CHÁNH VĂN 



6.- Ẩn tu bền chí giữ công phu

Ba cõi không an lửa ngục tù !

Ngũ-dục, Hoàng-lương say gối mộng

Kiếp người dường một thoáng phù du !

 

7.- Ẩn tu riêng chạnh nỗi riêng mình

Túc trái gây nên, mối bất-bình

Tích phước tu-hành rồi tạo nghiệp

Cánh bèo trôi giạt biển phù sinh.

 

8.- Ẩn tu tưởng lại quả đời nay

Bao lớp gian truân nỗi đoạ đày !

Ẩn nhẫn trả xong tròn nghiệp trước

Dấu hồng chuyện cũ tuyết mờ bay !

 

9.- Ẩn tu nhớ đến đức sanh thành

Lắm lúc vì con chẳng tạo lành

Con lớn Mẹ Cha oằn gánh nghiệp

Bảo châu đền đáp cũng mong manh !

 

10.- Ẩn tu nguyện trả nghĩa song đường

Hồi hướng công phu mỗi khoá thường

Lại khuyến nghiêm-từ tâm đạo phát

Nương thuyền Phật huệ đến Tây-phương.

 

 

GIẢNG GIẢI



BÀI SỐ 6

 

Ẩn tu bền chí giữ công phu

Ba cõi không an lửa ngục tù !

Ngũ-dục, Hoàng-lương say gối mộng

Kiếp người dường một thoáng phù du !


 

NHƯ Ý : KINH PHÁP HOA nói :  “ TAM GIỚI VÔ AN, DO NHƯ HỎA TRẠCH”. Dịch, ba cõi không an dường như nhà lửa.

NHÀ LỬA có nghĩa là  ngoài lửa ĐỊA NGỤC còn có lửa THAM, SÂN, SI và tất cả PHIỀN NÃO, lúc nào cũng thiêu đốt THÂN TÂM của chúng sanh.

NGỤC TÙ chỉ cho sự luân hồi không ra khỏi TAM GIỚI.

 

Như tại sao chúng ta phải ra khỏi nhà tù trong TAM GIỚI?

Vì ở trong nhà tù tam giới, qủa thật chúng ta đã chịu sự đau khổ  trong trăm, ngàn muôn ức A-TĂNG-KỲ KIẾP không biết khi nào mới ra khỏi được? Thật là buồn thay !!!


Ba cõi không an dường hỏa-trạch

Đâu miền chân-lạc khỏi tang thương?

Người vô thường,

Cảnh vô thường!

Khuyên gọi cùng nhau tỉnh mộng

Quay về bể giác thanh lương.

Khởi lòng BI TRÍ

Nguyện độ mười phương.

Ba tăng-kỳ kiếp tu muôn hạnh.

Bền lòng không thối chuyển

Cầu ngôi vị Pháp-Vương!

 


BA A-TĂNG-KỲ KIẾP = 3  X  (1027   X  1.280  triệu năm )


A-TĂNG-KỲ =1027  = 10 lũy thừa 27 =  1.000.000.000.000.000.000.000.000.000

KIẾP thì theo thông lệ, nếu trong kinh không nói rõ là TIỂU kiếp hay TRUNG kiếp, thì là “ĐẠI KIẾP”.

1 tiểu kiếp = 16 triệu năm = 16.000.000
1 trung kiếp = 20 tiểu kiếp = 320 triệu năm = 320.000.000
1 đại kiếp = 4 trung kiếp = 1.280  triệu năm = 1.280.000.000


Ba tăng kỳ kiếp tu muôn hạnh là chỉ cho Bồ-tát BẤT THOÁI CHUYỂN, trải qua năm mươi lăm (55) ngôi vị như sau:



1. Thập tín (10)

2. Thập trụ (10)

3. Thập hạnh (10)

4. Thập hồi hướng (10)

5. Tứ gia hạnh (4) : NoãnĐảnhNhẫnThế đệ nhất

6. Thập địa (10)

7. Đẳng giác (1)

 

Nếu tính lúc đầu là CÀN HUỆ ĐỊA (1) và sau cùng là DIỆU GIÁC (1) THÌ PHẢI LÀ NĂM MƯƠI BẢY (57) NGÔI VỊ MỚI THÀNH VỊ PHÁP VƯƠNG, TỨC LÀ THÀNH PHẬT.

 

Cũng như,  một vị TU-ĐÀ-HOÀN  CHỈ CÓ 7 ĐỜI SANH TỬ THÌ THÀNH A-LA-HÁN, KHÔNG CÓ ĐỜI SANH TỬ THỨ 8. VÌ SAO? VÌ KHÔNG BỊ SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC VÀ PHÁP CHI PHỐI NỮA, NÊN KHÔNG BỊ THỐI CHUYỂN.

 

 

NGŨ DỤC là 5 điều dục nhiễm lớn của chúng sanh, gồm TÀI, SẮC, DANH, THỰC, THÙY. (Tiền-tài, Sắc-đẹp, Danh-vọng, Ăn-uống, Ngủ-nghỉ)

HOÀNG LƯƠNG, một thư sinh thi rớt về nằm ngủ trong quán, mộng thấy mình đậu TRẠNG NGUYÊN cưới công nương, làm đến TỂ TƯỚNG hưởng NGŨ DỤC, đầy đủ phú quý vinh hoa.

Về sau bị vua PHÁN phải lâm nạn mất chức, TÙ ĐÀY. Thương khóc Giật mình tỉnh dậy thì chủ quán nấu nồi KÊ VÀNG là hạt bo bo vừa chín tới.

Tóm lại, vì tham ngũ dục mà nhân sanh mê trong GIẤC MỘNG ĐỜI, không biết thức tỉnh tu hành.

 


HÒA THƯỢNG THÍCH THIỀN TÂM  

 

PHÁT NGUYỆN 1 ĐỜI VÃNG SANH

CHỨNG BẤT THOÁI-CHUYỂN LÀM TÔNG

 

Đời ta chí gởi chốn Liên-trì,

Trần thế vinh-hư sá kể gì.

Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm,

Mừng nay được thấy đức A-DI.

 

 

TỈNH GIẤC MỘNG ĐỜI

 

I

DẪN NHẬP

 

Non xanh lặng lẽ tợ ngùi than !
Kiếp tạm phù du, chớp điện quang.
Người theo nhau mất, non còn đó
Kết cuộc Nam Kha giấc mộng vàng !

 

II

MỘNG NAM KHA

 

Nam Kha mộng
Mộng Nam Kha!
Nam Kha mộng tưởng biết bao là !
Quyến thuộc của tiền đều bỏ lại
Tay không theo nghiệp đến Diêm La !


Từ đây tỉnh
Chớ dần dà !


Niệm Phật về Tây biển ái qua.

 

III

MỘNG XUÂN TIÊU

 

Xuân tiêu mộng
Mộng Xuân tiêu !
Xuân tiêu mơ mộng tối mai chiều !
Ngày trước tuổi thơ dong ngựa trúc
Hôm nay mái tóc điểm sương tiêu.


Từ đây tỉnh
Chớ mê nhiều !


