ

Comments

Popular posts from this blog