Một kiếp thăng trầm chỉ bấy nhiêu !

 

IV

MỘNG DƯƠNG ĐÀI

 

Dương đài mộng
Mộng Dương đài !
Mộng trần ai nghĩ thoát trần ai ?
Kẻ chết kinh hoàng theo tội nghiệp
Người thân mờ mệt luống bi ai !


Từ đây tỉnh
Gác sầu hoài.


Gặp nhau âu chỉ mộng Dương đài !

 

V

MỘNG TRANG CHU

 

Trang Chu mộng
Mộng Trang Chu !
Trang Chu mộng hóa bướm ngao du !
Đậu tưởng Trang Chu thành cái bướm
Ai hay cái bướm thật Trang Chu !


Từ đây tỉnh
Chớ mê cầu!


Mưa qua nắng lại Hạ rồi Thu.

 

VI

MỘNG HOÀNG LƯƠNG

 

Hoàng lương mộng
Mộng Hoàng lương !
Một giấc Hoàng lương mộng đẹp dường !
Áo tím đai vàng mờ bóng cũ
Mồ xanh cỏ ấy bạc màu sương !


Từ đây tỉnh
Chớ lo lường !


Phú quý công danh cũng mộng trường !

 

VII

MỘNG VU SƠN

 

Vu sơn mộng
Mộng Vu sơn!
Vu sơn mơ mộng nặng THƯƠNG hờn !
Vợ yêu con quý rồi ly biệt
Phách lạc hồn mê cách cõi dương !


Từ đây tỉnh
Gắng tìm đường.


Niệm Phật về Tây thoát khổ ương !

 

 

KIM QUANG TIỀN

 

Cư sĩ Kim Quang Tiền, người đời Thanh, gốc Mãn Châu, xuất thân trong hàng QUÂN NGŨ. Ông ưa làm thiện, hằng răn cấm các binh sĩ:

 

1. Không được chém giết bừa bãi.
2. Không được hiếp dâm phụ nữ.
3. Không được cướp một món đồ vật của ai.
4. Không được đốt nhà của dân chúng.

 

Nếu phạm pháp, sẽ theo quân luật nghiêm trị.

Vợ ông là Cũng thị, biết chữ nghĩa, thường thích tụng kinh.

Năm Thuận Trị thứ mười đi bình định tỉnh Phước Kiến, đường ngang qua Hàng Châu, cư sĩ nghe biết Cụ Đức Hòa thượng đang thuyết pháp tại chùa Linh Ẩn. Hai vợ chồng liền đến tham bái, được Hòa thượng khai thị về pháp môn Tịnh độ. Từ đó cả hai đồng tinh tấn niệm Phật và đều có chỗ tâm đắc.

Mùa hạ năm Thuận Trị thứ mười hai, sau khi từ miền Bẳc trở về tạm ngụ bên sông Tiền Đường, Kim Quang Tiền bỗng nhiễm bịnh. Cũng thị định sai người tìm rước lương y, ông ngăn lại bảo:

“Thuở trước ta cùng phu nhơn đã đi tham phỏng ở Linh Ẩn. Nay nhân đây chỉ muốn chuyển thân về cõi an lành, cần chi dùng thuốc!”

 

Cũng thị cả cười nói:

“Chẳng dè tướng công cũng được đến ĐỊA VỊ ấy, thật là hân hạnh!”

 

Liền sai sắm hai chiếc quan tài, rồi bảo:

“Thiếp cũng sẽ đi, nhưng xin chậm lại để lo liệu hậu sự cho tướng công mà thôi!”

 

Quang Tiền nghe nói, liền chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.

Cũng thị sai gia nhơn đem lễ vật đến Linh Ẩn, cầu xin thắp hương đèn cúng Phật, cùng trai tăng tu sám để truy tiến cho hai vợ chồng.

Đến bảy hôm lễ xong, phu nhơn tuyệt ẩm thực, ngày đêm chẳng nằm, chỉ một lòng niệm Phật. Lại trải qua bảy hôm nữa, vào lúc xế, phu nhơn tựa quan tài nhắm mắt dưỡng thần, giây phút tỉnh lại bảo:

“Thời khắc đã đến!” Liền ngồi ngay niệm Phật mà hóa.

 

LỜI BÌNH: – Soạn giả cố ý sắp HÀNG QUAN LIÊU được vãng sanh ở trước, vì so thường dân, bậc quan quyền vào đạo rất khó. Phần đông, người đời gấp về công danh, lấy sự học hành đỗ đạt làm trước. Và kẻ đã bước vào cửa quyền quý, đa số lại cho sự thanh tu là khổ. Nếu chẳng phải những người kiếp xưa đã trồng sẵn căn lành, giữ chắc tâm nguyện giải thoát, thì mấy ai trước mùi chung đỉnh mà biết quay đầu?

 

Như các vị trên đây, ở cảnh trần lao, hướng về tịnh quốc, há chẳng đáng gọi là HIỆN THÂN TỂ QUAN MÀ THUYẾT PHÁP đó ư! Xét lại các vị:

 

Liễu Tử Hậu, Bạch Lạc Thiên, Tô Đông Pha, Triệu Tử Ngang, tuy cũng quy y tu niệm, song khi lâm chung, CHẲNG THẤY ĐIỀM LÀNH.

 

Ấy cũng bởi: TRÍ NĂNG LẠC THEO NHIỀU MÔN, căn bịnh sanh nơi niệm ái. Tập quán của tài tử văn nhơn từ xưa vẫn thế, khi vô thường chợt đến, khó nỗi cầu may! Bậc quân tử đời sau, cần nên biết răn dè vậy!

 

 

BÀI SỐ 7


 

Ẩn tu riêng chạnh nỗi riêng mình

Túc trái gây nên, mối bất-bình

Tích phước tu-hành rồi tạo nghiệp

Cánh bèo trôi giạt biển phù sinh.

 

NHƯ Ý :  Chư THIỀN ĐỨC của Trung Hoa và Nhật Bản đều nói, các bậc chư hầu khanh Tướng,  Anh Tuấn Tài Năng hầu hết là từ cửa TAM BẢO mà thác Sanh, bởi tu hành Tất có PHƯỚC HUỆ hưởng quả quyền quý cao sang, trong hoàn cảnh đó dễ đam mê tạo nghiệp, gây mối oan trái bất bình, rồi bị Luân Hồi khổ lụy, nên nếu không được GIẢI THOÁT thì sự tu của ĐỜI NÀY là mối thù của KIẾP THỨ 3.

 

Tiên đức hằng răn nhắc:

"Nếu tu mà không chuyên cầu giải thoát, thì sự tu nơi kiếp này là MỐI THÙ TRONG KIẾP THỨ BA."

Sở dĩ có việc ấy, bởi kiếp thứ nhứt lo kham khổ tu hành, nên chuyển sanh qua kiếp thứ nhì được hưởng quả báo thông minh giàu sang quyền thế. Trong kiếp thứ hai này, do giàu sang nên dễ mê theo cảnh quyền quý, vợ đẹp con xinh, cùng các thú vui vật chất nơi cõi trần.

Đã nếm mùi dục lạc tất dễ sanh đắm nhiễm, càng đắm nhiễm càng đi đến chỗ sa đọa tối tăm, dám làm nhiều điều ác để củng cố lợi quyền và thỏa lòng tham vọng. Kiếp thứ nhì đã gieo nhân như thế, kiếp thứ ba làm sao khỏi bị đọa lạc tam đồ?

 

Có kẻ gạn:

"Kiếp trước đã có công tu gieo nhân tốt, không lẽ sang kiếp thứ nhì trí huệ căn lành đều mất, để đến nỗi phải bị đọa hay sao?"

- Xin đáp:

"Căn lành tuy có, nhưng nghiệp ác từ vô lượng kiếp chưa phải đã tiêu trừ. Mà trong cảnh trần, việc lành rất khó làm như leo lên cây cao, điều ác rất dễ phạm như tuột xuống dốc lở.

Người xưa đã chẳng bảo:

“Trọn đời làm lành, lành còn chẳng đủ; một ngày làm ác, ác tự có dư” đó ư?

Như những người giàu sang quyền thế mà chúng ta hiện thấy, kiếp trước họ đều có ít nhiều công đức bố thí tu phước làm lành, nhưng kẻ hướng về nẻo thiện không bao nhiêu, người say đắm danh lợi vinh hoa lại chiếm phần đa số.

Thử hỏi có mấy vị đỗ cao quyền quý chịu xuất gia, sống một cuộc đời khắc khổ đạm bạc, hướng về mục đích giải thoát thanh cao?

Ngay như người xuất gia, khi chưa có địa vị còn kham nhẫn tu hành, lúc đã được quyền danh, nhiều kẻ lễ bái tôn trọng cúng dường, lại dễ bị cảnh phù trần ràng buộc. Hiện tại ta thấy có biết bao hàng Tăng Ni thiện tín, trước còn tinh tấn hành trì, sau lần lần biếng trễ bỏ tu hoặc hoàn tục thối đạo, nói chi đến kiếp sau?"

 

Kinh nói:

"Bồ Tát còn mê khi cách ấm,

Thanh Văn còn muội lúc ra thai."

 

"Cách ấm" là trải cách từ ấm thân này sang ấm thân khác. Như thân hiện tại là tiền ấm, chuyển sanh thân kiếp sau gọi là hậu ấm; trải qua sự xen cách từ thân trước đến thân sau như thế, bậc Bồ Tát chưa đắc đạo phải bị hôn mê.

Trong kinh, có nơi khác lại nói:

"Hạng phàm thường khi nhập thai, trụ thai và xuất thai đều hôn mê.

Bậc Chuyển Luân Thánh Vương do phước báo, lúc nhập thai thì biết, khi trụ thai, xuất thai phải bị hôn mê.

Hàng Thanh Văn lúc nhập thai, trụ thai đều có thể tỉnh biết, song khi xuất thai lại hôn mê.

Duy có bậc Bồ Tát chứng Vô Sanh Nhẫn, lúc nhập thai, trụ thai và xuất thai đều tỉnh giác."

Đôi khi hạng phàm phu do nghiệp duyên đặc biệt cũng nhớ được kiếp trước, nhưng đây chỉ là trường hợp ít có trong muôn một. Hoặc đó là Bồ Tát thị hiện để cho chúng sanh biết có luân hồi, ngoài ra tất cả khi chuyển sanh đều bị mê muội.

Khi đã hôn mê, thì bao nhiêu sự hiểu biết về đạo lý và những tâm nguyện nơi kiếp trước, đều vì vô minh che lấp khiến cho lãng quên.

 

 

XÓA SẠCH DUYÊN TRẦN

(Phỏng dịch “Thất Bút Câu” của ngài LIÊN TRÌ )

 

I

XÓA SỰ HIẾU DƯỠNG THEO ĐỜI

 

Công ơn sanh dưỡng

Biển thẳm non cao

Gấm vóc trân tu đáp được nào ?

Cha mẹ lìa trần cấu

Đạo con mới thành tựu !

Ôi chà chà !

Giải thoát xuất trần nhân lớn lao

Phàm tình đâu đã hiểu !

Cháu hiền cùng con thảo

Chân không, lẽ diệu mau tham cứu !

 

Bởi thế nên đem

Năm sắc kim chương xóa sạch làu !

 

II

XÓA TÌNH VỢ CHỒNG ÂN ÁI

 

Vợ chồng duyên đẹp

Loan phượng mến yêu

Mối giây ân ái thuở nào tiêu ?

Mộng tình theo lẽo đẽo

Duyên hết lìa đôi nẻo !

Ôi chà chà !

Vấn vương vui hết lại buồn đau

Tam đồ thêm khổ não !

Xét rõ phá oan gia

Tìm của đạo mầu mau thoát tháo.

 

Bởi thế nên đem

Cá nước duyên kia xóa sạch làu !

 

III

XÓA LÒNG QUYẾN LUYẾN CON CHÁU

 

Cháu con đeo đẳng

Như thịt bứu thừa.

Vì con cháu chịu kiếp trâu lừa !

Họ Đậu non Yên xưa

Ngày nay còn đâu nữa ?

Ôi chà chà !

Nghĩ lo trăm kế lại ngàn mưu

Cũng về nơi Ô hữu !

Trở lại tánh Bản lai

Dẫu rằng vạn kiếp trường xuân hảo !

 

Bởi thế nên đem

Con cháu kim lan xóa sạch làu !

 

IV

XÓA BỎ NIỆM CÔNG DANH

 

Công danh khoa bảng

Riêng chiếm ngao đầu

Vui mừng đắc ý buổi thanh thu !

Ấn vàng ngời tinh đẩu

Danh đẹp thơm trường cửu

Ôi chà chà !

Bao nhiêu thanh thiếu những mong cầu

Tóc xanh thành bạch thủ !

Khi tỉnh giấc hoàng lương

Một tiếng cười khan đời mộng ảo !

 

Bởi thế nên đem

Quý hiển công danh xóa sạch làu !

 

V

XÓA BỎ SỰ THAM SANG GIÀU

 

Của tiền giàu có

Xe ngựa nhà lầu.

Lẫy lừng thanh thế sánh vương hầu.

Khi cầu nhiều kiếp khổ

Lúc được lo nghiêng đổ !

Ôi chà chà !

Đạm thanh biết đủ thắng trân tu !

Áo gai dường cẩm tú !

Khoảng trời đất tiêu dao

Nhà rộng của nhiều đâu đủ báu?

 

Bởi thế nên đêm

Tài sản điền viên xóa sạch làu !

 

VI

XÓA TÂM MÊ ĐẮM SẮC TÀI

 

Cầm kỳ văn họa

Tài sắc phong lưu

Gieo vàng tỏ ngọc vẻ tươi mầu !

Cờ thi hòa rượu đấu

Cầm ca dìu dặt tấu !

Ôi chà chà !

Gấm hoa xán lạn suốt canh thâu

Nhã nhạc lừng ngưu đẩu !

Gìa chết chợt đến nơi

Cấp cứu trầm luân ai đảm bảo ?

 

Bởi thế nên đem

Tài sắc văn chương xóa sạch làu!

 

VII

XÓA TÁNH ƯA THÍCH DU NGOẠN

 

Dạo chơi thắng cảnh

Thu đẹp xuân kiều !

Túi thi đàn rượu khắp ngao du!

Non nước vài thân hữu

Mưa khói mờ hoa liễu !

Ôi chà chà !

Ráng hồng suối bạc sánh phong lưu

Đâu nghĩ ngày mai hậu ?

Sáng tối thoáng qua mau

Thảng thốt quay đầu suy, bịnh, lão !

 

Bởi thế nên đem

Phong nguyệt tình vui xóa sạch làu!

 

 

LƯƠNG DUY CHÂU

 

Lương Duy Châu, quê ở Thiệu Hưng, làm người chấp sự tại am Long Đàm. Đến bốn mươi tuổi, ông MÙ CẢ ĐÔI MẮT, không còn làm việc để sanh sống được, muốn TỰ TỬ.

Có vị tăng trong am khuyên ngăn rằng:

“Buồn phiền mà chết như thế, chỉ thêm nghiệp chứ không được giải thoát. Ở thế giới Cực Lạc phương Tây có đức Phật hiệu A Di Đà. Nếu ông chí tâm thường trì niệm hồng danh, thì sẽ vĩnh viễn thoát khổ, sanh về cõi an vui.

Vậy sự đui mù có chi mà đáng ngại? Như ông chịu làm y theo lời, tôi NGUYỆN xin khất thực để giúp đỡ! Duy Châu cảm tạ, nguyện xin tuân hành.

Ông chí thiết niệm Phật được ba năm, đôi mắt bỗng nhiên sáng lại. Hơn nửa tháng sau, ông bảo chúng rằng:

“Tôi sắp đi xa!’’

Qua ba hôm, vào giờ Ngọ, Duy Châu ngồi chắp tay day mặt về Tây niệm Phật mà thoát hóa. Lúc ấy nhằm năm Càn Long thứ ba mươi tám.

 

LỜI BÌNH: -Từ truyện Trương Chung Quỳ đến đây, hoặc bởi những người KHÔNG quy y Tam bảo, hoặc do sự hiện tích có vẻ ly kỳ, nên soạn giả không sắp vào hàng tứ chúng, mà liệt vào hạng TẠP LƯU vãng sanh.

Cảnh Luân nghiệp quả đáng bi thương, kiếp phù sinh vẫn như mộng huyễn. Bao nhiêu nỗi khổ vui, vinh nhục, đắc thất đã trải qua: việc lo toan về bản thân, gia đình, xã hội chưa thấy ổn, mà cái chết đã kề cận một bên rồi!

Môn Niệm Phật đối với người tại gia rất cần thiết. Bởi THÂN đắm vào lò lửa trược trần, TÂM chìm trong ngục tù phiền não, khi một hơi thở chẳng vào thì nghiệp tam đồ kế tiếp. Nếu không nhờ sức Phật, làm sao đối địch nổi với cảnh nầy?

Với những kẻ tạo nghiệp chẳng lành đang bị ác báo, thì công đức của Phật hiệu, sự hộ trì của tha lực lại càng khẩn yếu. Đại khái như CHUNG QUỲ và DUY CHÂU, nếu chẳng nhờ một câu hồng danh thì làm sao được giải thoát?

Thế mới biết BI NGUYỆN của Phật thật vô cùng rộng sâu, chẳng bỏ sót một chúng sanh nào cả ?

 

 

BÀI SỐ 8

 

Ẩn tu tưởng lại quả đời nay

Bao lớp gian truân nỗi đoạ đày !

Ẩn nhẫn trả xong tròn nghiệp trước

Dấu hồng chuyện cũ tuyết mờ bay !

 

 

NHƯ Ý : Lấy ý “TUYẾT  NÊ HỒNG CHẢO”, Chim hồng đậu trên lớp bột Tuyết, khi bay đi để dấu chân móng lại, rồi lớp tuyết khác bay rơi xuống làm cho dấu chân mờ, kế bị lấp mất đi, chuyện dĩ vãng cũng thế, lần lần cũng phai mờ rồi mất theo thời gian, người tu Phật muốn quên việc đã qua vì KINH KIM CANG nói:

 

“Quá-khứ TÂM Bất-khả-đắc, Hiện-tại TÂM Bất-khả-đắc, Vị-lai TÂM Bất-khả-đắc.”

 

Bởi tâm của chúng sanh mỗi niệm SANH DIỆT không thật, nên chẳng thể tìm nắm giữ chắc được. (ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM)

 



Lá Thư Tịnh Độ

 

 

Như KINH KIM CANG nói:

 

“Nếu có người thọ trì kinh này mà bị kẻ khác khinh chê, người đó đời trước gây tội nghiệp đáng đọa vào ác đạo, do đời này bị sự khinh chê nên tội trước liền được tiêu diệt, sẽ chứng quả Vô thượng Bồ đề.”

 

Đây chính là nghĩa: TÂM mình có thể cải tạo hoàn cảnh vậy.

 

(Thơ gởi Cư Sĩ Vệ Cẩm Châu)

 

Đức Lục Tổ bảo:

 

“Chỉ xem KINH KIM CANG cũng có thể minh tâm kiến tánh", tức là nói lối xem trên đây (ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM, vì thế mới gọi là chỉ.

 

Y như thế mà duyệt kinh, thì xem các KINH ĐẠI THỪA đều có thể minh tâm kiến tánh, đâu riêng gì KINH KIM CANG?

 

Chớ nên một mặt theo sự PHÂN BIỆT, tìm hiểu: câu này nghĩa ra sao, đoạn này ý thế nào?

 

Bởi vì đó thuộc về VỌNG TUỞNG suy lường, không thể thầm hiệp với tâm Phật, ngộ suốt lý kinh, và làm nhân duyên cho sự diệt tội sanh phước.

 

Xem kinh với tâm phân biệt, nếu biết CUNG KÍNH thì còn có thể gieo chút căn lành, bằng biếng trễ KHINH THƯỜNG chắc không khỏi đem nhân lành mà gây QUẢ ÁC, sự khổ sẽ vô cùng!

 

( Thơ đáp một Cư Sĩ ở Vĩnh Gia )

 

 

KIM-CANG 

BÁT-NHÃ-BA-LA-MẬT KINH

 

Diêu-Tần, Tam-Tạng Pháp-Sư Cưu-Ma-La-Thập Hán dịch.

 

HT. THÍCH TRÍ-TỊNH

Việt Dịch

 

18

XEM ĐỒNG MỘT THỂ

 

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức-Như-Lai có “NHỤC NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có NHỤC NHÃN."

 

Tại sao có tên là NHỤC NHÃN ?

 

Bởi vì nó vừa nhìn được các vật thể có hình sắc, vừa có thể thấy được các thứ không có hình sắc. Mắt thường của chúng ta không thấy những vật đằng xa, còn nhục nhãn thì mọi vật từ mười lăm dặm trở lại đều trông thấy hết, cho dầu có bị ngăn cách bởi nhà cửa, cũng thấy được, không trở ngại chi.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “THIÊN NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có THIÊN NHÃN."

 

THIÊN NHÃN là thấy xa đến các THẾ GIỚI, thấy rõ vật nhỏ như VI-TRẦN...thấy thông suốt không bị CHƯỚNG-NGẠI.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “HUỆ-NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có HUỆ NHÃN."

 

HUỆ NHÃN là con mắt trí huệ. Huệ nhãn có thể PHÂN BIỆT LẼ PHẢI TRÁI, nhìn vào sự việc gì có thể biết ngay chân giả. Người không có trí huệ lấy phải làm trái, lấy trái cho là phải.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “PHÁP NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có PHÁP NHÃN."

 

PHÁP NHÃN là thấy được THẬT TƯỚNG CỦA VẠN PHÁP. Từ bậc ĐẠI Bồ-tát cho đến PHẬT mới có PHÁP NHÃN, A LA HÁN trở xuống đều không có.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có “PHẬT NHÃN” chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có PHẬT NHÃN."

 

PHẬT-NHÃN là TRÍ-HUỆ VIÊN-MÃN CỨU-CÁNH CỦA PHẬT. TỨC LÀ THẤY BIẾT KHẮP HƯ KHÔNG PHÁP GIỚI.

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng, đức Phật có nói là “CÁT” chăng?"

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế, đức Như-Lai nói là CÁT."

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Ví như có bao nhiêu cát trong một sông Hằng, thì cũng có số những sông Hằng, bằng số cát như thế, cõi Phật như bao nhiêu số cát trong những-sông-Hằng đó, như thế, cõi Phật có “NHIỀU” chăng?"

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Rất NHIỀU!"

 

Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: "Bao nhiêu thứ TÂM NIỆM CỦA TẤT CẢ CHÚNG SANH trong ngần ấy cõi nước, đức Như-Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các thứ tâm đều là CHẲNG-PHẢI-TÂM, đó gọi là tâm.

 

Vì cớ sao thế? Nầy Tu-Bồ-Đề! TÂM QUÁ KHỨ không có chi mà đặng, TÂM HIỆN TẠI không có chi mà đặng, TÂM VỊ LAI không có chi mà đặng.

 

Khi Qúy vị tụng KINH, trì CHÚ, niệm PHẬT, tham THIỀN...không còn TRỤ ở ÂM THANH SẮC TƯỚNG , không còn TRỤ  ở TAM TÂM TỨ TƯỚNG, vì biết rằng đương thể là không, không cần đợi có thời gian VÔ THƯỜNG  hoại diệt mới biết là “KHÔNG”, là “HUYỄN”, thì bỏ được ngã chấp, RA KHỎI TAM GIỚI.

 

Cũng như KINH KIM CANG nói:



Nhược  dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thinh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như-Lai.


Nếu dùng sắc-tướng thấy PHẬT,
Dùng âm-thanh cầu PHẬT,
Người nầy hành theo TÀ KIẾN,
Chẳng thấy được NHƯ LAI.




TAM TÂM là Tâm qúa khứ, Tâm hiện tại, và Tâm vị lai.

TỨ TƯỚNG là Tướng ngã, Tướng nhơn, Tướng chúng sanh và Tướng thọ giả.

…bất luận về THÂN hay TÂM trong thế gian cùng xuất thế gian, mà do nhân duyên hòa hợp làm thành, đều là pháp hữu vi, đều là không thật thể, như mộng, huyễn, bào,  ảnh…


Nhứt thiết hữu-vi pháp.
Như mộng, huyễn, bào ảnh.
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tác như thị quán!




Tất cả pháp hữu-vi do nhân duyên sanh.
Khác nào huyễn cảnh, khác nào chiêm bao.
Như trăng dưới nước, như ảnh trong gương.
Khác nào bọt nước, hiệp tan khó lường.
Như ánh chớp, như điểm sương.
Thường hay Quán xét như vầy, chứng được THẬT TƯỚNG, mới là VÔ SANH.


 

VƯƠNG THỊ

 

VƯƠNG THỊ, người đời Tống, quê ở Minh Châu, mỗi ngày thường trì tụng KINH KIM CANG. Có mang thai đã 28 tháng mà chưa sanh, than hình càng lúc càng gầy. Ngày nọ, ngẫu nhiên đứng tựa cửa, một bậc cao tăng đi ngang qua chăm chú nhìn, rồi bảo :

 

“Ngươi có căn lành, sao chẳng ấn thí KINH KIM CANG ngàn quyển ?”

Vương Thị y theo lời, lại trai tăng ngàn vị và tụng ngàn quyển KINH KIM CANG. Việc hoàn tất canh ba đêm ấy, cô mộng thấy vị thần cầm KIM CANG BẢO XỬ chỉ vào bụng. Khi thức dậy đã sanh hai đứa con TRAI nơi giường.

 

Từ đó VƯƠNG THỊ trì trai tụng kinh không thôi nghỉ. Đến năm 61 tuổi, cô bị bạo bịnh  chợt tắt hơi, thấy 2 sứ giả dẫn xuống ra mắt  MINH VƯƠNG. Sau khi trình bày mình đã tụng KINH KIM CANG từ lúc tuổi trẻ, cô được MINH VƯƠNG cho ngồi nơi giường bằng vàng bên mé điện, và  bảo thử tụng qua 1 biến kinh. Vương thị vâng lời tụng xong, vua hỏi :

 “Sao chẳng niệm chú bổ khuyết ?”

Cô đáp  : “Trên dương thế không thấy có bản chân ngôn ấy ?”

 

MINH VƯƠNG sai phán lại soạn trong đại tạng,  lấy bản CHÚ ra trao cho VƯƠNG THỊ  và bảo :

“Khi trở lại dương gian, nên lưu thong bản CHÚ này đừng sơ sót. Về sau ngươi mãn phần, sẽ được sanh thẳng sang thế giới CỰC-LẠC, không còn trở lại đây nữa !”

Sau khi hoàn sanh, VƯƠNG THỊ làm y theo lời chỉ dạy. Đến năm 91 tuổi, không bịnh mà TỌA HÓA.

 

CHƠN NGÔN BỔ KHUYẾT ấy như sau:

“ UM ! HÔ RÔ HÔ RÔ XẢ DUỆ MỤC KHẾ XÓA HA”

 

(

KIM CANG BỔ KHUYẾT CHÂN NGÔN :

Án, hô-rô, hô-rô, xả-duệ, mục-khế, -ha. 

KINH NHẬT TỤNG

)

 

Ta thấy, nếu KINH, LUẬT, LUẬN mà  bị THIẾU hay SAI SÓT, thì sẽ có PHẬT, BỒ-TÁT, THIỆN THẦN… tìm cách BỔ-KHUẾT trở lại.

 

NAM MÔ HỘ PHÁP CHƯ TÔN BỒ TÁT (3 lần)

 

 

BÀI SỐ 9

 

Ẩn tu nhớ đến đức sanh thành

Lắm lúc vì con chẳng tạo lành

Con lớn Mẹ Cha oằn gánh nghiệp

BẢO CHÂU đền đáp cũng mong manh !

 

NHƯ Ý : Vì thương lo cho con, mà lắm khi CHA MẸ sát sanh gian dối, Tạo nhiều nghiệp ác.

 TỬ LÂN pháp sư thở bé vì đầu thường Sinh rẻ, nên bà MẸ thường hay lấy chồng trắng trứng gà hòa với thuốc thoa để chữa trị, sau ngày xuất gia thành bậc cao tăng, được Đông Nhạc thánh đế cho biết vì lý do đó mà mẫu thân của  ngài bị đọa HỎA ngục, pháp sư phải lễ tháp XÁ LỢI của Phật ở chùa A DỤC VƯƠNG đến HÀNG muôn lạy để sám hối, mới độ thoát được mẹ sanh lên CÕI TRỜI, trong trường hợp đó đâu thể đem TỨ-SỰ cúng dường hay BẢO CHÂU mà cứu rỗi đền đáp được.

 

VÌ NHỚ ƠN CHA MẸ

 

Than ôi cha mẹ, sanh ta khó nhọc! Mười tháng mang thai mỏi nặng, ba năm bú sữa mớm cơm. Khi được nên người, chỉ mong ta nối dõi tông đường, tự thừa tiên tổ.

Ngờ đâu ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, không dâng cơm nước, chẳng đỡ tay chân. Cha mẹ còn, ta không thể nuôi dưỡng thân già. Cha mẹ mất, ta chưa thể dắt dìu thần thức. Chừng hồi tưởng lại thì, nước trời đà cách biệt từ dung, mồ biếc chỉ hắt hiu thu thảo. Như thế với đời là sự tổn lớn, với đạo lại không ích chi, hai đường đã lỗi, khó tránh tội khiên!

Nghĩ thế rồi, làm sao chuộc lại? Chỉ có trăm kiếp ngàn đời, tu Bồ Tát hạnh, mười phương ba cõi, độ khắp chúng sanh. Được như vậy, chẳng những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời, đều nhờ độ thoát. Chẳng những cha mẹ một người, mà cha mẹ nhiều người cũng được siêu thăng.

 

Đây là nhân duyên thứ hai PHÁT BỒ ĐỀ TÂM.

 

THẬT HIỀN ĐẠI SƯ
(Liên Tông Thập Nhất Tổ)

 

Tôn-giả Mục-Kiền-Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là ĐỊNH NGHIỆP.


 

ĐỊNH BÁO

 

 

Là quả báo nhất định phải chịu, không thể chuyển biến được, bởi sức nghiệp đã quá thuần thục, trong mười phần thành tựu cả mười )

Thuở xưa vua Lưu-Ly cử binh đến đánh dòng họ Thích, Ðức Thế-Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là định nghiệp.

Tôn-giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ Thích trên cung trời. Nhưng khi Lưu-Ly-Vương dẹp xong hàng Thích-Chủng, thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết. Ðây là một sự kiện chứng minh sức định nghiệp có công năng tuyệt đối mạnh mẽ.

Cho nên, chư Phật có  Tam năng” (ba việc làm được) và “Tam bất năng” (ba việc không làm được).

Có ba việc làm được là :


    1) Chư Phật có thể “KHÔNG” tất cả tướng, thông suốt tất cả pháp.

    2) Chư Phật có thể biết cùng tận nghiệp tánh của chúng-sanh, rõ thấu tất cả việc trong vô biên kiếp quá khứ và vị lai.

    3) Chư Phật có thể độ vô-lượng chúng-sanh.


Ba việc làm không được là :

1.        Chư Phật không thể diệt được định nghiệp của chúng-sanh.

2.       Chư Phật không thể độ những chúng-sanh vô duyên.

3.       Chư Phật không thể độ hết chúng-sanh giới.


Bởi thế, "SỨC NGƯỜI" cố nhiên là hữu hạn, nhưng "SỨC PHẬT" cũng không phải là TOÀN NĂNG.

Nếu chúng-sanh không tín hướng Ðức Như-Lai, không thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ-Tát cũng không thể hóa độ được.

Nếu chúng-sanh tín hướng Ðức Như-Lai, thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ-Tát cũng có thể hóa độ được.




NHƯ VUA LƯU LY, NẾU NGHE THEO LỜI CAN NGĂN CỦA ĐỨC PHẬT, THÌ ĐƯƠNG SỐNG KHÔNG BỊ ĐỌA VÀO ĐỊA NGỤC A TỲ ( LÀ SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG HỀ ĐƯỢC GIÁN-ĐOẠN). 

 

Cho nên, “NGHIỆP LỰC THÙ HẬN” của vua lưu-ly cũng thật sự  “BẤT KHẢ TƯ NGHÌ”, cho dù “ĐỨC PHẬT” cũng không thể ngăn cản được.


Tóm lại, nếu qúi vị “THỰC HÀNH ĐÚNG THEO LỜI ĐỨC PHẬT DẠY” thì chuyển “ĐỊNH-NGHIỆP” thành “BẤT ĐỊNH NGHIỆP”; chuyển “VÔ DUYÊN” thành “HỮU DUYÊN” ; chuyển “CHÚNG SANH KHÔNG ĐỘ ĐƯỢC”  thành “CHÚNG  SANH ĐỘ ĐƯỢC” phải không ? 


“Quét sạch tất cả nghiệp chướng khó trừ trong vô số kiếp trước 
của qúi vị đã tạo.”

 

 

Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không

Thế mới thật là chân sám hối.

 

LỜI BÀN:

Lại nữa, “Trong tâm chúng ta có cái gì thì bên ngoài có cái đó”. Nếu ta LỄ PHẬT, LỄ THÁP XÁ LỢI, TỤNG KINH, TRÌ CHÚ, NIỆM PHẬT, LÀM THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC…như “CÚNG-DƯỜNG” vào NGÀY RẰM THÁNG 7, rồi  hồi hướng cho“CHA MẸ”...đã mất thì họ hưởng được QỦA LÀNH an vui giải thoát. 

 

Nếu ta làm những VIỆC KHÁC VỚI THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC hồi hướng cho “CHA MẸ”... đã mất thì họ cũng hưởng được NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI LÀ THIỆN CĂN CÔNG ĐỨC, nên không biết khi nào họ mới được an vui giải thoát đây? 

 

Cho nên nói “Tất cả do tâm tạo” là vậy!

 

 

 

VƯƠNG NHỰT HƯU

 

Cư sĩ Vương Nhựt Hưu, tự Hư Trung, người ở Lư Châu. Triều vua Cao Tôn đời Tống, ông thi đỗ quốc học tiến sĩ, nhưng khước từ quan chức, về ở ẩn nơi quê nhà dạy học trò. Kế đó lại xếp bỏ việc giáo huấn, ăn chay trường, mặc áo vải, chuyên tu tịnh nghiệp.

 

Mỗi ngày cư sĩ khóa lễ Phật một ngàn lạy rồi niệm hồng danh.

 

Ông có trứ tác tập Long Thơ Tịnh Độ Văn, được lưu hành rộng nơi đời. Trong ấy lời lẽ giản dị, bao gồm nhiều thí dụ, khuyến hóa từ bậc vương công, quan liêu, sĩ tử, cho đến hàng thứ dân, đồ tể, nô tỳ, xướng kỷ, đều quy y niệm Phật. Cách lập luận của cư sĩ rất rõ ràng, tâm ý rất thành khẩn, khiến cho nhiều người cảm hóa tuân hành.

Năm Quý Tỵ trong niên hiệu Càn Đạo, ông Lý Ngạn Bậc ở Lư Lăng đau bịnh nguy ngập, mộng thấy một vị tự xưng là Long Thơ cư sĩ, bảo rằng:

 

“Khi thức dậy ngươi nên dùng cháo trắng, sẽ được an lành. Ngươi còn nhớ một thiện hữu là Khuyết Trọng Nhã đã khuyên về lối tu thẳng tắt chăng?”

 

Ngạn Bậc thưa:

“Vãn bối đã tuân hành theo, mỗi ngày đều có niệm Phật!” Sau khi thức giấc, ông bảo nấu cháo trắng ăn, quả nhiên bịnh thuyên giảm.

 

Ngạn Bậc liền dạy các con đến tìm Vương Nhựt Hưu để thọ huấn. Không bao lâu, các con trở về thưa:

 

“Long Thơ cư sĩ đã vãng sanh về Phật quốc. Ba hôm trước khi mãn phần, cư sĩ đi từ biệt khắp các thân hữu, khuyên họ tinh tấn tu hành, bảo mình sắp đi xa, không còn gặp nhau nữa. Tới ngày ông cho họp các môn sanh cũ lại giáo huấn, rồi khóa tụng như lệ thường. Đến canh ba, cư sĩ bỗng to tiếng niệm Phật vài câu, bảo:

 

“Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi!” Rồi đứng ngay thẳng mà hóa …”

 

Lý Ngạn Bậc thấy bức chơn dung của Vương Nhựt Hưu do các con mượn đem về, giống tạc người mình đã gặp trong giấc mộng, sanh lòng cảm kích, liền rước thợ khắc hình tượng Long Thơ cư sĩ, lại đem việc ấy truyền bá xa gần. Từ đó hàng thiện tín ở vùng Lư Lăng đều phát tâm niệm Phật.

 

Trong năm Hàm Hựu có ông Lư Nguyên Ích khắt lại bản Long Thơ Tịnh Độ Văn. Khi khác đến thiên Chúc Nguyện, nơi bản bộng nổi lên ba viên ngọc Xá lợi. Cha của ông là Lý Sư Thuyết có ghi chép việc ấy ở đầu thiên nầy.

 

 

BÀI SỐ 10

 

Ẩn tu nguyện trả nghĩa SONG  ĐƯỜNG

Hồi hướng công phu mỗi khóa thường

Lại khuyến nghiêm-từ tâm đạo phát

Nương thuyền Phật huệ đến Tây-phương.

 

NHƯ Ý : NGHIÊM TỪ là Nghiêm-phụ Từ-mẫu, LIÊN TRÌ đại sư bảo, ân nặng như non (Ngũ-Đảnh Tam-Sanh) chẳng đủ đền, Cha mẹ lìa Trần cấu, đạo con mấy thành tựu.

 

Ngũ-đảnh tức là Ngũ Đài hay gọi là núi Thanh Lương.

 

Chẳng vì PHÚ-QÚY lẫn cao-sang,

Cảm-cảnh mẹ hiền bệnh khổ mang.

Quyết-tâm lên tỉnh tìm phương thuốc,

Dứt bệnh MẪU TỪ dạ mới an.

Việc “thoát trần” kia nay tạm hoãn,

Nghiên tầm y-dược cứu lầm-than.

Chắp tay hướng đấng TỪ-BI lễ,

ĐỘ-TRÌ thân-mẫu sớm an khang.


Bốn năm nương bóng chốn AM-THIỀN,

Với mọi duyên đời đã tịch-nhiên.

Kinh-kệ, mõ chuông lòng thấy tịnh,

Cam-lộ rửa sạch mối oan-khiên.

Chắp tay kính bạch lên Hòa-Thượng,

Vĩnh-kiếp lòng con dạ vẫn kiên.

Xuất tự để lo tròn hiếu niệm,

Tạm biệt hồi gia cứu mẹ hiền.

 

Khá khen HIẾU-NIỆM chẳng quên lòng,

Mười chín tuổi tròn vẹn ước mong.

PHÙ-TỤC lợi-danh từ đấy lặng,

Sớm đáo THIỀN-MÔN tách bụi hồng.

Ơn-nghĩa mẹ-cha đều báo-bổ,

Thiên-đường, Phật-quốc chép ghi công.

BỆNH mẫu-từ ngươi nay đã dứt,

Đò neo, bến đợi kịp sang sông.

 

Giã-từ cậu má (CHA MẸ) con ra đi,

Ơn-đức sanh-thành dạ khắc-ghi.

Bên gối dập đầu con bái-biệt,

LẠY chào cha-mẹ phút phân-ly.

Phân-ly con biết nói lời chi,

Xuất-gia, xuất-giá cũng đồng đi.

Bước chân chẳng dám quay nhìn lại,

E nổi thâm-tình lệ ướt mi.

 

Nhớ xưa Bồ-Tát Tất-Đạt-Đa,

Trốn cha, lìa vợ vượt Tỳ-La.

Sáu năm tu-tập nhiều gian khổ,

Đạo-quả tròn nên Phật Thích-Ca.

Tôi cũng theo gương đức Bạc-già,

Bán dạ độ hà trốn mẹ-cha.

Vì sợ tử-sanh cam lỗi đạo,

Nguyện đấng huyên-đường chẳng xót-xa.

 

Nương thuyền bát-nhã lướt sang sông,

Bỏ cả huyên-đường cả ước mong.

Song-thân giờ chắc còn an-giấc,

Xin hiểu cho con một tấm lòng.

Hướng chốn thiền-môn chân bước đến,

Duyên-trần xin tạ, việc đời không.

Đường quê mờ khuất sau ngàn sóng,

Khuất hết người quen chốn bụi hồng.

 

Tụ-tán xưa nay lý vẫn thường,

Mất còn, tan-hợp bận chi thương.

Bình tâm nghĩ lại đừng bi-lụy,

Năm tháng lạnh-lùng bạc tóc sương.

Nếu có nhớ con xin niệm PHẬT,

Phát lòng quy hướng chốn Tây-Phương.

Nguyền cho cậu, má tâm thường nhớ,

Cực Lạc là quê chỗ náu nương.

 

 

KHEN HÒA THƯỢNG

NGƯỜI CON CÓ HIẾU

 

 

Báo-đáp sanh-thành, dưỡng-dục ơn,

THIỀN TÂM, VÔ NHẤT mấy ai hơn.

Khuyến-dắt song-đường tâm-đạo phát.

Niệm-Phật A-Di chí chẳng sờn.

Phương-liên rước mẹ về An-dưỡng,

Một sớm chào thầy đáo cõi chơn.

Nén hương kính-lễ khen Hòa-thượng,

Đạt-đạo hiền-tăng hiếu-tử nhơn.

 


Vô-Nhất Đại-sư

THÍCH THIỀN TÂM


 

TRI LỄ

 

Tri-Lễ đại sư, tự Ước Ngôn, người đời Tống, con nhà họ Kim ở Minh Châu. Cha mẹ lễ Phật cầu tự, mộng thấy thần tăng bồng một đứa bé trao cho và bảo: “Đây là Phật tử La Hầu La. Nên trân trọng!” Không bao lâu, đại sư đản sanh.

Năm lên bảy tuổi, ngài mất mẹ, THƯƠNG KHÓC MÃI, RỒI THƯA VỚI CHA CẦU XIN XUẤT GIA. Từ đó, ngài đắc độ với Hồng Tuyển thượng nhơn tại chùa Hưng Quốc ở Thái Bình. Được vài năm, đến chùa Bảo Vân nương theo Nghĩa Thông Pháp sư học về Thiên Thai giáo quán, một phen nghe qua, tỏ suốt ý nghĩa viên đốn. Trong niên hiệu Thuần Hóa, Thông Pháp sư quy tịch, ngài được thỉnh làm tọa chủ chùa Càn Phù. Kế đó lại đến viện Bảo Ân, hoằng dương về giáo quán, học chúng các nơi nghe danh hội về đông đảo.

Vùng Minh Châu bị hạn lâu, đại sư cùng ngài Từ Vân họp nhau tu Quang Minh sám pháp, hẹn nếu ba ngày không mưa, sẽ tự đốt một cánh tay. Đúng kỳ hạn, quả nhiên mưa to tiếp tục đổ xuống. Trong ba năm, từ niên hiệu Đại Trung đến Tường Phù, ngài trùng kiến điện Bảo Ân. Khi lạc thành, được vua ban cho hiệu: Sắc Tứ Diên Khánh Tự. Năm Tường Phù thứ sáu, đại sư lập hội Niệm Phật Thí Giới, thân làm sớ văn để khuyên răng:

“Vẫn nghe: Một niệm dung thông, muôn pháp không ngại, nhân gây có khác, quả cảm thành sai.

 Cho nên, thuận tánh tu hành, thì hiện mười phương Tịnh độ.

Theo tình tạo nghiệp, tất trôi sáu nẻo luân hồi!

Xét nghĩ cành duyên ở Ta Bà, phần giải thoát rất kém ít khó khăn, số đọa lạc lại dễ dàng đông đảo. Nên kinh nói:

“Được thân người như đất ở móng tay, đọa đường ác như đất miền đại địa!”

 

Tu đến ba thừa hạnh đủ, mới lìa bốn loại thọ sanh. Bởi trần cảnh mạnh thô, não phiền lừng lẫy, tự lực giải thoát, phỏng được bao người? Nếu sanh về Cực Lạc, thì cõi nước trang nghiêm, thân tâm thanh tịnh, thẳng đường thành Phật, chẳng đọa tam đồ. Kinh nói:

“Danh từ ác đạo còn không, huống chi có thật!”

Lại bảo:

“Chúng hữu tình sanh về nơi đây, đều là bậc A bệ bạt trí.”

Cho nên, muốn về An Dưỡng, phải niệm Di Đà, tu hạnh tinh tấn từ bi, tất được Phật nguyện nhiếp thọ. Đến khi xả báo thân, quyết sanh về Cực Lạc, đúng như lời KINH dạy, chẳng dám tự đặt bày.

Nay kết muôn người, để làm một xã, lòng lòng khẩn niệm, buổi buổi hạn kỳ. Mỗi tiết trọng xuân, họp về một chỗ, đồng nghe Phật pháp, đồng tu cúng dường, hiệp muôn lòng làm một chí, thành tịnh nghiệp thệ vãng sanh. Huống nữa mạng người trong kiếp trược, như ngọn đuốc giữa phong sương, một hơi thở chẳng vào, ba nẻo đường hiện trước.

Đâu nên tự buông lung, không nghĩ điều nghiệp báo. Phải gắng theo lời Phật, chớ thuận với tình đời. Duyên trần nguyện dứt kể từ nay, hiệu Phật chuyên trì đừng thối chuyển”.

Từ đó, mỗi năm vào ngày rằm tháng hai, chúng liên hữu đều câu hội lại chùa đồng tu tịnh nghiệp. Đại sư từng họp mười vị tăng, cùng tu Pháp Hoa sám pháp ba năm, hẹn ngày hoàn mãn, sẽ tự thiêu để cúng dường kinh và cầu sanh Tịnh độ.

Đến kỳ bị chúng cực lực ngăn trở, nên chí nguyện không thành. Sau ngài lại họp mười vị tăng, đồng tu ĐẠI BI SÁM ba năm, đốt ba ngón tay cúng dường Phật. Niên hiệu Thiên Hy thứ tư, Phò mã Lý Tuân Học DÂNG sớ tâu trình về cao hạnh của ngài, vua sắc phong cho hiệu là Pháp Trí đại sư, dạy nên trụ thế để hoằng dương chánh giác.

Đại sư nghĩ chư Tổ đời trước, khi xiển dương Tịnh độ, phần nhiều nói về sự tướng, ít chỉ dạy quán môn, nên duy tạm ứng thời cơ, chưa tỏ cùng tột lý viên đốn. Nhân đó, ngài soạn ra bộ Diệu Tông Sao gồm vài muôn lời, giải nói cùng cực lý u ẩn nhiệm mầu của QUÁN KINH, theo tông chỉ Thiên Thai giáo quán.

Đến năm Thiên Thánh, đại sư dựng ngôi Nhật Quán Âm, thường đến đó quán tưởng để cầu sanh Tây phương.

Về sau, khi khóa giảng kinh Duy Ma Cật hoàn mãn, ngài quyết biệt đại chúng, giao giảng tòa lại cho hàng cao đệ là Tổ Thiều, làm thi tạ duyên hẹn kỳ quy tịch. Năm sau, vào đầu niên hiệu Đạo Nguyên, ngày mùng tám tháng mười, đại sư nhiễm bịnh, khước từ thuốc thang, họp chúng lại nói lược về pháp yếu.

Kế đó ngài dạy thỉnh tượng Tây phương TAM THÁNH đến đảnh lễ, rồi đốt hương quỳ chúc nguyện với Đại Bồ Tát rằng:

“Con xét thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, ngàn trước không từ đâu đến, muôn sau cũng chẳng về đâu, cùng mười phương chư Phật, đồng trụ nơi thật tế. Nguyện xin cùng Phật và Đại Thế Chí Bồ Tát, chứng minh một nén hương của con, trước khi con về Cực Lạc!”

Đến chiều tối, đại sư sửa oai nghi ngồi nghiêm hướng về Tây. Chúng hỏi: “Tôn đức sẽ sanh nơi nào?” Đáp: THƯỜNG TỊCH QUANG tịnh độ!” Rồi im lặng thoát hóa, thọ 69 tuổi. Lúc ấy nhiều người thấy ngôi sao to rơi xuống đỉnh Linh Thứu Phong, ánh hồng quang rự rỡ.

Comments

Popular posts from this blog